VIẾT VỀ CHA MẸ



MÙI CỦA MẸ
  • Nguyễn Văn Anh


CLICK VÀO ẢNH ĐỂ NGHE THƠ
Thời son trẻ, Mẹ thơm mùi con gái,
Mùi tằm dâu, rơm rạ quê nhà
Mùi bồ kết hương cau thơm lắm,
Mùi thanh xuân đồng nội Mẹ trao cho Cha.
Ngày vỡ ối con ra Mẹ còn thơm mùi chăn gối,
Mùi tro than hột muối củ gừng
Con bú mớm Mẹ thơm mùi vú mộng,
Con đi lẫm chẫm Mẹ thơm mùi cơm nhão cháo hoa.

Con đến trường làng,
 Mẹ thơm mùi… lửa rơm gạo mới.
Con lên trường huyện, 
Mẹ thơm mùi cơm bới mo cau.

Khi con ốm đau, Mẹ thơm mùi của Phật
À ơi, ôm con mùi Mẹ tỏa ra
Bệnh hoạn tiêu tán, tà ma phải lùi.
Ngày nắng hạn, Mẹ thơm mùi me đất,
Tháng mưa dầm, Mẹ thơm mùi con cá chột nưa.

Con xa nhà mang theo mùi của Mẹ
Đi đông, đoài, nam, bắc 
Là con đi ... đất bằng biển lặng
Là con đi ... chân cứng đá mềm.
Ơi những kẻ đi xa, có nghe thơm mùi của Mẹ
Mẹ thơm mùi bếp lửa quê nhà.
CLICK VÀO ẢNH ĐỂ NGHE NHẠC

Mùi của Mẹ là mùi rất thật.
Ngày con thành gia thất,
Mẹ thơm mùi cheo cưới
Mùi áo khăn đèn rượu trầu cau.

Ngày tháng qua mau thoảng chút hương đời
Con hể hả
Mẹ cứ giữ một mùi dân dã như rơm.

Đời con lận đận áo cơm,
Mẹ là áo gấm, tám thơm nồi đồng.
Đời con mỏi gối chồn chân
Lạ thay Mẹ vẫn thơm mầm lộc non.

Con mấy mặt con rồi vẫn ngỡ mình bé dại
Vì nhà ta còn mùi Mẹ mùi Bà
Mùi Bà mùi cái vú da
Mùi cau trầu với mùi hoa mẹ trồng.

 Mẹ ơi!
 Mẹ mới đó bốn mùa mặc áo the thâm
Sao đã vội già không trẻ mãi
để vãn buổi chợ chiều,
tất bật đi mau
Vì biết con chờ gói kẹo cau đùm trong lá chuối.

Ôi! cục kẹo cau có hương bưởi hương ngâu.
Có con cu kêu đầu hồi
để thời gian qua chi vội
Bây giờ tội nghiệp mẹ tôi
Tám mươi ba tuổi xếp đôi cánh cò.

Mùi của Mẹ, quanh co giường chiếu,
Mùi trần ai khô kiệt xác thân
Mùi da xương bên ướt Mẹ nằm
Để cả đời bên ráo con lăn.

Khuya nay quỳ xuống ôm chân
Mẹ ơi! đã lạnh toàn thân mất rồi
Cây cau già ngoài sân chết đứng
Ngọn trầu không héo úng rụng rời
Gió khóc ngoài dậu mùng tơi
Tre trúc quờ quạng tìm hơi Mẹ già
Mẹ hiền đi chuyến chợ xa
Mùi Mẹ cánh hạc bay ra cõi trời.

Con thành đứa bé mồ côi
Mạ ơi!
Con thành đứa bé mồ côi
Lặng chiều nhang khói tìm hơi Mẹ hiền.
_______________________________________



THU VỀ NHỚ MẸ
  • Trương Lan Anh

Thu về nhớ mẹ bao nhiêu
Vần thơ thao thiết gửi chiều quê hương
Thu nay vương trắng khói sương
Mờ mờ nhân ảnh bóng gương nhiễu điều.

Mẹ cha xa vắng cô liêu
Nắng buông đầu ngõ đỏ xiêu cau vườn
Trầu ôm tay níu vẫn vươn
Gió thu trái chín vàng ươm trên cành.

Trời thu vẫn thắm sắc xanh
mà sao dáng mẹ đã thành thiên thu
Sông quê giăng trắng sương mù
Màn buông trăng xỏa thuyền ngư mãn ngày.

Sông khuya đong ánh trăng đầy
Thẳm sâu nghe tiếng vọng lời mẹ ơi
Đường khuya lót lá thu dày
nguyệt lay thờ thẫn mẹ thầy vắng xa.

Trái thơm đã ngọt vườn nhà
Cau mùa chi chít trầu xòa bàn tay
Tính đi tính lại tháng ngày
Nâu non đã bạc dạn dày nắng mưa.

Con về ngõ vắng vườn trưa
Nắng lay lắt nẳng đỏ thưa sân nhà
Nhãn chùm sây quả la đà
Khế chua nhớ bát canh cà mẹ ơi!

Tháng năm mẹ chốn xa xôi
Vu Lan vắng mẹ đất trời đổ mưa
Con về giữa chốn vườn xưa
Dâng mùa báo hiếu trăng thưa ngã thềm.

Trái cây mâm quả dâng lên
Khấu tay lạy mẹ nơi miền tịnh yên

Thu đi thu lại dài thêm
Tháng năm nỗi nhớ chảy miền tràng giang!
_____________________________________________________________________________


DÀNH CHO CHA
  • Võ Văn Cẩm
                                                            Viết để dành cho Người “Tất cả vì tôi”.
                                                            Nguyện cầu Người được an vui nơi cửa Phật.


Là ngưi ai cũng hơn một lần làm mẹ,
Gánh vác đời trong bổn phận làm cha.
Làm dâu, làm rể hiền hòa,
Làm “con trẻ” sau trở thành phụ mẫu.

Đời là thế, không ai vượt ra ngoài khổ lụy,           
Được lớn khôn do công mẹ sinh thành,
Cha dưỡng dục bao tháng ngày vất v
Cha đâu kể công lao trời biển,
Phải cực nhọc lam lũ kiếm ăn,
Chiếc áo rách trên vai khâu nhiều mnh,
Chiếc áo lành cha dành lại cho con.
Trên đường đi nắng hực như lò lửa,
Chiếc nón của cha nhường đội vội đầu con,
Phần bóng râm cha dành cho con đứng,
Phía bên ngoài trời nắng phần cha.

Trong mâm cơm cha thường dạy bảo,
Bước vào đời muôn ngả lắm con ơi.
Con phải biết, phải chn cho kiếp làm người,
Khung thước ngọc vẫn là “con đường đạo lý”
Cung cách con người, con gi k gia phong,

Mỗi chiều chiều cha ngồi bên ghế đá,
Ôm ghì con cúi ngả vào lòng.
Cha cứ bảo con cố gắng học hành”
Đấy phần thưởng cao nhất con dành cho cha đó.

Được làm cha vào một thời lận đận,
Chiến tranh bạo tàn phủ kín quê hương.
Suốt cuộc đời, nhìn bao cảnh nhiễu nhương,
Sống với chết như chỉ mành treo trước gió.
Ngồi bàn ăn có lần chưa hết bữa,
Phải bỏ mâm cơm chạy thẳng xuống hầm,
Đời sóng gió nhưng cha đâu ngả lòng,
Quyết gầy dựng cho đời con tươi sáng.
Vào một đêm đông lạnh giá,
Trời u tịch chưa hết canh ba,
Súng đạn gầm, cha ôm vội vào lòng,
Làm bức chắn thay bức tường đỡ đạn.
Hình ảnh này con gi k vào tim.

Quảng Trị đó, hứng bao bom đạn,
Nhưng thân cha đâu quản nhọc nhằn.
Thà chịu chết cho con mình được sống,
Dạy d con khôn lớn với đời.

Một sáng nọ cha ra đường đưa tin.
Gởi con vào học một trường xa,
Cha cứ dặn con nên cố gắng”
Vì đây là hướng sống tương lai,
Con cố học để gầy dựng ngày mai.
Cha đắp đổi bằng mồ hôi và máu.
Con xin nhớ lời cha khuyên bảo,
Lấy lời này làm động lực tiến thân.

Con khôn lớn, đất nước hết chiến tranh,
Không được nhìn cha qua một thời quảng đại,
Cha nằm đó nhưng con không tìm thấy,
Bằng xương, bằng thịt với hình hài,
Chỉ ba tấc đất sao mà xa thế,
Muốn gặp cha phải đi hết cuộc đời.

Món hành trang cha dành cho con đó,
Bước vào đời muôn ng đúng cha ơi.
Con vận dụng trí khôn con học được,
Vốn cha trao con làm hành lý vào đời.

Lời vàng thước ngọc cha trao gởi,
Con sẽ dành lại cho đời cháu, đời con.

(Sài Gòn ngày đầu hạ 30/6/1985)
__________________________________________________________________


TÌNH CHA
  • Nguyễn Văn Tế

Ba là tấm gương của sự kiên trì theo đuổi mục đích, học tập suốt đời, chí hiếu với cha mẹ, thương yêu vợ con, quan tâm đến mọi người và luôn chu toàn nhiệm vụ.

Tôi còn nhớ khoảng năm 1965, lúc đang học mẫu giáo tại trường của bác Trợ Hòe, nằm chếch phía bên kia đường, rất gần nhà. Một hôm bị sốt, tôi không đi học được. Ba tôi lái xe đưa tôi đi đốc-tờ. Tôi rất mệt nên được cả nhà chăm sóc chu đáo. Qua hai hôm sau, tôi hết sốt. Buổi sáng thức dậy, như mọi ngày, ăn sáng, thay quần áo chỉnh tề. Các anh đã đi học. Riêng tôi vẫn chần chừ không muốn đi. Ba, Mạ, Dì tôi ngạc nhiên hỏi tôi sao không đi học. Tôi ậm ừ không trả lời được. Cả nhà đều khuyên nhủ, dỗ dành nhưng tôi vẫn không chịu bước ra khỏi cửa, dù trường cách nhà chỉ mấy bước chân.

Lúc đó, có ai biết trong lòng tôi đang có một nỗi sợ hãi thật mơ hồ mà sau này mới biết sao mình ngờ nghệch như thế? Tự dưng tôi không đủ tự tin để đến trường bởi vì sợ mình sẽ trở thành người xa lạ với cô giáo và bạn bè. Tôi không biết còn có ai trên thế gian này từng bị ám ảnh như tôi thời đó không nữa?

Từ dỗ ngọt đến giận dữ. Tôi còn nhớ như in sự thay đổi trên gương mặt cương nghị của Ba tôi vì tính cách cứng đầu đáng ghét của tôi. Lần đầu tiên tôi chứng kiến Ba nổi giận. “Muốn trở thành người hữu ích thì phải học”. Ba tôi la rầy to tiếng. Thế rồi từng chậu cây kiểng trước hàng hiên của ngôi nhà rường bị đạp vỡ tan tành. Cây roi mây dài trên tay Ba tôi cứ vút vút vào khoảng không phát ra âm thanh nghe rợn người… nhưng thật may mắn là không một roi nào chạm vào người tôi. Rất khiếp sợ, tôi nép mình run lẩy bẩy bên Dì tôi. Dì thương tôi lắm, nhìn tôi ‘khổ sở’ chịu trận mà cũng muốn khóc theo, nhưng lại không dám cản ngăn Ba. Thế nhưng cơn thịnh nộ của Ba cũng không tài nào chế ngự được nỗi ám ảnh bị xem như kẻ xa lạ trong lòng đứa trẻ lên năm như tôi.

Suốt ngày hôm đó tôi luôn bị giằng xé vì những cảm xúc hỗn độn. Vừa ân hận vì mình đã làm Ba buồn phiền, lại tiếc cho hàng chậu kiểng mà Ba và cả mấy anh em chúng tôi rất quý đã vỡ tan vì mình bà tự hỏi vì sao mình lại bị nỗi ám ảnh đó đeo bám mãi. Ôi! Đó là nỗi lòng không thể diễn tả cùng ai được và tại sao không ai chịu hiểu cho lòng mình.

Buổi chiều đi làm về, Ba tôi bảo tôi lên xe đưa đi phố. Sau khi vào hiệu Lương Giang cho mua sách và truyện tranh Lucky LukeĐôi Hia Bảy Dặm, ghé mua bánh biscuit. Cuối cùng, hai cha con vào tiệm ăn phở. Tôi đã ăn thật ngon lành trong im lặng. Dù Ba tôi đã rất ân cần, tôi vẫn không thể bộc lộ với Ba những suy nghĩ ấu trĩ của mình và Ba tôi cũng không nhắc lại chuyện ban sáng.

Đêm hôm đó không ngủ được. Tôi bị dày vò bởi sự ân hận đã làm cho Ba bực dọc. Tôi tự trách mình đã quá yếu ớt nhưng cũng giận cả nhà vì không ai nhận ra được nỗi ám ảnh lo sợ trong tôi. Vờ nhắm mắt khi nửa đêm nhìn thấy Ba lặng lẽ đến bên bộ phản nơi mấy anh em chúng tôi ngủ trong phòng học, nhẹ nhàng kéo mền đắp lại cho chúng tôi như mọi khi. Trong bóng đêm, mặt tôi bỗng nóng bừng. Dòng nước mắt ân hận cứ tuôn trào ướt đẫm cả gối dù tôi đã cố gắng nén vào lòng.

Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm, bước ra sân. Dưới bầu trời quang đãng trong ánh bình minh, mấy nhánh lan Hồ điệp mới nở khẽ lay động theo làn gió Nam, thoảng hương dìu dịu. Chú chó Rocky từ xa ngoe nguẩy đuôi phóng đến quấn quýt bên tôi. Cảm giác tỉnh táo và sảng khoái len nhẹ vào lòng. Một ngày mới đang bắt đầu. Cùng các anh, tôi thay quần áo tươm tất rồi xuống nhà ăn sáng. Mọi người nhìn tôi thân thiện như không có điều gì xy ra. Lấy lại tự tin, tôi tự giác ôm cặp thưa Ba Mạ Dì để đi học.

Rụt rè bước vào lớp, tôi không ngờ được các bạn và cô giáo đều vui vẻ chào hỏi tôi như mọi ngày. Cô giáo ân cần hỏi han khiến tôi nhận ra nỗi lo sợ bị lãng quên của mình hóa ra chỉ là những suy nghĩ ấu trĩ, trẻ dại.
Đó là cơn thịnh nộ đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời Ba với tôi. Như một dấu ấn in đậm trong tâm trí, cái cảm giác có lỗi cứ theo mãi cho đến tận ngày trưởng thành. Kể từ ngày đó, chưa bao giờ tôi bỏ học một ngày nào. Thầm cảm ơn Ba tôi đã cho tôi một cơ hội để nhìn thấy gót chân Achille của mình, giúp tôi tự thắng bản thân, vượt qua nỗi ám ảnh sợ hãi của tuổi ấu thơ.

Sau này lớn khôn hơn, tôi chợt nhận ra cơn thịnh nộ của Ba ngày đó chính là bài học lớn cho đời tôi. Điều này khiến lòng tôi sung sướng. Sự đổi thay trong hành vi và sự chuyên cần một cách tự giác trong suốt những năm dài trên ghế nhà trường đã làm Ba, Mạ, Dì tôi hài lòng. Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa kịp nói lời xin lỗi với bậc sinh thành ngày nào. Ba ơi, có lẽ Ba đã không hề nghĩ đến một điều thật đơn giản: với con, Ba chính là người Thầy đầu tiên trong đời đã cho con bài học về đức tính chuyên cần mà mãi tận ngày hôm nay con vẫn ghi nhớ.

Khi viết lên giấy cái cảm xúc ngây ngô thưở ấy của mình thì hình ảnh người cha gần gũi, giản dị, hiếu nghĩa với cha mẹ, đầy nghị lực trong học tập, tận tụy với công việc, tròn trách nhiệm với gia đình, khiêm tốn, vị tha trong xã hội và luôn lạc quan dù ở những hoàn cảnh bi đát nhất đang hiện rõ nét trong tâm trí của tôi.

Bầu trời đêm nay đầy sao. Ở đâu đó trong vũ trụ bao la này chắc hẳn Ba đang nở một nụ cười đôn hậu cùng ánh mắt hài lòng vì cuối cùng, sau nửa đời người, đứa con yêu cứng đầu cũng tỏ bày được điều thầm kín với Ba. Nụ cười vá ánh mắt ấy chắc hẳn vẫn là nụ cười và ánh mắt ngày xưa của Ba khi nghe con kề tai đọc được đoạn văn yêu thích “Je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxemburg dans les premiers jours d’octobre, car c’est le temps où il fait le plus beau que jamais…” trong những năm tháng cuối đời.

Nụ cười và ánh mắt ấy, con mãi mãi không thể nào quên.

(TPHCM - Tháng 4 năm 2012)
__________________________________________________________________


  • Lê Nguyên Tuấn



(2012)
Người ta hay cảm tác thơ chứ ít ai cảm tác đoạn văn hay là bút ký, nay tôi lại làm chuyện lạ lùng đó.
Chung quy là tôi đang nhìn lại lòng mình với những cảm nhận rất sâu lắng sau khi đọc bài viết của người con gái nhà văn Doãn Quốc Sĩ viết về người Mẹ.
Thật là khập khễnh khi so sánh với sự nghiệp của nhà văn Doãn Quốc Sĩ nhưng Ba Mẹ tôi vẫn có những sáng ngời trong nhân cách sống và dấn thân với xã hội.
Tôi viết bài này, người mà tôi muốn dâng tặng là người Mẹ yêu thương của tôi và cũng là đồng cảm với người con của nhà văn Doãn Quốc Sĩ những yêu thương nghĩ về người Mẹ khi cả hai bà đang lâm vào căn bệnh alzheimer. Tôi viết với tất cả thổn thức, những đau nhói của con tim, những cay xè trên đôi mắt. Nước mắt chỉ chực trào ra khi những kỷ niệm 40 năm, 30 năm trước bỗng tràn về hôm nay.
o0o


Mẹ yêu!

(1956)
"Thầm lặng" là tĩnh từ mà chưa bao giờ con cảm nhận đầy đủ ý nghĩa của nó cho đến hôm nay con dùng để viết về Mẹ. Cuộc đời Mẹ mãi "thầm lặng" trong gia đình nhỏ nhoi (cùng chồng và 4 con) đầy biến động theo thời cuộc, "thầm lặng" trong sự nghiệp không nhỏ của ba.

Con biết Mẹ sinh ra trong một gia đình giàu có nổi tiếng của một tỉnh lỵ miền Trung, nếu Mẹ đi theo con đường thương mại như bên Ngoại, nếu Mẹ làm vợ của người thương gia thì cuộc đời Mẹ sẽ nhẹ nhàng hơn, Mẹ sẽ như các Dì của con sống trong sự giàu sang và nhung lụa. Như vậy Mẹ không phải chịu những lần suýt đứng tim theo con đường hoạt động xã hội của Ba con, Mẹ không phải hằng đêm khuya khoắt trông ngóng chồng khi Ba con phải lao đi trong giông bão, trong lụt lội, trong chiến cuộc để giành lấy mạng sống cho đồng loại, Mẹ không phải là người phải mang một thân phận "vợ tù cải tạo" tủi thân suốt nhiều năm trời sau biến cố 1975.

Nhưng con vẫn biết Mẹ yêu điều đó. Mẹ yêu một mẫu người lý tưởng và trách nhiệm với đất nước và gia đình như Ba con. Nếu cho Mẹ có được sự chọn lựa một lần nữa, con tin chắc Mẹ vẫn chọn và được yêu Ba con, phải không Mẹ?!

Với một thân hình mảnh mai, ra đời với ngành sư phạm, nghĩ rằng cuộc đời Mẹ sẽ bình an biết bao khi hằng ngày trên bục giảng với một thiên chức gieo mầm những ý tưởng cho lớp trẻ biết sống thế nào hữu ích cho xã hội. Nhưng cuộc đời đâu có cho Mẹ đeo đuổi những ước mơ nhỏ nhoi đó.

Chiến sự bùng nổ ác liệt (Hạ Lào 1971), con còn nhớ cả một tháng trời ròng rã, Mẹ âm thầm cùng với Ba vào bệnh viện Quảng Trị để phụ băng bó, săn sóc cho các chiến binh trở về đầy máu me, què cụt. Bệnh viện như quá tải khi phải đón nhận hàng ngày, hàng giờ. Có những lần, con ngồi ngoài xe chờ Ba Mẹ trong đêm tối (lúc đó con mới 6 tuổi) không thể nào khiếp sợ hơn khi nghe những tiếng kêu la, rên siết trong đêm vắng.

(1972)
Rời bỏ Quảng Trị trong đổ nát 1972, vào Đà Nẵng tưởng rằng gia đình sẽ có cuộc sống an toàn khi hàng đêm khỏi phải nghe tiếng đại bác ầm ì dội về, nhưng Mẹ lại âm thầm thao thức không ngủ, lo âu trước những công việc mới của Ba. Nhận vai trò chủ tịch Hồng Thập Tự Vùng I, điều phối hoạt động cứu trợ tỵ nạn và thiên tai của 5 tỉnh miền Trung (từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị), Ba hầu như không còn thời gian nhiều cho gia đình.

Cộng thêm công việc tái thiết lại các trường học tại Quảng Trị sau khi có lệnh hồi cư, Ba cùng các thầy cô giáo lại chia nhau về giảng dạy trên mảnh đất còn ngổn ngang đổ nát. Mỗi tuần Ba ở nhà với gia đình chỉ một đến hai ngày. Thậm chí đang ngồi dùng cơm với gia đình, được tin gọi khẩn cấp khi có bão lụt là Ba lại lên đường...

Ngày đó, ngôi nhà của chúng tôi ở số 76 đường Yên Báy (Đà Nẵng), lúc nào cũng bận rộn. Đó là một biệt thự (village) khá lớn và đẹp. Nó vừa là nhà ở của gia đình chúng tôi, cũng là trụ sở chính của  Hồng Thập Tự miền Trung. Ngày nào có Ba tôi ở nhà là ngày đó có khách ra vào liên tục. Khi thì Ba tôi làm việc với các trợ lý của ông, khi thì phải tiếp những vị khách đến từ nhiều quốc gia (Pháp, Mỹ, Na Uy, Thụy Sĩ...) là những người làm việc trong tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế. Thế là Mẹ tôi phải vào chức năng đầu bếp bất đắc dĩ. Mẹ phải làm sao cho khách hợp khẩu vị, thoải mái. Nhiều cuộc họp khẩn cấp thâu đêm, Mẹ vẫn lặng lẽ, vui vẻ săn sóc chu đáo...

Ngày đó, gia đình tôi có những giây phút bên nhau luôn là những ao ước và hạnh phúc.

Thế rồi một ngày, một khoảnh khắc, một dấu mốc và một khoảng thời gian 10 năm (1975-1985) cay nghiệt đổ xuống đôi vai mảnh mai của Mẹ tôi. Đây là khoảng thời gian, một quãng đời tôi không bao giờ quên được. Không quên được không phải vì tôi khổ, không có cuộc sống đầy đủ như mọi đứa trẻ mơ ước và đáng được hưởng. Tôi không thể quên được những hình ảnh Mẹ tôi phải chịu đựng, hy sinh, nhẫn nhục... và bởi cảm giác tủi thân trong những tháng ngày đó mãi ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời này. Cứ nghĩ đến ngày tháng đó, tôi lại muốn thét gào lên "sao không cho anh em tôi được trưởng thành sớm để được kề đôi vai gánh vác, chia sẻ nhọc nhằn với Mẹ". Ngày đó tôi chỉ mới 10 tuổi và đàn em 9, 7, 3 tuổi!

Chịu đựng thân phận của vợ "người tù cải tạo" mấy năm trời với bao nhiêu oan khiên, cực khổ và cay đắng... Từ một người phụ nữ thuần thành, chưa bao giờ phải bươn chải trong nhầy nhụa của cuộc đời, nay Mẹ tôi phải vừa dạy học, vừa tập tành mua bán linh tinh trước thềm cửa nhà.
Cái khốn nạn khi đó, ngoài đồng lương đã không đủ sống của người giáo viên, Mẹ tôi còn phải đi dạy không lương buổi tối của cái gọi là "bình dân học vụ" mỗi tuần 3 đêm. Anh em tôi lúc ấy còn quá nhỏ, đứa nào cũng sợ ma nên thường kéo nhau ra trước cửa nhà ngồi chờ Mẹ đi dạy về. Từ xa xa, thấy bóng dáng Mẹ còm cõi lê bước về là mấy anh em chạy ùa đến, đứa thì víu lấy tay Mẹ, đứa thì ôm lấy Mẹ...

Đôi khi cuộc đời gian nan đã khiến chúng tôi sớm có ý thức về cuộc sống hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi, biết nghĩ đến việc phụ giúp Mẹ những gì có thể được. Mười một tuổi, hàng ngày tôi đã nấu được bữa ăn vài ba món cho Mẹ tôi đỡ nhọc nhằn. Các em cũng thay phiên nhau thổi lửa nấu cơm...
Người em kế tôi, lúc đầu giấu Mẹ tôi rang đậu phụng vào sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) để bán kiếm tiền phụ Mẹ. Tôi còn nhớ như in, Mẹ tôi đã chạy vào phòng khóc nức nở khi biết chuyện đó.

Nỗi tủi thân đôi khi còn đau đớn hơn cả những thiếu thốn vật chất. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ Ông Ngoại, Mẹ tôi dẫn anh em chúng tôi - đứa nào cũng đen nhẻm, ốm o - lên nhà ông cậu cả để thắp nhang, giỗ lạy Ông Ngoại. Mỗi bữa ăn của nhà cậu đối với anh em tôi là một bữa ăn cỗ, “giá trị” bằng cả tháng sinh hoạt ăn uống của gia đình tôi khi đó. Sau này Mẹ tôi chỉ lặng lẽ đi giỗ một mình, có lẽ bà tủi thân.

Ba tôi "cải tạo" tại An Điềm, một nơi rừng thiêng nước độc cách Đà Nẵng vài chục cây số. Hàng tháng cứ trước vài ngày đến hạn kỳ thăm nuôi Ba tôi, Mẹ tôi lại bận rộn. Phải bán đi phân vàng trong số để dành nhỏ nhoi, để làm đồ ăn bới cho Ba tôi. Mẹ làm mắm kho sả, làm thịt chà bông... Những đêm đó, anh em chúng tôi ngồi quây quần bên Mẹ, đứa thì đảo qua đảo lại chảo mắm sả, đứa thì lo múc vào lon Guigoz. Rồi có bà chị con bác ruột, chị Mimi phụ Mẹ tôi một tay. Sáng sớm tờ mờ, khoảng 4 giờ sáng, Mẹ đánh thức chúng tôi, thay những bộ đồ tươm tất để chuẩn bị lên đường thăm nuôi Ba.

Mẹ cho chúng tôi đi hết, ngay cả đứa em út tôi mới 3 tuổi. Mẹ biết Ba rất muốn gặp mặt đầy đủ anh em chúng tôi. Mẹ tôi thuê một chiếc xe thồ (thường hay chở cá), chất hết “cả nhà” chúng tôi lên xe. Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không thể hình dung làm sao có thể chở hết sáu mạng người (kể cả người lái xe). Chúng tôi ngồi đeo bám, vắt vẻo trên hai cái thúng mà họ hay chở cá. Vậy mà cũng lên đến nơi qua bao nhiêu con dốc, đường khó đi của rừng núi. Lẽ dĩ nhiên phải đi thật chậm. Chặng đường vài chục cây số mà đến trưa mẹ con chúng tôi mới đến trước cửa trại. Vậy đó, rồi chỉ gặp Ba tôi được 30 phút, chưa nói gì được trong khoảng thời gian đó. Tụi tôi được giám thị cho lại gần ôm Ba, lồng ngực như bóp nghẹt, cảm giác khó thở, muốn chực khóc thét lên.
Mẹ tôi đứng đó, nhìn Ba tôi, nhìn cảnh Cha con tôi quấn quít mà nước mắt ràn rụa trên đôi mắt sâu hoắm qua mấy đêm liền không ngủ.

Vậy đó, suốt ba năm trời chưa bao giờ Mẹ tôi vắng một lần thăm nuôi Ba tôi dù nhiều khi gia đình khá túng thiếu. Không xin xỏ, không than vãn, không cầu cạnh ai, bằng tất cả sự dành dụm và chắt chiu và cố gắng hết mình.

Rồi gia đình chúng tôi lần lượt xuôi Nam tìm đường "vượt biên". Bao nhiêu âu lo mất ngủ của Mẹ tôi để lo cho hai anh em tôi - đứa 15, đứa 14 tuổi - ra đi trong cái tuổi còn nhiều ngây thơ. Lo lắm chứ, làm sao Mẹ tôi không lo khi bao nhiêu nguy hiểm đang rình rập hai đứa con còn bé nhỏ của mình. Lớp lo sợ con mình bị tù đày, lớp lo sợ khi biển Đông mênh mông, một màu đen quánh, gầm thét của sóng biển.

Mẹ đọc kinh lạy Phật, cầu nguyện hằng đêm khi mỗi chuyến đi của chúng tôi. Rồi may mắn chỉ đến với gia đình tôi ngày đó được một lần là người em trai tôi đến bến bờ tự do ở cái tuổi 14. Lòng Mẹ lại xót xa khi hằng đêm nghĩ đến nỗi lẻ loi của đứa con thơ trên xứ lạ, quê người. Từ những mất mát tốn kém khi lo cho hai anh em tôi vượt biên, gia đình tôi thật sự lâm vào cảnh khánh kiệt vào những năm 80 - 83. Còn lại ba anh em, mỗi đứa chúng tôi phải tá túc mỗi gia đình mà Ba mẹ tôi gởi gắm. Và cứ đến cuối tuần, chúng tôi lại đón xe buýt về quận Bình Thạnh sum họp với Ba Mẹ. Hằng ngày, tôi biết Ba Mẹ tôi ăn uống khá đạm bạc vì chuyện làm ăn không như ý. Cái cách làm ăn của Ba mẹ tôi "hiền quá", vẫn theo phong cách con người mô phạm nên luôn bị lừa lọc và mất mát. Vậy mà khi đàn con ùa về, Mẹ cũng ráng làm bữa cơm thật ngon miệng cho con trẻ.

Cái giường ngủ của Ba Mẹ tôi ngày đó thì không thể hình dung được. Một căn phòng mà khi xưa họ dành làm văn phòng, họ cho Ba Mẹ tôi sử dụng. Cái giường Ba tôi phải tự chế bằng những thanh gỗ tạp phế thải, kết nối với nhau thành cái giường. Đêm đêm nằm ngủ sáng hôm sau nhức mỏi cả tấm lưng vì mặt giường gập gềnh.

Cả gia đình chúng tôi khi đó còn lại 5 người (em trai tôi đã đến được Hoa Kỳ) với một tấm mền dù lính hồi xưa, khi tôi trở mình thì đầu bên kia Ba tôi không có chăn đắp. Đến mùa nước lớn, đêm đêm cả nhà vùng dậy vì nước lên cao và thấm đến lưng. Ông Trời tiếp tục thử thách Ba Mẹ chúng tôi. Sau nhiều thất bại làm ăn, Ba Mẹ tôi quyết định xa Sài gòn, về vùng kinh tế mới An Hạ. Lại một chặng đường gian truân mới mà ông Trời mãi trêu cợt gia đình tôi. Nhiều lúc tôi oán hận ông Trời, bấy nhiêu đó chưa đủ làm Mẹ tôi mòn mỏi và cực khổ sao?!

Nơi vùng xa nước phèn làm cho nước da Mẹ tôi xấu đi nhiều. Trong cái khổ lại phải chịu thêm cái cằn cỗi của nắng gắt và phèn chua. Hàng ngày, Ba tôi phải đi gánh mía, Mẹ tôi ra chợ mua bán kiếm ít tiền lo bữa ăn cho cả nhà. Những hôm trời mưa lớn, đường xá lầy lội, ngập bùn, Mẹ tôi ráng đạp chiếc xe vội về với chồng con.

Hình ảnh ấy hôm nay dội về làm đau nhói lòng con, Mẹ ơi!!

Mà... Mẹ ơi, từ ngày được làm con của Mẹ đến nay đã gần 50 năm, con chưa từng nghe Mẹ than thở một lời nào. Con cũng chưa bao giờ thấy Mẹ gắt gỏng hay nói câu nào phiền lòng một ai.

Sống cho đàn con thì Mẹ quá tuỵệt vời, sống cho chồng thì không làm sao nói hết những yêu thương, hy sinh dành cho Ba. Ngày Ba con bị căn bệnh hiểm nghèo mà bệnh viện “chê”, Mẹ con mình đạp xe đèo nhau dưới cơn nắng gắt, mệt lả để đi gõ cửa từng nhà, lớp tìm bác sĩ, lớp vay tiền để chữa cho Ba... Có lẽ nhờ Ông Trời thấu hiểu, cảm thông tấm lòng của Mẹ nên những nỗ lực của Mẹ đã giúp Ba vượt qua cơn bạo bệnh.

Rồi cuộc sống gia đình mình được đổi thay nhiều hơn khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Đời sống không còn mệt mỏi như chặng đường dài vừa qua, nhưng về mặt tinh thần Mẹ vẫn âu lo. Giấc ngủ vẫn không an lành khi luôn nhớ nhung hai đứa con bỏ về Việt Nam, đang sống không nơi nương tựa.

Rồi Mẹ lại lo cho Oanh (vợ của con) không biết khi nào được đoàn tụ. Có những đêm hai mẹ con mình ngồi nói chuyện, con nhớ như in Mẹ cứ đăm chiêu và lẩm bẩm "Mẹ lo cho con Oanh qúa, không biết mọi chuyện có suôn sẻ không?!". Và Mẹ lại thắp nhang lạy Phật, cầu cho mọi chuyện được thuận lợi. Mẹ thương con dâu như là đứa con Mẹ mang nặng đẻ đau.

Còn Johnny của chúng con qúa hạnh phúc, may mắn khi Bà nội dành quá nhiều tình thương. Mẹ ơi, không bao giờ gia đình bé nhỏ chúng con quên được những ưu ái, những yêu thương vô bờ, không ngon từ nào, không bút mực nào có thể diễn tả được!

Mẹ tôi là vậy đó, vẫn âm thầm, vẫn lặng lẽ lo cho gia đình, cho con cháu.

Suốt 18 năm trên xứ Hoa Kỳ và đến ngày hôm nay, bao nhiêu tiền dành dụm được, Mẹ cùng Ba tôi lo cho các em sinh viên nghèo được có điều kiện tiếp tục học để rồi hôm nay lớp đầu tiên đã ra trường trở thành những kỹ sư, bác sĩ có ích cho xã hội.

Lại vẫn "thầm lặng"

Mẹ yêu!
Ngày Mẹ về thăm gia đình con tại Denver tháng 4 năm nay, mỗi ngày con viết vài dòng nhật ký về Mẹ. Con được ngắm nhìn Mẹ, được chính tay con nấu từng món ăn ngon cho Mẹ, được đùa giỡn với Mẹ... Và cũng có những đêm, con lặng lẽ ra sân sau ngồi thổn thức, nghĩ về Mẹ.

Con sẽ về một ngày không xa, để được cùng các em xây cho cho gia đình mình, cho Ba Mẹ cùng các con của Mẹ một "ngôi nhà" vĩnh cửu. "Ngôi nhà" này, con muốn nó mang nhiều kỷ niệm một thời với hàng bông giấy của căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo (Quảng Trị), có cây hoa sứ, cây dừa như căn nhà ở đường Đống Đa (Đà Nẵng) những nơi đã một thời có biết bao kỷ niệm đẹp của gia đình mình. Một "căn nhà" mà để con có ngày trở về được bên Ba Mẹ và mãi mãi không bao giờ xa Mẹ nữa.

Ngày đó, con không còn làm người chồng, người cha nữa mà chỉ mong được làm người con bé nhỏ bên Mẹ như năm nào, để được nằm bên Mẹ với giấc ngủ bình an mãi mãi.

Denver, ngày 06-8-2013
Lê Nguyên Tuấn
_____________________________________________________


MỘ KHÚC CHO CHA
  • Nguyễn Trường Chinh (NH70-74)

                                    (Tưởng niệm về hành trạng của Cha trong ngày mừng thọ 84 tuổi)


Nắng không còn thắm nắng hanh hao
Da mồi, bạc tóc tự thưở nào
Lặng lẽ quê người mơ cố quận
Non nửa đời người bước thấp cao.

Bốn tám năm xưa ở quê nhà
Nuôi đàn con dại lắm bôn ba
Chiến tranh tang tóc phương trời cũ
Bao lần tan hợp với chia xa.

Năm mươi năm tuổi tri thiên mệnh
Hai chín tháng tù ngỡ chôn thây
Vợ hiền tần tảo nuôi con lớn
Mong có ngày mai được sum vầy.

Gần chục năm rồi Mạ đi xa
Chiều nghiêng bóng nắng trước hiên nhà
Nhật nguyệt đôi vầng nay lẻ bạn
Lặng lẽ chiều hôm Cha với Cha.

Hành trình lặng lẽ phía hoàng hôn
Hồn hoang khắc khoải bước chân chồn
Qua hai thế kỷ nhiều dâu bể
Đá nát vàng phai với nước non.

Bài thơ tháng bảy viết cho Cha
Cho dẫu ngày mai bóng núi nhòa
Con nguyện làm mây vờn đỉnh Thái
Bốn mùa thơm mãi chút hương hoa…


Saigon, mùa Vu Lan Canh Dần.
________________________________________________________________________




BÀI THƠ VỀ MẸ
  • Nguyễn Bá Trình

Trong những bài thơ tôi sáng tác, có lẽ bài Mẹ Tôi là bài tôi vừa ý nhất. Thật ra ý tứ chẳng có gì sâu sắc, hình tượng cũng chẳng có gì độc đáo. Mẹ quê thì bao giờ cũng vậy. Khi nói về Mẹ quê thì không thể thiếu các hình tượng như: Vất vả ngược xuôi, bán mặt cho đất bán cật cho trời, quanh năm chân lấm tay bùn...
Cũng ít có bà mẹ nào cả đời thuộc trọn một bài ca dao để hát ầu ơ ru con như trong sách vở thường ví von khi nói về mẹ. Tuổi thơ tôi lớn lên chưa từng được nghe mẹ hát bao giờ. Chưa bao giờ có được cảm giác ngập tràn hạnh phúc khi được mẹ dẫn đến trường trong ngày khai giảng năm học mới. Thế mà khi đọc đoạn văn nói về ngày tựu trường của nhà văn Thanh Tịnh tôi lại có cảm tưởng như chính tôi đã từng sống qua những giờ phút thiêng liêng đẹp đẽ ấy.

Tuổi thơ tôi đọng lại những ký ức về mẹ thường chen lẫn hình ảnh ghê sợ của 'ông Kẹ' hay 'tên phù thủy độc ác' nào đó. Đấy là những lúc tôi ngang bướng không nghe lời mẹ, hoặc níu kéo áo mẹ không cho mẹ đi làm. Đôi khi cả những lằn roi rát mông những lúc tôi phạm lầm lỗi.

Do vậy mà khi viết về Mẹ, tôi vẫn viết một cách trung thực. Tôi không viết lời mẹ hát ru ầu ơ, tôi không viết “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi…”. Tôi viết về những kỷ niệm có hình ảnh 'ông Kẹ' do mẹ tôi vẽ ra trong trí tưởng tượng của tôi với nỗi lo sợ. Tôi viết về nỗi mòn mỏi mong chờ mẹ trở về thật sm mỗi khi người đi làm ăn xa. Cũng kỳ lạ, những hình ảnh ấy bây giờ nghĩ lại, nó như những chiếc đinh nhọn đâm vào trái tim tôi đau buốt để rồi mắc vào đấy hình ảnh thân thương của người Mẹ. Nhờ thế mà năm tháng dù đã qua đi cùng những biến đổi lớn lao của cuộc sống, hình ảnh Mẹ vẫn gắn chặt trong trái tim tôi.

Tôi nhớ lại năm tháng của thuở ấy:
                           Ngày ngày mong mẹ nhìn ra ngõ
                           Thấy bóng ai qua cũng ngóng theo.

Nên mỗi khi mẹ bỏ đi làm xa là tôi sợ lắm. Sợ ghê lắm.
                            Có lần níu áo tôi khóc lăn.
Rồi chính lúc ấy tôi nhác thấy:
                            Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
Lúc đó quả thật tôi không còn dám khóc nữa.
                            Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
Nhưng hú hồn, mẹ đã kịp giải thích an ủi tôi:
                            Không, mẹ đi bắt 'ông Kẹ' mà.

Mấy ngày sau mẹ tôi lại trở v, vác trên vai một chiếc bao đệm (bao đan bằng cỏ lác) lấm láp bùn đất, tay mẹ tôi nhiều chỗ trầy xước máu quyện với bùn khô.
Lấy đầu 'ông Kẹ' được rồi phải không mẹ? Tôi mừng rỡ hỏi.
Lúc đó thì mẹ tôi cười và đổ chiếc bao đệm ra. Có khi là một bao dâu rừng chín đỏ, lúc thì bao sim chín tím ngt.

Có lần mẹ sắp đổ ra cái gì đó làm tôi hết hồn vía, chạy không kịp ngoái lại bởi thấy cái bao đệm cứ nhúc nhích. Trong đầu tôi đinh ninh là đầu 'ông Kẹ'. Bất thần khi vừa đổ ra mặt đất, lập tức nó biến thành những con vật nhỏ bằng ngón chân cái đen đũi lúc nhúc chạy thẳng vào tấn công tôi. Tôi thét lên, nhưng mẹ đã kịp chạy đến ẵm tôi vào lòng.
- Cua đồng, có gì mà sợ con! Tôi chưa hết run ry trong vòng tay mẹ.

Giá như mẹ tôi biết hát những câu ca dao để ầu ơ ru tôi thuở tấm bé, hoặc mẹ tôi biết đôi chút chữ nghĩa để hiểu rằng cái ngày khai trường của con hết sức trọng đại để hôm đó “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi…” thì có lẽ những vần thơ tôi viết về Mẹ hôm nay, mỗi lần đọc lại tôi chỉ thấy hay hay mà không làm tôi chảy nước mắt.

Bài thơ viết về mẹ của tôi là như thế đấy. Nhưng tôi thích, tôi yêu nó. Tôi đóng bài thơ Mẹ tôi vào với  những bài thơ khác do tôi viết, tích lũy nhiều năm tháng đã thành một tập nhỏ. Bỏ vào chiếc cặp da dùng để đựng giáo án hồi tôi còn đi dạy, treo lên tường. Thỉnh thoảng lại lấy xuống đọc một mình. Bao giờ tôi cũng đọc bài Mẹ Tôi trước.
À, phải nói thêm là vợ tôi thỉnh thoảng cũng có đem ra đọc. Tuyệt nhiên bạn bè thì tôi không đọc cho ai nghe. Cũng dễ hiểu, với bạn trẻ thì hiếm người thích thơ. Hiếm có nghĩa là ít chứ không phải không có. Hơn nữa thơ về Mẹ thì họ càng ít quan tâm. Trẻ mà nói về thơ thì phải là đề tài thơ tình.

Thật ra, cho đến bây giờ tôi không hiểu lớp trẻ họ nghĩ về mẹ như thế nào, kể cả những người con của tôi. Có lẽ do áp lực công việc, do bị chi phối bởi những nhu cầu cuộc sống, lớp trẻ cuốn hút vào cơn xoáy làm tiền nên không còn kịp nghĩ về cha mẹ chăng.
Người con đi qua trước mặt mẹ, thấy mẹ dạo nầy gầy hơn, sức khỏe sút hơn, nhưng không còn kịp nghĩ tiếp những ngày đến đây mình phải làm gì bù đắp cho mẹ, bởi sau cái giây phút thoáng thấy mẹ gầy yếu, lập tức trong đầu óc người con đã lấp kín một thời khóa biểu công việc, chiều nay, sáng mai, chiều mai, tuần nầy, tháng nầy, phải làm cái nầy, phải làm việc kia, phải…
Vậy thì thời gian đâu, tâm trí đâu để nghĩ về mẹ cho chu đáo, nói chi đến làm thơ về Mẹ. Và tôi cũng có lần tự hỏi, sau nầy, khi mẹ chúng mất đi, lớn lên có con cái rồi liệu chúng có nghĩ về Mẹ mà rơi nước mắt không. Không những chỉ bọn trẻ mà ngay cả người lớn cũng thế. Tôi có mấy người bạn đã ngh hưu. Mỗi lần gặp nhau chuyện trò thì họ cũng chỉ khoe khoang về sự thành đạt của con cái như làm nên ra sao, hằng tháng thu nhập bao nhiêu, mới mua thêm mấy ngôi nhà, mở thêm mấy cửa hiệu…

Đồng ý con là niềm vinh hạnh của cha mẹ, nhưng đừng đồng nhất giá trị của con với đồng tiền thu nhập của bọn chúng. Đấy, tôi muốn nói thân phận những bài thơ viết về Mẹ trong một thực tế như vậy. Và như thế, rốt cục bài thơ Mẹ Tôi, vẫn nằm im trong chiếc cặp treo trên tường. Độc giả cuối cùng vẫn là hai vợ chồng tôi, chẳng có ai khác. Buồn buồn lấy ra một mình ngâm nga:
                         Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
                         Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
                         Không, mẹ đi bắt ông Kẹ mà.

Hồi đó thì tôi không thấy. Nhưng bây giờ tôi chắc rằng mẹ tôi lúc đó đã chảy nước mắt khi dứt tôi để ra đi, mặc tôi ngồi im thin thít một mình.

                                                               ***

Một buổi chiều nhân lúc rảnh rang tôi ghé lại hiệu sách mua một vài đồ dùng. Không bỏ được thói quen xem qua ngăn sách truyện và thơ. Chợt tôi để ý đến tập thơ mỏng: Mùa Báo Hiếu.
Nhm lại, hôm đó ngày đại lễ Vu Lan đã qua hơn một tháng. Tập thơ gồm nhiều tác giả do một tổ chức Phật giáo ấn hành. Lần lượt đọc qua những bài thơ viết về Mẹ. Mẹ anh hùng. Mẹ quê, Mẹ phố thị… mỗi người Mẹ đều được nhắc đến bởi tấm lòng biết ơn của tác giả. Một cảm giác buồn buồn khi không tìm thấy hình bóng Mẹ mình trong đó.
Lật đến trang cuối cùng: Mẹ Tôi. Đọc được hai dòng, tôi sững sờ.
Đọc tiếp:           ….
                          Mỗi lần níu áo tôi khóc lăn
                          Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
                          Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
                          Không, mẹ đi bắt ông Kẹ mà

Tác giả cũng là tên của tôi.

Mẹ tôi có mặt ở đây rồi! Tôi áp cuốn sách vào ngực lòng tràn đầy xúc động. Lạ lùng lúc đó tôi không hề tự hỏi tại sao bài thơ của tôi lại có mặt trong tập sách này. Mà tôi cảm thấy hình như đó là điều hiển nhiên. Hiển nhiên như thể Mẹ tôi phải được tôn vinh là Người Mẹ Việt Nam như những người Mẹ Việt Nam đáng tôn vinh khác. Cho dù mẹ tôi không thuộc một bài ca dao, không đọc được mt chữ, không bao giờ nhắc nhở tôi chuyện học hành.

Mua cuốn sách về nhà, tôi ngồi lục lọi trí nhớ xem mình đã tặng bài thơ nầy cho ai hoặc ít ra đã đọc một lần cho ai nghe. Nhưng không. Chắc chắn là không. Hay mình đã in ra nhiều tờ rồi rơi rớt đâu đó. Cũng không! nhà tôi có máy in, nhưng nếu rơi rớt thì cũng rơi rớt đâu đó trong phòng của tôi. Hay vợ tôi gởi tặng bạn bè? Hỏi lại cũng không.
Bà nghĩ kỹ, nhớ lại xem?, tôi hỏi vợ - người thứ hai, thỉnh thoảng vẫn đọc những bài thơ của tôi.
Tôi đã nói không mà, vợ tôi khẳng định và nói, “Thôi ông đừng nghĩ ngợi chi, xem như ông đã có món quà dâng mẹ nhân ngày báo hiếu là quý rồi.

Nhưng cũng lạ chứ, bài thơ đến với cuốn sách bằng cách nào nghĩ không ra!
- Con đấy ba. Có tiếng người con gái đang photo giấy tờ cho khách nói rồi cười ở phòng ngoài.
- Con nói sao? Tôi hỏi.
- Dạ, cách đây mấy tháng có một nhà sư đến photo một tập thơ nói về Mẹ. Thầy nói photo để xin giấy phép xuất bản vào dịp lễ Vu Lan đến.
- Ba con cũng có một bài thơ về mẹ rất hay. Con kể với thầy như vậy. Thầy hỏi, “Ba con đâu?”, con thưa, “Dạ ba con vào thành phố”. Thầy lại hỏi, “Con có thể cho thầy đọc bài thơ được không?”.
Đọc xong thầy khen hay. Con nói: Nếu thầy muốn in vào tập thơ của thầy thì con xin tặng thầy.
- Muốn quá đi chứ, nhưng thầy chưa được sự đồng ý của ba con mà.
- Dạ không sao. Ba con rất muốn tặng cho những ai có tấm lòng với Mẹ.

Tôi hỏi con gái:
- Nhưng sao con biết ba có bài thơ đó?
- Con nghe ba đọc nhiều lần và thấy ba có vẻ tâm đắc với bài ấy lắm nên con nghĩ chắc nhà sư cũng thích.
Con gái tôi là giáo viên dạy môn văn, đã có gia đình.
- Con dạy văn, con thấy bài thơ của ba như thế nào?
- Dạ. Nói thực con thấy ít hay. Bà mẹ như vậy có vẻ khô khan về tình cảm. Chắc hồi nhỏ ba sợ bà nội lắm phải không ba? Hù dọa và đánh đập con trẻ là cách giáo dục không tốt đâu ba à. Bây giờ người ta lên án phương pháp giáo dục đó lắm.
- Tất nhiên là giáo viên văn, con có quan điểm giáo dục khoa học và hiện đại. Nhưng con giải thích thế nào với phương pháp giáo dục hiện đại đó ở các nước tiên tiến, ngay cả Việt Nam cũng vậy về hiện tượng xã hội đang sản sinh ra một lớp trẻ mà hình ảnh người mẹ trong tâm hồn họ rất nhạt nhòa.
- Do điều kiện kinh tế và môi trường sống đấy ba à.
- Có lần ba lý giải như thế nhưng hình như chưa ổn. Con coi anh giám đốc gì bên cạnh nhà mình đấy. Sáng Chủ nhật là ngày dành riêng cho gia đình. Nhưng con coi có khi nào thấy anh ấy chở mẹ cùng vợ con đi chơi vào sáng Chủ nhật không. Trên chiếc xe con bóng lộn, sáng Chủ nhật nào ba cũng thấy anh ấy chở vợ con, không thì bạn bè đàn đúm. Bà mẹ thì lặng lẽ ở nhà một mình. Vậy thì do đâu?
Bà mẹ anh giám đốc ấy nghe nói trước đây cũng là một giáo viên trung học. Chắc chắn bà đã từng hát những câu ca dao thật ngọt ngào để ru con ngủ, từng chuẩn bị chu đáo áo quần sách vở đưa con đến trường trong những ngày khai giảng. Còn bà nội con thì chỉ biết núi non hiểm trở, thác ghềnh cheo leo, một câu dân ca cũng không biết.
Với bà nội của con, chữ nghĩa để làm gì khi miếng ăn không đủ no. Đồ chơi trẻ con đâu để dỗ dành khi muốn dứt con ra để đi làm lụng. Suốt ngày ba chỉ lo sợ ông Kẹ giết mất bà nội. Vì vậy mà tình cảm trong ba dồn hết vào cho bà nội. Thấy bà nội về là ba ôm chm lấy khóc nức nở mừng bà nội thoát được khỏi tay tên phù thủy. Và ba đã cảm thấy thật hạnh phúc, đồng thời cũng ân hận biết chừng nào khi bà nội dịu dàng xoa tay vào vết roi sau mông ba mà mắt bà nội rưng rưng. Tình yêu thương mẹ sâu đậm bắt nguồn  từ những giây phút đó. Liệu những câu ca dao bóng bẩy trau chuốt có làm nẩy nở tình cảm sâu đậm như thế không.
Giờ thì ba càng thấm thía. Tên phù thủy mà bà nội kể với ba thời ấu thơ là có thực. Đó là sự nghiệt ngã của cuộc sống mà bà nội phải chiến đấu đôi khi bất chấp cả tính mạng mình  để bảo vệ sự sống còn cho ba.     
                         Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
                         Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
                         Không! Mẹ đi bắt ông kẹ mà.

Đọc xong mấy câu thơ mà qua đó con gái tôi cho là bà nội khô khan tình cảm và có cách giáo dục sai lầm, tôi thấy cần phải nói thêm với con gái đôi điều:
- Con à, bà nội không phải là người khô khan tình cảm. Và sự giáo dục ấy không hề là sai lầm đâu. Mọi sự giáo dục bắt nguồn từ tấm lòng yêu thương và sự hy sinh dũng cảm đều tốt đẹp con ạ.

Tôi trở lại bàn viết lật quyển Mùa Báo Hiếu đọc lại bài Mẹ Tôi lần nữa. Không biết đây là lần thứ mấy nhưng bây giờ thì bài thơ, tôi nghĩ không còn là tấm lòng  của riêng tôi, và bà Mẹ trong bài thơ cũng không còn là Mẹ của riêng tôi nữa.

Thuở nhỏ nhà tôi vốn rất nghèo
Mẹ thường lam lũ chốn gieo neo
Ngày ngày mong mẹ nhìn ra ngõ
Thấy bóng ai qua cũng ngóng theo.

Có lần níu áo tôi khóc lăn
Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
- Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà!

Mẹ về bê bết áo bùn dơ
Tay xách gói gì ghê thế cơ
- Gói đầu ông Kẹ phải không mẹ?
Mẹ cười hé bao: Ơ! Cua đồng.

Một lần mẹ về máu dính tay
Bao gì mẹ vác trĩu trên vai
- Mẹ đã giết được 'tên phù thủy'?
Mẹ cười mở bao: A! dâu rừng.

Cứ thế ngày ngày tôi lớn lên
Vô tâm bỏ học mãi mê chơi
Mẹ bắt nằm xuống roi vài bận
Đánh con sao mắt mẹ lưng tròng.

Lần cuối mẹ đi con ở xa
Khăn sô một di vắt ngang chờ
Con về nhận lấy niềm cay đắng
Khóc mẹ một trời mây trắng bay.

Những mùa lau trắng vương trên tóc
Con học ở mẹ biết bao điều
Cuộc chiến cùng với 'loài phù thủy'
Mình phải làm gì, con hiểu.
Mẹ ơi!
_________________________________________________
Nguyễn Bá Trình - Cựu học sinh Nguyễn Hoàng (1959-1966)
______________________________________________________________________________




 TÂM SỰ GỬI MẸ
  • Lê Thúy



NHSG - Xin giới thiệu bài viết của cô giáo Lê Thúy - hiền thê của anh Nguyễn Văn Hà, cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng niên khóa 1979-1972 - góp bài viết dưới đây về mẹ chồng. Anh Hà, chồng của cô đã qua đời năm 2004 trên đường đưa học sinh Phan Châu Trinh thi Olympic từ TPHCM về Đà Nẵng.

Có lẽ trước khi lấy chồng, con rất e dè và suy xét, không phải vì con tính toán mà vì con sợ… Con lo bản thân mình không đảm đang và giỏi giang… vì nhà mình có tám anh em trai và một cô em gái. Chồng con là con thứ năm, rất hiếu thuận với ông bà cha mẹ. Từ nhỏ, mới học lớp Ba, con đã biết vừa học vừa kiếm kế sinh nhai. Vậy mà quán xuyến mọi việc với cương vị là con dâu thứ bảy trong nhà (các chị em dâu khác đã ra riêng), con không khỏi lo lắng…

Ngoài ra, chuyện mẹ chồng nàng dâu cũng là một vấn đề làm các cô dâu mới về nhà chồng như con bất an. Con sợ Mẹ nhận ra rằng: “Giờ đây con trai mình sẽ thuộc về người khác; có một người phụ nữ khác bước vào cuộc đời nó, dĩ nhiên, sẽ trở thành trung tâm chú ý của nó”. Con sợ trong lòng Mẹ bắt đầu có cảm giác người con dâu chiếm mất vị trí của Mẹ trong cuộc đời người quý tử của Mẹ... Ngày cưới chúng con là ngày con hồi hộp và lo lắng nhất… vì tối hôm đó, là tối đầu tiên con ở lại một ngôi nhà hoàn toàn xa lạ. Con sợ…

Buổi cơm tối đầu tiên, từ “Thưa Mẹ” thoát ra từ miệng con thật khó khăn… Con khép nép, ngập ngừng, ấp úng và ngượng nghịu. Hai má con ửng đỏ… hai tay con đan xen vào nhau… Con sợ… Mẹ như hiểu được suy nghĩ trong lòng con, Mẹ kịp trấn an con bằng nụ cười hiền hậu: “Từ từ rồi sẽ quen con à! Dì (Mẹ chồng tôi là vợ thứ nên các con đều gọi bằng Dì) chỉ có 1 đứa con gái… Dì mong khi về nhà mình chị em thương yêu đùm bọc lấy nhau”. Câu nói ấm áp của Mẹ làm con xúc động nghẹn lời. Bao nhiêu lo toan trong con dường như tan biến. Thay vào đó là sự biết ơn.

Từ ngày đó, Mẹ luôn bày vẽ cho con từng chút một. Từ những việc nhỏ nhất đến lớn nhất. Điều ngạc nhiên nhất của con khi mới bước chân về làm dâu nhà Mẹ là tất cả con, dâu trong nhà đều gọi Mẹ bằng Dì. Và Mẹ cũng xưng hô lại là Dì. Con thắc mắc, Mẹ gii bày và tâm sự. Con xin Mẹ cho phép con không gọi bằng Dì. Mẹ xúc động, lời Mẹ thốt lên tự đáy lòng: “Có người Mẹ nào không muốn con mình dứt ruột đẻ ra không gọi mình bằng Mẹ đâu con!”. Rồi Mẹ kể chuyện đời Mẹ. Con nghe như một thước phim, càng yêu quý và kính trọng vì đức hy sinh cao cả của Mẹ nhiều hơn.

Con nhớ ngày cu Tí ra đời, con về nhà mẹ đẻ. Tối ngày 6 tháng 2 năm 1996, con trai Mẹ, chồng con, từ bên Mẹ về, đưa cho con một phong bì, bên trong là 50.000 đồng. Anh ấy nhìn con, ánh mắt như cười: “Nè! Con dâu, quý tử sướng chưa. Dì gởi nè! Dì nói Dì ho quá không lên thăm hai mẹ con được, Dì gởi bà ngoại ngày mai, đầy tháng cu Tí, mua dùm Mệ cái đầu heo cúng tạ mẹ tròn con vuông và mừng sinh hạ một hoàng tử”.

Ngày chúng con ra riêng, tối hôm đó, Mẹ xuống tận phòng chúng con, tâm sự đến 23 giờ. Làm sao con quên được những lời nói từ đáy lòng Mẹ: “Bay ra riêng, ông mệ vừa vui lại vừa buồn. Vui vì con cái đã thành ñạt, tự lập và có cuộc sống gia đình riêng; buồn vì không được ở cận kề bên các con nữa. Mệ hay đau ốm nên đôi khi cũng cáu gắt vô cớ, mấy con cũng thông cảm cho m...”. Cuộc sống này luôn có những hành động nhỏ khiến bao nhiêu người phải suy ngẫm phải không Mẹ... Ngày Ba mất, rồi ngày chồng con mất, một trong những nắm ruột Mẹ đứt đoạn đẻ ra, có lẽ, con và Mẹ là hai người phụ nữ đau nhất. Tim không ai đâm mà rướm máu; ruột chẳng có kẻ cắt mà quặn đau...

Con tin rằng, một người sống hiền lành và nhân hậu như Mẹ nhất định đã được đoàn tụ hạnh phúc bên chồng và bên các con dưới suối vàng. Con cảm ơn Mẹ đã có trên đời để con có thêm người mẹ thứ hai, để con có được những tháng ngày êm đềm, hạnh phúc bên chồng và bên con của con.
Con dâu của Mẹ.
______________________________________________________________________



NHỮNG LỜI BA GỞI CHO CON
  • Phạm Bá Nhơn

Những dòng ba viết vội
Giữa tháng ngày trôi nổi
Lời thơ từ nguồn cội
Từ giếng nước quai nôi
Trong nỗi khổ than ôi
Cùng niềm vui gấp bội
Nơi dòng sông tắm gội
Của cả một đời người
Ba gởi những nụ cười
Cho đàn con bé nhỏ
Vươn lên từ nghèo khó
Để có được ngày mai
Nhớ khối óc đôi vai
Trên đường dài thật dài
Bao dung và đại lượng
Gắn bó với yêu thương
Cuộc đời là chiến trường
Cam go và cay đắng
Là người khi muốn thắng
Phải giữ chặt dây cương
Đôi khi cần phải gượng
Chí dũng tính phi thường
Người đời nhưng của tạm
Chớ lạm dụng tham lam
Đừng gieo oan dụ ác
Chẳng phụ bạc hại nhân
Không lừa thầy phản bạn
Trọn đại nghĩa trung quân
Đời người chẳng bao lâu
Nhưng nghiệp chướng rất dài
Danh thơm còn mãi mãi
Phước đức ắt hoàn  lai.
________________________________________________




Mẹ
  • Lê Lâm

Tháng-Năm-Vóc dáng mẹ hao gầy
Tóc mẹ-Hoa cau chung màu sương
Gió thu nhẹ thoảng hương ổi chín
Quầng mắt thâm trũng-buồn xa xăm
Con Hai-thằng BA-Tư-con út
Lâu-thật là lâu chúng mới về
Nhắm mắt -ngoãnh mặt mới hôm nao
Chen chúc đàn con đến bữa ăn
Lát sắn khoai cõng cơm vài hạt
Chúng đã lớn khôn tự khi nào
Tất bật truân chuyên-quên ngày tháng
Giật mình mẹ tưởng chuyện giấc mơ
Chiều về -gió giật tàu cau rụng
Hốt hoảng đàn gà mẹ gọi con
Ráng chiều rực đỏ lên màu mắt
Mẹ ngồi hoài niệm chuyện xa xưa...

SG 16-8-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét