VIẾT VỀ QUÊ NHÀ



TỰ BAO GIỜ EM ĐÃ YÊU QUẢNG TRỊ


  • Võ Thị Quỳnh


Em đã yêu Quảng Trị tự bao giờ?
Một tình yêu - nhạc không lời đầy biển động.
Có đá đổ mồ hôi ngàn năm dòng Thạch Hãn.
Có ngàn mai kiên cường thành Mai Lĩnh núi non.
Em từng yêu Quảng Trị tự bao giờ?
Một tình yêu - tranh phối màu đen trắng
Vô cùng nhiều phiên bản của sự sống
Hồi sinh vô lường trong và ngoài cõi âm dương.
Em đã yêu Quảng Trị tự bao giờ?
Một tình yêu - hơn gió Lào riết nóng.
Một tình yêu - mù sa mạc cát trắng
Chân chất mặn nồng,đằm thắm diết da,
Cay đắng ngọt bùi, hóa thân mưa nắng đời vui.
Em đã yêu Quảng Trị tự bao giờ?
Một tình yêu - không hằn chia cách,
Trái tim run bần bật, giọt lệ loang nụ cười,
Trên mắt nhỏ xuống núi đồi. Tự hỏi:

Đã từ bao giờ em yêu Quảng Trị của tôi? Tự hỏi:
Đã từ bao giờ em yêu Quảng Trị Của tôi?
___________________________________________________________________




QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ 
  • Võ Công Diên (NH 69-72)
 QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ nhạc Võ Công Diên
Mời nghe ca khúc tại:   https://www.youtube.com/watch?v=i48gX5MC_hs


Nhạc sĩ Võ Công Diên
1.
Tìm lại tuổi thơ đi qua
Nơi tôi sinh ra bên giòng Thạch Hãn
Tìm bóng con đò chiều trôi êm ả
Dong buồm về Cửa Việt chiều nay.

Tìm lại những dấu chân quen
Con đường xưa qua một thời đi học
Hình bóng quê nhà trăng nghiêng thành cổ
Để ta về Quảng trị quê hương.

Tôi tìm về tìm lại tuổi thơ tôi
Đây thôn Lam bên giòng sông Vĩnh Định
Nhớ mỗi chiều về em thường ra sông gánh nước
Dưới cội ngô đồng một dáng nón che nghiêng.

Tôi tìm về tìm lại tuổi thơ tôi
Đây Gio Linh mùa gió Lào cháy bỏng
Nhớ đêm Gia Môn chia tay người ở lại
Để bây giờ tiếc hoài tuổi thơ qua.

2.
Tìm lại tuổi thơ đi qua
La Vang nơi đây Thánh Đường chiều buồn
Ta nhớ năm nào dìu em sánh bước
Con nguyện cầu Đức mẹ hiển linh.

Tìm lại một chút hương quê
Nỗi buồn tha phương một đời lưu lạc
Nơi ấy quê nhà em thơ chờ đợi
Ngày anh về thăm lại quê hương.

Tôi tìm về tìm lại tuổi thơ tôi
Bên kia sông những ngày tôi đi học
Ngắm cánh phượng hồng sân trường mỗi trưa im lắng
Đứng đợi anh về vạt áo trắng em bay.

Tôi tìm về tìm lại tuổi thơ tôi
Đây Thi Ông người thương giờ vẫn đợi
Nhớ đêm trăng non chia tay người ước hẹn
Để bây giờ tiếc hoài một vầng trăng.

______________________________________________________________________





THỊ XÃ CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ TỪNG MỘT LẦN CHẾT

  • Nguyễn Bá Trình
Khi nói thị xã của những người từng chết, thường khiến ta nghĩ đến những nghĩa trang xinh đẹp sang trọng mà người chết thường là thân nhân của những kẻ giàu có. Họ muốn tỏ lòng thương tiếc người quá cố thật sự, mà cũng có thể đó là cách để người sống phô trương sự giàu có của mình. Biết đâu người nằm dưới lòng ngôi mộ có lối kiến trúc như một đền đài tráng lệ thu hẹp kia, lúc sống lại bị con cái ghẻ lạnh, có khi còn bị bỏ đói nữa là đằng khác. Ôí có nhiều nguyên nhân để người ta đổ tiền của ra để xây một ngôi lăng mộ cho thật hoành tráng. Mà biết đâu số tiền bỏ ra xây cất chỉ bằng một phần trăm phần ngàn số tiền thu lại được…

Nhưng mà thôi. Tôi không nói đến cái thị xã kiểu đó. Cái thị xã tôi nói ở đây là thị xã của những con người sống thực sự và họ là những người thực sự đã trải qua một cái chết. Có người được moi lên từ đống gạch vụn. Có người được đem về từ nhà xác sau khi bệnh viện hoặc trạm xá nào đó đã lập giấy chứng tử. Có người đã thấy tận mắt người nầy đã bị nổ tung trong một chiếc xe bị trúng mìn. Nhưng giờ thì người ấy vẫn còn sống sờ sờ ra đó. Vậy thì gọi thị xã nầy là gì?

Cái thị xã có đến trên mười ngàn người chết trong vòng ba tháng ấy! Tất nhiên không có sự thống kê người chết nào trên thế giới mà chính xác cả. Có người chết đã qua mấy cái giỗ lại lù lù trở về. Có kẻ đã chết mười đời tu huýt mà người thân vẫn nhận lương tháng đều đều. Đấy là chưa kể những người còn sống lồ lộ trước mắt mà thực sự tâm hồn họ đã bị giết chết do hoàn cảnh nghiệt ngã nào đó. Tôi trở về thăm thị xã của những con người như thế. Trong đó có một người thân thương nhất của đời tôi.

Tôi nhớ không sai ngày tôi rời xa thị xã nhỏ ấy, nơi tôi sống qua tuổi học trò của mình, đến nay là đã trên hai mươi năm. Không có gì khó, vì quê tôi chỉ cách thị xã chưa đầy mươi cây số và ngày đó tôi cùng bà con thị xã rời quê hương mình trong cảnh trên đầu thì đạn vãi như mưa, dưới chân thì ngổn ngang xác chết của người chạy loạn. Trong sóng người giẫm đạp lên nhau mà chạy đó có người tôi yêu. Một nữ sinh nhỏ hơn tôi hai lớp của trường trung học thị xã. Trường trung học NH.

Ra đi như thế có muốn quên, và tôi đã bao lần muốn quên, nhưng quên sao được. Tôi bay đi như con chim bị bão lùa. Quay cuồng, vùi dập, xác xơ. Mấy mươi năm sau lại quay về. Trong lòng nguyên vẹn những thương tích. Cùng với mặc cảm của người vô tình bạc nghĩa. Đi chi mà đi dữ rứa. Một người bà con đã vịn vai tôi khóc khi thấy tôi trở về.

Từ thành phố nơi tôi đang sinh sống, về quê chưa đầy mấy tiếng tôi đã vội vã lên thăm thị xã với hy vọng mỏng manh sẽ gặp lại vài người thân yêu cũ. Tất nhiên nếu họ còn sống sót.

-Xin lỗi, chị cho tôi hỏi, chị ở đây đã lâu chưa?
Người đàn bà ngồi ở ngưỡng cửa đang cho đứa bé ăn, nghe hỏi nhìn ra.
-Lâu rồi, có chuyện gì không anh?
-Tôi muốn hỏi con đường Quang Trung trước bảy lăm giờ là đường nào hả chị?
-Đường anh đang đứng đấy.
-Vậy thì bến xe thị xã hồi đó ở đâu?
-Tới đằng kia rẽ trái.
Tôi ngoảnh lại phía sau lưng, bên kia đường là một dãy nhà san sát. Mấy cái nhà cấp bốn như bị mấy ngôi nhà lầu kẹp chặt không thể vùng vẫy. Bán tín bán nghi tôi hỏi lại:
-Chị ở đây lâu chưa.
Chị cũng trả lời như lúc nãy:
-Cũng lâu rồi.
-Trước hay sau bảy lăm.
-Sau. Vợ chồng tôi đều là thương binh. Sau giải phóng được nhà nước cấp ngôi nhà nầy. Người đàn bà thở ra: Cả hai vợ chồng tôi chết đi sống lại giờ mới được được cấp ngôi nhà nầy đây anh à. Anh hỏi ai?
-Nhà một người bạn gái trước ngày giải phóng. Tôi nhìn quanh và nói - Nếu đây là đường Quang Trung và bến xe phía bên đó thì nhà người ấy chắc cũng là một trong mấy cái nầy.
Người đàn bà lắc đầu cười:
-Khi chúng tôi đến đây thì chẳng còn nhà cửa gì cả. Xe ủi đã san bằng để phân lô lại. Nhà nầy tôi xây năm… Người đàn bà nhìn lên phía trên bậu cửa có đúc hàng số ghi năm xây cất.
Tôi chào người đàn bà rồi lửng thững bước đi.

Cảnh cũ chẳng còn, người xưa cũng mất. Tôi không còn tâm trạng để dạo quanh tham quan nơi chốn mà trước đây lòng cứ thiết tha mong có một ngày trở lại. Tất cả đã hoàn toàn xa lạ.

-Anh gì đó ơi!
Tôi quay lại. Người đàn bà lúc nãy bước ra đường gọi vói theo.
-Có gì không chị?
-Cách đây năm nhà, người đàn bà chỉ tay hướng tôi đang đi, nói: Nhà của chị Ba, trước giải phóng là người của khu phố nầy. Anh đến đó hỏi thăm thử.

Tôi gõ cửa, một cô gái có lẽ mới qua tuổi học sinh chưa lâu bước ra.
-Chú hỏi ai?
-Chú có chút việc muốn hỏi thăm chủ ngôi nhà nầy.
-Chú đợi cháu đi gọi dì cháu.
Cô gái chạy lui nhà sau.

Một người đàn bà bước ra. Tôi không đoán được tuổi vì phía mặt bên trái của người đàn bà có vài vệt nám mầu đỏ hẩm, da láng căng. Có lẽ bà ta đã phải trải qua một cơn cháy bỏng khá nặng.
Một cái sẹo tuy không lớn nằm sát dưới cằm cũng đủ làm môi dưới của người đàn bà biến dạng để khó ai có thể nhận ra nét vẻ thời con gái của người đàn bà. Chỉ còn lại đôi mắt với hàng mi cong vút và chiếc mũi thẳng đủ để cứu vớt khuôn mặt người đàn bà lại cho có vẻ dễ coi. Chắc chắn người đàn bà nầy có một thời xuân sắc. Trên tay đang bưng li nước, người đàn bà hỏi:
-Anh hỏi ai? Giọng bà khản đặc.
-Xin lỗi chị ở đây từ trước giải phóng phải không?
-Dạ.
-Cũng ở trong ngôi nhà nầy?
-Làm gì còn ngôi nhà nào trước giải phóng. Anh muốn tìm cái gì đó trước giải phóng thì chỉ nước đào đất lên. Nói xong người đàn bà chăm chăm nhìn tôi. Có phải do mắt bà nhìn tôi không rõ chăng.
-Tôi muốn hỏi thăm một người. Trước cũng ở quanh quẩn đâu đây, gần bến xe thị xã. Người đàn bà gật đầu. Cái gật đầu xác nhận có cái gì đó trong câu nói của tôi là đúng, khiến tôi phấn khởi.
-Vậy anh hỏi ai?
-Hồng. Cô Nguyễn thị Hồng. Những năm bảy mươi cô ấy còn là nữ sinh trường trung học NH.
Tôi để ý thấy bàn tay người đàn bà cầm chiếc li bỗng nhiên run run như không có khả năng cầm chặt một vật gì. Tôi hốt hoảng kêu lên khi bà ta buông chiếc li rơi xuống đất. Một tiếng xoảng nước bắn tung tóe. Cô cháu ở dưới bếp chạy lên. Gọi lớn:
-Có sao không dì?
Người đàn bà lắc đầu rồi quờ quạng tìm chiếc ghế đẩu bên cạnh ngồi xuống. Tôi thảng thốt hỏi:
-Chị có sao không ?
Người đàn bà lại lắc đầu chỉ tay vào chiếc ghế còn lại có ý mời tôi ngồi. Đứa cháu vừa nhặt mảnh vụn vừa nói:
-Không sao đâu chú, lâu lâu có chuyện gì căng thẳng trong nhà dì cháu vẫn thường hay như vậy. Chỉ vài phút thì hết thôi.
Người đàn bà nhìn ra đường đôi mắt không tập trung. Giọng bà chưa hết cơn run rẩy.
-Khi nãy anh hỏi cô Nguyễn Thị Hồng phải không? Anh là gì của cô ấy.
Đáng lẽ thấy sức khỏe suy sụp của người đàn bà tôi nên khuyên bà vào nghỉ, nhưng khi nghe bà nhắc tên Hồng, tôi không tự chủ được vội chụp lấy hỏi.
-Tôi là bạn của Hồng thời trung học. Chị biết cô Hồng?
Người đàn bà hỏi lại:
-Chỉ là bạn thôi sao? Làm thinh một lát rồi bằng thứ giọng lạnh như nước đá bà nói:
-Hồng chết rồi. Chết trong cuộc chạy loạn năm bảy hai.
Bà nhìn hướng ra đường cái đôi mắt như vô hồn.
-Chị biết chính xác chứ.
-Chính xác. Sao, sau mấy mươi năm mới trở lại tìm? À mà chỉ bạn học thôi. Tình cờ đi qua rồi ghé hỏi thăm thôi. Người đàn bà như tự nói với chính mình, rồi lặp lại:
-Nguyễn thị Hồng chết lâu rồi.
Tôi thấy có giải thích cho người đàn bà hiểu rằng tôi yêu và thương nhớ Hồng mấy mươi năm qua như thế nào cũng chẳng ích chi. Bây giờ tôi chỉ muốn biết một điều là người đàn bà trước mặt mình có biết đích xác là Hồng đã chết chưa.
-Chị thấy tận mắt cái chết của Hồng hay chỉ nghe người ta kể lại?
Vẫn lạnh băng, giọng người đàn bà như thoát ra từ một xác ướp cách đây đã hàng trăm năm:
-Tận mắt.
Bất chợt tôi nhận ra có một cái gì đó của sự sống thoáng hiện trong ánh mắt vô hồn người đàn bà. Chỉ một thoáng thôi rồi trở lại vẻ không thần sắc.
-Chị có mệt lắm không? Nếu mệt thì chị vào nằm nghỉ. Tôi cảm ơn chị đã cho tôi biết cái tin vừa rồi
-Anh không muốn biết cặn kẽ cái chết của người bạn anh sao? Vậy thì xin phép tôi vào nghỉ.
-Dạ rất muốn nhưng ngại chị còn mệt.
-Không sao.
Giọng nói của người đàn bà chậm rãi có khi như muốn hụt hơi, kể lại tình hình hỗn loạn lúc bấy giờ. Mỗi lần thế tôi ái ngại:
-Chị mệt lắm không?
Người đàn bà lại lắc đầu. Bà kể tiếp:
-Gia đình tôi và gia đình cô ấy cùng định leo lên một chiếc xe quân sự lúc di tản. Nhưng Hồng không nhảy lên kịp phải bám vào chiếc xe sau. Chạy được chừng vài cây số đến quá Long Hưng thì tôi thấy xe của Hồng phía sau bốc cháy... Người đàn bà ngưng kể. Tôi cũng lặng người không hỏi gì thêm.

Kể đến đây hình như nỗi thống khổ đã đánh thức đôi mắt người đàn bà khôi phục thần sắc trở lại. Chợt bà quay sang nhìn tôi. Không biết trong ánh mắt nhìn của bà có cái gì đó làm tôi hốt hoảng. Tôi định tâm và tự nhủ có lẽ do mình quá xúc động vì cái chết của Hồng. Chợt người đàn bà vịn ghế đứng dậy và nói:
-Trước lúc chạy lui bám xe sau, Hồng ném cho tôi cái xách nhờ mang hộ. Trong đó tôi còn giữ cái nầy. Người đàn bà bỏ vào phòng. Lát sau bà liểng khiểng bước ra, trên tay cầm một mảnh giấy gì đó như là tấm ảnh. Người đàn bà chìa ra trước mặt tôi và nói:
-Anh xem có phải Hồng nầy không.
Nhìn kỹ . Hồng! Đúng là Hồng. Tôi không quên tấm ảnh nầy. Tôi và Hồng chụp trước cổng trường NH dưới gốc cây dương liễu. Đó là cuối năm Hồng học lớp đệ tam. Tôi quay sang người đàn bà định nói- Đúng là Hồng chị ạ. Nhưng tôi không nói được. Sau cái cảm giác thảng thốt là một nỗi buồn nhào trộn với nỗi tuyệt vọng: Vậy là Hồng đã chết thật rồi. Một chặp thật lâu tôi mới mở miệng được.Tôi nói với người đàn bà:
-Nếu được chị cho tôi xin tấm hình nầy.
Người đàn bà vẫn nhìn ra ngõ:
-Không. Đó là một kỷ niệm đau buồn đối với tôi. Cuộc đời thật kỳ lạ. Đôi khi con người ta sống được cũng nhờ biết giữ trọn vẹn cho mình những kỷ niệm đau buồn đấy anh ạ. Thấy người đàn bà đã quá mỏi mệt, tôi phải chào từ giả với một cảm giác thật kỳ lạ giống như khi phải xa một cái gì đó thật thân thuộc mà mình không còn có quyền giữ riêng cho mình nữa.

Tôi không đi xe ôm, muốn tản bộ một mình cho hết con đường, trước đây là đường Quang Trung mà tuổi thơ tôi hàng ngàn lần qua lại. Trong lòng chẳng buồn hỏi thăm ai một điều gì nữa.

Đi qua khỏi trường Trung học Phổ thông thị xã. Rẽ trái, tôi mường tượng ra vị trí ngôi trường NH, một thời tôi và Hồng đã học trung học ở đó. Nó phải cách chỗ tôi đang đi chừng năm trăm mét nữa. Và tất nhiên tôi cũng biết ngôi trường đó giờ cũng đã chôn sâu dưới mặt đất. Nhưng đến khúc đường mà tôi đinh ninh là vị trí ngôi trường xưa thì thấy nhà cửa hai bên cũng mọc san sát nhau.
Đành phải hỏi thăm thôi. Tôi ghé vào ngôi nhà bên đường:
-Anh cho tôi hỏi thăm, anh ở đây lâu chưa?
-Lâu, ý anh muốn hỏi là mấy năm?
-Tôi muốn hỏi ngôi trường Trung học NH trước giải phóng giờ ở đâu?
-À, chỗ đó bây giờ là Trường trung học thị xã mà anh mới đi qua đấy.
-Anh có nhầm không?
-Sao lại nhầm! Tôi là học sinh lớp đệ thất đầu tiên của trường NH đây.
Kỳ lạ thật. Tôi tự nhủ. Tôi nói:
-Vậy mà tôi cứ nghĩ tất cả những gì của cái thị xã bất hạnh nầy trước năm bảy lăm đều đã chôn vùi dưới mặt đất.
-Nghĩ vậy thì có gì sai đâu. Tôi cũng được người ta moi lên từ dưới mặt đất đây. Mà sao lại gọi thị xã nầy là thị xã bất hạnh? Thị xã anh hùng nhất nước đấy chứ. Anh cứ nghĩ trên mười ngàn người chết trong vòng ba tháng cũng vì giành giật cái mảnh đất mấy hec ta nầy.
Nói xong đôi môi của người đàn ông như bị co rút lại trong cái dáng vẻ khó biết là người nói muốn khóc hay muốn cười.
-Anh ở đâu mới đến hả? Chắc cũng là học sinh cũ của trường NH phải không?
-Dạ. Xin chào anh.

Tôi trở lại Trường trung học phổ thông thị xã. Anh giáo viên trẻ giới thiệu cho tôi vị trí của trường NH. Chỗ nầy trước kia là cổng, phía đó là dãy lầu hai tầng… Tôi lắc đầu tỏ ra không hiểu nổi và xót xa với ý nghĩ rằng có lẽ vài trăm năm sau người ta mới đào lớp đất tôi đang đứng đây để tìm hiểu về những sự thực được vùi lấp dưới đấy mà tôi là người trong cuộc cùng thời lại chẳng biết một điều gì cả.
-Chú ở nước ngoài mới về?
Tôi gật đầu. Dù tôi không phải ở nước ngoài về. Bạn đừng hiểu nhầm. Chỉ vì tôi thấy xấu hổ: Mình ở trong nước mà phải đợi đến mấy mươi năm sau cơn khói lửa mới trở về tìm tin tức những người thân yêu cũ. Hỏi còn tình nghĩa chỗ nào nữa mà trở về! Nhưng tôi có hoàn cảnh và tâm sự của riêng tôi.
Ngoài việc tìm kiếm tin tức của Hồng ra, tôi còn một điều tâm niệm nữa là tìm một thằng bạn thuở trung học. Quê nó trước kia thuộc ngoại vi thị xã nhưng nghe nói bây giờ đã nằm trong vùng quy hoạch thị xã mới. Thuở đi học tôi cũng thỉnh thoảng đạp xe đến nhà nó. Ăn cơm ở nhà nó mấy lần. Đường tới xóm cũ bây giờ tôi chỉ nhận ra được mỗi chiếc cầu đúc, còn tất cả đã đổi khác.

Tôi tìm hỏi những đứa trẻ. Cuối cùng phải đến mấy đứa tôi mới chộp được một thằng cu đang chạy xe đạp liếng thoắng ngược hướng về tôi. Chắc là nó tưởng tượng đang lái xe con hay xe tải gì đó. Hai chân đạp vù vù hai tay không ngớt bẻ vô lăng trái phải.
-Nầy cậu bé. Tôi đưa tay ra chận thằng cu lại. Nó hãm thắng gấp quá nên bánh xe sau trượt một đoạn mới dừng lại trước mặt tôi.
- Cho chú hỏi một chút. Ở khu nầy cháu biết có người nào cỡ tuổi chú mà tên Hoạt không?
Thằng bé im lặng suy nghĩ một đỗi.
-Dạ có, chú Năm Hoạt phải không? chú ấy chết rồi.
-Chú Hoạt chết rồi sao. Nhà chú ấy ở đâu cháu dẫn chú đến thăm một chút được không?
-Chú theo cháu. Đứa bé vui vẻ dẫn xe đi bộ cùng tôi.
-Nhà chú Hoạt ở đường nào để chú chở đi.
-Gần tượng đài.
Nhà thằng bạn hồi đó tôi nhớ, có ở bên tượng đài nào đâu. Rồi nghĩ ra mình ngớ ngẩn thật, giờ thì ở đâu mà chẳng có tượng đài. Theo tay cậu bé chỉ tôi lai nó và đạp gấp rút. Tôi bảo cậu bé:
- Đi nhanh một chút, chú phải về ga cho kịp chuyến tàu chiều.
- Về đâu?
-Vào thành phố.
-Thành phố đó xa không?
-Xa lắm phải đi tàu mất hai đêm một ngày.
Đi quanh co một chặp, đứa bé bảo dừng lại trước một ngôi nhà đúc có vẻ như mới xây.
-Nhà chú Hoạt đó. Nói xong đứa bé đạp xe vù chạy.
Một cậu con trai lớn hơn thằng bé khi nãy một chút trong nhà đi ra hỏi:
-Chú hỏi ai ?
-Chú muốn hỏi nhà chú Hoạt.
-Dạ cháu là Hoạt đây. Chú hỏi gì?
Tôi chưng hửng. Thằng bé bảo đây là nhà chú Hoạt cỡ tuổi mình đã chết rồi kia mà.
-Có lẽ chú nhầm, thôi chào cháu.

Lúc trở về đi qua thị xã sao tôi lại muốn đi bộ qua con đường Quang Trung một lần nữa. Đi nhưng giờ thì không tìm ai cả. Hồng đã chết. Đường phố chẳng còn ai quen. Rồi nghĩ lại người đàn ông được người ta moi lên từ dưới đất mà tôi gặp ban sáng. Trong chiến tranh nhiều chuyện phi lí đều có thể trở thành có lí. Vậy thì biết đâu Hồng chưa chết trong chuyến xe định mệnh kia và đang sinh sống tại một nơi nào đó. Ý nghĩ ấy thôi thúc tôi tìm hỏi một lần nữa dù không mấy hy vọng.

Hỏi mấy nhà gặp toàn người lạ. Hầu hết họ đều nói giọng Bắc. Điều đó có nghĩa là họ là cán bộ mới được cấp nhà sau nầy. Cuối cùng cũng gặp được một bà cố cựu ở đường nầy, trạc hơn tôi năm bảy tuổi. Bà khẳng định:
-Ai bảo cô Hồng chết trên xe? Cô Hồng đang sống ở ngôi nhà 120 đấy, anh đã đến đó hỏi chưa?
Tôi nói:
-Không phải. Tôi đã vào hỏi thăm chị ấy rồi. Chị Ba ấy trước đây là bạn của cô Hồng.
-Nói nghe lạ.Vậy thì tôi không biết.

Tôi lên chuyến tàu năm giờ chiều để về thành phố. Lên tàu rồi nhưng tôi vẫn đứng ở cửa lên xuống. Tôi muốn nhìn thấy thị xã một lần cuối trước khi tàu chuyển bánh. Trong đầu tôi lại hiện về hình ảnh những người tôi đã tìm gặp và những câu nói của họ." Vợ chồng tôi chết đi sống lại mới được cấp ngôi nhà nầy. Tôi cũng được người ta moi từ dưới đất lên…" Vậy thì tại sao không có trường hợp xe của Hồng nổ tung mà Hồng lại không thoát chết một cách kỳ diệu. Người đàn bà mặt nám bỏng đó là ai mà có được tấm hình của Hồng. Và câu nói:

Đôi khi con người ta sống nổi cũng nhờ biết giữ gìn trọn vẹn những kỷ niệm buồn, có ý nghĩa như thế nào? Lại bà hàng xóm kia sao cứ khăng khăng bảo nhà người đàn bà thương tật đó là nhà của Hồng!

Một tia sáng lóe lên trong đầu tôi. Đồng thời cùng lúc với tia chớp lóe ấy, cây cối nhà cửa trước mắt tôi lao nhào vun vút. Một tiếng thét đâu đó mơ hồ át đi trong tiếng rít của bánh tàu. Và khi tôi có cảm giác đầu mình chạm mạnh vào một cái gì đó cứng lắm thì tiếng rít của bánh tàu bỗng âm vang nghe như tiếng ai gào:
Đừng xa… đừng xa… đừng xa…, …

(15/7/2011)
_____________________________________________________________________
Trích từ tiểu thuyết
Một Ngày Cho Trăm Năm, NXB Văn Học, 8-2010.
Tác giả Nguyễn Bá Trình sinh ngày 03-9-1946 tại Lương Điền, Hải Lăng, Quảng Trị. Cử nhân toán, Đại học Sư phạm Huế. Giáo viên toán trung học phổ thông. Hiện nghỉ hưu. CHS Trung học Nguyễn Hoàng ,Quảng Trị.
____________________________________________________________________________

1 nhận xét:

  1. Đôi khi con người ta sống nổi cũng nhờ biết giữ gìn trọn vẹn những kỷ niệm buồn, có ý nghĩa như thế nào?

    Trả lờiXóa