Nguyễn Khắc Phước



KÝ ỨC RỜI


Thoáng nghe hát bài Nỗi Buồn Tỉnh Lẻ
Lòng bỗng dưng da diết nhớ quê mình
Nhớ cậu cháu học trong hầm chống đạn
Đèn Quang Trung vàng theo lũ liều mình

Đêm thị xã ì ầm nghe tiếng pháo
Hỏa châu bay lơ lửng giữa trời khuya
Tiếng ngái ngủ “bánh mì đây!” lạc lõng
Nỗi bồn chồn ai cũng nặng, sao chia?

Tin thầy mất trên đường về Huế
Mới hôm qua thầy còn đến giảng bài
Quái ác thay quả mìn hay trái pháo
Giết một ngưòi đang gieo hạt tương lai

Có người lính cố đợi giờ tan học
Dù ngày đông rét buốt lê thê
Chỗ các bạn vẫn còn để trống
Hòa bình xong là các bạn sẽ về

Và có bạn đã ra đi vĩnh viễn
Minh Mập ơi sao mày rủi thế kia
Và Nguyễn Nghĩa viên phấn cầm chưa nóng
Thất lạc nơi mô hay đã phải lìa?

Về thị xã thân thương vài khuôn mặt
Ngồi cà phê hóng gió bờ sông
Cho dù đêm bây giờ đèn rất sáng
Vẫn thấy hắt hiu sa mạc cõi lòng

_____________________________________________________________________


HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ MỘT CON CHÓ


    Hồi còn nhỏ, thằng cu Cường nhà tôi nhiều lần đòi nuôi chó nhưng tôi giả lơ vì tôi không thích chó lắm. Hết phổ thông đến đại học, nó túi bụi học hành nên sở thích nuôi chó của nó phải tạm gác. Thế nhưng khi đã học xong và có việc làm, nó lại hỏi: Sao nhà mình không nuôi chó?

    Ở xóm tôi, hầu hết nhà trước đây đều có vườn tược, ngoài gà, vịt, hầu như nhà nào cũng có chó. Nhưng sau khi giải toả để lập khu dân cư mới, nhà vườn biến thành nhà phố, nuôi chó rất bất tiện và mất vệ sinh. Hàng xóm láng giềng đều là người xa lạ, nuôi chó mà không có vườn, lỡ nó sang ỉa trước nhà hàng xóm sẽ bị chửi ngay. Nếu nó chạy ra đường sẽ bị bọn săn chó đánh chết, hoặc có ngày cũng bị công an phạt. (Tôi cũng mong luật cấm chó thả rông được áp dụng nghiêm ngặt để khỏi dẫm phải cứt chó!).

    Tôi đã cảnh báo thằng con tôi như vậy nhưng nó không nghe và rồi nó kiếm đâu đó về một con cún rất dễ thương. Nó thích nuôi chó nhưng không biết cách chăm sóc, chỉ thả đấy, và tôi trở thành người nuôi chó bất đắc dĩ. Hằng ngày tôi phải cho chó ăn, dọn phân, lau nước đái, tắm cho chó. Cả nhà biến thành cái chuồng chó, chỗ nào cũng hôi hám.

    Mặc dù là chó ta, nhưng chuyện ăn uống cũng rắc rối. Lúc mới bắt về, chỉ cần cơm chan canh, nó cũng xực mấy bát. Vài ngày sau, nó không chịu, phải chuyển qua cơm trộn cá. Được ít bữa, nó chán cơm cá, phải chuyển qua cơm trộn đồ xào. Mặc dù mỗi lần chán ăn, có thể nhịn một hai ngày, nhưng nó cũng lớn rất nhanh.

    Gặp lúc nó đang chán cơm trộn đồ xào, đang nhịn hơn một ngày không ăn gì, thì có cô bé hàng xóm bưng qua thết nó một tô xương gà đầy ắp, nó tha hồ gặm đi gặm lại đến hai ngày mới hết.
    Kể từ đó cứ hai ba hôm, cô bé lại mang một tô, khi thì xương gà, khi thì xương vịt, khi thì đầu cá to bự, khi khác thì thịt bò, thịt heo. Con chó nhà tôi mập lên thấy rõ và tôi phải đi hót phân ngày đến hai, ba lần!

    - Con bé ấy nhà nào mà trông dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép? Nhà nó có vẻ ăn sang hơn nhà mình nhiều. Tôi hỏi vợ tôi.
    - Con Sương, con gái anh Ngọc ở cái nhà ba mê phía bên kia đường, từ nhà mình ngó xéo là thấy. Ông ở xóm nầy gần chục năm rồi mà vô tình quá! Được đó ông.
    - Được cái chi?
    - Được cái nết của nó. Lại cao ráo dễ thương. Được cái nữa là nó đã tốt nghiệp đại học và đang làm ngân hàng, lương tháng gần ba triệu. Được cái nữa là hàng xóm láng giềng có quen biết, nói chuyện dễ hơn. Được cái nữa là đỡ tốn tiền thuê xe cộ. Được cái nữa là mai mốt sinh đẻ nó nằm nhà mẹ, mình đi lại dễ dàng…
    - Nãy giờ bà nói được được, tôi không hiểu gì hết.
    - Thì tôi định nói con bé ấy cho thằng cu lớn nhà mình. Ông không thấy nó được sao?
    - Nếu được vậy thì tốt quá. Nhưng nhà người ta là cán bộ cấp côi. Bà không thấy khách khứa tấp nập, ăn uống sung sướng, xe cộ láng coóng, còn nhà mình mới chỉ đủ ăn ba bữa mà đòi môn đăng hộ đối thì sao được. Bỏ qua cái ý nghĩ đó đi. Vả lại hai đứa có quen biết nhau gì đâu.
    - Trời ơi, ông không biết đó thôi. Mỗi lần nó qua, cho chó ăn xong là hỏi: Anh Cường đâu rồi bác? Dạo này ảnh hay đi chơi về khuya quá, bác không la hả? Anh Chương nhà con hồi đó cũng vậy nhưng má con la quá nên không dám đi nữa. Đó, ông thấy con cái gia đình ấy có giáo dục hơn con nhà mình. Ông không biết dạy con gì hết. Nó ưng thằng cu Cường nhà mình rồi đó. Ông là thứ vô tình không biết đó thôi. Con người ta đẹp người đẹp nết như vậy mà ông không ưng thì cũng chịu thôi. Đám ấy quá tốt, còn nói vòng vo gì nữa. Con mình đã lớn rồi…
    - Tôi nói không ưng và vòng vo hồi nào?
    - Nghe nói bố nó làm quan chức gì lớn lắm ở ngành điện lực. Vậy là có cơ may chuyển thằng con mình qua ngành điện.
    - Thằng cu mình học ngành hoá chớ có phải ngành điện đâu. Ngành điện đời nào người ta tuyển kỹ sư hoá hữu cơ.
    - Thì ít ra nó cũng kỹ sư. Kỹ sư thì làm gì mà chẳng được. Bạn của ông có người tiến sĩ sử học mà làm giám đốc cảng biển sao ông không nói gì?
    - Nói chuyện với bà mất công quá. Thôi được, tôi ô kê, bà làm chi thì làm.

    Mọi chuyện vẫn xảy ra bình thường. Con chó nhà tôi hằng ngày thấy Sương đi làm về là vẫy đuôi mừng rỡ. Mỗi lần Sương mang đồ ăn đến là nó nhảy lên liếm vào mặt cô bé. Nó chưa làm vậy với tôi bao giờ. Thằng Cường nhà tôi cũng thỉnh thoảng đứng nói chuyện với Sương trước hiên nhà. Hai đứa có vẻ hợp nhau, tôi nghĩ vậy, đặc biệt con bé luôn cười nói vui vẻ tự nhiên, không chút e thẹn.

    Một lần tôi hỏi Sương:
    - Chó nhà con không ăn mấy thứ nầy sao?
    - Từ hồi chó nhà con bị mấy thằng săn chó bắt thì nó nhác ăn. Hôm đó nó đang đứng chơi ngay trước cửa nhà thì mấy thằng ấy nhảy vào cầm cây ống nước bằng nhôm đánh nó rồi mang đi. Trời ơi, con khóc húp cả mắt. Ba con chạy đi mấy cửa hàng thịt chó và may mắn tìm được nó chưa chết, chỉ bị thương. Ba con bỏ một trăm ngàn để chuộc nó về. Một thời gian sức khoẻ nó bình phục, chỉ có cái cổ bị gãy xương, bây giờ hơi cong cong, tính của nó cũng hơi lảng lảng. Bây giờ nó chỉ uống sữa, cũng may chỉ thích loại sữa bột nguyên kem là thứ ít tiền. Bác thấy con cứ cầm cái tô chạy theo nó dỗ như là dỗ trẻ lên ba nhưng nó không thèm ngó vào tô có thứ gì.

    Rồi nhà anh Ngọc lên thêm một tầng và làm mới hết mặt tiền. Nhà chỉ có bốn người, vậy là mỗi người một tầng.
    Con chó đực nhà tôi cũng đã làm quen được với con chó cái nhà ấy và hai con thình thoảng qua lại chơi với nhau mỗi khi được thả.

    Một tuần sau thấy nhà anh Ngọc treo đèn kết hoa, tôi hỏi vợ tôi chuyện gì vậy. Bà nói:
    - Đám cưới con bé Sương con anh Ngọc, nó thường mang thức ăn cho chó nhà mình đấy.
    Bà vợ tôi chỉ trả lời vậy thôi và không nói gì nữa, không nói được cũng không nói mất. Tôi cũng làm thinh.

    Mặc dù hàng xóm láng giềng gần chục năm, nhưng vợ chồng tôi chưa quan hệ nhiều lắm với gia đình ấy nên không được mời. Người ta nói “gần nhà mà xa cửa ngõ” để chỉ mối quan hệ lạnh nhạt không nên có giữa những người hàng xóm láng giềng, bởi vì quan hệ xóm giềng là mối quan hệ “tắt lửa tối đèn có nhau”. Thế nhưng khi làng xóm bị giải tỏa, bà con xóm giềng mỗi người tứ tán một phương, lại bắt đầu làm quen với hàng xóm mới (đa phần đều là người giàu có mua lại đất của người bị giải tỏa), phải sống kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, mới thấy hết ý nghĩa của câu đó.

    Một ngày sau đám cưới, con chó nhà tôi biếng ăn, suốt ngày cứ nhìn sang nhà Sương.
    Hôm sau, nó được mở xích, và ngay khi nó phóng ra, hai tay săn chó đi xe máy ập đến, đập vào đầu nó bằng một cây sắt và cầm cổ xách đi mất.

    Ba ngày sau đám cưới, Sương trở về nhà. Buổi tối, Sương bưng qua nhà tôi một tô đầy xương gà, vui vẻ kêu “ki ki”. Tôi ái ngại nói:
    - Nó bị người ta đập chết mang đi rồi con ơi.
    - Trời ơi!
    Tôi thấy Sương tiu nghỉu bưng tô xương gà trở về, vừa đi vừa khịt mũi, dường như cô ấy khóc. Nhưng Sương không bưng tô xương vào nhà mình mà đi vào con hẻm phía sau nhà, có lẽ để cho con chó khác ăn.
    _______________________________________________________________



    NGƯỜI BÁN GIƯỜNG TRE


           - Mấy chú ngồi chơi, tui phải về lo đám ma. Ông Mẹo tổ trưởng dân phố bỏ ly trà xuống, chuẩn bị đứng lên. Thường ngày ông ngồi quán cà phê buôn chuyện tào lao đến tám giờ sáng mới về.
           - Ủa! Đám ma ai sao tụi tui không biết?
           - Đám ma ông Sửu trong tổ tui, mới chết hồi hôm. Mấy chú không biết là phải. Chưa có tui là chưa chiêng trống, chưa cờ xí, chưa âm thanh, chưa âm công, chưa ọ è. Ông Mẹo tỏ vẻ quan trọng.
           - Có phải ông Sửu công binh?
           - Chuyện đời xưa mà nhắc làm chi.
           Nói vậy chớ hôm sau chính tổ trưởng Mẹo lại kể cho tôi nghe chuyện một quãng đời của ông Sửu và những người liên quan.


           Thi đậu vào trường Bách Khoa Phú Thọ, Sửu cắm cúi học, chẳng bao giờ tham gia biểu tình chống ai, ủng hộ ai bởi tính anh không thích chính trị và vì anh hy vọng khi mình ra trường sẽ hết chiến tranh.

           Thế nhưng ngay sau khi tốt nghiệp, Sửu liền bị gọi động viên đi lính chế độ cũ. Nhờ có bằng kỹ sư, anh ta được đưa vào ngành công binh. Chẳng bao lâu sau, Sửu được chỉ huy một đại đội công binh chuyên làm cầu dã chiến. Sửu vốn là con hiếu thảo. Trừ những lúc phải đi xa, Sửu luôn tranh thủ về nhà để phụng dưỡng cha mẹ già yếu, giúp bố tưới cây và chăm sóc hàng chục chậu kiểng chưng khắp cái sân gạch rộng. Nhà Sửu ở trên một con phố vắng trong thị xã, ngăn cách với đường phố có nhiều cây bóng mát là một hàng chè tàu dày kịt và chiếc cổng bốn mùa phủ đầy hoa giấy hai màu xanh tím.

           Trên lề đường rợp bóng cây thường có nhiều người bán rong ngồi nghỉ. Khi thì chị bán bột lọc, khi thì anh cà rem. Buổi trưa thường có bác nông dân gánh giường tre bán dạo bỏ giường xuống đánh giấc ngon lành.

           Sửu thấy cái giường xinh xắn, ra đứng ngắm nghía. Bằng con mắt của một kỹ sư cầu đường, Sửu thán phục ông thợ quá khéo tay. Tre ngâm, thế cân đối, mắt tre được gọt láng, mộng ráp khít khao, vạc được vót kỹ như vót đũa và được kết bằng sợi mây già, chắc mà êm, nằm mát lưng, hứa hẹn những giấc mơ đẹp. Thấy ưng ý, Sửu liền mua cho bố một chiếc để ông cụ đêm rằm nằm ngắm trăng, ngâm thơ.

          Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt và tiếng súng mỗi ngày nghe một gần. Cây cũng thưa lá, không còn cho bóng râm vào ban trưa. Trăng vẫn sáng nhưng chẳng mấy người dám nằm chiêm ngưỡng bởi những trái sáng cứ nổ và bay lơ lửng trên đầu.

           Bác Dậu, tên người nông dân, gánh giường mỏi rã rời cả vai nhưng chẳng ai kêu mua, đành phải gởi giường lại trong sân nhà Sửu rồi cuốc bộ về làng.

           Sửu phải vắng nhà nhiều hơn, không có người chăm sóc cây kiểng. Anh nghĩ ra một ý: thuê bác Dậu giúp việc ấy cho anh, tiền lương tính ngang bằng tiền bán giường. Bác Dậu đồng ý ngay. Ngoài chăm sóc cây, bác Dậu còn làm nhiều công việc vặt khác. Từ đấy, bác nông dân Dậu trở thành người nhà của Sửu, tương tự như người quản gia. Mỗi lần hoàn thành một cái cầu, bọn lính cần nhậu nhẹt, bác Dậu lo từ A đến Z, theo xe chở mồi nhậu và bia rượu ra tới tận cầu. Lính trong đơn vị rất kính nể bác, phục tài nấu nướng và tổ chức của bác. Mấy anh trẻ thường gọi bác bằng bố, và sẵn sàng giúp bác bưng bê mỗi khi được nhậu.

           Một lần, cũng như bao lần trước làm cầu xong, lại nhậu nhẹt say sưa. Nhưng ngay tối hôm ấy, lính gác cầu điện báo cầu đã bị gài bom đánh sập. Sửu chép miệng: Chiến tranh mà, sập cái này thì làm cái khác! Đã bàn giao rồi. Lỗi của lính bảo vệ chớ phải của mình đâu.

           Mọi chuyện sẽ đi vào quên lãng nếu không có việc tương tự xảy ra. Cái cầu tiếp theo cũng bị đánh sập ngay trong đêm vừa mới hoàn thành và bàn giao cho lính địa phương. An ninh quân đội yêu cầu Sửu báo cáo những hành vi đáng ngờ của cấp dưới, kể cả người nhà, mặc dù họ không quy trách nhiệm cho công binh vì đã bàn giao xong. Thời buổi chiến tranh, cầu bị đánh sập là chuyện thường ngày.

           Chiếc cầu tiếp theo cũng hoàn thành và tổ chức nhậu nhẹt cho đám lính. Khi thực phẩm và bia bọt đã bỏ lên xe chờ mang đi, Sửu nghĩ lần này không được cho thuộc hạ uống nhiều, bèn biểu bác Dậu mang mấy thùng bia trên vào nhà cất, chỉ chừa một thùng dưới cùng. Sửu đang ngồi trước tay lái, không biết tình cờ hay cố ý, xuống xe ra sau giúp bác Dậu, và rất ngạc nhiên thấy thùng bia cuối cùng không chứa bia, mà chứa đầy chất nổ, thứ chất nổ mà đơn vị anh dùng để phá đá làm đường.

           Khi bác Dậu từ trong nhà đi ra, Sửu nói:
           - Bác định cho tụi tui uống bia với đá dăm sao mà đem thứ này theo. Hồi nào làm đường mới cần. Cất đi. Đổi thùng bia khác.
           Trên đường đi, Sửu quay lại nói:
           - Hai cây được rồi. Cây thứ ba nầy cho qua đi. Bác định giết tui hả. Họ đang nghi ngờ đấy. Chuồn đi.
           -Tui mà cố giết cậu thì cậu chết lâu rồi. Cậu đi qua vùng mất an ninh hằng ngày vẫn an toàn đó sao?

           Chiều hôm đó bọn lính công binh vẫn nhậu nhẹt như thường. Đêm đó không có chuyện gì xảy ra.
           Nhưng ngày hôm sau bác Dậu không đến làm nữa. Sửu lại phải tranh thủ về nhà tưới cây.
           Bẵng đi một thời gian khá lâu không có tin gì về bác Dậu, nhưng những chiếc cầu vẫn bị đánh sập, lại bắc mới, rồi lại sập.

           Một hôm trên đường về nhà, Sửu thấy một nông dân đội nón lá, vai mang giỏ cá, tay cầm cái mơm, đứng bên đường vy xe xin quá giang. Nhận ra dáng người quen, Sửu ngừng lại.
           - Sao bác biết tôi mà đón?
           - Cả vùng nầy ai mà không biết cậu.
           - Tôi chở bác tới đâu đây?
           - Tới cách thị xã chừng hai cây thì cậu thả tui xuống.
           Xuống xe xong, bác Dâụ quay lại nói:
           - Khi có chuyện gì cứ ở trong nhà với vợ con. Nếu  chạy lung tung, tụi tui không nhận ra cậu đâu nhé.
           - Sao bác biết tôi có vợ.
           - Chuyện chi mà tui lại không biết. Hết người bán gường thì còn kẻ bán chiếu.
           Cả hai cùng cười và bỏ đi.

           Trước ngày giải phóng thị xã, Sửu ở nhà tưới cây như thường lệ, chẳng ai vào nhà hỏi han. Một buổi sáng sớm có chiếc xe con, trên có mấy cậu du kích quàng khăn ca-rô, đến chở Sửu đi. Xe chở Sửu đến sân Ty Lục Lộ của thị xã. Một người đưa cho Sửu lá cờ hai màu đỏ xanh, giữa có sao vàng và nhờ Sửu leo lên cột cờ, thay lá cờ ba sọc. Treo xong lá cờ, Sửu được đưa về nhà.

           Một tuần sau có loa của Uỷ ban Quân Quản gọi thành phần như Sửu ra trình diện. Người cán bộ tiếp Sửu lại chính là bác Dậu, bây giờ mặc đồ bộ đội chớ không phải bộ đồ đen như ngày xưa. Cán bộ chỉ ghế:
           - Mời ngồi.
           - Dạ thưa...
           - Không cần dạ thưa. Tên anh? Họ và tên đầy đủ? Chức vụ? Đơn vị?...
           Sửu khai đầy đủ lý lịch. Cuối cùng, cán bộ nói nhỏ:
           - Ở lại cuối buổi nầy tôi sẽ có vấn đề cần bàn với anh.
           Cuối buổi, khi mọi người ra về hết, cán bộ gọi Sửu lại, nói:
           - Anh cũng phải đi học tập cải tạo nhưng ngắn thôi. Tôi sẽ bảo nh cho anh ra sớm, sẽ được làm đúng nghề nghiệp chuyên môn. Chúng tôi cần anh giúp xây lại cầu để phục vụ dân sinh. Ngày xưa anh bảo vệ tôi, bây giờ tôi bảo vệ anh.

           Ông Mẹo không kể nữa mà quay sang một cậu thợ sửa xe đạp:   
           - Đó, chú thấy chưa? Người ta ở hiền thì gặp lành, sớm muộn cũng có lúc được quý nhơn phò trợ.
           Cậu thợ xe đạp (vốn thích cãi cọ lặt vặt cho vui như nhiều người ở xứ này) sửa lưng ông Mẹo ngay, không cần suy nghĩ:
           - Thử hỏi chán chi người muốn lập công, sức mấy mà họ để cho ông Sửu lên đó treo cờ dễ dàng như vậy?
           - Có lẽ ông Dậu sắp xếp, muốn thử thách ông Sửu vì tính ông này không thích chính trị, hai là để ông này dễ làm việc trong Sở Cầu Đường sau này, ba là để ông dứt khoát ở lại vì xã hội đang cần ông ta.
           - Bác chỉ giỏi tưởng tượng thôi. Cháu phải nghe ông Sửu nói mới tin được. Có l vì chuyện ông Dậu giúp mà ông Sửu không được đi “hát ô”, liệu ông Sửu có buồn không?  Khi nào bác xuống dưới gặp ổng hỏi lại là chắc nhứt.
           - Được rồi. Hỏi xong sẽ gọi chú xuống để tui trả lời.
      ______________________________________________________________________

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét