Thầy ĐÀO VĂN NHẪN

Nguyễn Văn Trị xin giới thiệu bài viết của thầy Đào Văn Nhẫn, cựu giáo sư trường TH Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Thầy viết về tấm gương cao quý và tình  thương của một cô giáo dành cho học trò của mình. Sự giúp đỡ chân tình của cô đã giúp một học sinh học lực kém vượt qua được trở ngại trên con đường học tập để tiếp tục con đường học vấn và về sau học sinh này trở thành người hữu ích trong xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung (nhân vật trong câu chuyện do anh Hồ Đắc Quyền, học trò cũ của thầy Đào Văn Nhẫn, kể lại qua ghi chép của thầy Nhẫn) là phu nhân của thầy Nguyễn Văn Tuấn, cựu giáo sư trường TH Nguyễn Hoàng Quảng Trị - người vừa qua đời mới đây tại Huế. Cô Dung cũng đã qua đời hơn 5 năm trước, vào ngày 19/01/2012. Xin mời theo dõi câu chuyện:

BƯỚC NGOẶC CUỘC ĐỜI
  • Thành kính tri ân hương hồn cô Nguyễn thị Dung

Đào Văn Nhẫn 
Viết theo lời kể của em Hồ Đắc Quyền (Duty Manager tại Rex Hotel Saigon, cựu học sinh Phú Hòa và Quốc Học Huế là một học sinh cũ của cô Nguyễn thị Dung).

Truyện kể rằng: "Có một bé trai đi học về đưa cho mẹ một bức thư của nhà trường dặn chỉ đưa cho mẹ đọc khi về nhà. Đợi cho mẹ đọc xong, cậu bé hỏi: "Mẹ ơi, bức thư nhà trường gửi cho mẹ nói gì vậy?" Bà mẹ rưng rưng nước mắt trả lời "À họ nói con là một thiên tài, trường họ không có đủ giáo viên giỏi để dạy con nên khuyên mẹ nên để con ở nhà tự học". Từ đó ngày nào bà mẹ cũng dành thì giờ dạy cho con tại nhà và nhờ vậy mà nhiều năm sau khi lớn lên cậu bé học rất giỏi và nổi tiếng là một khoa học gia có nhiều bằng sáng chế làm kinh ngạc thế giới. Thời gian lâu sau, mẹ anh ta chết và nhân một ngày sắp xếp lại đồ đạc của mẹ để lại, anh ta tìm thấy trong ví của mẹ mình một lá thư đã nhầu nát và chữ cũng đã có phần phai nhạt theo thời gian. Cố gắng lắm anh ta mới đọc được nội dung của bức thư: "Con bà bị thiểu năng trí tuệ, nó không thể theo học tại trường chúng tôi, phải để nó ở nhà tự học!". Đọc xong lá thư, anh đã hiểu hết câu chuyện về lá thư thời thơ ấu và khóc nức nở, đau xót thương cảm người mẹ của mình... Anh ta là Thomas Alva Edison, nhà khoa học người Mỹ (1847 - 1931) đã phát minh ra bóng đèn điện, máy hát ... và đã đệ trình hơn một ngàn bằng sáng chế.
 Đọc xong bài này, tôi thấy như câu truyện có phần "vận" vào cuộc đời của tôi: Nhờ sự thông minh, nhanh trí và quyết tâm, bà mẹ đã không chịu bó tay trước quyết định của nhà trường, đã bằng mọi cách để tự mình giúp con có ý chí phấn đấu để biến con từ một đứa học trò học kém, không tiếp thu được những gì thầy cô dạy ở trường thành một học trò thông minh, một khoa học gia nổi tiếng sau này... Tôi không dám so sánh mình với Thomas Edison nhưng dám so sánh về hoàn cảnh: khi đang học cấp 2, chính xác là lúc đang học lớp 8 trường Phú Hòa Huế (khoảng năm 1980), tôi là một học sinh bị mặc cảm về học lực, điểm tổng kết đặc biệt là môn Toán luôn là 3, 4 chẳng khi nào được 5 nên luôn cảm thấy môn Toán khó học từ đó mất căn bản, lại nữa lúc đó tuổi còn trẻ nên ham chơi, nhà lại khó khăn nên càng ngày tôi càng buông xuôi, thậm chí còn muốn bỏ học để đi làm giúp gia đình nữa. Năm đó may cho tôi là cô Dung dạy môn Toán, cô giáo đã giúp tôi thay đổi cả cuộc đời sau này... Biết tôi chán nản trong việc học Toán vì mất căn bản và không thể theo kịp được những gì được giảng dạy tại lớp, cô khuyên tôi về nhà cô học thêm miễn phí (nhà cô có mở lớp dạy thêm), với nhiệt tình của cô như thế song tôi cũng không theo học được lâu vì thiếu phương tiện di chuyển vì nhà cô ở quá xa... Trước tình thế này, cô thông cảm và nhiệt tình tiếp tục giúp tôi bằng cách đến tận nhà tôi sau các giờ dạy buổi chiều ở trường để củng cố các kiến thức còn thiếu sót cho tôi. Cứ nghĩ cảnh một cô một trò ngồi bên cây đèn dầu leo lét (thời kỳ này Huế hay bị cúp điện) bên chiếc bàn con dù mưa hay nắng nay nhớ lại mà thương cô, kính trọng và biết ơn cô vô vàn...
Phương pháp giảng dạy của cô cũng đơn giản như chính con người cô: bài toán nào trên lớp chưa thông suốt, cô hỏi và giảng lại tỉ mỉ, bắt phải thuộc lòng và nắm vững lý thuyết trước khi thực hành và cho một số bài tập ứng dụng làm cho đến khi nhuần nhuyển cô mới chịu ra về.Song song với việc bù đắp lổ hổng kiến thúc về Toán, cô luôn luôn động viên tôi chú ý dến các môn khác và thỉnh thoảng lại nhắc tôi nhớ đến những bà con của tôi đã thành đạt để tôi noi gương theo cũng như những tấm gương học giỏi của ngay những học sinh trong trường để tôi phấn đấu. Dần dần, với nghệ thuật giảng dạy đầy kinh nghiệm của một giáo viên Toán, với sự thức tỉnh đúng lúc của tôi nhờ cô khai trí nên dần dần tôi cảm thấy đam mê môn Toán: từ một học sinh mất căn bản, tôi đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc học tập, đã có những khới sắc trong môn Toán, dễ dàng có những điểm tổng kết đạt yêu cầu và cũng như dễ dàng vượt qua được kỳ thi PTCS , đặc biệt là kỳ thi vào lớp 10 Quốc Học. Tôi vãn còn nhớ như in ngày có kết quả đổ vào lớp 10 trường Quốc học: người đầu tiên tôi báo tin mừng này là chạy bộ về nhà cô, lúc ấy trời cũng đã chiều, cô cũng đã vui mừng chia sẻ niềm vui đó bằng cách chở tôi trên xe đạp từ nhà cô (ở cuối đường Chi Lăng - Gia Hội) lên đến cầu Bến Ngự thưởng cho tôi một ly chè... Vậy đó, đúng là tính cách của cô tôi... Ly chè đã ngọt nhưng tình cảm cô dành cho tôi hôm đó ngọt và đậm đà hơn nhiều...
 Hình ảnh một cô giáo không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi, kể cả lúc này sau gần 40 năm được học với cô: một cô giáo luôn luôn xuống xe dắt bộ trước khi vào cổng vào trường hoặc đến nhà ai cũng vậy; dè dặt và kín đáo lịch sự rút lui khi nhà có khách, chiếc cặp và chiếc nón lá để ở trước giỏ xe, luôn luôn mặc áo sơ mi tay dài quần tây đen giản dị và nụ cười thân thiện luôn nở trên môi. Cô luôn ăn nói nhỏ nhẹ, ân cần khuyên nhủ, không quá nghiêm khắc để làm học sinh sợ mà thay vào đó là dùng tình thương để cảm hóa học sinh khi có lỗi. Cô đúng là một mẫu giáo viên lý tưởng nên được nhiều đồng nghiệp thương mên, học sinh kính phục... Giờ đây ngồi tại Saigon tôi vẫn cảm thấy ân hận và luyến tiếc đã phải xa Huế, xa cô từ những năm đầu thập niên 1990. Tuy nhiên những lần ra thăm Huế sau đó, người mà tôi đến vấn an đầu tiên là cô và gia đình. Sau này lại càng buồn và đau đớn hơn khi biết cô bị bệnh hiểm nghèo, vậy mà vào thời gian đầu bị bệnh, nhân một lần ra Huế thăm, tuy tay đã bắt đầu có triệu chứng sưng, cô vẫn đạp xe đạp chở đến nơi tôi tạm ở một trái mít vừa chín tại vườn nhà cô...và rồi những ngày bệnh nặng đến thăm cô mà lòng xót xa và đau buồn khi cô không thể tiếp được mà phải nhờ thầy tiếp hộ. Căn bệnh quái ác đã mang cô đi vĩnh viễn vào ngày 19/01/2012 dù cho thầy và con trai cô đã hết lòng chắm sóc và chạy chữa. Những ngày tháng gần đây, dù không còn cô, tôi vẫn theo thói quen mỗi lần ra Huế đều đến thắp cho cô một nén nhang tưởng nhớ người cô đáng kính với tất cả lòng biết ơn sâu xa, người đã giúp tôi có nghị lực để vươn lên nhờ nhân cách của một nhà giáo, nhờ tình thương của một người mà tôi xin phép được xem như người mẹ thứ hai của tôi.
 Cây khế nhà cô vẫn còn rụng những trái vàng khi mưa gió, cây mít vẫn ra trái, các dãy bàn ghế dùng làm lớp học vẫn như đang còn nghe tiếng cô lui tới giảng bài, vẫn còn có thể thấy trong ký ức hình bóng cô đang viết những công thức toán trên bảng song cô thật sự không còn đấy để học trò cũ của cô nói được lời tri ân xuất phát tự đáy lòng mình. Có một văn sĩ đã nói :" Helping one person might not change the whole world, but it could change the world for one person" (Giúp đỡ một người có thể không thay đổi được cả thế giới nhưng có thể thay đổi cả cuộc đời của một người). Đó chính là cuộc đời mà cô Dung đã đem đến cho tôi. Giờ đây cô đã về miền miên viễn. Người thân, bạn bè bà con cùng các thế hệ học sinh luôn giữ những hình ảnh và những kỷ niệm tốt đẹp về cô. Riêng em, bóng dáng của cô sẽ luôn hiện hữu trong tâm trí em trong những lúc thăng trầm của cuộc đời,lúc này và mãi mãi về sau. Hương hồn cô nay chắc chắn đang thảnh thơi an nghỉ trong cõi vĩnh hằng.

Sài gòn, tháng 8/2017



Theo dấu trường xưa

  • Đào Văn Nhẫn

Sau biến cố lịch sử 1975, vào những năm đầu, người dân còn bỡ ngỡ (đặc biệt dân miền Nam) trước tình hình chính trị và xã hội mới. Song qua một thời gian, người dân đã dần dà quen với nếp sống mới, nhất là mấy năm gần đây, đời sống có phần thoải mái hơn về tinh thần lẫn vật chất nên con người lại có thêm thời gian dành cho cuộc sống tinh thần hơn. Những người lớn tuổi lo đi bốc mộ quy tụ bà con về một chỗ, xây dựng đền thờ họ để con cháu có nơi tụ hội hầu nhớ đến cội nguồn, những người cùng họ lập gia phả để tìm lại họ hàng lâu nay thất lạc... ngành giáo dục chúng tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó: các trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, thầy trò thì viết đặc san gợi lại những kỷ niệm khi còn sinh hoạt chung dưới một mái trường hoặc lập ra những hội ái hữu, ban liên lạc cựu học sinh, giáo viên vừa để ôn lại những kỷ niệm học đường, vừa là dịp để tìm lại nhau sau mấy năm xa cách, đặc biệt đó là cơ hội để biết thông tin lẫn nhau hầu chia sẻ niềm vui và nỗi buồn...


  • Trường Trung học Phổ thông Thị Xã Quảng Trị và trường Triệu Phong
Sau 1975, trường “Đệ Nhị số 2” Hải Lăng có tên này vì muốn nhấn mạnh đến cấp học (đệ nhị cấp) và số 2 bởi lẽ lúc đó đã có một trường “Đệ Nhị số 1” tại Đông Hà. Lúc này thị xã Quảng Trị là một bãi toàn gạch đá đổ nát nên chưa có trường học. Năm 1975, tại địa điểm trường trung học Đệ Nhất cấp Triệu Phong cũ, các thầy miền Bắc về dựng lên một trường gọi là trường Cấp 3 Triệu Phong (lúc này trường chỉ có 2 lớp). Trường này chỉ hoạt động được một năm thì chuyển lên thị xã Quảng Trị nhưng không đóng trên mảnh đất trường Nguyễn Hoàng cũ mà đóng tại một khu đất bên kia đường. Đến năm học 1980-81 thì chuyển về địa điểm của trường Nguyễn Hoàng cũ. Dường như lúc này gọi là trường Cấp 3 Triệu Hải 1 và trường ở bãi cát Hải Lăng gọi là trường Cấp 3 Triệu Hải 2. (do nhập huyện Triệu Phong và Hải Lăng thành Triệu Hải). Do UBND huyện Triệu Hải đóng tại thị xã Quảng Trị hiện nay nên về sau tách huyện thì mỗi huyện có trường cấp 3 riêng còn ngôi trường ở Thị xã Quảng Trị được đặt tên là trường Cấp 3 Thị Xã Quảng Trị (tiền thân của trường Trung học phổ thông Thị Xã Quảng Trị hiện nay). Ở Hải Lăng thì gọi là THPT Hải Lăng, ở huyện Triệu Phong thì gọi là THPT Triệu Phong đóng ở Bồ Bản, cách thị xã Quảng Trị 10km.


  • Trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Tôi ra trường ĐHSP năm 1970 và được bổ nhiệm về trường Trung học Nguyễn Hoàng giảng dạy. Lúc này trường Nguyễn Hoàng đã có gần 20 năm tồn tại trên mảnh đất Quảng Trị (1952-1970). Cuối tháng 3 năm 1972, tôi phải rời Quảng Trị một cách đột ngột sau giờ dạy để vào Huế, bỏ lại tất cả vật dụng cá nhân tại căn phòng trọ, thuê chung với thầy LVM tại đường Hồ Đắc Hanh. Sau thời gian này, người dân Quảng Trị, học sinh và giáo viên chạy vào Đà Nẵng tập trung tại hai nơi Hòa Khánh và Non Nước để tiếp tục sinh sống, học tập và giảng dạy.

Năm học 1973-74 trường Nguyễn Hoàng dời về địa điểm mới ở một khu thị tứ mới hình thành thuộc địa phận Hải Lăng, cách thị xã Quảng Trị đúng 10km về phía nam. Trường được xây trong một thời gian kỷ lục cùng một số cơ quan khác của tỉnh Quảng Trị mới hồi hương.

Đây là một khu vực tập trung trên một đồi cát trắng xưa nay bỏ hoang vì khí hậu khắc nghiệt: không có một bóng cây to để có bóng mát, không có sông hồ để lấy nước, chỉ toàn cát và gió! "...mùa hè thì nắng bóc từng lớp rêu mà mùa đông còn để lại, nó cong quắt như những vỏ đậu phơi nắng lâu ngày. Nắng gió lào làm cỏ cháy, giếng cạn sạch nước, canh vừa bưng xuống bếp, chưa kịp múc ra tô thì gió trời đã nêm cát vào rau.Mùa mưa rét lạnh giá đến tê người, hứng nước mưa thì cũng được những thau nước tím ngắt, thò tay vào lạnh buốt tới xương" (trích kinh nghiệm thầy Nguyễn Trí Quang, dạy môn Văn tại trường Hải Lăng).

Trường Nguyễn Hoàng mới là một dãy nhà chính có hai tầng (trệt và lầu 1) cùng 3-4 dãy nhà tôn vừa dùng làm phòng học, vừa là nơi ở tập thể của giáo viên: tất cả xây mặt ra con đường nối quốc lộ với Diên Sanh. Phía bên phải là tòa thị chính Quảng Trị cùng một số cơ quan liên hệ như bệnh viện, ngân hàng, ... Xa xa phía dưới đồi cát là các dãy nhà cư xá dành cho cán bộ nhân viên trong tỉnh ở cùng gia đình. Lúc này thầy Hoàng Văn Liệu từ trường Nguyễn Hoàng Đà Nẵng ra theo cùng dân và học sinh Quảng Trị để tiếp tục làm hiệu trưởng, thầy Cái Ngọc làm Giám học và thầy Hồ Ứng Luyện phụ tá Giám học. Tất cả hồ sơ của trường cũng được giữ gìn cẩn thận cùng mang theo. Lúc này những giáo viên ở xa được bố trí ở tập thể tại trường, nếu có gia đình thì được một căn phòng bên cư xá.


  • Trường THPT Hải Lăng
Qua năm 1975 thầy Cái Ngọc thay thầy Hoàng văn Liệu làm hiệu trưởng, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn (2 tháng) trước khi trường Nguyễn Hoàng lại “tan đàn rã nghé” lần thứ hai vào cuối tháng 3 năm 1975 (cũng tháng 3 nghiệt ngã !). Trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị xưa, sau 3 năm (1972-1975) long đong, dời chuyển chính thức mất tên kể từ ngày 19/3/1975, ngày trường THPT Hải Lăng ra đời trên cơ sở tiếp quản cơ sở vật chất của trường Nguyễn Hoàng cũ đang “tản cư” trên đất Hải Lăng.

Thầy Cái Ngọc, lúc đó là hiệu trưởng, đích thân bàn giao toàn bộ hồ sơ sổ sách, tài sản của trường Nguyễn Hoàng cho ban tiếp quản của chính quyền cách mạng mà đại diện là anh Nguyễn Vĩnh Sum, một cán bộ của ty Giáo Dục Cách Mạng. Bắt đầu từ lúc này, lịch sử trường Nguyễn Hoàng đã sang trang.

Tuy Sai gon lúc này chưa giải phóng song tất cả giáo viên cũ của trường Nguyễn Hoàng đều được lịnh tập trung học chính trị và chuẩn bị cho ngày trường hoạt động trở lại trước khi kết thúc năm học 1974-75 đúng 11 ngày sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Tháng 9 năm 1975 khai giảng năm học mới, năm đầu tiên của nền giáo dục cách mạng với tên gọi là trường Cấp 3 Hải Lăng, thành phần giảng dạy là các giáo viên chi viện, số đông còn lại là các giáo viên cũ của trường Nguyễn Hoàng, trong đó có tôi.

Do yêu cầu và nhiệm vụ chính trị, trường liên tục đổi tên:

1974-75: Trường Trung học Đệ Nhị số 2 Triệu Hải.
1975-76: Trường Phổ thông cấp 3 Hải Lăng.
1976-90: Trường Phổ thông số 2 Triệu Hải.
1990-96: Trường Phổ thông cấp 2-3 Hải Lăng.
1996-đến nay: Trường THPT Hải Lăng.

Đi tìm một ngày thành lập thích hợp:
Qua sự kiện lịch sử năm 1975, rất nhiều trường muốn tổ chức kỷ niệm ngày thành lập cũng gặp không ít lúng túng khi phải quyết định chọn đúng năm thành lập cho có ý nghĩa và hợp lý. Rất nhiều trường chọn ngày thành lập lấy sự kiện lịch sử 1975 làm mốc, một số trường khác lại chọn đúng ngày thành lập nhiều năm trước cột mốc này.

Xin liệt kê một số ví dụ cụ thể điển hình mà tôi được biết:
- Trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị: kỷ niệm 65 năm thành lập trường vào năm 2017.
- Trường THPT Quốc Học Huế: kỷ niệm 120 năm thành lập trường vào năm 2016.
- Trường THPT Hai Bà Trưng Huế: kỷ niệm 100 năm thành lập trường vào năm 2017.
-Trường PTTH Nguyễn Huệ, Huế: kỷ niệm 50 năm thành lập trường vào năm 2014.
-Trường PTTH Hải Lăng, Quảng Trị nên kỷ niệm 45 năm thành lập vào năm 2018.

(Năm thành lập trường THPT Hải Lăng không nên tính từ cột mốc 1975 như lâu nay mà phải tính từ 1973, năm trường PTTH Nguyễn Hoàng bắt đầu hoạt động lại tại Hải Lăng và kể từ năm 1975 trường Hải Lăng chỉ tiếp nối hoạt động đã có của trường Nguyễn Hoàng, là hậu thân của trường Nguyễn Hoàng, đồng thời cũng thỏa mãn 4 yêu cầu tôi đề ra dưới đây mà ít trường có được).

Vậy với các trường trên, người ta đã dựa trên cơ sở nào để kỷ niệm ngày thành lập trường? Chung chung người ta chỉ nghĩ đến năm ra đời của trường và cộng những số năm tính đến hiện nay là 2017 không kể đến năm cột mốc 1975!

Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, muốn tính năm thành lập trường một cách hợp lý nên chăng phải theo các tiêu chí sau (không nên chỉ căn cứ ngày "sinh" của nó mà phải tính tổng cộng "thời gian sống" tức "bề dày" hoạt động liên tục của nó):

1/ Cơ sở (trường) không thay đổi địa điểm (tên trường có thể thay đổi).
2/ Chức năng không thay đổi (vẫn là nơi dạy học sinh trung học).
3/Có tính kế thừa (cơ sở vật chất, hồ sơ, sổ sách, giáo viên và học sinh của trường cũ)
4/ Hoạt động liên tục từ ngày thành lập đến bây giờ.

Xét theo 4 tiêu chí trên, tôi thấy chỉ có mấy trường này đáp ứng đủ: THPT Quốc Học (dù sau 1975 không thay tên nhưng trước đó cũng đã từng mang tên là trường Khải Định rồi sau là trường Ngô Đình Diệm), trường Hai Bà Trưng (trước 1975 là Đồng Khánh), trường Nguyễn Huệ (trước 1975 là Nữ Thành Nội) và trường Hải Lăng (trước 1975 là Nguyễn Hoàng).

Riêng trường THPT Nguyễn Hoàng thì không phù hợp với tiêu chí 1, vì đã thay đổi đến 3 địa điểm (Quảng Trị, Đà Nẵng và cuối cùng là Hải Lăng). Tuy nhiên đây là vì những biến động thời cuộc mà trường phải tạm rời địa điểm cũ như trường Quốc Học đã từng phải mượn trường khác để học khi quân Pháp chiếm đóng trường (1946-1954), do đó trường phải tản cư sang trường Việt Anh và Đồng Khánh. Chỉ khác là sau đó trường Quốc Học quay về chỗ trường cũ trong khi trường Nguyễn Hoàng lại không còn chỗ và trường cũ để quay về!

Tóm lại, dù cho có thay đổi tên gọi của trường, dù có phải ... bôn ba khắp đó đây vì thời cuộc, bản thân trường THPT Hải Lăng hiện nay là hậu thân của trường Nguyễn Hoàng Quảng trị, vẫn mang nặng dấu ấn lịch sử của trường này vì nó là sự tiếp nối kế thừa khi hồ sơ sổ sách vẫn được lưu giữ và bàn giao chính thức vào năm 1975, đặc biệt là nhân sự (giáo viên, nhân viên, học sinh) cơ bản không thay đổi.

Trong suy nghĩ trên, tôi nhận thấy chúng ta sẽ dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng trường THPT Hải Lăng hoặc trường TH Nguyễn Hoàng cũ bởi lẽ “tuy một mà hai, tuy hai mà một! 

Bài viết này có tham khảo các tài liệu của một số đồng nghiệp và dựa vào trải nghiệm bản thân. Tuy nhiên, có thể còn chưa đầy đủ và xác đáng, kính mong người đọc cho thêm ý kiến. Thành thật cám ơn.

Cuối tháng 8/2017.

Đào Văn Nhẫn
Cựu giáo viên Nguyễn Hoàng và Hải Lăng.

Dãy nhà chính của trường Nguyễn Hoàng khi mới hồi cư tại Hải Lăng. Ảnh: ĐVN chụp ngày 21/7/1975.

Các cơ quan của Tỉnh Quảng Trị mới, đằng sau là cư xá. Ảnh: ĐVN chụp ngày 21/7/1975.

Cơ sở chính và các nhà tôn của trường NH. Ảnh: ĐVN chụp ngày 21/7/1975.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét