Lê Ngọc Phái




HÃY YÊU


Hãy yêu trăng, sao, mây, nước, đất, trời
Yêu nắng, gió, mưa rơi, sương giá, tuyết
Sông, suối, biển, hồ, thác, rừng xanh biếc
Yêu núi, đồi, đồng lúa đẹp bao la
Yêu âm vang của dòng chảy hiền hòa
Chuyển phù sa vào đất mẹ yêu dấu
Yêu những ai có tấm lòng nhân hậu
Giúp đỡ người nghèo khó giữa trần gian
Yêu những bàn tay như bàn tay vàng
Đem nụ cười cho những ai đang khổ
Yêu những người mẹ, người cha lam lũ
Cả một đời vất vả chỉ vì con
Yêu những người hiếu thảo suốt đêm trường
Lo phụng dưỡng ông bà trên giường bệnh
Yêu những người biết thương người bất hạnh
Yêu những tượng đài, di tích anh linh
Những địa danh được muôn thuở tôn vinh
Yêu những thánh thất, đình, chùa, miếu, vũ
Những đền thờ, lăng mộ của tổ tông
Yêu những chiến công oanh liệt oai hùng
Đánh đuổi xâm lăng, giữ gìn xứ xở
Yêu những người đã làm nên lịch sử
Đã âm thầm ngã xuồng vì quê hương
Yêu hồi chuông vang vọng bên giáo đường
Những công trình mấy ngàn năm văn hóa
Những cây xanh, phố chiều trên đại lộ
Những mái nhà khói tỏa lúc hoàng hôn
Những buổi bình minh hoa, nắng ngập tràn
Yêu giang san gấm vóc thật tuyệt diệu
Tự hào thay bản trường ca muôn điệu
Em hãy yêu, hãy quý tổ quốc mình
Tình yêu ấy là tình yêu vô tận!
_______________________________________________



VƯƠNG VẤN

Vương vấn bao nhiêu sự ở lòng
Đến rồi chẳng lẽ trở về không
Gió chiều thoang thoảng vờn khe núi
Nắng sớm dịu dàng tỏa bến sông
Một kiếp phong trần say ý mộng
Trăm năm hồ thỉ quyện hương nồng
Cuộc đời thương quá dù hư thực
Lai láng ân tình sóng biển Đông.



GẶP LẠI BẠN

Chia tay mái trường
Anh và tôi như suối về muôn ngả
Gặp lại hôm nay giữa lòng biển cả
Mừng cho nhau đời đã mặn mà.

Anh đau đáu bao thăng trầm nhân thế
Tôi trở về chăm chút những chồi hoa
Dẫu biết cuộc đời nhiều khi bẫy hiểm
Cánh buồm đơn côi, phiến lá cuối mùa…


Nước mắt nhỏ xuống nỗi buồn thanh sạch

Trên môi mình chát mặn nắng hay mưa?



CÒN XANH MÃI

Mấy chục năm rồi mới gặp nhau
Giờ đây mái tóc đã phai màu
Trường xưa đổ nát thời chinh chiến
Lối cũ đau buồn cảnh bể dâu
Cuộc sống trần ai tràn giọt đắng
Công danh trắc trở cạn ly sầu
Khung trời kỷ niệm còn xanh mãi
Tình bạn thuở nào vẫn khắc sâu.




CHÉN RƯỢU TRI ÂM


Nào vui cho trọn đêm nay
Ly này cho bạn chén này cho tôi.
Nào nâng, cụng cả đất trời
Nhấp môi để thấy mây trôi bềnh bồng.
Nhấp môi để chạm dòng sông
Tiếng đàn tri kỷ ấm lòng Bá Nha.
Trăng đầy sóng sánh vai ta
Lắng trong cơn lũ băng hà nổi trôi.

KHÁT

Em nơi đâu
Phía vô cùng…
Lời thương bỏ ngỏ
Giữa chừng nhớ xanh
Khát em
Gầy cả cây cành
Bao nhiêu mặt nước giờ thành lũng khô.


TÌM

Ta tìm lửa giữa tro than
Ta tìm nắng giữa cúc vàng ngày xưa
Thời gian nhẹ cánh đong đưa
Hoa xoan rụng tím, trăng thưa nhớ người.


NẮNG VÀ EM

Lặng nhìn bóng ngả đầu sân
Nhớ em tóc xõa chiều xuân nắng ngà.
Một thời con gái đã xa
Mấy mươi năm trước như là giấc mơ.
Yêu em môi ngọt vào thơ
Trăng nghiêng bóng nắng khuyết chờ vào ta!


TRONG MƠ

Biết mấy mùa trăng bóng nhạt mờ
Chiều nay chợt thấy - nắng xanh mơ
Gặp lại người em nơi xứ lạ
Tuyết trắng tan trong nỗi đợi chờ!


CHIỀU CŨ

Về thương chiều cũ, người xa nhớ
Hoa mướp vườn em nắng nhạt rồi
Chim khách gọi gì nghe khắc khoải
Bưởi bòng vô cớ tự dưng rơi.


NỢ

Nợ em mấy buổi chiều tà
Bến sông nợ gió
Bông hoa nợ mùa
Nợ người thăm thẳm nắng mưa
Thương nhau trả đến bao giờ mới xong!



QUA CẦU VẪN EM

Bao giờ cho đến… bao giờ
Cát vàng gọi sóng nghe bờ biển thưa
Bồi hồi nắng mới ban trưa
Cuộc đời đã vội chiều vừa điểm sương.

Nhớ vườn trăng cũ yêu thương
Về đây gặp lại làn hương tình đầu
Ngày xưa “cởi áo cho nhau…”
Bây giờ nhìn áo qua cầu, vẫn em!


HÒA NHỊP

Giữa khuya, lặng nhìn em ngủ
Êm đềm nhịp đập con tim
Nụ hoa giật mình chớm nở
Bao năm khao khát đi tìm…


SÓNG

Khi sóng tình trỗi dậy
Ta tan vào mắt nhau
Sông lần đầu biết chảy
Biển lần đầu biết sâu
______________________________________



ĐẾN HÀM TÂN, NHỚ DÁNG THẦY
(Để tưởng nhớ thầy Thái Mộng Hùng và thầy Lê Văn Quýt đã tham dự buổi họp mặt cùng với chúng em tại Hàm Tân ngày 11.4. 2006)

Hàm Tân (1) tái ngộ buổi chiều nay
Chạnh tưởng năm nao bóng dáng Thầy!
Sóng biển rì rào rung nắng gió
Rừng dương xao xuyến vút trời mây
Nguyễn Hoàng (2) tha thiết tìm đâu nhỉ?
Quảng Trị thân thương ở chốn này?
Cho dẫu sông đời bao thác lũ
Nhịp cầu Quê Mẹ vẫn còn đây.

Còn đây hình ảnh mái trường xưa
Kỷ niệm thư sinh chẳng xóa mờ
Giọng nói thật thà vang cả lớp
Nụ cười rạng rỡ đến trong mơ
Ngoài sân rộn rã giờ tan học
Trước cổng nôn nao phút đợi chờ
Áo trắng phai màu, trang giấy cũ
Phượng hồng tô thắm chuỗi ngày thơ.

Ngày thơ sánh bước với thời gian
Tóc ngã hoa râm mộng chẳng tàn.
Xuống biển, băng đồng khi khốn đốn
Vượt đèo, lội suối lúc lầm than.

Xuân về gió sớm lời oanh kể
Hè đến trăng khuya tiếng dế đàn.
Chinh chiến mấy mùa bom đạn thế
Khung trời Hoàng Thị vẫn bình an.

Bình an trở lại với quê hương
Ngơ ngác nhìn nhau giữa phố phường
Trường cũ tiêu tan người mỗi ngả
Lớp xưa li tán đứa mười phương.

Nơi anh lúa chín vàng bên ngõ
Xứ bạn hoa thơm rộ khắp đường
Bằng hữu, Thầy Cô tình nghĩa nặng
Nguyễn Hoàng sống mãi vạn niềm thương.
_______________________________________________________

(1) Huyện Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận, nơi người dân Quảng Trị di tản đến ở trong mùa hè năm 1972.
(2) Trường Trung học Nguyễn Hoàng thành lập năm 1952 tại tỉnh lỵ tỉnh Quảng Trị, đã bị bom đạn làm đổ nát trong mùa hè đỏ lửa 1972 cùng với tỉnh lỵ Quảng Trị.
_____________________________________________________________


MIỀN TRUNG LỤT BÃO

Miền Trung lụt bão giữa mùa đông
Mái tốc tường xiêu thật não lòng
Đất lở ì ầm, đường nghẽn lối
Mưa tuôn xối xả, nước tràn sông
Thương sao đồi núi cây tan tác
Xót quá ruộng nương lũ hãi hùng
Đời sống dân nghèo thêm khốn khổ
Mùa màng tuy có cũng như không


VỌNG MÃI TIẾNG VE

Bao năm phiêu bạt tha phương
Nhưng lòng vẫn nhớ mái trường ngày xưa...
Mẹ cha lận đận muối dưa
Thầy Cô vất vả nắng mưa dãi dầu.
Dòng đời bao nỗi bể dâu
Mỗi người mỗi ngả nhớ nhau khó về
Tuổi thơ vọng mãi tiếng ve
Tự dưng khóe mắt ướt nhòe, phượng ơi!!!



THƠ THÁNG 7



    Thụy Sĩ xuân 2013. Ảnh: Lê Ngọc Thế Phiệt
    KHÔNG ĐỀ

    Có gì là lạ mà thao thức?
    Hình như trời đã chớm heo may
    Thời gian lặng lẽ trên màu tóc
    Sợi khói đời ta mỏng mỗi ngày!


    ĐÊM QUẢNG NGÃI

    Vẳng tiếng cơm gà – đêm Quảng Ngãi
    Nỗi buồn lắng xuống cuối sân ga
    Tiếng rao chân chất mà thương lắm
    Em đãi người xa… độc món gà!


    THƯƠNG LÁ

    Rừng nghiêng đổ nắng bao giờ?
    Hồn cây xác lá bơ vơ nhánh gầy
    Ta cầm se sắt heo may
    Chợt thương chiếc lá nặng đầy gió sương.


    CHÙM THƠ NHÀ XƯA
    (Nhân dịp Father’s Day, 16-6-2013)


      Tấm hình này chụp khoảng một năm trước ngày Cha mất

      BÓNG CẢ

      Từ trên chín bậc cao xanh
      Mẹ cha để lại phúc lành cháu con
      Dấu chân bậc cửa đã mòn
      Phía hư không ấy biết còn bão giông?
      Tình cha nghĩa mẹ - cánh đồng
      Thảo thơm cây trái dòng sông đắp bồi
      Mẹ cha dẫu hóa mây trời
      Vẫn như bóng cả cây đời chở che.





      NGÀY CHA MẤT
      (Cha mất 16.12 năm Ất Hợi - 04.02.1996)

      Bút tích của Cha ở mặt sau tấm hình trên
      Cha đi gió nổi bờ đông
      Mẹ buồn nước mắt lưng tròng xót thương
      Phu thê sáu chục năm trường
      Sớm khuya ấm lạnh con đường trần ai
      Hồn cha lặng lẽ về trời
      Tim con đau nhói không lời thở than
      Một đời lắm nỗi gian nan
      Bôn ba xuôi ngược lo toan gia đình
      Lắm khi túng thiếu vây quanh
      Đến ngày con cháu nên danh mất rồi
      Thương cha thương mãi cha ơi!


      MẸ VỀ
      (Mẹ mất ngày 14.10 năm Mậu Dần - 02.12.1998)

      Mẹ về cùng ánh trăng rằm
      Lặng soi sáng chỗ con nằm ngày thơ
      Lo con nắng tạt mưa lùa
      Mẹ, khi vào đất vẫn chưa dịu lòng!


      NHÀ XƯA

      Nhà xưa vắng bóng mẹ hiền
      Sân xưa vắng bóng cha bên khóm lài.
      Tưởng như mẹ bận chợ mai
      Cha ra phố huyện chiều phai, lỡ tàu.
      Gọi Người biết gọi nơi đâu?!
      Nhấp nhô hương khói trên màu cỏ xanh!


      CHIỀU ĐÔNG NHỚ MẸ

      Về thăm quê mẹ chiều đông ấy
      Mưa bụi rây rây trắng cánh đồng
      Én nhỏ theo nhau về trú lạnh
      Để làn mây xám ngập tầng không
      Mai vừa bứt lá cành đơm nụ
      Ngậm rét đào phai điểm chấm hồng
      Rộn rã chợ quê thời bão giá
      Thương người thao thức cảnh ăn đong
      Giao thừa chạnh nhớ ngày thơ ấu
      Lòng mẹ bao dung - bếp lửa nồng.


      MẸ

      Thương mẹ trọn cuộc đời
      Tháng năm dài lam lũ
      Chiến tranh và gian khổ
      Mẹ tảo tần ngược xuôi.

      Minh họa: PĐQ
      Từ La Duy, Ngô Xá
      Đến Thành Cổ, Sơn Trà
      Ngón chân tòe trên đá
      Gió cát hằn trên da.
         
      Mẹ dìu đàn con dại
      Bước qua bao nỗi buồn
      Bước qua bao nước mắt
      Bước qua trời đạn bom.

      Khi đất nước thanh bình
      Mẹ trở về chốn cũ
      Mái nhà xưa nát đổ
      Phố xá cũng tan tành.

      Mẹ ngậm ngùi ra đi
      Về đâu miền đất mới?
      Những tháng năm còn lại
      Mẹ như dấu chim di.

      Bao năm rồi xa mẹ
      Là bao năm nhớ Người
      Chiều nay bên mộ mẹ
      Khóc phận mình cút côi.

      Quảng Trị dấu yêu ơi!
      Từ thuở tuổi nằm nôi
      Những ngày xưa thân ái
      Thương hoài dáng mẹ tôi.


      EM TÔI

      Sinh ra trong chiến tranh
      Lớn lên trong nghèo khó
      Lấy chồng tuổi hăm ba
      Sinh con càng thêm khổ.

      Ngày đất nước yên bình
      Theo chồng rời thành phố
      Cuộc sống mới khó khăn
      Biết bao điều bỡ ngỡ.

      Em bỏ làng ra đi
      Tìm phương Nam nương cậy…
      Sáng ra chợ Bà Tô
      Chiều về đi làm rẫy.

      Bán mặt cho đất bụi
      Bán lưng cho nắng trời
      Miễn sao nuôi con khỏe
      Lớn lên được nên người…

      Nay mái tóc sương pha
      Tuổi già vui con cháu
      Hạnh phúc thật đơn sơ
      Như những chùm quả ngọt.
      ANH TÔI

      Từ thuở thiếu thời cho đến nay
      Nắng mưa sương gió trải bao ngày
      Mấy phen lận đận nhiều gian khổ
      Đôi lượt thăng trầm lắm đắng cay
      Hiếu để hai bên đều trọn vẹn
      Nghĩa tình tứ phía mãi cao dày
      Gương anh tỏa sáng trong dòng dõi
      Truyền thống gia đình quý báu thay!
      _________________________________________________________________________________


      NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ
      - o0o -

      LỜI NÓI ĐẦU

      Tập thơ “Những dấu ấn lịch sử” gồm 88 bài thơ Đường luật viết về lịch sử Việt Nam từ đời Hùng Vương cho đến cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Yên Bái năm 1930. Mỗi bài thơ còn kèm theo hình ảnh và chú thích để minh họa thêm nội dung. Do phải tham khảo và tổng quan nhiều tài liệu cũng như sự đòi hỏi chuẩn xác của thơ Đường luật và lịch sử nên thời gian biên soạn tập thơ kéo dài trong nhiều năm.Tập thơ hoàn thành nhờ sự góp ý nhiệt tình của nhà thơ Hoàng Vân (PCN/CLB Nghiên cứu và Sáng tác thơ Đường luật Việt Nam), Trà Kim Long, Nhất Chi, Hoài Nhơn, Trần Văn Dật (tác giả hai cuốn tự điển “Vần bằng tiếng Việt” và “Vần trắc tiếng Việt”) và đặc biệt là Thượng tọa Thích Thiện Thông (Trụ trì chùa Sắc Tứ Minh Thiện Diên Khánh, Khánh Hòa), Đại lão Trương Quân, bào huynh Lê Ngọc Kha và hiền thê Nguyễn Thị Tuyết Mai của tôi. Không biết nói sao để có một lời cảm tạ ý nghĩa và đầy đủ nhất với các thi huynh thi hữu đã tận tình bàn bạc và trao đổi với chúng tôi trong những năm tháng qua. Xin nhận ở tôi lòng tri ân chân thành và mong tình thơ và tình huynh đệ chúng ta mãi mãi bền chặt. Những bài thơ và phần chú thích cũng như hình ảnh liên quan được xây dựng dựa vào các tư liệu của các học giả, các sử gia, những cuốn sách lịch sử và những bài viết trên internet, chúng tôi góp nhặt mỗi nơi một ít nên không ghi tên nguồn tham khảo rõ ràng ngay sau phần chú thích của mỗi bài thơ được. Xin được cảm thông cũng như nhận ở tôi lòng biết ơn sâu sắc. Điều mà bản thân chúng tôi chưa yên tâm là những dấu ấn lịch sử trong tập thơ này chỉ giới hạn trong khoảng thời gian từ năm 1930 trở về trước, như vậy, còn những giai đoạn lịch sử quan trọng khác sau năm 1930 đến cận đại chưa được đề cập tới. Ngoài ra, các anh hùng, danh nhân lịch sử trong giai đoạn chúng tôi nghiên cứu cũng chưa hoàn toàn đầy đủ. Đó là điều làm chúng tôi thấy mình vẫn còn mắc nợ nhiều lắm nhưng do công việc hơi vất vả và thời gian kéo dài khá lâu nên chúng tôi tạm ngừng để xuất bản, mong nếu được tiếp tục chúng tôi sẽ hoàn thành nốt những gì còn thiếu… Mặc dù đã cố gắng nhiều nhưng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót trong tác phẩm này. Rất mong nhận được nhiều ý kiến xây dựng của độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn.

      Số ấn phẩm “Những dấu ấn lịch sử” xuất bản lần thứ nhất vào cuối năm 2014 đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả, đặc biệt là quý thầy cô, các bạn đồng hương, đồng nghiệp, đồng môn, các thân hữu và sinh viên cũ của chúng tôi ở trong nước cũng như hải ngoại. Qua đây, tôi xin chân thành gởi lời cám ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm yêu mến của quý độc giả đối với NDALS trong lần xuất bản thứ hai này.
      Xin trân trọng.

      Những ngày đầu tháng 2/2015

      Lê Ngọc Phái


      ___________________________________________________________________



      CHÙM THƠ KỶ NHÀ THỤC



      THỤC PHÁN DẸP TẦN

      Dẹp Tần xâm lược trước công nguyên
      Thục Phán lên ngôi nắm chủ quyền
      Doanh Chính thu quân về bản xứ
      Đồ Thư bỏ mạng giữa nam thiên
      Nhân dân hưởng ứng từ nhiều phía
      Chiến thắng bừng lan khắp mọi miền
      “Vườn trống nhà không” vui trở lại
      Quê hương Âu Lạc sống bình yên.


      AN DƯƠNG VƯƠNG (257 TCN - 207 TCN)
      (Mượn vần bài thơ An Dương Vương của Hương Thu. LNP)

      Biết bao sự tích giữa đời thường
      Nhắc đến cơ đồ kỷ Thục Vương
      Đánh đuổi quân thù danh vạn thuở
      Dựng xây thành lũy tiếng ngàn phương
      Tin lòng Công Chúa thua Linh Trão
      Mắc kế Triệu Đà khóc đại dương
      Giếng Ngọc hóa nâu vì nội gián
      Tình thâm phụ tử lệ mờ gương!


      THÀNH CỔ LOA


      Gian khổ nhường nào đắp Cổ Loa
      Kỳ công Thục Phán dựng sơn hà
      Kim Quy hộ pháp yên thành lũy
      Thần Nỏ khí tài giữ quốc gia
      Dân chúng vững lòng xây hạnh phúc
      Quân thù khiếp vía dẹp can qua
      Chín vòng trôn ốc trông đồ sộ
      Doanh trấn uy nghi rạng nước nhà.

      CHUYỆN MỴ CHÂU



      Tình hiếu đôi bên thật khó lường

      Nỏ thần trấn vật của Dương vương

      Cơ đồ vững chắc theo dâu bể

      Sự nghiệp tan hoang luống đoạn trường

      Máu đổ vì yêu nào dám tiếc?

      Thân về với nghĩa há kêu thương?
      Còn đây giếng Ngọc màu nâu ửng
      Gẫm cạn suy xa ấy chẳng thường.


      _______________________________________________________________________


      HAI BÀ TRƯNG
      (Tưởng nhớ Trưng Trắc và Trưng Nhị nhân kỷ niệm 1971 năm ngày Hai Bà hy sinh)

      Năm bốn mươi trong thế kỷ đầu
      Hai Bà Trưng đại phá Luy Lâu
      Mê Linh tuốt kiếm kinh hồn giặc
      Tô Định ôm lòng bạt vó câu
      Việc nước lo xong tình thắm đượm
      Thù nhà rửa sạch nghĩa bền sâu
      Hán triều thua trận lòng sôi sục
      Nhị tướng lên ngôi thật nhiệm mầu!
      ___________________________________________________________
      Hai Bà Trưng, tên gọi chung của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, là hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên của đất nước Việt Nam. Các Lạc tướng Mê Linh ( Vĩnh Phúc) và Chu Diên (Vĩnh Yên) có ý chống lại sự cai trị tàn bạo của quan Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định, Tô Định bèn bắt giết Thi Sách chồng của Trưng Trắc để trấn áp tinh thần người Việt. Tháng 3, năm Canh Tý (40), Hai Bà Trưng nổi binh đánh hãm thành Luy Lâu (Bắc Ninh) quận trị của Giao Chỉ. Tô Định phải chạy về trốn ở quận Nam Hải. Lúc bấy giớ các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng. Chẳng bao lâu quân của Hai Bà lấy được 65 thành trì. Hai Bà được tôn lên làm vua là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Tháng 1 năm Tân Sửu (41), nhà Hán cử tướng Mã Viện đem đại binh sang đánh trả thù. Quân Hai Bà Trưng non yếu không đương nổi với giặc, sau một thời gian chống cự thì vỡ tan. Hai Bà chạy đến xã Hát Môn (Sơn Tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát Giang tuẫn tiết. Hôm ấy ngày 6.2 năm Quý Mão (43). Hai Bà Trưng làm vua được 3 năm nhưng lấy cái tài trí của người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy là tiếng thơm để muôn đời.

      ______________________________________________________________

      Tưởng nhớ Khúc Thừa Dụ
                                       [Nhân 1107 năm ngày mất của ông (907 - 2014)]

      Khúc Thừa Dụ khởi nghiệp Giao Châu
      Dân chúng theo ông chống giặc Tàu
      Chỉnh đốn binh quyền thêm vững chắc
      Kiện toàn lực lượng để dài lâu
      Nhà Đường suy yếu đành công nhận
      Đất Việt mừng vui thỏa nguyện cầu
      Khép lại nghìn năm thời Bắc thuộc
      Xây nền tự chủ rạng muôn sau.
      _______________________________________________________________________

      Khúc Thừa Dụ quê ở Trang Cúc Bồ (nay thuộc xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Năm 906, trong châu có loạn, dân chúng cử Khúc Thừa Dụ lên làm tiết độ sứ để cai trị Giao Châu. Nhà Đường bấy giờ đang suy yếu đành phải chấp nhận. Khúc Thừa Dụ xây dựng chính quyền dựa trên danh xưng chính quyền đô hộ nhưng thực chất là một chính quyền độc lập. Ông được xem là người mở đầu chính sách ngoại giao khôn khéo của người Việt đối với phương Bắc “độc lập thực sự, thần thuộc trên danh nghĩa”. Lịch sử ghi nhận công lao của ông như là người đầu tiên đặt cơ sở lấy lại nền độc lập dân tộc từ khi nước Nam Việt rơi vào tay nhà Hán, đưa dân Việt thoát khỏi ách thống trị hơn 1000 năm của phương Bắc. Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất. Dù ông không xưng vương xưng đế, nhưng đời sau nhớ ơn và gọi ông là Khúc Tiên chủ.
      Con ông là Khúc Hạo hay Khúc Thừa Hạo lên thay cha làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân. Nhà Hậu Lương lên thay nhà Đường công nhận Khúc Hạo làm “An Nam đô hộ, sung Tiết độ sứ”. Khúc Hạo đã kế tiếp sự nghiệp của cha một cách tài tình để củng cố sự nghiệp độc lập của Việt Nam lúc đó từ tay Trung Quốc.

      __________________________________________________________________________





      VUA HÙNG


      Hùng Vương dựng nước hiệu Văn Lang
      Từ buổi sơ khai mảnh đất vàng
      Mười tám đời vua bao tuế nguyệt
      Mười lăm bộ tộc một giang san
      Yêu thương bá tính vun nguồn cội
      Phòng chống ngoại xâm giữ bản làng
      Hơn bốn nghìn năm trang sử Việt
      Trống đồng thuở ấy mãi âm vang.
      _____________________________________________
      Hùng Vương hay Vua Hùng là tên hiệu chung của các vị vua trong 18 đời vua thuộc họ Hồng Bàng. của nước Văn Lang. Dưới vua có các quan Lạc hầu và Lạc tướng giúp việc. Văn Lang là quốc hiệu nhà nước đầu tiên của Việt Nam, gồm 15 bộ tộc hay bộ lạc, đóng đô ở Phong Châu - Phú Thọ. Đứng đầu bộ lạc là Lạc tướng, đứng đầu bản làng là Bố chính hay Già làng. Để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, từ ngàn xưa dân tộc Việt Nam đã tổ chức ngày giỗ các Vua Hùng và gọi là Ngày Giỗ Tổ. Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, từ thời Thục Phán - An Dương Vương. Đến năm 1917, năm Khải Định thứ 2, Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày "Quốc Tế" (tức là ngày “Quốc Giỗ”). Kể từ đó, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm đã trở thành ngày “Quốc Lễ”, ngày thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.. Trong dân gian Việt Nam có câu ca dao lưu truyền từ xưa tới nay:
      Dù ai đi ngược về xuôi

      Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba.

      ___________________________________

          
      TRUYỀN THỐNG ĐÁNH GIẶC NGUYÊN MÔNG


      LẦN THỨ NHẤT 
      (Năm 1258)

      Nhà Trần anh dũng đuổi quân Mông
      Gìn giữ biên cương giống Lạc Hồng
      Trần Hoẳng (2), Thái Tông (1) đều xuất trận
      Lê Tần (3), Quốc Tuấn (4) quyết ra công
      Lời tâu Thủ Độ (5) xuyên trời thẳm
      Trận đánh Thổ dân (6) dậy đất hùng
      Đông Bộ Đầu xua tan giặc Ngột (7)
      Khải hoàn ca trỗi khắp non sông.


      LẦN THỨ HAI VÀ BA 
      (Vào các năm 1285 - 1287 - 1288) Lịch sử đánh Nguyên thật tuyệt vời
      Quân dân hùng dũng giữ cơ ngơi
      Lão, Trần, Trọng, Toản (8) gương cao đẹp
      Duật, Khoái, Tượng, Kiêu (9) tiếng rạng ngời
      Quang Khải, Khánh Dư (10) tài cứu nước
      Nhân Tông (11), Hưng Đạo đức lưu đời
      Diên Hồng hội nghị: Hòa hay chiến?
      Bô lão đồng tâm: Quyết chiến thôi!

      Bô lão đồng tâm: Quyết chiến thôi!
      Giặc Tàu thua trận máu xương rơi
      Thoát Hoan liều mạng chui vào ống
      Ô Mã (12) bỏ quân chạy lấy người
      Lý Quán, Toa Đô đều mất xác
      Sài Thung, Phàn Tiếp cũng cong đuôi
      Bài ca thắng lợi vang muôn nẻo
      Dân chúng hò reo rộn tiếng cười.


      Dân chúng hò reo rộn tiếng cười.
      Nhưng lòng Tất Liệt (13) tựa dầu sôi
      Sai thuyền chở lính ra sông biển
      Lệnh tướng điều binh vượt suối đồi
      Phàn Tiếp, Mã Nhi (12) đều bị bắt
      Thoát Hoan, Văn Hổ (14) suýt đầu rơi
      Quân Nguyên thất trận thêm lần nữa
      Đại Việt bình yên thuận ý trời.
      _______________________________________________________
      (1) Trần Thái Tông (1218-1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần.
      (2) Thái tử Trần Hoẳng (1240-1290) lên ngôi hiệu là Trần Thánh Tông, vị vua thứ hai của nhà Trần.
      (3) Lê Tần còn gọi là Lê Phụ Trần.
      (4) Trần Quốc Tuấn (1228-1300) còn gọi là Trần Hưng Đạo, Hưng Đạo Vương hay Hưng Đạo Đại Vương.
      (5) Trần Thủ Độ.
      (6) Trận đánh của Thổ dân người Tày ở Quy Hóa do Hà Bổng cầm đầu.
      (7) Ngột Lương Hợp Thai (Uryangqatai), tướng Mông Cổ chỉ huy quân xâm lược Đại Việt lần thứ nhất.
      (8) Phạm Ngũ Lão, Lê Phụ Trần, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản.
      (9) Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái, Dã Tượng, Yết Kiêu.
      (10) Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư.
      (11) Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị vua thứ 3 của nhà Trần.
      (12) Ô Mã Nhi.
      (13) Hốt Tất Liệt (1215-1294) là Hoàng đế của nước Trung Hoa, người sáng lập ra nhà Nguyên (1271).
      (14) Trương Văn Hổ.


      ____________________________________________________



      TƯỞNG NHỚ TÔ HIẾN THÀNH

      Tô Hiến Thành

      Thấu lẽ đạt tình - Thái phó Tô
      Giúp cho Thiên Tộ (*) dựng tiền đồ
      Đánh tan Chân Lạp thêm uy lực
      Chinh phạt Chiêm Thành vững thế cơ
      Gia Cát thời xưa cười giữa cuộc
      Hiến Thành thuở ấy khóc trong mồ
      Vua tôi một lũ làm vong bại
      Triều Lý suy tàn hận đế đô. (**)





      ______________________________________________ 
      (*)  Thái tử Thiên Tộ lên ngôi tức là Lý Anh Tông.
      (**)  Năm 1179, khi vua mới 6 tuổi thì Tô hiến Thành ốm nặng và mất (ngày 22 tháng 6 năm Kỷ Hợi). Trước khi mất ông tiến cử Trần Trung Tá, người có thực tài thay mình phụ chính nhà vua. Mặc dầu người đương thời cũng như đời sau ví Tô Hiến Thành như Gia Cát Lượng bên Tàu nhưng sau khi ông mất, triều đình không nghe lời ông dặn mà cử Đỗ Yên Di làm phụ chính và Lý Kính Tu làm đế sư nên vua không được dạy dỗ đàng hoàng. Khi Cao Tông lớn lên chỉ lo chơi bời, phía Bắc thì Mường thổ quấy nhiễu, phía Nam ChiêmThành đánh phá, trong nước trộm cướp nổi lên. Vua tôi không ai lo nghĩ đến chính trị, chỉ tham nhũng, mua quan bán chức, hà hiếp nhân dân, lấy tiền làm điều xa xỉ. Triều Lý đi vào suy vong.
      ______________________________________________________________


      BẢO NGHĨA VƯƠNG
      (Tưởng nhớ Trần Bình Trọng nhân kỷ niệm 729 năm ngày mất)


      Thiên Mạc còn đây mãi chẳng quên
      Dòng sông lưu dấu bậc tôi hiền
      Tướng quân anh dũng - Trần Bình Trọng
      Đám giặc hung tàn – Lũ Đại Nguyên
      Làm quỷ trời Nam nêu khí tiết
      Hơn vương đất Bắc phạm lời nguyền
      Chết vì tổ quốc sao rằng chết?
      Hậu thế Đại Hành ngút lửa thiêng.
      ____________________________________________
      Trần Bình Trọng (1259 - 1285) là danh tướng thời Trần Nhân Tông, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. Trần Bình Trọng thuộc dòng dõi Lê Đại Hành. ông chính là con trai của tướng Lê Tần và Lý Chiêu Hoàng. Lê Tần là danh tướng thời Trần, lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất nên được vua gả công chúa Chiêu Thánh và đổi tên là Lê Phụ Trần, rồi sau ban cả quốc tính. Tháng 2 năm 1285 địch cho quân tiến xuống Hưng Yên, Hà Nam, Thiên Trường, truy kích đại quân của vua Trần. Tại bãi Đà Mạc (Hưng Yên) bên bờ sông Thiên Mạc tướng Trần Bình Trọng được lệnh chặn quân truy đuổi của giặc để vua và đại quân di chuyển về Thiên Trường,Thanh Hóa. Khi quân Nguyên tới, Trần Bình Trọng tả xung hữu đột chiến đấu, nhưng vì địch đông ta ít nên cuối cùng ông bị sa vào tay giặc. Thoát Hoan muốn dụ hàng nên hỏi ông rằng: “Có muốn làm vương đất Bắc không?” Trần Bình Trọng quát lên: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.... Thoát Hoan thấy không dụ được ông liền sai quân đem chém vào ngày 21 tháng Giêng năm Ất Dậu (26. 2.1285). Ông được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương.
      ____________________________________________________________________


      Thái Sư Trần Quang Khải

      Tưởng nhớ Trần Quang Khải 
                                                [Nhân 720 năm ngày mất (1294 - 2014)]



      Thượng tướng Thái sư bậc trọng thần

      Võ văn toàn diện quả tài nhân

      Phá tan quân giặc, chia nhiều mảng

      Chiếm lại kinh đô, nắm mọi phần

      Đất Nghệ An cầm chân vạn địch
      Bến Chương Dương hả dạ muôn dân
      Đại Vương Quang Khải danh lừng lẫy
      Góp chiến công anh dũng họ Trần.
      ________________________________________________________________________

      Trần Quang Khải sinh năm 1241, là con của vua Trần Thái Tông. Mùa Xuân năm Ất Dậu (1285), Thượng tướng Trần Quang Khải đem quân vào Nghệ An chống giữ đạo quân Nguyên từ Chiêm Thành theo đường bộ kéo ra Nghệ An tấn công quân Nam do Toa Ðô thống lĩnh, có Ô Mã Nhi dẫn quân đi đường biển tiếp ứng. Quân Toa Đô đánh mãi không được, cạn lương, nên cùng với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền trở ra Bắc.Trần Quang Khải hay tin, cho người về Thanh Hóa cấp báo và được lệnh theo đường biển đem quân ra đánh chiến thuyền của Thoát Hoan ở bến Chương Dương, Quân Nguyên địch không nổi phải bỏ thuyền lên bờ chạy. Trần Quang Khải cho quân đuổi đánh về đến chân thành Thăng Long và cho phục binh đóng sẵn ngoài thành. Thoát Hoan đem quân ra đánh, bị phục binh đánh úp, quân Nguyên đại bại phải bỏ thành Thăng Long vượt sông Hồng giữ mặt Kinh Bắc (Bắc Ninh). Trần Quang Khải cho quân vào thành chiếm lại Thăng Long. Ông tiếp tục phụng sự triều đình cho đến khi mất ngày 3.7 âm lịch năm Hưng Long thứ hai (tức 26.7.1294) đời vua Trần Anh Tông.



      Thơ Trần Quang Khải


      Đoạt sáo Chương Dương độ
      Cầm hồ Hàm Tử quan
      Thái bình tu nỗ lực
      Vạn cổ thử giang san.

      Dịch:

      Chương Dương cướp giáo giặc
      Hàm Tử bắt quân thù
      Thái bình nên gắng sức
      Non nước ấy nghìn thu.
      ___________________________________________________________________________



      TƯỞNG NHỚ VUA LÊ THÁI TỔ
                                                [Từ trần ngày 22 tháng Tám âm lịch (1433)]

      Bình Định Vương (1) vào núi Chí Linh
      “Nằm gai nếm mật” (2) luyện quân mình
      Lê Lai cứu chúa làm Lê Lợi
      Nguyễn Trãi dâng bài (3) dẹp giặc Minh
      Áp bức! - Đấu tranh dành tự chủ
      Xâm lăng! - Kháng chiến tạo yên bình
      Anh hùng dân tộc lưu gương sáng
      Binh tướng giặc Tàu mãi thất kinh.
      _______________________________________________
      (1) Từ khi quân nhà Minh sang cai trị, dân ta phải khổ nhục trăm đường. Đến mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi khởi binh ở núi Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương. Quân lính đã 3 lần về núi Chí Linh để củng cố lực lượng. Sau cùng, Lê Lợi đã đánh đuổi được quân Minh, lên ngôi Hoàng đế năm 1428, tức là vua Lê Thái Tổ, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long.
      (2) Theo Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi
      (3) Bình Ngô sách trong đó Nguyễn Trãi vạch ra các kế sách đánh giặc Minh.



      TƯỞNG NHỚ LÊ LAI
                               (Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi)

      Giả làm Lê Lợi - tướng Lê Lai
      Áo mũ cân đai nịt chiến hài
      Tung kiếm điều quân đầy nhiệt huyết
      Cưỡi voi xung trận đóng tròn vai
      Liều thân cứu Chúa vì sông núi
      Quyết chí diệt Minh tỏ sức tài
      Trung Túc (1) anh hùng dân nước Việt
      Lũng Nhai - Kỷ Tín (2) vẹn thề trai.
      _________________________________________
      (1) Sau khi Lê Lợi lên ngôi vua, Lê Lai được truy tặng là “Sùng trung Đồng đức hiệp mưu bảo chính Lũng Nhai công thần.”, hàm thiếu uý, thụy là Toàn Nghĩa. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông gia phong ông làm Trung Túc vương.
      (2) Năm 1416, Lê Lai cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh khác tham gia “Hội thề Lũng Nhai”, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược. Kỷ Tín (Trung Quốc) khoác hoàng bào chết thay vua Hán Cao Tổ
      __________________________________________________________________


      NGUYỄN TRÃI TIÊN SINH
                                [Mất ngày 16.8 Nhâm Tuất (19.9.1442)]

      Ức Trai lập chí thật trung kiên
      Tận lực phò vua bậc đại hiền
      Trí dũng hơn người - tầm kiệt xuất
      Cơ mưu thắng giặc – cỡ siêu nhiên
      Yêu thương đất nước, nêu gương sáng
      Bảo vệ giống nòi, rạng khí thiêng
      Thế sự đa đoan đành hệ lụy
      Nỗi niềm oan khuất Lệ Chi Viên!!!
      _______________________________________
      Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, thi đỗ Thái học sinh năm 1400, là mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê.Tuy nhiên, năm1442 toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn hóa vĩ đại, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam.
      ___________________________________________________________________________

      Mộ Phạm Hồng Thái


      VIẾNG MỘ PHẠM HỒNG THÁI

      Thoang thoảng gió chiều bóng nắng vương
      Hoàng Hoa man mác cảnh nghê thường
      Châu Giang cuồn cuộn niềm nhung nhớ
      Hồng Thái dâng trào nỗi tiếc thương
      Dưới ách thực dân đè đủ ách
      Trên đường cách mạng khổ nhiều đường
      Anh hùng Sa Điện” danh muôn thuở
      Trước mộ nghiêng mình thắp nén hương!

      ______________________________________
      - Phạm Hồng Thái hy sinh ngày 18-6-1924 (năm Giáp Tý).
      - Hoàng Hoa: Là khu công viên Hoàng Hoa Cương, trong đó có mộ của 72 liệt sĩ cách mạng Trung Quốc và của liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
      - Sa Điện: Thành phố ở Trung Quốc, nơi Phạm Hồng Thái đánh bom, mưu sát Merlin, toàn quyền Đông Dương của Pháp.
      - Châu Giang: Dòng sông Phạm Hồng Thái gieo mình tự vẫn.
      ____________________________________________________


      TƯỞNG NHỚ BÙI THỊ XUÂN


      Thương chồng con nát ruột bầm gan
      Chỉ mặt Gia Long: “Kẻ bạo tàn!
      Dao chém bêu đầu ngoài phố chợ
      Voi giày xẻo thịt trước quân quan”
      Bạo binh hách dịch đầy hung khí
      Nữ tướng oai phong ngất đại ngàn
      Khí tiết Tây Sơn kiên định giữ
      Máu Hùng tuôn nhuộm thắm giang san.
      _____________________________________________________________________________
      Về cái chết của nữ tướng Bùi Thị Xuân và chồng của bà là tướng Trần Quang Diệu, sử sách ghi không thống nhất. Chính sử của nhà Nguyễn chỉ ghi vắn tắt là "xử trị hết phép" chứ không cho biết "hết phép" là như thế nào. Có tài liệu ghi rằng Trần Quang Diệu bị xử lăng trì (lóc da xeo thịt từ từ), còn Bùi Thị Xuân bị quấn vải tẩm dầu rồi thiêu sống, có tài liệu nói rằng bà bị ngũ mã phanh thây (5 con ngựa xé xác).

      Giáo sĩ De La Bissachère, người có dịp chứng kiến buổi hành hình, trong cuốn ký sự "Relation sur le Tonkin et la Cochinchine" xuất bản năm 1807, mô tả lại cái chết của nữ tướng Bùi Thị Xuân và cô con gái 15 tuổi vào mùa thu năm 1802 như sau:
      “Đứa con gái trẻ của bà (Bùi Thị Xuân) bị lột hết y phục. Một thớt voi từ từ tiến đến. Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy. Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách: Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta!...


      Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau đít con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời... Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo”.
      __________________________________________________________________________



      Mùng Năm đại phá quân Thanh



      Tết về́ nhớ đến Quang Trung,
      Đức vua tài giỏi anh hùng nước ta,
      Đầu xuân trận mạc xông pha,
      Mùng Năm đại thắng làm quà khắp nơi.
      Quân Thanh hai chín vạn người,
      Tây Long, Khương Thượng, Ngọc Hồi… thua to.
      Ngài Tôn Sĩ Nghị co giò,
      Vẫn còn sợ rượt nên lo phá cầu.
      Nhị Hà binh lính chen nhau,
      Cầu phao sập xuống sông sâu xác đầy.
      Tướng Sầm Nghi Đống bị vây,
      Phải đành tự vẫn bỏ thây chiến trường.
      Tử thi chồng chất thảm thương,
      Đống Đa tràn ngập máu xương giặc thù
      Tây Sơn về đến kinh đô,
      Thăng Long - Đại Việt reo hò mừng vui.
      Làm sao kể xiết công Người,
      Bắc Bình – Nguyễn Huệ muôn đời vẻ vang!
      _______________________________________________________________________



      HOÀNG HẬU LÊ NGỌC HÂN

      Bắc cung Hoàng hậu tuổi còn xuân
      Đột ngột vua băng buổi tứ tuần (1)
      Hai trẻ cút côi – Đau rát ruột!
      Nửa chừng góa bụa – Xót thương thân!
      Đức tài trí dũng sao oan trái?
      Ngôn hạnh công dung lại bạc phần!
      Bài “Vãn Ai tư” (2) lời thống thiết
      Áng thơ tình sử khóc phu quân.

      ________________________________________________________________
      (1)Vua Quang Trung băng hà vào ngày 29.7 năm Nhâm Tý (1792), hưởng dương 40 tuổi. Lúc ấy Bắc cung Hoàng hậu 22 tuổi, sống chung với vua mới được 6 năm, có hai con là Công chúa Ngọc Bảo (2 tuổi) và Hoàng tử Nguyễn Quang Đức (1 tuổi). Hoàng hậu mất khi 29 tuổi và hai người con cũng mất sớm (Ngọc Bảo lúc 12 tuổi, Quang Đức lúc 10 tuổi).
      (2) Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã viết bài "Ai Tư Vãn" để bày tỏ nỗi đau khổ và tiếc thương cho người chồng anh hùng sớm ra đi. Đây là một áng văn chương bất hủ, đặc biệt là nói lên nỗi đau của cuộc tình ngắn ngủi nhưng sâu đậm và lãng mạn giữa bà và Quang Trung Hoàng đế.
      _____________________________________________________________________________



      Nguyễn Huệ chấm dứt Trịnh-Nguyễn phân tranh


      Dẹp Trong - Ngoài có tướng Long Nhương (1)
      Trợ yếu, phò nguy ấy lẽ thường
      Bẫy giặc Xiêm La vào tử địa (2)
      Đuổi quân Trịnh Khải khỏi triều cương (3)
      Nhà Lê gặp mấy mùa li tán
      Đất Việt lâm bao nỗi đoạn trường
      Gạt lệ sông Gianh mừng nối lại
      Niềm vui nở rộ khắp quê hương.
      ________________________________________________________

      (1) Năm 1778, Tây Sơn tiêu diệt toàn bộ quân Nguyễn (riêng Nguyễn Ánh chạy thoát). Nguyễn Nhạc tự xưng là Thái Đức Hoàng đế, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân.
      (2) Sau khi cho quân mai phục khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, Nguyễn Huệ dụ quân Xiêm vào trận địa. Ngày 8.12 năm Giáp Thìn (1785), Nguyễn Huệ dẹp tan 2 vạn thủy quân và 300 chiến thuyền của Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện, rồi đem binh đánh đuổi quân Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh chạy ra đảo Cổ Cốt rồi sang Xiêm La.
      (3) Ngày 25. 6 năm Bính Ngọ (1786) tướng Long Nhương vào Thăng Long, dẹp sạch quân Trịnh. Trịnh Khải phải một mình bỏ chạy , bị bắt và tự sát. Ngày 27. 6 năm Bính Ngọ, Nguyễn Huệ vào yết kiến vua Lê Hiển Tông.
      ______________________________________________________________________________



      Tưởng nhớ anh hùng dân tộc Trương Định
                                                                (nhân 150 năm ngày ông hy sinh: 1864 - 2014).

      Trương Định dốc lòng đuổi giặc Tây
      Lo toan việc nước suốt đêm ngày
      Gò Công, Chợ Lớn điều binh chống
      Đồng Tháp, Biên Hòa họp kế vây
      Những tưởng kên kên rồi mắc lưới
      Đâu ngờ nhền nhện lại giăng dây
      Mượn gươm thiêng thoát bàn tay quỷ
      Bản lĩnh anh hùng đáng kính thay!
      _________________________________________________________________________
      Trương Định còn có tên là Trương Công Định, sinh tại Quảng Ngãi nhưng ở quê vợ là Định Tường. Ông là một trong những lãnh tụ đầu tiên ở Nam bộ cương quyết kháng lệnh giải tán nghĩa quân chống Pháp của triều đình Tự Đức. Ông đã liên kết với các lãnh tụ chống Pháp khác để cùng phối hợp tổ chức các trận đánh. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định mở rộng từ Đồng Tháp Mười, Gò Công đến Chợ Lớn, Gia Định, từ biển Đông đến biên giới Campuchia. Tháng 8.1864, Huỳnh Công Tấn dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ đánh úp bản doanh, Trong lúc chiến đấu, không may Trương Định bị đạn bắn gãy xương sống. Không để rơi vào tay giặc Pháp, Trương Định rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công) vào ngày 20.8.1864.
      _________________________________________________________________________

      NHỚ XƯA

      Nhớ xưa xâm chiếm Việt Nam tôi
      Tội ác anh gây động đến trời
      Cướp của giết người đà lắm bận
      Hiếp dân hại nước biết bao đời
      Tinh hoa Âu Lạc luôn gìn giữ
      Truyền thống Rồng Tiên mãi chẳng lùi
      Đánh đuổi quân thù ra khỏi xứ
      Anh hùng nghĩa sĩ máu xương rơi!

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét