KỶ NIỆM ĐỒNG MÔN, THẦY TRÒ VÀ LÒNG TRI ÂN THẦY CÔ




BUỔI GẶP GỠ ĐẶC BIỆT, CHAN CHỨA NGHĨA TÌNH

Anh Thái Hòa nói lời tri ân trân trọng đến quý thầy cô và khách mời dự buổi họp mặt đặc biệt.
Anh nói nhỏ và phát âm khó khăn nhưng mọi người im lặng lắng nghe
càng khiến cho không gian gặp gỡ đầy ắp cảm xúc và đồng cảm.


  • Nguyễn Văn Trị

Trò năm nay 75, thầy 85. Ngày hội Ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng Sài Gòn Tri ân Thầy Cô năm nay, trò đang điều trị tai biến không đến vấn an thầy cô cũ, ở nhà mà nhớ đến nao lòng.
Anh chị Thái Hòa - Thủy An
Vợ hiểu ý chồng bày ra buổi họp mặt bỏ túi tại nhà mời các thầy cô đã từng dạy chồng đang ở SG đến cho anh ấy được thăm hỏi.... Trong số thầy cô dạy anh được mời hiếm hoi chỉ có một thầy đến được. Thầy năm nay 85. Hai thầy trò ai nấy đều vui vì có dịp gặp nhau, một số thầy cô thế hệ sau cũng được mời. Chúng tôi, các học trò đàn em, có nhiệm vụ đưa rước thầy cô nên được dịp "ăn theo". Thầy dùng bữa xong, phải nằm nghỉ kẻo ngồi lâu ảnh hưởng cột sống. Trò nói năng khó khăn nên nhờ "Trưởng ban liên lạc" phát biểu thay. Vợ trò, U 70, đích thân chăm chút từng món chiêu đãi quý thầy cô. Chị ấy tâm sự : "Tâm của chị là muốn mời tất cả thầy cô về nhà mình...". Cái đạo Nguyễn Hoàng sao mà đẹp thế. Tôi hiểu ra rằng bữa cơm hôm ấy ngon đến lạ thường là nhờ chị pha vào đó gia vị " tình yêu".

Thầy cô Đào Văn Nhẫn

Xin phép được chia sẻ từ email của thầy Đào Văn Nhẫn, người đã cảm xúc khi viết ra những dòng dưới đây:

Nhận được điện thoại mời dự họp mặt của nữ gia chủ và cố gắng nghe phát biểu trước buổi họp mặt của nam gia chủ song đến bây giờ tôi vẫn chưa biết được mục đích của 2 gia chủ mời anh chị em về tham dự buổi họp là gì ; tuy nhiên theo tôi, cũng như gia chủ nghĩ, cần gì phải có mục đích rõ rệt mới họp mặt, chỉ cần tập trung anh chị em Nguyễn Hoàng lại để lâu lâu ôn lại những kỷ niệm đẹp của thời cùng học và cùng dạy tại trường cũ NH Quảng Trị, cũng là cơ hội để thầy cô hãnh diện về sự trưởng thành của học trò đồng thời học trò cũng vui mừng khi thấy thầy cô vẫn khỏe mạnh...đã là mục đích chính yếu của tất cả các buổi gặp mặt các thành viên NH và cũng chính nhờ tinh thần đó mà dầu trường không còn nữa song luôn đủ sức gắn kết các thành viên hoc trò và thầy cô cũ lại với nhau trên mọi miền đất nước trong tinh thần Đoàn kết Thân Thương và Chia sẻ !

Từ trái sang: Anh chị Hoài An, thầy Tấn, thầy Bảo,
thầy Lê Quang Thái, anh chị Lê Bân.
Anh chị gia chủ quả thật là những con người quá chu đáo : mời đến dự buổi họp mặt mà còn cho xe đi đón thầy cô ở rãi rác các nơi trong thành phố vì lo cho sức khỏe các thầy cô do đường sá xa xôi và giao thông nguy hiểm .Lại còn giao cho cô Tuyết, một người em và một người bạn quá nhiệt tình để đón và đưa các thầy cô đến nổi chúng tôi ái ngại định tự đi đến nhà và hỏi địa chỉ cũng như định ra về bằng xe buýt cho gia chủ đỡ vất vả song cô Tuyết một mực từ chối vì trách nhiệm đã được giao đưa thầy cô đi và về thậm chí có thể hiểu ngầm rằng “trên bục giảng năm xưa tụi em vâng lời thầy cô , nay trên xe thầy cô cứ nghe theo em vì chị An đã căn dặn kỷ” : cảm động biết bao sự ân cần và chu đáo đó !

Nguyễn Văn Trị giúp chủ nhà tiếp khách quý
11h30, hầu như khách mời đã tạm đông đủ. Chỗ ngồi được cố ý chia thành 2 bàn và người tổ chức đã khéo léo tế nhị bố trí rõ ràng một bàn cho thầy cô, một bàn cho học sinh. Lần này là lần đầu tiên tôi mang vợ theo để làm vừa lòng chị An và vợ tôi có thể là chị cả bên bàn học sinh, còn tôi tạm xem như ...”áp út của bàn thầy cô ( chỉ có “già” hơn cô Giáng Hương 2, 3 tuổi) ! Cũng chính vì lý do đó nên không khí hai bàn có vẻ hơi khác biệt: bàn các thầy cô thì yên lặng hơn khi thay nhau trao đổi lúc nhớ về các món đặc sản trước đây tại QT mà anh Thái là một cuốn tự điển sống đã cung cấp các thông tin chi tiết món đó làm ở đâu, bán ở chỗ nào, thậm chí cả tên họ và tên làng người bán!

Các thầy cô cũng không quên nhắc đến các đồng nghiệp đang ở mọi nơi trên đất nước cũng như ngậm ngùi nhớ đến quý thầy cô đã ra đi...Ngược lại với bàn bên gồm toàn nhóm trẻ cùng những cây chọc cưới khuấy động buổi tiệc như anh Tri, anh chồng cô Giáng Hương với các tiết mục kể chuyện thời sự tếu như hiện tượng “hot” thời gian gần đây về Cờ lờ mờ vờ, cờ lờ vờ...v..v hoặc lời phát biểu của thủ tướng Campuchia “100 người Campuchia chỉ có một người khôn và hết 99 người ngu trong khi VN thì có đến 99 người khôn chỉ có một người ngu”: nghe đến đây mà mát cả lòng và hãnh diện mình là người dân VN ! Vế sau xin miễn kể vì sợ hương vị ngon của buổi tiệc còn đọng lại chút ít trên đầu lưỡi sẽ mất hết đi chăng ?

Từ trái qua: thầy Đào Văn Nhẫn, thầy Lê Hữu Thăng,
thầy Nguyễn Bảo, thầy Hà Thượng Tấn (ngồi),
anh Nguyễn Thái Hòa (ngồi), anh Lê Bân, anh Nguyễn Lịch (đứng)
Đúng là các món ăn được chuẩn bị, bày biện khéo léo và rất chất lượng! Thấy các em phục vụ cho thầy cô mà có cảm tưởng như con cái đang tìm những miếng thịt ngon gắp cho cha mẹ., như những người em gái đang cầm chén múc thêm cho anh chị mình... Gia đình Nguyễn Hoàng đã thể hiện rõ ràng qua sự chăm sóc ân cần và đầy tình thương đó.

Phải nhìn thấy thầy Hà thượng Tấn tuy đã lớn tuổi nhung vẫn cố gắng ngồi chung vui với đồng nghiệp , tuy thầy không nói nhiều song cái cốt cách đạo mạo mang đầy tính sư phạm đã tự nói lên rất nhiều điều mà bản thân chúng tôi cần phải lấy đó làm gương. Thầy Lê hữu Thăng, tuy lớn tuổi, song luôn vui tính và lộ rõ nhất khi được nhắc đến thời quá khứ đi kinh tế mới, nơi mà một y tá lại làm “sếp” hai bác sĩ ! Sự nhiệt tình của chị Ánh, luôn đồng hành với chồng trong mọi hoạt động của NH, tấm lòng của chị An, dù không trực tiếp trong các buổi họp mặt NH, song luôn luôn là người đứng sau hổ trợ, theo như tôi biết, về tinh thần lẫn vật chất.

Ngồi từ trái sang: Thầy Lê Hữu Thăng,
cô Võ thị Hồng, cô Cao thị Táo, cô Lê Thị Tránh

Và nếu tôi không nhầm thì ngôi nhà chị là nơi thường tập trung cho nhóm Bồ Chao và các thành viên khác đến quậy phá trong những lần tập dượt văn nghệ cho các buổi họp mặt. Hai người mà tôi có dịp được tiếp cận và nói chuyện trực tiếp lần đầu tiên là chị An và chị Ánh : tuy lần đầu tiên song cũng như đã thân thuộc từ lâu vì có lẻ lâu nay tuy chưa có cơ hội song tôi cũng đã tích lũy được kinh nghiệm về sự hoạt động âm thầm nhưng không kém phần sôi nỗi của các chị. Quang Tuyết thì xem như “Văn Nhạc song toàn” chưa kể là con người “trên từng cây số” ! Chắc không có bệnh viện nào ở SG, Huế và Qtri mà em không biết khi thời gian của em trải dài qua những cuộc thăm viếng liên tục bạn bè, thầy cô không may bị bệnh! Mỹ Liên thì đã 2 lần “chỉnh” tôi khi em phục vụ đồ ăn cho tôi lúc tôi quen miệng “cám ơn chị”, em còn nhớ lần đầu xảy ra vào năm 2009 và hôm nay là lần thứ hai. Ngọc Chung từ xa điện về thắc mắc và nóng lòng muốn biết tình hình buổi gặp mặt mà em tiếc không tham dự được !

Với sự nhiệt tình của mọi người, với tình thương NH mà anh chị gia chủ muốn chia sẻ (nhìn hình ảnh chị An trìu mến đứng bên anh Hòa khi anh đứng phát biểu với một ít khó khăn về tình trạng sức khỏe) chúng tôi rất cảm động và cũng xin phép nói thật lòng tôi rất hãnh diện với bà xã tôi khi lần đầu tiên đến tham dự một cuộc gặp mặt NH đầy tình nghĩa và cảm động trong khi vợ tôi cũng là người từng công tác trong nghành giáo dục như chúng ta từ lúc trường mang tên Nữ Thành Nội cho đến ngày về hưu cũng tại trường này dưới tên Nguyễn Huệ Huế.

Cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải kết thúc ! và càng ngạc nhiên hơn khi trên bàn lại xuất hiện các gói quà dành đưa tiển các thầy cô ra về: mỗi thầy cô được gia chủ chu đáo tặng 2 hộp Ensure với ý nghĩ là để mong các thầy cô luôn có sức khỏe để cùng nhau cố gắng đi thật xa quảng thời gian còn lại...và nhất là để chuẩn bị sức khỏe cho lần gặp kế tiếp ! Vâng xin cám ơn anh Chị Hòa - An, cám ơn các em nhiệt tình phục vụ và chăm lo cho thầy cô, chúng tôi sẽ cố gắng dùng cho nhanh hết 2 hộp này để thời gian gặp lại được rút ngắn hơn. Xin cám ơn.


Đào Văn Nhẫn

_________________________________________________________________




CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ NHỮNG NGƯỜI THẦY CỦA VUA CHÚA VIỆT


Những người thầy cao cả của vua Hàm Nghi

Thầy giáo Nguyễn Doãn Cử, quê Vũ Thư - Thái Bình đỗ cử nhân, được làm giảng quan của phủ Tôn Nhân, chuyên dạy con em vương hầu nhà Nguyễn. Có lần, cậu bé Ưng Lịch không thuộc bài, thầy Cử đã phạt đòn thẳng tay, bất chấp trò là dòng dõi vương tôn. Sau đó thầy cử liền dâng sớ tạ tội, cáo quan về quê cũ.
Nhưng vua Tự Đức chẳng những không quở trách mà còn đưa thêm roi cho thầy và nói: Khanh quý trẫm vì nể trọng khuôn phép, chứ không phải nể quyền uy nơi trẫm. Nếu không nghiêm như vậy thì làm sao đào luyện được tài năng, hoàng tộc sẽ không có người kế nghiệp xứng đáng.
Cậu bé Ưng Lịch bị thầy đánh đòn ấy sau này trở thành vua Hàm Nghi, một ông vua yêu nước được lưu danh trong sử sách.

Trong các thầy dạy vua Hàm Nghi, người đời cũng nhớ đến thầy Nguyễn Nhuận. Dù không đỗ cao, ông là một nhà Nho được kính nể không chỉ vì trí tuệ uyên thâm mà còn cả sự liêm khiết, quang minh. Sau một thời gian mở trường dạy ở quê, ông được mời vào kinh dạy con cháu hoàng tộc. Trong các học trò của ông có cả Ưng Lịch, khi đó là một cậu bé ngỗ nghịch ít được chú ý đến.
Sau này Ưng Lịch trở thành vua Hàm Nghi, nhớ công ơn thầy dạy dỗ, muốn phong cho thầy một chức quan trong triều. Để tạ ơn vua, nghĩ đến quê mình có vùng đất Tuyên Hóa nghèo khổ lại toàn là núi rừng, dân chúng ít học, thầy Nguyễn Nhuận đã xin được về Tuyên Hóa nhận chức Tri huyện.
Thời gian cụ làm quan ở huyện này, toàn huyện không có ăn xin ăn mày, không có trộm cắp, vườn tược nhà nhà thông thương, hoa quả không bị mất trộm, nhà nhà không phải đóng cửa khi chủ đi vắng…

Vua Lê Hiến Tông và bát canh của người thầy

Lê Hiến Tông (1461 – 1504) là một vị vua thông minh, nhân từ và ôn hoà. Dưới thời của ông, đất nước vẫn duy trì được sự thái bình, thịnh trị có từ thời vua cha Lê Thánh Tông.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi lại một câu chuyện cảm động về đạo thầy trò trong một lần vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ.
Nội dung câu chuyện như sau: Xa giá về đến cổng làng Châu Khê, nhà vua ra lệnh dừng kiệu và bước xuống đầu đường rẽ vào nhà thầy, vua chọn 2-3 cận thần cùng một vị quan sở tại tháp tùng vua vào nhà thầy giáo. Vua ôn tồn nói với mọi người đi theo:
- Hôm nay trẫm về đây là để thăm thầy chứ không phải vi hành, công cán vì vậy cho phép các khanh về nghỉ ở công quán.
Mọi người bái tạ nhà vua rồi đi vào các quán dịch. Ở đó, các quan địa phương chuẩn bị chu đáo, có chăng đèn, kết hoa, có bàn trà nước. Nhà vua đi bộ cùng viên quan trấn và mấy quan hầu cận tiến vào nhà thầy. Không trống phách, không nhạc nhã, không có tiếng hô dẹp đường. Cụ Thượng thư già cùng các con cháu và giai nhân mũ áo chỉnh tề ra tận đầu thôn bày hương án nghênh tiếp nhà vua. 

Thấy thầy giáo, vua vội vàng đến gần cụ. Theo nghĩa vua tôi, cụ sụp lạy. Nhà vua hai tay nâng vai thầy lên, ôn tồn:
- Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ.
Vua nói với những người đang quỳ rạp hai bên đường:
- Cho tất cả các người đứng dậy cùng trẫm về nhà tôn sư!
Vua nhắc lại lời nói với các quân sĩ và với người thân của thầy giáo:

- Hôm nay trẫm đến đây là học trò về thăm thầy, chứ không phải thiên tử đi kinh lý, nghi lễ ở chốn triều đình dùng vào lúc khác!

Ngôi nhà thầy Nguyễn Bảo giản dị, cổ kính và gọn gàng, đúng với phong thái của chủ nhân - một bần nho trong sáng. Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ giật mình:
- Tâu bệ hạ đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng, song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu! Người ngoài trông vào sao tiện ạ!
Nhà vua nhẹ nhàng:
- Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi.
Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Vua hỏi thăm sức khoẻ và đời sống của thầy cùng gia đình, xin xem những bài thơ của thầy làm khi nhàn rỗi ở chốn thôn dã. Khi người nhà của cụ giáo dâng trầu nước chỉ đứng ở sân dưới thềm, chuyển qua các thị vệ dâng lên cụ giáo và nhà vua. Vua Hiến Tông lại khoát tay:
- Thôi để họ mang thẳng lên đây, chắc họ cũng muốn gần vua một chút. Âu cũng là cái lộc của lão tiên sinh đây!
Thưởng thức chén trà ngát hương sen đồng nội, nhà vua nói với các quan theo hầu:
- Trẫm cho các ngươi lui! Chiều nay trẫm không dùng "ngự thiện", trẫm xin với lão tiên sinh cùng gia đình ăn bữa cơm quê. Trẫm muốn được ngồi chung mâm với thầy cũ cho thoả tình thầy trò, chắc lão tiên sinh cho phép.
Cụ giáo nghẹn ngào:
- Xin bái tạ đức vua! Thánh chỉ đã truyền, thần xin vâng mệnh!

Bữa cơm thầy trò chiều hôm đó diễn ra thân mật. Các con cụ đứng hầu từ xa ngắm thầy trò nhà vua đối ẩm với thứ rượu nếp quý quê nhà hương thơm sực nức, nghe thầy trò nhà vua vừa ăn vừa ngâm nga thơ phú. Cụ Châu Khê có lẽ còn vui hơn cả nhà vua, bởi lẽ là ông có học trò ở ngôi tôn quý nhất nước vẫn mực thước thuỷ chung giữ đạo nghĩa thầy trò. Ông càng hài lòng vì học trò cũ của ông dẫu ngồi trên ngai vàng vẫn không quên gốc. Nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua quê kiểng, bất giác nói với cụ Châu Khê:
- Thầy cho con ăn một bát canh này thật là một niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon.

Danh sư Chu Văn An 

Nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An (1292 – 1370) là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Vua Trần Minh Tông (1300 – 1357) đã mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông sau đó.
Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách.

Vào những dịp trong triều có lễ hội lớn, ông vẫn được đón về kinh tham dự. Một lần vua Dụ Tông giao cho ông coi việc chính sự, ông từ chối. Biết tin này, bà Hoàng Thái Hậu (tức bà nội vua), nói với những người xung quanh: “Bậc sĩ phu sửa mình trong sạch, dẫu thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Sao có thể đem bổng cao chức trọng mà dụ dỗ người ta...”. Vua sai nội thần mang áo đến ban tặng, ông tạ ơn xong rồi đem cho người khác. Ai cũng khen cái phong độ của ông là cao thượng.
Khi Trần Nghệ Tông (1370-1372) lên ngôi, Chu Văn An ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, rồi trở về núi cũ.

Đông đảo học trò theo tiễn có hỏi:
- Từ nhà vua đến đông đảo các sĩ phu và quan chức đều là học trò của thầy, sao thầy không ở lại để đảm đương một trọng trách? Thầy coi thường những chức tước của triều đình lắm sao?

Nhà giáo Chu Văn An nói: - Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì. Các con có nhớ Đức Thái Tông triều Trần ta đã nói gì khi Trần Thủ Độ mời người trở lại làm vua không? Ngài nói: “Nếu làm vua mà làm cho dân giàu, nước mạnh thì hãy làm. Còn ngôi vua ư? Ta coi ngôi vua như chiếc dép rách mà thôi!”.









KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
  • Võ Thị Hồng


Suốt 35 năm dạy học (1968 – 2003): 5 năm ở Nguyễn Hoàng - Quảng trị, 10 năm ở Quốc Học - Huế và 20 năm Sư phạm Đà Nẵng, có biết bao kỷ niệm với học trò của mình nhưng có một kỷ niệm tôi không thể quên với học sinh lớp 10C NH Quảng Trị.

Chiến tranh đã làm chúng tôi lạc nhau suốt 20 năm, từ 1970 - 1990. Một buổi sáng, trời mưa lâm thâm, trên đường đi dạy về trường Sư phạm (Hòa Khánh, Đà nẵng), vừa đến Ngã Ba Huế (ĐN) bỗng thấy một cô gái băng qua đường, chặn xe tôi lại.

- Thưa cô, cô có phải cô Hồng từng dạy văn ở Nguyễn Hoàng Quảng Trị không?
- Ừ! Tôi đây.
- Em là Hoàng Thị Thy Tuyết, lớp 10C của cô, cô có nhớ em không?

Mừng quá, chúng tôi ôm chầm lấy nhau…
- Em có gặp các bạn lớp mình không?
- Dạ có, một ít. Thôi cô đi dạy kẻo trể, em sẽ liên lạc và hẹn các bạn đến nhà thăm cô sau…

Và rồi, một sáng nọ cả gia đình (chồng con) các em: Thy Tuyết, Thanh Vân, Bích Hường…cả Võ Thị Quỳnh ở Huế, kéo nhau đến trường Sư phạm xin gặp và thăm cô Hồng, cả trường ngạc nhiên… Được tin, rời khỏi lớp học, tôi thật ngỡ ngàng, vừa tự hào và thật xúc động… Sau đó gia đình các em kéo về vườn nhà tôi và Quỳnh tổ chức ngay “một góc Nguyễn Hoàng” cho cuộc hội ngộ 10C sau 20 năm xa cách. Tôi nhớ Quỳnh đã dùng phấn trắng viết lên tấm giấy màu tím mấy câu thơ của thầy Phan Phụng Thạch để nói lên tâm trạng của tôi lúc đó:


Ôi ta muốn cúi hôn từng mái tóc
Gởi tấm lòng cho lớp tuổi thơ ngây
Mai ta đi đường xuôi hay lối ngược
Vẫn nhớ hoài hình ảnh buổi hôm nay.

                                              (Nắng hạ tình phai)

Nguyễn Khắc Điệp (Chồng Thy Tuyết) thì sáng tác ngay bài thơ:

XIN VỀ
                  (Kính tặng cô giáo Võ Thị Hồng)


Xin về sống lại cùng Cô
Đôi giây phút cũ bên bờ trường xưa
Chúng em xin làm cơn mưa
Giữa trưa nắng hạ thấm vừa vườn Cô
Chia tay tuổi hãy còn khờ
Bây giờ tay bế ai ngờ họp đây
Cho dù ở tận chân mây
Mà lòng mong mỏi có ngày gặp thôi
Gặp nhau lòng những bồi hồi
Bao nhiêu kỷ niệm liên hồi dứt đâu
Tháng năm đâu có phai màu
Nhưng xin giây phút nhiệm mầu mãi ghi.


(Viết vội tại nhà Cô Hồng trong lần gặp mặt đầu tiên của lớp 10C Nguyễn Hoàng).

Đúng như nhận định của một thầy giáo của tôi: “Nhà giáo ngày trước được hưởng cảm tình sâu đậm của các học sinh thân yêu”, điều nầy dễ thấy qua các buổi hội ngộ do cựu học sinh các lớp, các khóa của nhiều trường tổ chức và các em đã dành nhiều tình cảm cho thầy cô giáo cũ của mình, trong đó có tôi.
Cô cám ơn hết thảy học sinh thân yêu, vì tất cả…

Võ Thị Hồng
_____________________________________________________________________





NGƯỜI THẦY CŨ CỦA TÔI
  • Nguyễn Bá Trình
    Tác giả Nguyễn Bá Trình


Hôm nay đã là ngày 21 tháng 11. Hội Ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng - Quảng trị tại Sài gòn tổ chức ngày Tri ân thầy cô giáo. Đúng ra ngày lễ nầy phải tổ chức vào 20-11, ngày Hiến chương nhà giáo. Nhưng Hội có lịch sinh hoạt vào ngày chủ nhật mỗi cuối tháng. Năm nay rơi đúng vào 21-11.

Khi anh Phái, Trưởng ban tổ chức xướng tên quý thầy cô cựu giáo sư trường Trung học Nguyễn Hoàng, mời lên nhận những những bông hoa tươi thắm, tôi chú ý lắng nghe có tên thầy cô giáo nào trực tiếp dạy tôi không. Đã năm sáu thầy cô lần lượt bước lên sảnh lễ. Chưa thấy ai quen cả. Dù tóc tôi cũng đã nhuốm bạc nhưng trông dáng dấp già nua của quý thầy cô lòng tôi không khỏi xúc động. Tất nhiên tôi chỉ lắng nghe tên thôi, thật khó mà nhận diện. Tôi đã xa trường đúng nửa thế kỷ, làm sao có thể nhận ra nét thân quen trên khuôn mặt của thầy cô giáo cũ của mình.

Chợt tôi chú ý khi nghe anh Phái đọc to:
-Kính mời thầy Nguyễn Thanh Bá.
Thầy Nguyễn Thanh Bá cũng có mặt ư? Vậy là mình sắp gặp được một thầy cũ rồi.
Một thầy giáo già chậm rãi bước lên. Chẳng lẽ vẻ mặt của thầy biến đổi đến thế sao? Tôi không nhận ra một dấu vết nào thân quen trên khuôn mặt của thầy Nguyễn Thanh Bá cả. Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh của thầy Bá người Huế, dạy môn Văn, dáng người mảnh khảnh, giọng nói nhỏ nhẹ ấm áp.

Tôi đang nghĩ đến một tiết dạy năm nào của thầy còn đọng lại trong ký ức của tôi.
Thầy đang bình giảng một bài ca dao.

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay

Tôi còn nhớ. Ý tứ bài giảng của thầy hôm đó không gợi nên một hình ảnh hay mở ra một tình tiết nào độc đáo mới lạ. Đại loại khi đọc bài ca dao nầy ai cũng có thể hiểu nội dung của nó, nói về một chàng trai đã bỏ qua một mối tình đẹp đẽ để chạy theo những hình bóng vu vơ. Hết trèo lên cây bưởi lại bước xuống vườn cà mà không để ý đến một nụ tầm xuân đang chờ bàn tay của mình. Và khi chàng trai phát hiện ra nụ tầm xuân nở ra xanh biếc thì đã muộn màng. Chỉ còn biết than thở: Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay. Anh ta lại càng tiếc nuối hơn khi nghe người con gái trách móc. Ba đồng một mớ trầu cay / Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không/Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cậu con trai không biết sự vô tâm của mình đã đem lại đau khổ cho người con gái đến chừng nào. Có lẽ sau những câu than thở ấy là những giọt nước mắt của cô gái. Và cũng có lẽ trên cả sự đau buồn, là nỗi tuyệt vọng của cô gái. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ / Chim vào lồng biết thủa nào ra 
Tôi lại nhìn lên sảnh lễ.

*


Các thầy cô sau khi nhận hoa xong, từng người bước xuống. Tôi để ý xem thầy Thanh Bá xuống ngồi ở vị trí nào. Tôi tìm đến:
-Em xin chào thầy. Xin lỗi, thầy là thầy Thanh Bá.
Thầy Bá cầm tay tôi thân mật:
-Đúng rồi tôi là Nguyễn Thanh Bá đây. Anh là…
Tôi chưa dám nhận mình là học sinh cũ của thầy. Tôi thận trọng:
-Dạ xin lỗi, thầy dạy bộ môn Văn phải không?
Thầy Bá nhìn tôi mỉm cười:
-Không. Tôi dạy môn Toán.
-Dạ. Vậy em nhầm thầy với thầy…
Thầy Bá như chợt hiểu ra, nhìn tôi cười hiền lành. Rồi vẻ mặt thầy tỏ một chút xúc động, thầy Bá hỏi:
-Thầy Nguyễn Thanh Bá dạy môn Văn người Huế phải không?
-Dạ đúng rồi.
-Vậy thì thầy Bá mất rồi. Thầy Bá mất cách đây đã mấy năm.
Tôi đứng lặng người. Một nỗi buồn tràn ngập trong lòng. Thầy Thanh Bá đã mất cách đây mấy năm!
Tôi chào thầy Thanh Bá dạy Toán rồi trở về ngồi vào chỗ cũ.
Hình ảnh thầy Thanh Bá dạy Văn năm nào lại hiện về trong ký ức của tôi. Thầy tiếp tục bình giảng bài ca dao.

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Giờ học trôi qua nhẹ nhàng. Với giọng Huế ấm áp, cách diễn đạt các tình tiết minh bạch và hợp lý của thầy Thanh Bá khiến tất cả học sinh trong lớp hầu như ai cũng hài lòng. Chẳng có gì để thắc mắc cả. Đột nhiên thầy Bá hỏi:
- Các em có thắc mắc gì về ý tứ của bài ca dao nầy không?
- Dạ không.
- Nếu các em không có gì để thắc mắc cả, thì nghe thầy đọc lại câu nầy: Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Thầy hỏi các em nhé: Tại sao bước xuống vườn cà mà lại hái nụ tầm xuân?

Cả lớp im lặng.

Đoán chừng học sinh chưa hiểu rõ câu hỏi của mình, thầy phân tích cho rõ ràng câu hỏi:
- Bước xuống vườn cà thì hái hoa cà chứ sao lại hái nụ tầm xuân? Còn nếu bảo rằng vì nụ tầm xuân đẹp hơn thì tại sao đi hái nụ tầm xuân mà phải bước qua vườn cà, không đi một lối nào khác? Hoa cà trong câu nầy có ngụ ý gì?

Cả lớp vẫn im lặng, hình như đến bây giờ mọi người mới nhận ra rằng mình chưa hiểu hết ý tứ của mấy câu ca dao, mà mới đọc qua nghe chừng như đơn giản.
Thay vì có câu trả lời, lại có nhiều tiếng cười. Hay! Học sinh cảm thấy khoái cái câu hỏi của thầy Thanh Bá đặt ra.
Đợi mấy phút không ai trả lời thầy Bá nói:
- Tất nhiên mỗi người có cách hiểu của mình. Thầy cũng có cách hiểu riêng của thầy. Thôi ta tạm gác vấn đề nầy lại. Các em về nhà tiếp tục suy nghĩ. Giờ văn tuần sau thầy trò ta trở lại tiếp tục phân tích trao đổi.
Tôi không ngờ giờ học đó là giờ học cuối cùng của lớp tôi với thầy Thanh Bá. Vì tuần sau thầy Bá đã được nhà trường điều qua dạy cho lớp đệ tam A. Thay vào đó, thầy Mỹ dạy lớp đệ tam B chúng tôi. Và chúng tôi không còn được dịp nghe câu giải thích của thầy nữa.


*


Nói như thầy Thanh Bá, trong văn chương không đòi hỏi sự đánh giá đúng, sai tuyệt đối. Mỗi người có thể hiểu theo một cách khác nhau. Không thể nói cách hiểu của người nầy đúng, của người kia sai. Điều tôi muốn nói là trong giờ học đó thầy Thanh Bá đã nêu lên một vấn đề mà suốt đời làm nghề dạy học tôi luôn luôn cố tìm câu trả lời cho thỏa đáng.

Dạy học không phải truyền thụ tất cả kiến thức cho học sinh mà nêu những vấn đề, yêu cầu học sinh phải tự tìm cách giải quyết. Và quá trình tìm cách giải quyết một vấn đề là một nỗ lực sáng tạo.
Đó là phương pháp giáo dục hiện đại mà thầy cô chúng ta đã áp dụng để dạy cho chúng ta cách đây hơn nửa thế kỷ rồi.
Trích từ http://nguyenbatrinh.com/tintuc/Nguoi-thay-cu-cua-toi-126.html của anh Nguyễn Bá Trình.

______________________________________________________________________

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT ĐỒNG MÔN
  • Nguyễn Văn Trị


Hôm nay, Nguyễn Văn Trị viết về anh Trần Ngọc Ty, một CHS Nguyễn Hoàng yêu thầy mến bạn, mà năm 2012 từng được bầu chọn là người tham gia sinh hoạt hàng tháng của Ái hữu CHS NHSG đều đặn nhất. Cứ mỗi lần đến gần cuối tháng là anh gọi điện thoại đến hỏi tôi ngày và địa điểm sinh hoạt, hầu như không có tháng nào anh vắng mặt.

Nhớ lần đi họp mặt đầu năm ở NH BRVT, anh đăng ký cùng đi chung với anh chị em NHSG. Lên xe vì không biết rõ hoàn cảnh anh nên BTC thu tiền thuê xe, tiền vào cửa họp mặt…Lúc quay về, nhà xe trả mọi người xuống công viên Lê Văn Tám để tự về nhà. Mõ trường thu xếp phương tiện cho mọi người xong, chuẩn bị lên taxi về nhà thì thấy anh vẫn còn ở đấy mà trời thì đã tối nên hỏi: “Anh Ty sao chưa về? “, anh mới nói: “Mình hết tiền, mà đi bộ thì mệt nên định hỏi anh Trị mượn ít tiền về xe ôm”. Tôi ngỡ ngàng và xúc động nghĩ : Không ngờ hoàn cảnh khó khăn như thế mà anh vẫn đến với sân chơi Nguyễn Hoàng đều đặn và không hề tâm sự hay trao đổi để có được sự quan tâm đặc biệt hơn.

Câu chuyện chỉ có thế thôi, nhưng trong tôi dấy lên suy nghĩ,  trong anh em NHSG của chúng ta vẫn còn một số ít người khó khăn lắm, phải làm sao để sân chơi đừng vắng mặt họ!

Từ đó, mỗi lần sinh hoạt đầu năm, khi thấy anh Ty đi là tôi rất vui và luôn sẵn lòng đóng tặng anh một suất. Cho đến hoảng giữa năm 2014, anh Ty báo vắng bóng vì phải ra Hà Nội giúp coi công trình cho một người bà con, để có thêm thu nhập.

Dù phải lăn lộn mưu sinh, nhưng cứ sắp đến ngày sinh hoạt cuối tháng anh Ty vẫn không quên gọi về hỏi thăm mọi người, thầy cô… tình cảm vô cùng. Và càng thú vị hơn khi anh cho biết vợ anh là con gái của thầy Đinh Gia Du, giáo sư trường TH Nguyễn Hoàng từ những năm đầu tiên trường thành lập (1954 - 1955).

Năm này anh Ty không dự họp mặt đầu Xuân Ất Mùi với NHSG, anh cũng gọi điện báo, dù tôi không còn làm Trưởng ban Liên lạc! Phần quà tình cảm của một NH ở Mỹ gởi về cho suất họp mặt, chúng tôi đã chuẩn bị trao anh ngày họp mặt, đành phải giữ lại đợi anh về.

Sáng nay, từ sớm anh gọi tôi báo tin buồn con rể mất do bị xuất máu não nhập viện điều trị từ đầu năm mới nhưng không chữa khỏi phải đưa về nhà. Cháu Nguyễn Phạm Đăng Khoa qua đời khi còn trẻ quá, 40 tuổi, để lại vợ và 2 con trai còn quá nhỏ: đứa lớn 10 tuổi , đứa nhỏ 6 tuổi.
Trên đường đi làm, tôi đã ghé thăm nhà con gáí của anh: Trần Ngọc Thu Vân. Vợ chồng cháu thuê căn nhà nhỏ ở cạnh trường THCS Ngô Chí Quốc, số 17 đường 27, phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức (đường vào quán Ven Sông). Đó là căn nhà cấp 4 cũ kỹ, chung quanh còn hoang phế trống trải. Tôi lặng người khi nhìn thấy thi hài của con rể anh Ty nằm trên chiếc chiếu giữa sàn nhà phủ khăn áo chuẩn bị liệm. Nhìn quanh không có một bộ bàn ghế để gọi là phòng khách, và phòng ngủ không có một cái giường. Vợ thì chạy đi lo giấy khai tử để xin hỏa táng chồng, hai cháu trai cứ chạy đến cạnh thi hài ba rồi đứa lớn đòi ông ngoại mở khăn ra cho cháu nhìn mặt ba. Anh Ty nghẹn ngào bảo cháu ngoại: "Để yên cho ba ngủ nghe cháu", tôi thấy lòng đau xót quá.
Chị Ty, lưng đã còng tóc thì bạc, mang dáng dấp người lao động hơn là sinh trưởng trong gia đình trí thức, có lẽ vì cuộc sống quá khó khăn. Bà con chưa thấy đến, chỉ có một số thầy cô dạy cùng trường với con gái anh và hàng xóm lắng xăng phụ giúp. Gia đình không thể giữ anh lâu, chỉ trong một ngày hôm nay, ngày mai 19/3 sẽ đưa lên Bình Hưng Hòa hỏa táng.
Tạm biệt anh ra về, anh giữ bàn tay tôi thật chặt, tôi cảm nhận hơi ấm của tình đồng môn.
Cám ơn thầy Bảo, anh Cẩm, a Vinh đã cho thêm thông tin về thầy Đinh Gia Du, dạy môn Công dân Giáo dục của trường mình. Đời Thầy đi dạy, con thầy cũng đi dạy, rồi cháu thầy cũng là nhà giáo. Họ sống đạm bạc, thanh bần, nhưng những gì họ cống hiến cho cuộc đời, tôi nghĩ không nhỏ chút nào. Nhờ những bài giảng công dân giáo dục của thầy Du mà chúng ta có một thế hệ CHS NH vững vàng về đạo đức truyền đến cho con cháu thời nay.

Tôi chợt nghĩ sao lại có những ngả rẽ quá phũ phàng đến với gia đình lẽ ra xứng đáng để sống hạnh phúc như hoàn cảnh con gái anh: một cô giáo góa chồng ở tuổi chưa tới 40 với 2 con nhỏ dại thật là một gánh nặng cho người ở lại. Hạnh phúc sao quá mong manh?

(Viết sau khi ghé thăm gia đình anh Ty buổi sáng 28 tháng Giêng Ất Mùi).
______________________________________________________



THẦY ĐÃ ĐI XA


  • Trần Lịch (1956 - 1962)


Thầy ơi!

Bốn mươi lăm năm trôi qua, kể từ khi con rời khỏi ghế nhà trường, xa thầy cô bạn bè mến thương. Con không làm sao quên được hai vị thầy ân nhân là thầy Lê Trọng Ấn và thầy Lê Đình Ngân đã cưu mang con trong suốt thời gian học tập tại trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

Chiến tranh tang tóc trên mảnh đất Quảng Trị đã khiến thầy trò chúng ta mỗi người mỗi ngả. Năm 1971, thầy Lê Đình Ngân đã vĩnh viễn ra đi, con không có mặt để tiễn đưa. Bây giờ thầy cũng thế. Con mới nghe thầy Phan Khắc Đồ cho biết hung tin khi thầy vừa đi nước ngoài về và đến tham dự họp mặt cựu học sinh Nguyễn Hoàng Đồng Nai vào ngày 21 tháng 7 năm 2013.

Năm 2011, anh Trần Minh Châu bạn học đồng môn có thông tin địa chỉ của thầy, con đã viết thư qua thăm thầy cô và các em. Mặc dù tuổi già sức yếu mà thầy vẫn quan tâm đến con và gửi quà cho nữa.

Giờ đây thầy ra đi, ở nơi đất khách quê người con không biết làm thế nào thắp được ba nén hương quỳ dưới chân thầy. Hai hàng nước mắt già nua của con không ngăn được. Con cúi đầu kính cẩn lạy thầy - vị ân sư đáng kính của con, cầu chúc linh hồn thầy đến nơi cực lạc.

Con cũng xin cô và các em bớt đau buồn, cố gắng giữ gìn sức khỏe. Mấy lời chân thành con mong rằng cô và các em tiếp nhận.

Thầy đã đi xa

Hung tin thầy đã đi xa
Mắt hoen ngấn lệ xót xa trong lòng
Hết rồi! sáng ngóng chiều trông
Thầy về một chuyến thỏa lòng nhớ thương.


_________________________________________________________________
* Trần Lịch (NK1956-1962), ban B. Địa chỉ: Ấp 6, Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai.
______________________________________________________________________



CHIẾC ÁO ÂN TÌNH


  • Trần Lịch

Chiếc áo thầy cho (*), đẹp quá chừng
Mặc vào mà nước mắt rưng rưng
Đứng nhìn con mặc, thầy âu yếm
Vừa không con? Cố gắng học hành!

Chiếc áo thầy cho, ấm cả lòng
Tuy rằng hơi cũ, có sờn lưng
Mỗi lần đem áo ra để mặc
Áo đã che thân suốt mùa đông

Chiếc áo thầy cho, có mồ hôi
Thầy đã thương con phận mồ côi
Mỗi lần ôm áo, ôm hơi ấm
Mồ hôi của thầy giống bố tôi

Chiếc áo thầy cho rộng thùng thình
Mặc vào con cảm thấy xinh xinh
Làm sao kích thước cho vừa được
Chiếc áo con mang, áo ân tình

Chiếc áo thầy cho nay không còn
Tình nghĩa thầy trò vẫn sắt son
Thầy ơi! Xa thầy xa vạn dặm
Con lấy gì đây để đền ơn.
___________________________________
(*) Trong suốt thời gian đi học, nhà tôi quá nghèo, cha mẹ mất sớm, thầy Lê Trọng Ấn đã cho tôi áo quần để mặc.
___________________________________________________________________________





ĐI TÌM NGUỒN VUI
                                          (Viết về thầy giáo già Nguyễn Văn Thị)
  • Hoàng Đằng


Sáng 13/4/2014, tôi cho in ra giấy, bài "Đi Tìm Nguồn Vui" (phần 1 và phần 2) rồi nhờ con trai chở tôi đem lên giao cho anh đọc. Anh không xài vi tính nối mạng. Mắt anh mờ, đọc chữ được chữ mất. Anh bảo tôi đọc cho anh nghe. Anh lắng nghe chăm chú, gặp đoạn nào tâm đắc, anh cười. 

Hai cha con tôi cáo từ ra về, anh nài ở lại chơi chút nữa – việc này từ trước đến nay chưa từng xẩy ra. Dù vậy, tôi đành lòng chia tay anh về thôi vì con tôi đã đến giờ phải lên ca trực ở nơi làm việc. Anh dặn nhớ ngày 15/4/2014 đi Huế nữa, tôi dạ và không hỏi lý do, đinh ninh là đi xem Huế đang kỳ festival.

Chiều 14/4/2014, anh điện về, bảo tôi sáng mai lo dậy, đúng 5,30 giờ anh đưa xe về đón. Anh nói đi sớm để tránh nắng nóng. 

Tối 14/4, lúc 20,00 giờ, sau khi xem xong phần thời sự trên VTV1, tôi lên giường, ngủ. Đang ngon giấc, điện thoại reo, tôi cứ ngỡ trời đã sáng anh bảo dậy lên đường, té ra mới 22,30 giờ. Anh nói anh không ngủ được, đang viết chuyện kể việc anh gửi mấy lá thư cho những người bà con cùng những đồng nghiệp, bằng hữu của anh chị để cảm ơn tấm lòng của họ khi hay tin chị mất. Tôi ngủ tiếp, không ngon giấc, cứ chập chờn vì sợ dậy trễ. 

5,30 giờ ngày 15/4/2014, tiếng còi xe taxi vang trước cổng, mọi chuẩn bị đã xong, tôi ra xe. Trên xe, chuyến này có bạn Đoàn Văn Tầm, người học trò cũ “cưng” của anh và có nhà ở tương đối gần anh nhất. Mới vào xe, tôi được anh giao cho phong bì đựng những gì anh viết đêm qua. Xe vào thị xã Quảng Trị đón Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Văn Nuôi và Hồ thị Tú. Chú Nuôi trong đêm chắc ngủ ít, chú phải dậy sớm mới đủ thời gian có mặt tại đây lúc này vì nhà chú tận dưới xã Triệu Trung cách xa đến 10 km. Ối chà! Chú Nhơn do rối loạn bộ phận tiêu hóa không đi cùng được và cô Tú phải ở nhà săn sóc cơm cháo. Tình chồng nghĩa vợ trong tuổi già phải vậy; hạnh phúc nhiều khi được tìm thấy chỉ qua thể hiện những việc đơn giản. 

Xe vào thi trấn Hải Lăng, ghé quán điểm tâm cháo bột cá tràu. Thị trấn này ở gần vùng ruộng sâu, chằng chịt kênh rạch, cá tràu nhiều, nên từ ngày xưa, người dân đã biết chế biến món đặc sản nổi tiếng này. Người Quảng Trị xa quê, dù gốc từ huyện nào, mỗi lần về, ai cũng gắng tìm dịp thưởng thức. Hiện nay, môi sinh bị xâm hại. Thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ sử dụng trên ruộng, máy rà cá bằng điện lùng sục dưới ao hồ kênh rạch, lưới bén lưới quét thả khắp nơi ... đã làm cho cá không phát triển được như xưa và có thể tuyệt chủng. Có ai nghĩ đến một lúc nào đó Hải Lăng hết bán cháo bột cá tràu không nhỉ? 

Xe vào Huế, chạy lên Nam Giao vào khu vực Tổ đình Từ Hiếu. Anh nói ở đây có hai ngôi mộ cần thăm. Tổ Đình Từ Hiếu, còn gọi là chùa Từ Hiếu tọa lạc ở phường Thủy Xuân. Chùa này nguyên là Thảo Am An Dưỡng do hòa thượng Nhất Định lập năm 1843 để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Tương truyền bà mẹ bị bệnh nặng, thuốc thang không khỏi, có người gợi ý khuyên hòa thượng kiếm thịt cá bồi dưỡng cho bà. Nghe theo, hàng ngày hòa thượng vượt rừng núi đường dài đến chợ mua cá ngon về nấu cháo đút mẹ ăn. Chuyện đến tai vua Tự Đức. Cảm kích trước lòng hiếu thảo của hòa thượng, nhà vua ban sắc đổi Thảo Am An Dưỡng thành Từ Hiếu Tự (chùa Từ Hiếu). 

Trải qua chiến tranh tàn phá và thời gian cùng thời tiết bào mòn, để có diện mạo hoành tráng như bây giờ, chùa phải qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp. Trong khu vực chùa, có một khu nghĩa địa, mồ mả chen giữa cây bụi, cây gai, cây leo chằng chịt; lại thêm, thế đất dốc, việc tìm mộ rất khó khăn. Nhờ những cư dân ở gần tốt bụng chỉ dẫn, cuối cùng, mấy anh em cũng tìm ra mộ, chỉ cách đường nhựa chỉ vài chục mét. Mộ bà tằng tổ cô Nguyễn thị Sằng (1850 - 1884), tài nhân của vua Tự Đức, được xây khá kiên cố. Tài nhân là tước vị của những phụ nữ được tuyển vào cung làm phi tần, cung tần thời phong kiến để phục vụ vua. Bà Sằng là cháu nội của thống tướng Nguyễn Văn Xa, nguyên tư lệnh binh đoàn thầy thợ và dân công xây Khiêm lăng của vua Tự Đức. Dưới chân mộ bà Sằng, mộ cô Nguyễn thị Trinh (1894 – 1895) được xây nhỏ hơn nhiều; thấp tiếp dưới là một khu đất được san ủi rất bằng phẳng, chắc trong một thời gian ngắn nữa thôi, sẽ có một công trình gì đó mọc lên. 

Rời khu vực chùa Từ Hiếu, xe qua khu vực đồi Vọng Cảnh. Tại sao lại có tên Vọng Cảnh? Đồi này cao 43 mét ở phía Tây Nam cách thành phố Huế khoảng 7 km, chân đồi sát với bờ sông Hương. Đứng trên đồi này, du khách có thể nhìn bao quát toàn cảnh khu lăng tẩm của triều Nguyễn chung quanh, toàn cảnh thành phố Huế và toàn cảnh sông Hương với những khúc uốn lượn đẹp tuyệt vời. Cuối năm 2003, dự án khai thác du lịch đồi Vọng Cảnh đã được tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho công ty du lịch Hương Giang cùng với các đối tác nước ngoài khảo sát. Sau đó, công ty du lịch Hương Giang và đối tác Vietnam Hotel Project B.V. Hà Lan đã lên kế hoạch xây khách sạn Life Resort. Sự việc đã dấy lên một làn sóng dư luận phản đối từ các nhà văn hóa, nghệ thuật, bảo vệ môi trường ... 

Đoàn chúng tôi không lên đồi vì không có thời giờ và đường lên đồi cấm xe, chỉ được phép đi bộ. Hơn nữa, mục đích chuyến đi của chúng tôi là viếng mộ chứ không phải du lịch.

Lâu ngày không đi, anh không còn nhớ chính xác chỗ, nhầm chỗ này với chỗ khác. Tuy nhiên, ở đâu, chúng tôi cũng gặp người tốt. Những cư dân trong vùng sẵn lòng chỉ dẫn, cuối cùng chúng tôi cũng viếng được mộ Ngài Cao Tổ Khảo Nguyễn Văn Tài (1820 – 1896) - Ngài Nguyễn Văn Tài là con của Ngài Nguyễn Văn Xa - và gần đó, mộ Ngài Cao Tổ Tỉ Nguyễn Quang thị Lai (1820 – 1902), vợ của Ngài Nguyễn Văn Tài và mẹ của Ngài Nguyễn thị Sằng có mộ ở khu vực Từ Hiếu.
Địa thế ở đây tương đối bằng phẳng. Mộ nằm trong vườn của dân; có cây dại nhưng không đáng kể. Thấy bia mộ Ngài Cao Tổ Tỉ hơi đơn sơ, anh hứa sẽ thay lại bia khác cho bề thế hơn. Mong anh sức khỏe để thực hiện ý nguyện hiếu thảo của mình. 

Xe chuyển bánh đến thăm tiếp những mộ ở khu núi Thiên Thai. Ngoài Bắc, cách thành phố Bắc Ninh 20 km về phía Nam, cũng có núi Thiên Thai. Còn núi Thiên Thai ở Huế thuộc phường An Tây. Núi Thiên Thai là một ngọn trong dãy Tam Tầng án ngữ mặt Nam của kinh thành Huế: Ngự Bình cao 60 mét ở giữa, bên trái là núi Thiên Thai cao 43 mét, còn gọi là Tả Bật Sơn, bên phải là núi Bân cao 43,92 mét, còn gọi là Hữu Bật Sơn, tên dân gian là núi Ba Vành; trước khi tiến quân ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ đã cho san núi từ chân lên đỉnh thành 3 vành để lập đàn tế cáo Trời. Núi Thiên Thai còn có tên là núi Tam Thai.. Tôi tìm hiểu và được biết Thiên Thai là nơi tiên ở và Tam Thai (như tam công) là ba chức quan lớn nhất của nước Tàu ngày xưa:

Trước mộ gia tiên (từ trái qua: Đằng, Thị, Nuôi)

Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo (theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh); một thông tin trên mạng cho biết Tam Thai là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chòm sao Đại Hùng Tinh rất sáng; trong tử vi, sao Tam Thai chỉ sự khôn ngoan, hanh thông. Tuy nhiên, tôi vẫn không hiểu núi lấy tên Thiên Thai hay Tam Thai mang ý nghĩa gì. 

Chúng tôi được một người đàn ông làm thợ hồ tên Trọng và một người anh bạn con dì với anh hướng dẫn thăm mộ. Mộ nằm lưng chừng triền núi. Do tuổi già, sức yếu, chúng tôi leo rất nhọc mệt. Mộ thân sinh anh là cụ ông Nguyễn Cát Tường (1902 - 1985) và mộ thân mẫu anh là cụ bà Lê thị Chi (1911 - 1973) nằm trong một lăng đôi xây năm 2000, khá kiên cố. Mộ hai cụ trước đây nằm ở khu đất tương đối bằng ở phía bên kia núi. Nhà nước lập nghĩa trang liệt sĩ và bắt mộ dân phải giải tỏa. Do đó, mộ hai cụ bây giờ được di dời tới đây.

Trời đã trưa. Đoàn chúng tôi xuống núi, trở lại Huế, ghé nhà thầy Võ Văn Đệ mời thầy cùng đi dùng bữa trưa. Hôm nay, anh muốn mời thêm thầy Nguyễn Đức Duyên, thầy Nguyễn Văn Tuấn (có thời dạy ở Nguyễn Hoàng) và cô học trò cũ, tổng biên tập đặc san Trường Nguyễn Hoàng: Chân Dung & Kỷ Niệm. Ba người sau cáo từ, lấy cớ bận việc. 

Anh định mời ăn đặc sản “Cơm Hến”; thầy Đệ sợ đau bụng, thôi, đành tới quán Bà Đỏ ăn bánh khoái, bánh bèo, ram ít, bánh nậm. Trong lúc ngồi ăn, nghe hai vị đại lão (anh và thầy Đệ), trong chuyện trò, thổ lộ mong muốn là sống thêm được ngày nào hay ngày ấy, nhưng nếu có đi theo tổ tiên thì sao đó cho nhẹ nhàng, đừng nằm liệt giường lâu ngày mà khổ thân và cực con cháu, ba chàng lão lỡ (Đằng, Nuôi, Tầm) cũng cùng ước mong như thế.

12,30 giờ, xe đưa chúng tôi về nhà thờ gia tiên ở dốc Bến Ngự nghỉ trưa. Chị Nguyễn Thạch Lưu lo chế trà phục vụ và sắp xếp chỗ nghỉ. 

14,30 giờ, xe về Quảng Trị. Anh mời mọi người ghé Triều Sơn ăn “bữa chiều” xôi vịt. Xe tới thị xã Quảng Trị, ghé nhà Đỗ Tư Nhơn trả chú Nguyễn Văn Nuôi. Xe về đến Đông Hà lúc 18 giờ.

Lần đi này, anh cũng chuẩn bị quà cho tất cả những người đi cùng. Mỗi người một áo maillot mặc mát trong mùa hè.


Thế là chỉ trong hơn một tuần lễ (07 – 15/4) anh đã thuê 3 ngày xe taxi rủ các em kết nghĩa cùng đi viếng mộ phần phía bên chị, mộ phần phía bên anh và đồng nghiệp thân thương cũ. Tuy mộ phần được viếng và người được thăm chưa đầy đủ - mà làm răng đầy đủ được, anh cũng đã chứng tỏ tấm lòng thành của mình đối với người đã khuất cũng như người còn sống ...

16/4/2014

_________________________________________________________________________________






GẶP THẦY CŨ

  • Nguyễn Tiễn
Cuộc chiến tàn khốc đã cướp đi một chân của tôi – tôi bị tháo chân ngang gối. Cuộc chiến tàn, với chiếc chân giả cũ kĩ khi đi ra ngoài, với đôi nạng gỗ xộc xệch khi lui tới trong nhà, tôi cũng phải kiếm một việc làm để tồn tại.

Thời ấy, Đông Hà là một thị xã mới tạo dựng, phần lớn dựa vào vùng đồi phía Tây Nam của thị tứ cũ. Mọi công trình còn ngổn ngang, chưa đâu vào đâu. Tuy nhiên, Đông Hà trước đó là căn cứ của quân đội Mỹ, và với lợi thế nằm ở ngã ba Quốc Lộ 1 và Quốc Lộ 9 gặp nhau, dân tứ xứ đổ về đây lập nghiệp càng ngày càng đông: người thì đào hố rác Mỹ, người thì buôn bán với tài xế xe miền Bắc qua về nước Lào. Việc con buôn và hàng hóa di chuyển bằng xe thồ có nhu cầu lớn; thế là tôi liều mình hành nghề “xe đạp ôm”. Để khách không thấy khuyết tật nặng của tôi mà yên tâm, tôi mang quần rộng che cẳng chân, giày tất che hai bàn chân.

Đang chậm rãi đạp xe lên con dốc thoai thoải để đến bãi xe quá cảnh C5, tôi thấy xa xa trước mặt một người có hình vóc và dáng dấp trông rất giống thầy Thị ngày xưa của tôi. Thầy đang thong thả đi bộ . Tôi tăng tốc xe. Đến gần, đúng là thầy Thị kính yêu ngày nào.

- Em chào thầy. Em là Nguyễn Tiễn; năm học 1960 – 1961, em học lớp đệ tứ 1. Thầy dạy lớp em môn Toán. Em là bạn thân của Lê Đình Ân, em của cô. Em và Ân học chung lớp từ lớp năm đến lớp đệ nhất. Học trò của thầy đông, nên chắc thầy không nhớ em. Tôi nói luôn một mạch làm thầy không kịp hỏi han. Thôi, thầy lên đây em chở.
Thầy nhìn tôi từ đầu xuống chân (1) rồi nói lời từ chối:
- Chân cẳng rứa, chở răng được! Thầy nặng lắm, nửa tạ có dư. Em chở không nổi mô! Thôi, thầy đi bộ cho khỏe người.
Tôi dắt xe bước theo năn nỉ:
- Thì thầy cứ để em chở, mặc dù chân cẳng như ri, em vẫn đạp xe khỏe re. Em là “dân xe đạp thồ” chính hiệu đây mà!
Cuối cùng, thầy xiêu lòng:
- Được, để coi em có chở nổi thầy không?

Thầy trò đang ở giao điểm đường Lý Thường Kiệt và đường Hàm Nghi. Từ vị trí này đến công ty ô tô 1 tháng 5, nơi thầy làm việc trong vai trò kế toán, đường dài khoảng 1 km. Bấy giờ, đường Lý Thường Kiệt chưa ra đường. Mặt đường là đất đỏ, chiều dài đường có dáng dấp hình yên ngựa vòng xuống ở giữa rồi lên dốc thoải phía hai đầu; đỉnh dốc đầu này là nơi thầy trò đang đứng và đỉnh dốc phía đầu kia là công ty 1 tháng 5. Hai bên đường, um tùm cỏ ống và cây dại, đây đó trồi lên cao một vài cụm muồng và bụi hoa mua (dân thường gọi là cây me). Cây hoa mua gần giống cây sim, hoa mua cũng màu tím như hoa sim, trái mua giống trái sim chỉ khác là cứng hơn và vỏ được phủ một lớp lông tơ. Sau này, tôi biết người ta đã dùng hạt trái mua để chế biến trà thanh nhiệt.

Ban đầu, xe xuống dốc, tôi chỉ cần ấn bàn đạp nhè nhẹ là xe lao vùn vụt, tôi không tốn hơi sức. Tôi huênh hoang với thầy:
- Đó, thầy coi em nói có sai đâu! Thầy ngồi trên xe mà em đạp khỏe re.
Thầy ngồi sau, nói như thách thức:
- Chà, trạng dữ hè! Để coi khi lên dốc phía trước xem sao!
Xe bắt đầu lên dốc, tôi gồng mình đạp, xe khó khăn lên được nửa dốc; còn khoảng 200 mét nữa tới đích, tôi cố hết sức nhưng xe chỉ nhích chút chút. Tay lái tôi loạng choạng, hơi thở tôi dồn dập.
Thấy vậy, thầy cảm thương nói:
- Thôi, để thầy xuống. Hết trạng chưa?

Xuống xe, thầy nhìn tôi, mắt nhấp nháy nhiều lần, ánh mắt lộ nét yêu thương như muốn chia xẻ nỗi khổ của người học trò cũ cụt chân mà thời thế khiến xui phải sinh nhai bằng nghề xe đạp thồ.

Thầy tiếp tục đi bộ tới nơi làm việc. Tôi cứ đứng, thở hổn hển và dõi mắt theo bước đi của thầy. Trong lòng tôi tự dưng xuyên ngang một nỗi buồn miên man.

Chuyện tôi gặp lại thầy Thị sau một thời gian dài xa cách xẩy ra vào một buổi sáng đầu hè một năm nào đó – xin lỗi tôi đã quên – trong thập kỷ 1980. Học trò gặp lại thầy cũ là bình thường; nhưng sao lần gặp ấy tôi cứ nhớ mãi, có lẽ nhớ đến khi tôi nhắm mắt lìa đời mới thôi.

(07/5/2014)
_____________________________________________________________________



NGƯỜI NHÓM LỬA
  • Nguyễn Đặng Kỳ

Năm 1961, lần đầu tiên tôi đi xa nhà, theo học 7 năm ở trường trung học Nguyễn Hoàng (1961-1968). Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ khiến cho một thằng bé nhà quê ra tỉnh như tôi luôn mang nặng mặc cảm về cái nghèo khổ nên tôi ngại giao tiếp, chỉ kết bạn với vài người học chung một lớp.
Trước năm 1975, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn, những năm sau đó cuộc sinh nhai vất vả rút hết tâm trí và sức lực của tôi vào chuyện cơm áo gạo tiền, không còn thời gian nhớ đến bạn bè và kỷ niệm thời thơ ấu ở quê nhà Quảng Trị. Nhưng khoảng đầu thập niên 90, khi cuộc sống dần ổn định tôi bắt đầu nhớ bạn bè, nhớ quay quắt những buồn vui thời niên thiếu, nhất là thời học trường Nguyễn Hoàng. Tôi chợt nhận ra, suốt hơn 15 năm sống ở Sài Gòn, tôi chẳng hề gặp được người bạn nào học một lớp với tôi hồi xưa ở Quảng Trị và từ đó tôi luôn nghĩ phải tìm cách nối lại liên lạc với bạn bè thuở học trò. Nhưng tôi quen biết chẳng được bao nhiêu người nên muốn thì muốn nhưng chẳng làm gì được.

Bắt đầu từ một đốm lửa
Lê Hữu Thăng - Người nhóm lửa 
cho ái hữu CHS Nguyễn Hoàng tại Saigon
Năm 1992, nghe phong thanh một số anh em cựu học sinh Nguyễn Hoàng sẽ gặp nhau để bàn bạc việc thành lập hội cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại nhà cô Thanh - là người dạy tôi môn Pháp văn năm đệ nhị. Mừng lắm, tôi chỉ mong đến ngày họp mặt để tìm lại một số bạn bè. Nhưng đến hôm đó, tôi lại bận việc đột xuất nên không tham dự được. Sau đó, tôi nghe nói là có khoảng 50 người đến dự hôm ấy và mọi người đều đồng ý lập Ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng do thầy Lê Hữu Thăng làm trưởng ban.
Tôi không có ấn tượng nhiều về thầy Lê Hữu Thăng, chỉ biết ông là anh ruột của thầy Lê Hữu Nam - người dạy tôi môn Lý Hóa năm đệ nhị (NK 1966-1967). Khi đó cũng thỉnh thoảng thấy thầy ở trường nhưng không có dịp tiếp xúc, đến năm 1968 là tôi rời trường Nguyễn Hoàng, xa Quảng Trị nên lại càng không biết về thầy nhiều.
Sau lần đầu họp mặt tại nhà cô Thanh, thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau mỗi khi nhà ai có việc gì đó mời hoặc có việc gì cần bàn bạc. Một số nơi mà chúng tôi thường gặp nhau như nhà các anh Nguyễn Bích, anh Nguyễn Văn ở cư xá Bắc Hải; anh Hồ Sĩ Mừng, Hồ Sĩ Kỷ ở chung cư Nguyễn Kim; nhà Võ Cao Hiển ở cư xá Thanh Đa và nhà nhiều anh chị em khác nữa. Tất cả những lần gặp ấy đều có thầy Thăng.
Bùng cháy niềm vui
Cuộc họp mặt cựu học sinh Nguyễn Hoàng chính thức tổ chức lần đầu tiên vào dịp tết năm 1993 tại hội trường của Bảo Tàng Quân khu 7. Buổi họp mặt hôm ấy, nói riêng về mặt tổ chức, điều hành thì đó là một thất bại thê thảm. Số bàn tiệc chỉ đặt khoảng 200 chỗ nhưng số người tham dự gần 300; hội trường trở nên quá chật chội so với lượng người vượt dự kiến; hệ thống âm thanh không được tốt. Từ đầu đến cuối buổi tiệc, ban tổ chức không nói gì được cả. Tôi còn nhớ hình ảnh thầy Thăng phải đứng lên trên ghế để kêu gọi anh em im lặng. Anh Hồ Sĩ Mừng là người dẫn chương trình hét khan cả cổ trên loa cũng chẳng ai nghe. Hội trường như bùng vỡ âm thanh náo nhiệt; càng ồn, người nói càng phải la lớn và thế là cả hội trường, mạnh ai nấy hét để... thể hiện nỗi vui mừng hội ngộ sau bao năm ly tán - mà ngỡ là không bao giờ có.
Cuộc họp mặt chính thức tổ chức lần đầu tiên vào dịp tết năm 1993 tại hội trường của Bảo Tàng Quân khu 7. 
Trong ảnh: thầy Thăng phải đứng lên ghế để yêu cầu mọi người giữ im lặng nghe từng người phát biểu.
Mọi chuyện rối tung, ầm ĩ như cái chợ... nhưng tất cả cho thấy một thành công lớn, đáp ứng được nhu cầu tình cảm, sự khao khát hội ngộ của những đồng môn, thầy trò nhiều thế hệ của trường Nguyễn Hoàng. Từ đây một sân chơi mới cho anh chị em cựu học sinh Nguyễn Hoàng hình thành và ngày càng lan rộng.
Buổi họp mặt hôm đó là sự kiện đầu tiên kết nối giao lưu của học sinh và giáo chức trường Nguyễn Hoàng kể từ sau năm 1975, chưa có khái niệm khu vực sinh hoạt dành cho anh chị em cư ngụ tại Saigon như bây giờ. Đến nay, đã hình thành các nhóm Ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng ở nhiều địa phương khác để tiện việc giao lưu gặp gỡ như Đà Nẵng, Huế, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị… và cả những nơi xa xôi ở nước ngoài.

Con đường gập ghềnh
 Hình thành sợi dây kết nối, đáp ứng khao khát tình cảm đồng môn, đồng hương vào giai đoạn đất nước đang đổi mới, đời sống xã hội đang dần ổn định là thời điểm thích hợp nhưng để giữ gìn sự trong sáng, ý nghĩa đẹp đẽ của tinh thần ái hữu đồng môn và phát triển sinh hoạt của cộng đồng tự nguyện này không phải là điều đơn giản.
Những ngày đó thật là khó khăn, nhất là phương tiện thông tin liên lạc, chưa có Internet hay điện thoại như bây giờ. Mới chỉ cách đây 20 năm mà sao thấy diệu vợi, nghĩ lại cứ như chuyện cổ tích xa xưa. Hồi ấy, điện thoại là của hiếm. Nhà nào muốn lắp cái điện thoại bàn phải mất gần chục triệu đồng, đăng ký rồi chờ ba, bốn tháng; mà đâu phải ai có tiền cũng được bắt điện thoại?! Mỗi lần có việc kêu gọi bạn bè đóng góp 20 ngàn cũng đã có người góp không nổi. Vậy nên mỗi lần gọi nhau đi họp cũng rất khó khăn.
Khó khăn không phải chỉ vì nghèo. Có lần chúng tôi được người quen cho biết công an đang theo dõi những hoạt động của mình; vẫn biết, mình chẳng làm gì sai trái, phạm pháp thì không có gì phải sợ, nhưng điều đó cũng dễ làm nản lòng mọi người. Liên quan đến điều này là cái tên gọi của chúng ta, phần lớn anh em đều muốn đặt tên là “Hội cựu học sinh Nguyễn Hoàng” và cũng nhiều ý kiến khác được đưa ra. Nhưng xem đi, xét lại và cân nhắc nhiều mặt cuối cùng cái tên “Ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng”, một cộng đồng thân hữu, tự nguyện gặp gỡ sinh hoạt với nhau chứ không lập thành một tổ chức xã hội (phải có tôn chỉ, điều lệ, định hướng hoạt động và nhiều điều kiện khác nữa).
Mỗi lần tổ chức gặp mặt, rất khó dự đoán chính xác số lượng người đến dự để chuẩn bị việc hậu cần, nhất là số anh chị em từ các tỉnh khác về. Dự tính thấp lại sợ đông người về dự sẽ không chu đáo; ngược lại, nếu dự tính nhiều mà ít người đến quá thì rất buồn và lãng phí. Bên cạnh đó là nỗi lo thu không đủ chi. Mấy năm sau, cũng may nhờ tôi và Nguyễn Đặng Mừng làm ăn tương đối khá nên bao thầu cho được vài khoản như bia bọt và mặt bằng cũng không còn đáng lo như hồi đầu.

Người giữ “lửa”
Đoạn trên hơi dông dài để một số bạn hình dung cái “thuở ban đầu” hình thành cộng đồng Ái Hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng chúng ta. Và toàn bộ từ đầu - từ những ý tưởng khởi phát đưa đến buổi gặp gỡ đầu tiên ở nhà cô Thanh như đã nói trên - cho đến hôm nay, tất cả mọi việc, khi nói đến Ái Hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng thì không thể không nói đến thầy Lê Hữu Thăng - người nhen nhóm và giữ ngọn lửa tình cảm đồng môn của cộng đồng cựu học sinh Nguyễn Hoàng.
Lúc đó, hoàn cảnh riêng của thầy cũng chẳng khá gì hơn anh em, nếu không nói là rất vất vả. Gia đình thầy ở tận trên nông trường An Hạ nhưng thầy phải trọ ở quận Ba để đi làm, thu nhập cũng chỉ ba cọc ba đồng. Tất cả những buổi họp mặt để bàn bạc công việc, ai vắng cũng được nhưng thầy Thăng thì không. Hoàn toàn chính xác nếu nói rằng thầy Lê Hữu Thăng là “linh hồn” của nhóm cựu học sinh Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ.
Tết năm 1994, tôi cùng thầy Nguyễn Bảo, anh Hồ Sĩ Mừng, anh Cương, anh Tường và Nguyễn Đặng Mừng (không biết còn ai nữa không, tôi không nhớ) lên thăm nhà thầy Thăng tại nông trường An Hạ (huyện Bình Chánh). Một căn nhà đơn sơ giống như tất cả nhà của nông trường viên, xung quanh có mảnh đất nhỏ nhưng cũng chẳng trồng trọt gì được vì vùng này đất bị phèn rất nặng. Các con của thầy có người đã đi làm, có người còn đi học, chúng tôi không tiện hỏi nhưng biết cảnh nhà của thầy rất khó khăn. Đến lúc này, tôi mới biết chuyện gia đình thầy sắp xuất cảnh định cư ở nước ngoài. Tôi thật sự ngạc nhiên, vì không ai sắp đi nước ngoài mà vẫn bỏ thời gian và công sức lo những chuyện “vác tù và hàng tổng” như vậy cả. Đó là chưa nói, những việc làm tốt đẹp cho xã hội, cộng đồng nhưng đôi khi gây trở ngại cho việc ra nước ngoài định cư, ảnh hưởng đến tương lai của cả nhà, nhất là đối với những người con thầy. Tôi biết nhiều gia đình, trước ngày xuất cảnh cả mấy tháng, cả nhà rất hạn chế ra đường, tránh mọi tiếp xúc không cần thiết. Chỉ cần một va quẹt nhỏ ở ngoài đường cũng có thể ảnh hưởng đến chuyến đi, huống chi những việc mà có người bảo là “công an theo dõi”.
Một chi tiết nhưng biểu hiện tâm tư, tính cách của thầy Thăng. Thầy luôn xác định mình đề xướng và tham gia các sinh hoạt cộng đồng ái hữu Nguyễn Hoàng với tư cách là cựu học sinh chứ không phải là thầy giáo. Mỗi lần họp mặt đầu năm đều có tiết mục tặng hoa cho thầy cô giáo cũ, những lần đó chúng tôi đều mời thầy Thăng và thầy Nguyễn Bảo lên nhận hoa cùng với các thầy cô giáo khác, nhưng cả hai vị đều từ chối, vì  “Mình cũng chỉ là học sinh Nguyễn Hoàng thôi mà”.
Thầy Lê Hữu Thăng tại cuộc hội ngộ Nguyễn Hoàng lần thứ ba tại thị xã Quảng Trị hồi tháng 6-2012, 
kỷ niệm 60 năm thành lập trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.
_________________________________________________________________________




NGƯỜI THẦY, NGƯỜI ANH


  • Lê Bân                           

Suốt 7 năm ngồi trên ghế trường trung học Nguyễn Hoàng (1963-1970), tôi không được học với thầy Lê Hữu Thăng giờ nào nhưng rồi cái cơ duyên hội Hồng Thập Tự (HTT) Quảng Trị - trong có đoàn Thanh niên HTT - ra đời đã gắn kết thầy-trò, anh-em chúng tôi lại với nhau. Từ đó, với cái "máu" hoạt động xã hội, cái tình với quê hương Quảng Trị nghèo khó lúc nào cũng đầy ắp trong thầy đã truyền sang cho chúng tôi lúc không hay.
Năm học lớp Đệ Tam (1967-1968), tôi không nhớ xuất phát từ ai, cái nhóm A4 chúng tôi: Nguyễn Cảnh, Nguyễn Đằng, Trương Thị Trà, Nguyễn Thị Lịch, Quốc Thị Diệu Á... rỉ tai nhau qua trụ sở hội HTT là một dãy nhà tiền chế khung sắt, mái lợp tôn vừa mới được lắp ráp nằm khiêm tốn ở một góc trong sân vận động sau lưng trường, ghi tên gia nhập đoàn Thanh niên HTT. Ở đó, ngoài nhóm lớp tôi, cùng khối lớp bên ban B có Trương Chỉ, ban C có Trương Thị Kim Liên; dưới tôi một lớp có Phạm Đình Quát, Tống Thị Huê, Nguyễn Thị Hoà, Lê Đình Triển (đã mất), Trần Đình Sắc (đã mất), Nguyễn Đăng Thiện... Nếu như thường ngày gặp nhau ở sân trường chúng tôi chỉ thấy quen mặt, thì ở đây chỉ sau một vài buổi sinh hoạt chúng tôi đã thấy không khí của anh em một đại gia đình.
Thầy Lê Hữu Thăng trong một chuyến cứu trợ tại Quảng Trị
Về phía các thầy cô, phải chăng với sức hút của thầy Lê Hữu Thăng, thầy Lý Văn Nghiên (dạy Văn cho tôi năm lớp Đệ Tứ) những gương mặt thân quen của thầy cô Nguyễn Hoàng lần lượt có mặt ở đoàn Thanh niên HTT Quảng Trị: Thầy Lê Văn Mãn (đã mất), thầy Phan Phụng Thạch (đã mất), thầy Hồ Thế Vĩnh, thầy Trần Dạ Thảo, cô Bùi Thị Ngọc Lan, cô Võ Thị Hồng...
Một hôm, trong buổi sinh hoạt, thầy Lê Hữu Thăng bằng một giọng đĩnh đạc, ấm cúng, dứt khoát: "Để hoà đồng, thuận tiện, thân tình và bình đẳng trong sinh hoạt, từ nay các em gọi các thầy cô chúng tôi là anh/chị. Ở đây chúng ta là anh chị em, khi nào qua trường thì lại thầy/cô ". Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau ngỡ ngàng, thích thú.
Đối với chúng tôi thuở ấy, gọi thầy cô mình là anh, là chị thật không dễ dàng chút nào. Cũng phải qua năm lần, bảy lượt bị nhắc nhở cùng với thái độ hoà đồng, cởi mở của các thầy cô, chúng tôi mới mạnh dạn, rồi thấy thân thương biết bao khi được thốt từ miệng của mình: Anh Thăng, anh Nghiên, chị Lan, chị Hồng... để gọi những thầy cô kính mến của mình!
Với cương vị là người phụ trách đoàn Thanh niên HTT Quảng Trị, hằng tuần cứ chiều thứ Bảy, ngày Chủ nhật, thầy Lê Hữu Thăng tổ chức cho anh em chúng tôi sinh hoạt, không đi cứu trợ, thì tập huấn, cắm trại. Thầy có lắm sáng kiến, nhiều trò, trò nào cũng hữu ích. Gặp rắc rối, vướng mắc, thầy luôn lắng nghe, giải quyết có lý có tình. Đặc biệt thầy có cái khiếu động viên và "truyền lửa" cho chúng tôi hết sức nhẹ nhàng.
Từ chỗ chẳng biết mô tê chi về tổ chức HTT nhưng qua những buổi sinh hoạt do thầy tổ chức, chúng tôi đã thấm nhuần tinh thần nhân đạo của Henri Dunant (1828-1910), người sáng lập tổ chức HTT quốc tế và khởi xướng Công ước Gèneve, được trao giải thưởng Nobel Hoà bình đầu tiên vào năm 1901 (chung với Frédéric Passy). Cũng chính từ thầy Lê Hữu Thăng, thuở đó tôi rất lý thú khi biết lá cờ HTT với chữ thập đỏ trên nền trắng chính là đảo ngược lá cờ Thuỵ Sĩ - quê hương của Henri Dunant.
Rồi những buổi tập huấn về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu của dược sĩ Tôn Thất Hoán (Chủ tịch hội HTT Quảng Trị - đã mất), bác sĩ Lê Bá Tung (Phó Chủ tịch hội)... được thầy tổ chức, đã giúp chúng tôi tự tin lên đường đến với đồng bào mình ở các nẻo làng quê dưới màu cờ sắc áo của Thanh niên HTT.
Hết ngồi xe với đầy ắp những gạo, thuốc, đường, sữa, áo quần ngược lên Cùa (Cam Lộ), Cồn Tiên, Dốc Miếu (Gio Linh)... lại ngồi đò máy hằng giờ xuôi dòng Thạch Hãn ra Gia Đẳng, cửa Việt. Chứng kiến cảnh những làng quê nghèo xơ xác, bị đạn bom cày xới tan hoang, cảnh sống tạm bợ của bà con trong các trại định cư; bàn tay run rẩy của cụ già, ánh mắt tròn xoe của em bé khi tiếp nhận những món quà từ tay chúng tôi, chính là những hình ảnh trực quan sinh động giúp cho tôi thành người sau này.
Khi ngồi viết những dòng này tôi nhớ đến nao lòng cái đêm trăng sáng vằng vặc trên bãi biển Gia Đẳng năm ấy. Bên ánh lửa trại bập bùng, hoà trong tiếng sóng biển rì rào là lời ca tiếng hát của thầy cô, anh em, tưởng như quê hương đang thanh bình. Thực tế chúng tôi đang ngồi trên vùng địa đầu giới tuyến, đang những năm chiến tranh ác liệt. Cách đó không xa, về phía bắc là cửa Tùng, nơi con sông Bến Hải gặp biển Đông, một thời phân chia hai miền Nam - Bắc, mà vết cắt của nó sau gần 40 năm nay vẫn chưa lành hẳn trong lòng mỗi chúng ta!
Năm 1970, tôi rời trường Nguyễn Hoàng vào học đại học Huế, chưa kịp qua gặp thầy Lý Văn Nghiên (lúc này đã chuyển về dạy trường trung học Hàm Nghi và đang phụ trách Đoàn Thanh niên HTT Thừa Thiên) để cùng sinh hoạt thanh niên HTT thì chiến sự đã lan tràn. Hè năm 1972, quê hương Quảng Trị tan hoang, nhiều sinh viên, học sinh Quảng Trị học ở Huế như gà mất mẹ. "Máu" hoạt động xã hội của thầy Thăng trong tôi nổi lên, cùng một số anh em sinh viên Quảng Trị làm nòng cốt, chúng tôi thành lập hội Ái hữu sinh viên Quảng Trị tại Huế, quy tụ trên 300 anh em để tương trợ lẫn nhau và góp phần xoa dịu nỗi đau của bà con ở quê nhà. Giữa lúc đang đi vận động quyên góp tiền hàng, lại được tin thầy Lê Hữu Thăng của mình nay làm “to” - đại diện hội HTT ở vùng I, văn phòng tại Đà Nẵng. Chúng tôi cử anh Lê Đình Triển tức tốc vào gặp thầy, thế là những kiện áo quần, thuốc men, gạo... tới tấp bay về Huế. Chúng tôi tổ chức những chuyến xe đầy ắp tình nghĩa cho sinh viên Quảng Trị tại Huế mang hàng quà về cho bà con mình ở các khu định cư trên vùng cát trắng Diên Sanh (Hải Lăng).
Năm 1974 ra trường tôi về dạy học ở Cam Ranh (Khánh Hòa), bấy giờ với cương vị là một thầy giáo trẻ, theo gương thầy Thăng và các thầy cô, anh chị của mình ở Nguyễn Hoàng, tôi tìm đến ghi tên ngay vào Đoàn Thanh niên HTT quận Cam Ranh. Sinh hoạt chưa được bao lâu, mùa xuân năm 1975, chúng tôi "di tản" về Sài Gòn.  Trụ sở hội HTT trung ương ở 201 đường Hồng Thập Tự (nay là trụ sở hội Chữ Thập Đỏ TPHCM, 201 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) mở rộng cửa đón các đoàn thanh niên HTT các tỉnh miền Trung "di tản" vào tiếp tục sinh hoạt.
Những ngày tháng Tư ngột ngạt ở Sài Gòn, tôi cùng anh em dưới màu cờ sắc áo thanh niên HTT hối hả mang hàng quà, thuốc men cho đồng bào các tỉnh miền Trung đang đổ dồn về ăn nằm la liệt ở các vỉa hè. Trưa 30-4-1975, ngay sau khi tiếng súng vừa im ắng, một cán bộ đại diện chính quyền cách mạng dáng dong dỏng cao, khoác bộ đồ bộ đội với chiếc nón cối còn mới toanh bước vào gặp Chủ tịch hội - dược sư La Thành Trung, yêu cầu may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để lên treo thay lá cờ vàng ba sọc đỏ đang phần phật cùng lá cờ HTT trên nóc trụ sở hội. Khoảng sau nửa giờ, các chị tìm vải trong kho ra cắt may xong lá cờ, gần hai mươi anh em  trong đồng phục Thanh niên HTT kéo nhau lên sân thượng tầng tư. Chúng tôi lặng lẽ sắp hàng ngay ngắn, không ai nói với ai lời nào, mắt ngước nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ đang từ từ kéo xuống và lá cờ nửa xanh nửa đỏ có ngôi sao vàng ở giữa đang được từ từ kéo lên.
Lịch sử đang sang trang. Trong giờ phút xúc động ấy, nhìn lá cờ HTT với chữ thập đỏ trên nền trắng quen thuộc tung bay bên lá cờ mới, lòng tôi bỗng nhớ về các thầy cô/ anh chị một thời dưới lá cờ ấy đã đem tình thương san sẻ với bao phận đời ở quê mình. Không biết giờ này các thầy cô, anh chị - những người đã góp phần hình thành nên nhân cách và tình yêu quê mẹ trong tôi - đang trôi dạt về đâu. Mắt và sống mũi tôi cảm thấy cay cay...!
__________________________________________________________________





MỪNG ƠI!
  • Lê Hữu Thăng
Hồ Sĩ Mừng


Hơn mười ngày rồi, mình được tin bạn đã ra đi, giã biệt gia đình, thân thuộc, bn bè, đng môn...

Thương tiếc quá, buồn da diết... mình tìm s tĩnh lng của tâm hn đ ôn lại những kỷ niệm xa xưa, đặc biệt những ngày bọn mình "xâm mình", dn thân để tạo nên ngàhội Nguyn Hoàng năm 1992.

Cá tính của bạn cộng với sự hiểu biết, khôn ngoan lĩnh hội từ trường học, trường đời... đã to cho bạn một phong cáchmột diện mạo hin hòa, dễ mếnBn luôn luôn là trung tâm của một tập thể, của mọi sinh hot xã hi.

Không phải ‘đánh bóng lại nhng công sc của bn mình ngày xưa, nhưng mình muốn nhắc lại những hình nh chịu thương, chịu khó với nhau, những k niệmdù vất v trăm chiều, nhiu lúc khát nưc mà nhn vi nhau, bụng đói vn đạp xe vượt hàng chc cây s để tìm và thông tin đến anh ch em, mình vẫn thy cái nụ cười nhè nhẹ trên vành môi bạn khiến mình vui lây, cùng lên đường vi nhau.

Rbạn đưanh chị em ‘tiến cử’ làm thư ký, kiêm luôn nhiệm vụ điều khiển chương trình họp mt đầu tiên ấy...

Năm 2004, bọn mình li gp nhau ti Houston. Sung sưng quá, ôm được bạn vào vòng tay mà không mun dứt ra. Mừng cho bạn đã đến đây, ít nhất cũng thoáđược cảnh nghèo túng, hm hiu.

Bn mình trong ban biên tập tạp chí Thch n có: Lê Văn Trch t Tennessee, Đỗ Văn Phúc t Austin, Phan Khâm t Virginia và mình t Colorado... được bà con đồng hương Quảng Trị đón tiếp niềm n, mà lúc bấy giờ bạn là hội trưng Hội Đồng hương Quảng Trị tại Houston. Mi qua M khong 2 năm, cuộc sống gia đình chưa ổn đnh, thế mà bạn đã dn thân cho quê hương, cộng đồng...

Coi lại hình ảnh cbạn, thương quá, tiếc quá, d thương quá... mình nghẹn ngào muốn khóc nhưng phải cố gng trấn tĩnh để tâm s với bạn vài giòng... và đắm mình trong quá nhiều kỷ niệm với bạn.
Thương bạn, đồng hương, đng môn Nguyễn Hoàng Hồ Sĩ Mng quá!

Xin hẹn bạn, ‘ni sau, kẻ trưc, bọn mình sẽ sum vầy... và sẽ t chức kỷ niệm 100 năm trường Nguyn Hoàng vào năm 2052 nhé.
An vui Mừng nhé!

__________________________________________________________




NHỚ PHAN PHỤNG THẠCH 


Ngày mùng 3 tết Quý Tị, nhằm ngày 12/02/2013, vừa tròn 40 năm ngày anh Phan Phụng Thạch ra đi. Cầm trên tay tập thơ Lưu Bút Mùa Hạ mà anh đề tặng cho cô Hồng, tôi ngỡ như mới đây thôi. Tôi chợt nhớ về một kỷ niệm mà cô Hồng cứ kể mãi trong những ngày thầy Thạch nằm viện, như là một dấu ấn không thể quên...

























Thầy Phan Phụng Thạch và cô Hồng là đồng nghiệp cùng đứng trên bục giảng thời kỳ 1968-1973 tại trường Nguyễn Hoàng, cũng như cùng sinh hoạt hội Hồng Thập Tự ở Quảng Trị.

Rất nhiều bài viết về thầy trong nhiều tập san, báo chí... tôi không tiện nhắc ở đây nữa, chỉ ghi lại đây một trong những kỷ niệm khi cô Hồng đến thăm thầy Thạch ở bệnh viện Đà Nẵng. Cùng với người cháu tên là Tôn Nữ Bích Nhạn. Hai o cháu không rõ số phòng, số giường bệnh, thế mà khi nghe tin thầy Thạch đang nằm viện là tức tốc chạy đến ngay và cứ thế đi đi lại lại dọc hành lang các phòng bệnh không biết bao nhiêu lần, cuối cùng cũng tìm được giường bệnh của thầy.
Thầy xanh xao, gầy guộc quá nên hai o cháu không nhận ra và cả hai cùng rơm rớm nước mắt, nhưng thầy lại mỉm cười và bảo: "Thấy chị đi lui đi tới mà tôi không gọi, vì không muốn chị thấy tôi trong tình trạng như thế này". Vẻ mặt buồn buồn, thầy nói: "Mình đang nằm nghe từng chiếc răng rụng và từng sợi tóc rơi đây!". Ngày 10/02/1973, căn bệnh quái ác đã đưa thầy vĩnh viễn ra đi, rời xa chúng ta.

Hôm nay kỷ niệm 40 năm ngày anh Thạch ra đi, tôi muốn giới thiệu tập thơ với bút tích anh dành tặng cho cô Hồng và nhân đây xin chuyn 4 câu thơ trong bài Tháng Hạ mà tôi rất thích, đến quý anh chị em thân yêu của trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị ngày xưa để nhớ về một người thầy vô cùng đáng quý, luôn dành những tình cảm thân thiết cho học trò của mình.


















(Các em còn thương về ngôi trường cũ?
Vườn thiên đàng của tuổi nhỏ vàng son
Thầy đứng đó như một loài cổ thụ
Chút bóng hiền che nắng lũ cây con).










_________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét