Nguyễn Thị Tuyết Mai














TÀ ÁO EM NGÀY ẤY


Tà áo em bay bay theo chiều gió
Giấu nụ cười dưới những bờ môi
Vành nón nghiêng nghiêng mái tóc em dài
Bao mơ ước ép vào trong trang sách.

Ngày hai buổi đường dài em đi học
Nắng nhạt màu đẫm ướt giọt sương mai
Một chút mùa đông áo ấm em vàng
Anh chợt thấy mùa xuân về trong mắt.

Quang Trung phố nhỏ tà áo em xa lắc
Chân bước dồn anh rảo bước sau lưng
Một trời yêu thương trỗi dậy trong hồn
Muốn nói yêu em nhưng sao anh không dám.

Em biết anh theo sao má em hồng
Sao em líu ríu chân không vội bước
Tiếng chuông chiều kéo anh vào mơ ước
Bóng dáng em trắng cả một góc đường.

Thoang thoảng tóc em thơm mùi bồ kết
Áo chưa ôm tròn vóc dáng thon thon
Nét ngây thơ chao bím tóc em mang
Anh yêu mãi tà áo em từ dạo ấy.
_________________________________________________________________




NẮNG


Nắng rớt xuống thềm nắng lại lên,
Nắng quanh quẩn mãi ở bên rèm ,
Rồi kia nắng lại vờn qua tóc
Nắng đến hôn lên má của em.

Nắng biết bây giờ em vẫn vui
Hôm qua sao nắng bước êm đềm
Em sợ nắng buồn nên dậy thức
Nắng đứng cùng em mỏi chân mềm.

Mãi ngắm nhìn hoa say tắm nắng
Em quên không đội nắng trên đầu
Khi biết nắng không còn nơi đó
Em đã ngồi yên ngắm nắng sầu.

Nắng có hờn ghen với gió trăng
Gió khe khẽ gọi ánh trăng mềm
Ướp tình em đẹp thơm như mộng
Để sớm mai này cho nắng xem.

Nắng của lòng em nắng của em
Em yêu nắng lắm nắng say mèm
Một mai nắng có về qua ngõ
Nhớ gửi cho em hạt nắng kèm.

_____________________________________________________________________





LỐI CŨ TA VỀ


Đã nhiều lần tôi về thăm Quảng Trị nhưng chưa lần nào tôi thấy hạnh phúc và vui như lần này. Trở lại Sài Gòn gần hơn nửa tháng rồi mà lòng vẫn nao nao nhớ những hình ảnh bạn bè ngày họp mặt, những giây phút đi cùng nhau trên chuyến xe 12 chỗ tham quan những địa danh lịch sử, những sáng chiều chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe cộc cạch đi khắp những con đường phủ đầy bóng cây xanh xuyên qua các làng mạc thân thương của quê hương. Lần về quê này tôi quyết tâm tìm hiểu và thưởng ngoạn hết tất cả những gì của mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, để cùng thương cùng nhớ cùng chia vui sẻ buồn khi có ai nhắc đến những khắc khổ cũng như những lớn mạnh của quê nhà.  Thời thơ ấu tôi sống hơi khép kín, nên vốn mang tiếng là dân xứ gió Lào cát bụi mà tôi chưa hề biết chợ Sãi có món nem lụi thơm lừng, chưa một lần dừng chân ở chợ Diên Sanh để ăn cháo bột đậm mùi ném ruốc, chưa hề ngắm được bãi cát trắng với hàng dương xanh của Cửa Tùng, Mỹ Thủy... Lần này tôi đã đi hết và bây giờ ngồi đây, giữa đất Sài Gòn xa vạn dặm tôi có thể vẽ bản đồ quê hương Quảng Trị trong tầm tay. Ôi! Hạnh phúc làm sao khi có những ngày tôi đã tắm mình trong không khí dịu ngọt của quê nhà, nơi đó bây giờ không còn nghe tiếng đạn pháo rì rầm ngày đêm mà ngập tràn một màu xanh vui tươi của đất nước hòa bình . Đẹp và quyến rũ lắm bạn ơi. Các bạn hãy cùng tôi đi qua những lối cũ ngày xưa nhé!
* * *
Qua 20 tiếng đồng hồ nằm nghe tiếng con tàu SE6 chạy băng qua bao nhiêu tỉnh thành cuối cùng tôi cũng đến được Đông Hà vào lúc 6 giờ chiều ngày 3 tháng 8 . Tôi tưởng sau những ngày bị bệnh mình không khỏe kịp để ra dự ngày hội trường, lòng nôn nao quá vì cứ nghe bạn bè réo gọi nên tôi cứ thúc dục cơ thể mình mau mau bình thường bằng những vĩ thuốc kháng sinh kèm với những viên thuốc bổ, những miếng nhung do bạn bè gửi tặng. Cuối cùng tôi cũng kịp dậy đồng hành với ông Phái bằng chuyến tàu trễ nhất trong đêm. Đông Hà hiện ra đã vào tối, không khí mát dịu làm tôi quên hết mệt nhọc của chuyến đi. Có tiếng điện thoại reo khi vừa bước chân đến nhà cô em. Nhà thơ Phan Văn Quang, anh Trần Tích, Y Thi và cậu chú em Nguyễn Đức Tiên mời ra quán Gió Lào ở bờ sông uống cà phê tâm sự, tôi không dám đi vì phải lo chuẩn bị cho ngày mai. Anh Phái không khước từ được nên theo bạn lai rai mãi cả gần hơn tiếng đồng hồ mới về. Nghe đâu nhóm Trị, Mừng, Liên Hưng, Quang Tuyết cũng đang xôn xao ở một góc nào đó còn nhóm anh Bảo, Thăng, Hạt, Loan . . . thì đang ở Hương Biển thị xã xưa.
Sáng sớm hôm sau, ngày 4 tháng 8, tôi vinh dự được cậu chú em cho quá giang xe vào Quảng Trị tham dự ngày họp mặt. Cậu chú em mời ra mắt bà chị một chầu ăn sáng thật ấn tượng: Cháo đầu heo. Đúng là ấn tượng vì khi ra đi thì ai cũng đồn đãi QT đang có dịch heo tai xanh mà về đây người ta vẫn bình thản ăn và sống, có sao đâu. Và thế là từ đó vợ chồng tôi cứ ăn thịt heo thoải mái không kiêng cử gì ráo. Ăn sáng xong tôi được xe đưa đến trước cổng trường trung học thị xã Quảng Trị, dè dặt bước chân vào đất của trường Nguyễn Hoàng xưa, tôi thấy một chút vừa thân quen vừa xa lạ, xa xa lác đác vài người tìm bạn. Không lẽ mình đi sớm quá, tôi vừa đi vừa cố tìm xem hội trường tổ chức nằm ở đâu, té ra sau ngôi nhà lớn và đang đông nghịt người . Vui quá là vui. Bạn bè thấy tôi reo lên rồi cứ thế kéo nhau ghi hình. Lớp mình đâu, chụp hình. Tiếng Ngọc Lan vừa nói vừa kéo từng người để chụp hình mà có ai chịu đứng yên đâu. Máy đang nháy, chưa nháy thì đã có người ôm, người la...  

Trời ơi Thủy rồi trời ơi Thảo, Nhụy, Vinh, Thúy, Liễn, Tĩnh và cứ như thế mãi nên bây giờ tấm hình nào rọi ra cũng lộn xa lộn xộn . Tôi vừa là phó nhòm vừa là người trong ảnh nên chạy ra chạy vào lăng xăng hơn. Ai cũng hỏi ông Phái đâu . Trời, ông theo bạn ông, bạn làng, bạn thơ, bạn văn nghệ, bạn học trò của ông, tôi đâu có thì giờ tìm ông trong đám người đông gần cả ngàn thế này. Giờ xem ảnh thấy không có mình, anh cứ bảo sao không thấy anh đâu cả. Cho anh rút kinh nghiệm một lần không sao. Chung quanh mình ai cũng quen quen lạ lạ nhìn nhau cười cười và phải tự giới thiệu tên mới hy vọng ký ức cho nhớ lại. Tội nghiệp anh Thái Tăng Trai, Ngọc Lan kéo tới giới thiệu với tôi, anh Trai học cùng lớp nhị A với tụi mình đây này. Ôi! Anh Trai lạ hoắc và cái tên tôi nghe cũng lạ luôn. Không nhớ nổi. 

Thế mà trong suốt buổi họp mặt anh cứ luẩn quẩn bên chúng tôi và chụp hình với chúng tôi, chắc anh  xúc động lắm. Về tới Sài Gòn tôi vội vàng đem tấm hình lớp nhị A đã phóng lớn tìm anh Trai và nhận ra nét mặt ngày xưa của anh rồi. Xin lỗi anh Trai nghe, ngày xưa đẹp trai trắng trẻo vậy mà bây giờ anh ốm đi, răng đã rụng bớt vài cái và thật thà làm sao. Hồ Viết Cần cũng vậy, bạn cứ khép nép bên chúng tôi như con gái nhà lành. Gặp ai trong lớp tôi cũng nói Hồ Viết Cần đây nè, có người biết, người không . Nhưng vui nhất là anh Nguyễn Khắc Am, lớp trưởng lớp nhị A chúng tôi. Người mà tôi nghe đồn đã chết trận lâu rồi và ai hỏi thăm về anh tôi đều nói như vậy. Té ra anh vẫn còn trên đời này, chững chạc, đẹp trai nhưng chẳng giống anh Am ngày nào. Nghe đâu anh Am là cậu của Tú, phu nhân thầy Đỗ Tư Nhơn và có bà con với hai ca sĩ nổi tiếng Nhã Phương- Bảo Yến. Cũng vui và hay hay.

Về phía bạn gái người làm cho chúng tôi ngạc nhiên là Trợ. Nhìn không ra. Trợ bây giờ mập và trắng, không còn điệu bộ của Trợ ngày xưa. Tôi chụp cho Trợ một tấm ảnh riêng vì có người bên đất Mỹ muốn thấy lại dung nhan của người xưa thế nào. Còn Lê Thị Chi, con bác Phúng thì không thay đổi lắm mà còn thấy xinh hơn nữa cơ. Kể ra gặp lại bạn cũ như Trợ, như Chi lòng đỡ xốn xang hơn như Lộc, như Em ... Trương Xuân Cương thì như một nghệ sĩ thực thụ với đầu tóc lấm tấm nhiều sương xõa dài ngang vai, mà nghe đâu Cương bây giờ sáng tác nhiều thơ nhiều nhạc lắm. Đoàn Sài Gòn ra không theo một tổ chức nào cả, nghĩa là tự rủ nhau đi theo lớp, theo nhóm và hẹn gặp nhau tại Quảng Trị, tôi cố dòm dòm để xem thử có được bao nhiêu người chịu khó ra đây. 
Thấp thoáng đây đó thấy thầy Liệu, anh chị Bảo- Mai, anh chị Hoàng- Thuần, anh chị Hạt- Mai, Kim Loan, Ngọc Lan, Thu Thủy, anh chị Thăng- Liên, anh Võ Cẩm, chú Nguyễn Xiển, anh Kỳ, Mừng, Trị, Liên Hưng, Quang Tuyết, Ai Đông, Diệu Hoà, anh Hồ Thế Vĩnh, vợ chồng Lê Quang Ngân, Mỹ Liên và hai chúng tôi, Mai Phái, thêm hai cô Việt kiều dễ thương nữa là Vinh Tân Mỹ và Vân Hương... Đoàn Huế và đoàn Đà Nẵng thì tổ chức chu đáo hơn. Các thầy cô học trò thuê xe ra về trong ngày. Đón đoàn Huế tôi thật mừng khi gặp lại thầy Tuấn, thầy Sét, thầy Duyên, cô Tường Vy, thầy Lý Văn Nghiên với một số bạn tôi biết mặt vì đã có thời gian 26 năm tôi ở Huế nên không xa lạ lắm như chị Liễn, chị Tĩnh, Lê Thị Hoa, Lê Thị Chi, Võ Thị Thúy, Phú, Ninh, Nhụy, Võ Quê, bác sĩ Thắng, bác sĩ Hải Thủy, bác sĩ Thuyết, anh chị Tám- Ngộ (Ngộ ngày xưa học sau tôi một lớp tại Đại học sư phạm Huế và hai vợ chồng đều ra dạy NH), anh chị Kim-Hòa, anh Nguyễn Đăng Am, anh Tạo, anh Yến và Võ Thị Quỳnh đều là những người đang giảng dạy tại Huế ... còn nhiều thầy cô và bạn bè nữa tôi không biết tên.

Đã quá giờ khai mạc mà đoàn Đà Nẵng không thấy đâu cả, thầy Trác lo lắng hỏi tôi có ai điện thoại nói chi không. Tôi nói thầy bảo anh Phái hỏi thầy Thanh xem sao. Nhưng hình như phải khai mạc thôi, thầy Nguyễn Viết Trác, trưởng ban tổ chức, trước đó vài ngày nghe bị xe đụng nên chân còn đau người còn mệt mà vẫn phải làm tròn nhiệm vụ. Tội nghiệp, vì thầy là linh hồn của buổi họp mặt, không có sự nhiệt tình của thầy, từ việc làm đơn xin phép đến đứng ra tổ chức họp hành kêu gọi bạn bè xa gần thì khó có ngày hôm nay, thầy rất mệt nhưng vẫn cười tươi như hoa. Anh Đỗ Tư Nhơn không dám bỏ vị trí để ra đón bạn năm phương, tay anh cứ cầm mãi loa kêu gọi, sắp xếp. Những người khác như anh Văn Mạnh, Nguyễn Văn Nuôi, Lê Viết Lào, Hoàng Đằng, Đoàn Hoàng Thạch, Nguyễn Lớn và Trần Thiện Ngữ vân vân và vân vân cũng rất bận rộn. Họ ngồi ở bàn tiếp tân và làm việc không ngơi nghỉ. Trang trọng và dễ thương quá . Buổi lể đang tiến hành thì nghe lao xao và chững lại.

Ồ đoàn Đà Nẵng đang tiến vào hội trường. Thầy Thanh tổ chức thật chu đáo và đẹp mắt. Tất cả các chị đều mặc áo dài và các anh thì thắt cravate. Một lẵng hoa được mang lên chúc mừng ngày hội trường. Tôi liếc thấy có Bạch Thảo, Minh Tâm, Phạm Thị Hồng, Nguyễn Thị Thương (vợ anh Trần Toàn), Nguyễn Thị Lý (vợ anh Võ Lượng), chị Lê Thị Em, thầy Thanh, thầy Lữ, anh Thạnh, anh Lê Văn Thái, bác sĩ Khàn, anh Thái Tăng Phương, Bích Hường, Nguyễn Khắc Phước và nhiều, nhiều lắm, có đến 40 người lận tôi không biết hết. Đặc biệt có hai người con trai của thầy cố hiệu trưởng Thái Mộng Hùng, Thái Hoàng Nam và Thái Hoàng Phong đi theo đoàn. Nhìn hai em lòng ai cũng nao nao buồn nhớ thầy và thương tiếc vì sự thiếu vắng của vị thầy khả kính trong ngày hội trọng đại này. Không biết thầy Thanh dặn dò sao mà tôi rủ ai trong đoàn ra sân chụp hình hay nói chuyện đều bị từ chối, các bạn nói sợ lạc đoàn, trễ xe. Đúng giống như trẻ con quá đi thôi. Cũng vì thế nên tôi không ghi được một tấm hình đầy đủ cả đoàn để làm tư liệu nữa... Nghe đâu đoàn Đà nẵng đã tập sẵn một bản nhạc và dự định sẽ lên đồng ca trên sân khấu mà không thực hiện được vì khi tới nơi thì như đàn ong vở tổ. Anh Thạnh, trưởng ban văn nghệ đoàn đành chịu thua sự cuốn hút của bạn bè xưa cũ.

Gần một phần ba người tham dự không ở trong hội trường vì thích ngồi ngoài tâm sự và hội trường cũng đã chật kín. Khi tổ chức không ai ngờ đông như vậy, gần 800 người đến tham dự, một con số kỷ lục chưa thấy ở buổi họp mặt nào. Mới thấy được những con chim lạc bầy đã gần và hơn 40 năm quay về tổ mẹ sao mà xúc động lắm thế. Bao nhiêu giọt nước mắt, bao nhiêu nụ cười như hòa và tan loãng trong niềm vui của ngày quay về tổ ấm. Tôi thấy lòng mình như quặn lại khi thấy thầy Sét khóc lúc gặp Thu Thủy, thầy thương thầy Thiện đang lâm trọng bệnh ở nhà không về được. Các bạn cùng lớp ngày nào bây giờ đang nằm dưới lòng đất lạnh có về đây vui với bạn bè không, sao thấy nhớ thấy thương các bạn lắm thế. Tôi chợt nhớ anh Đáng, Trần Văn Sơn, Võ Lượng, Trần Toàn, Mai Đức Đá ... và nghĩ rằng các anh đang lãng vãng đâu trong không gian này. Một nén nhang lòng dành cho các anh đây...

Buổi lễ chấm dứt bằng một bữa cơm thân mật và nỗi luyến tiếc vì chưa ai thấy đủ cả, gặp bạn chưa bưa, tâm sự chưa hết, chào và nhận ra nhau chưa được bao nhiêu nên mãi đến 2, 3 giờ chiều vẫn còn bịn rịn chưa muốn chia tay...

Thôi hẹn dịp khác vậy. Làm sao bây giờ, cuộc đời có khi nào đầy đủ đâu bạn ơi. Cứ hẹn cứ thiếu cứ vấn vương và cứ đợi chờ, mãi mãi như thế, như thế thôi.

Lịch của tôi đã kín hết rồi, ngày 5 về làng chồng, ngày 6 lên đường đi Lào với nhóm bạn Sài Gòn. Có đến Lào mới thấy thương nước bạn. Tôi nghĩ sao bạn nghèo thế, nghèo ngoài sức tưởng tượng của tôi. Các bạn tôi không có thời gian đi 5 ngày nên không thể đi xa hơn mà chỉ dừng lại ở Savanakhet. Một thành phố có tên tuổi mà không lớn hơn thị xã Đông Hà của ta. Ngồi trên xe chạy xuyên qua hơn 200 cây số mới tới được đây, tôi thấy hai bên đường toàn rừng núi và nhà sàn, mái lá vách rất sơ sài, những con người Lào bình dị và yên thân trong cuộc sống của họ, không biết bon chen và vượt khó . Có một điều làm tôi suy nghĩ, thế giới năm châu có ai nghĩ đến Lào là đất nước cần giúp đở nhiều lắm không, chúng ta không thể sống ích kỷ khi có người bên ta như Lào. Tôi đúng là loại người hay nghĩ vẩn vơ nếu ai đọc những dòng này đừng cười tôi nhé. Cũng vì thế mà chúng tôi thay đổi chương trình không ở Lào nữa mà về tham quan Việt Nam. Xin tạm biệt đất nước hiền hoà 4 không “Không biển, không đường sắt, không thủy lợi và không nghĩa trang”.



Đêm 7/8 vì thế chúng tôi được 
ngủ tại khách sạn Sepon ở cửa khẩu Lao Bảo. Về đêm ngồi trên khách sạn ngắm vẻ đẹp thành phố lạnh trong hoang sơ của núi rừng, tôi thấy nhớ những ngày ở cao nguyên Genting của Malaysia rồi tự hỏi, tại sao chúng ta không làm được như họ. Cảnh đẹp, hàng hóa rẻ, khí hậu dễ thương đủ làm nao lòng khách du lịch đến và đi, thế mà tôi thấy lượng người ở đây quá ít so với người ta. Một địa danh như vậy mà nằm gần Sài Gòn thì tha hồ hốt bạc rồi. Đúng là thiên nhiên đâu có chiều hết lòng người, người Quảng Trị mình nghèo khiến không ai dám đầu tư vào  đây cả. Tại đây tám đứa chúng tôi được dịp mua sắm ở Trung tâm thương mại với giá rẽ hơn Sài Gòn nhiều, có lẽ toàn bộ việc tốn kém trong chuyến đi chúng tôi đã mất tại đây, mỗi đứa cũng gần cả 2 triệu đồng. Về nhà con tôi ngạc nhiên nói rằng ba me đi Quảng Trị mà quà nhiều hơn nước ngoài nữa.

Sáng ngày 8 chúng tôi lên đường thăm nghĩa trang Trường Sơn, cầu Hiền Lương lịch sử, địa đạo Vịnh Mốc và Cửa Tùng. Một ngày nắng ấm sau những cơn mưa dai dẳng mà được xe chở chạy bon bon trên các con đường xuyên núi rừng Trường Sơn mới toanh màu nhựa đen láng, tôi thấy Quảng Trị mình đẹp làm sao.Tôi bị cuốn hút vào phong cảnh hai bên đường tràn ngập màu xanh của núi rừng mà không hoang vắng, trái lại một cuộc vui sống đang hình thành tại nơi đây. Tiếng chuông chùa ngân lên cùng với tiếng cầu kinh của các thầy làm ấm thêm vùng đất ngày xưa toàn bom đạn và rờn rợn xác người. Không còn nhiều thời gian để tôi mải mê theo sở thích thiên nhiên của mình và chúng tôi lại lên đường về Vịnh Mốc. Thêm một địa danh lạ lùng về ý chí con người chỉ có trên đất nước Việt Nam giàu nghị lực, những người Mỹ hình như không bao giờ bỏ qua những chỗ như thế này khi đặt chân đến đây vì tôi thấy họ tham quan rất nhiều, cô hướng dẫn viên nói một tháng cô đón đến 7000 lượt khách. Nhưng chúng tôi cũng xin chia tay Vịnh Mốc vì chúng tôi phải về Đông Hà tối nay.

Để chiêm ngưỡng được Cửa Tùng như dự kiến, người tài xế cho xe chạy qua một hướng khác để cả đoàn tới được chiếc cầu bắc qua sông Hiền Lương tại nơi sông gặp biển. Đứng trên cầu chúng tôi ngắm bãi biển Cửa Tùng vào trưa, nhiều chiếc tàu đánh cá nằm san sát trên bờ, có lẽ mấy ngày nay nghe mưa lũ lớn nên họ không ra biển. Cầu thì mới xây xong nhưng chưa thông xe vì hai đầu cầu vẫn còn dang dở, có lẽ năm sau về lại thì con đường này đã nối liền Cửa Tùng với Cửa Việt và xe cộ tha hồ mà chạy dọc bờ biển đẹp như mơ của xứ Quảng nắng gió quê mình . Xe chúng tôi hôm nay phải quay lại quốc lộ I về cầu Hiền Lương , chiếc cầu mà ngày nay chỉ giử lại làm kỷ niệm một thời. Với các bạn có thể xa lạ còn với tôi thì quá quen thuộc, tám chiếc loa phóng thanh ngày xưa tôi vẫn thường nghe rõ mồn một trong những đêm hè nay vẫn còn đó, cũng được giữ lại làm chứng tích cho một thời đã qua. Qua khỏi cầu Đông Hà trời vừa tối, chúng tôi chia tay các bạn cùng đi và trở về nhà em tôi ở xóm chợ.


Ngày 9 tháng 8, tôi và Ngọc Lan thực hiện lời hẹn với Phan Lăng nên cố thuyết phục anh Phái đi Diên Sanh . Đâu ngờ tới Diên Sanh tôi lại thích ở lại để Ngọc Lan bớt buồn và để có thời gian ngồi chơi với các nhà thơ Võ Văn Hoa, Hoàng Tấn Trung và Thái Đào. Một buổi tối khá vui và ấn tượng, Phan Lăng vốn hiền lành nhưng đêm nay cũng phát biểu nói nên lời hạnh phúc, các bạn trong bàn hầu hết đồng nghiệp với nhau nên dễ cảm thông. Dấu ấn trong tôi là khi Thái Đào và Tấn Trung xuất hiện, các bạn đã từ Quảng Trị vượt đêm tối về đây để chung vui, một vài chuyện xẩy ra không đáng trách mà đáng nhớ lắm đó nghe. Dân lãng tử là vậy đó, có thế làm thơ mới hay phải không các bạn . Rất tiếc là chưa có dịp gặp nhau lần nữa để cho các bạn thỏa mãn hơn và hiểu thêm tấm lòng mê bạn của chúng tôi. Sáng hôm sau tôi mới thưởng thức được món cháo bột cá lóc Diên Sanh đã đi vào huyền thoại, do lời mời của ông chú trẻ Lê Lô, đang là giáo viên dạy Toán tại trường Phổ thông Trung học Hải Lăng, phải nói nó ngon nhờ mùi ném ruốc quê nhà . Như vậy thì quyết định ở lại Diên Sanh của tôi quá sáng suốt, nhưng rồi chúng tôi cũng phải chia tay Phan Lăng và Ngọc Lan, tiếp tục cuộc hành trình trên con ngựa sắt.

Tôi nghe Mỹ Thủy đẹp lắm và anh Phái sẵn sàng đưa tôi tới đó. Trên con đường này anh Phái giới thiệu với tôi một số làng mạc đã băng qua thật quen thuộc như làng Cu Hoan, Trung Đơn, Hội An. Qua Trung Đơn chợt nhớ đến Thư viện của gia đình cô Hoàng Thị Chanh mà báo Tuổi Trẻ đã một lần  nhắc đến nhưng sợ không kịp nên đành hẹn lại lần khác sẽ ghé thăm. Chúng tôi cũng định vào thăm Nguyễn Đắc Trí nhưng khi hỏi ra nhà thì đã đi xa lắm rồi. Trí bị bệnh và tôi có gửi về 1.200.000 đồng theo lời kêu gọi của thầy Tuấn, trong đó 1.000.000 đồng của hai bạn Phương Mai và Ngọc Thụy ở Mỹ, tôi chỉ đóng phần nhỏ nhoi của mình thôi.

Chúc Trí mau khoẻ để có dịp về lại Quảng Trị được gặp nhau. Con đường về Mỹ Thủy hơi vắng vẻ nhưng đẹp vô cùng, bóng của những hàng cây nối tiếp nhau rủ xuống đường dâm mát và gió vi vu thổi khiến lòng người mê mẩn. Hai đứa chúng tôi không dừng lại và chạy thẳng, dựng xe trên bãi cát biển Mỹ Thủy. Một vài chiếc ghe đánh cá nằm nghiêng ngửa phơi mình trong nắng, xa xa là xóm chài có đông người sinh sống, tôi ghi vội vài tấm hình làm kỷ niệm rồi chào biển ra về mong rằng lần sau chúng tôi mới có dịp tắm được nước mặn quê hương. Tiếp tục đi trên những con đường làng đã tráng nhựa của làng Cổ Lũy, Phương Lang ngập trong màu xanh của những cánh đồng lúa bao la, tôi quá mải mê mà quên rằng đã đến chợ Phương Lang, nơi nổi tiếng món bánh ướt thịt heo ngon đúng vào lúc cái bụng đói meo của hai chúng tôi . Tôi mua về nhà ông chú ở La Duy ngồi ăn rồi ra khu lăng mộ thắp nhang cho ông bà nội các cháu. 

Trưa nay chúng tôi hẹn với vợ chồng Hạt Mai sẽ ghé nhà dự đám giỗ ông thân Hạt. Để có thêm bạn, chúng tôi rủ anh Nguyễn Văn Nuôi ở Ngô Xá Đông và anh Đổ Tư Nhơn ở thị xã Quảng Trị đi cùng và cũng nhờ thế anh Phái thoát khỏi cầm lái. Anh Nhơn chở anh Phái, anh Nuôi chở tôi bắt đầu một chặng đường mới, hai anh đưa chúng tôi đi trên con đường mới làm dọc bờ sông Thạch Hãn, ghé xem khu di tích Lê Duẩn ở Hậu Kiên trước khi kịp về Nại Cửu 11 giờ trưa. Tại đây bạn của hai anh chị Hoàng-Thuần và Hạt-Mai ở Quảng Trị không thiếu ai, tôi thấy hai anh thật hạnh phúc vì được về tận quê nơi có mộ của ông cụ thực hiện đám giỗ. Cũng nhờ vậy mà tôi biết được Nại Cửu và thấm hiểu thêm những dòng thơ trữ tình ca tụng quê hương của anh Hạt lâu nay.

Chia tay với Nại Cửu, hai anh lại chở chúng tôi vào khu du lịch sinh thái Tích Tường uống cà phê, ngược lên La Vang thăm khu Thánh Mẫu nhiệm mầu, nơi đâu với tôi cũng lạ lạ quen quen cảnh cũ người xưa một thời xa vắng. Định về luôn Đông Hà nhưng nghe nói ngôi nhà bánh ú của nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung đẹp lắm nên không vào sẽ hối tiếc, Trung không có nhà nhưng cậu con trai đón các cô chú bằng món nước lá rất thích hợp phong cách nhà cổ của Trung. Một CHSNH mà chúng tôi muốn thăm nữa là anh Nguyễn Văn Quang, hiện anh đang là thầy giáo trường Thị xã Quảng Trị, nhà anh Quang khá lớn nằm ở gần Góc Bầu xưa và phù hợp với người viết văn của anh , anh Quang tặng chúng tôi một đĩa sứ khắc hình Thành Cổ rất đẹp hợp với sở thích tôi lắm. Anh Phái đang ghé tiệm sách mua tập gồm 5 quyển Đại Nam Thống nhất Chí thì Hoàng Tấn Trung tới mời đi ăn nem lụi chợ Sãi, tại cái quán ăn của cháu bà bán nem lụi ngày xưa, tại đây chúng tôi được Trung cho nghe thơ và tài nói tếu thông thái làm ai cũng cười vỡ bụng, món nước chấm và vị ngọt của nem lụi nhờ thế ngon thêm.


 Anh Phái hình như còn mê món nem này nên hôm sau trở lại với bạn và thầy Trần Đức Thành dạy anh lớp nhì thưởng thức một lần nữa.

Ngày 11 tháng 8 tưởng rằng hết việc, chúng tôi lại nghe điện thoại gọi vào thị xã Quảng Trị dự buổi tổng kết của ban tổ chức... Vẫn còn chưa muốn chấm dứt tuần lễ Nguyễn Hoàng xôn xao hai thị xã cả  tuần nay, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đi thăm mộ thầy Phan Phụng Thạch theo lời đề nghị của thầy Thị. Lần này ngoài 4 đứa chúng tôi, Nhơn, Nuôi, Phái, Mai còn tăng thêm các bạn Hạt, Cẩm, Lào, Đạc cùng với thầy Thị đến Đạo Đầu tìm em thầy Phan Phụng Thạch dẫn ra thắp một nén nhang cho người thầy có nhiều vần thơ làm nao lòng bao thế hệ học trò Nguyễn Hoàng.

Như một đàn chim sau cơn bão hạ

Các em trở về sau nắng thu xưa

Sân trường cũ áo dài em trắng quá

Cỏ cũng mềm lòng theo bước chân đưa.

Sau lần này chúng tôi chia tay nhóm bạn Nguyễn Hoàng Quảng Trị thân yêu tuy lòng còn lắm vấn vương, biết bao bạn nữa chúng tôi chưa có thì giờ đến thăm nhà được. Cho tôi để lại một lời hẹn hò lần sau...

________________________________________________________________


CHIỀU CHỦ NHẬT

Chiều chủ nhật này
Anh không đến nữa
Em ngồi nghe cô đơn
Và vi-ô-let nở trong lòng.
Chiều chủ nhật này
Sao không đến đây anh
Nhìn má em hồng
Và môi em bỏ ngỏ.
Cũng chiều này…
Sao em buồn thích khóc
Nhưng sợ không ai nhìn mắt ướt mi
Và đỏ buồn của em khi giận dỗi…
Ôi những chiều chủ nhật…
Bàn tay con gái…
Em thích làm thơ vào những chiều nhung nhớ.
Anh biết không anh?
______________________________________________________________________


NHỚ THỊ XÃ XƯA

Ai có về thăm dòng sông Thạch
Nhớ mang cho tôi chút nắng vàng       
Có thấy cầu ga phơi trong gió
Thương bãi Nhan Biều áng mây vương.

Ai có về thăm đất Thành Cổ
Nhớ mang cho tôi chút bụi đường
Ngắm nhìn trường Nam loang nắng đổ
Qua Trần Hưng Đạo phố thân thương.

Ai đã đi qua ngã tư thị xã
Có nhớ Tùng Sơn, Thành Tín, Mỹ Hương
Nhà thờ Thạch Hãn nằm im ắng
Phố nhỏ Quang Trung dạo thấy buồn.

Ai đã đi qua bến xe Thạch Hãn
Nỗi nhớ trường xưa có vấn vương
Nguyễn Hoàng vắng bóng thầy cô cũ
Gợi nhớ trong tôi thuở đến trường.

Tỉnh Hội chùa xưa nay còn đó
Đường về chợ Sãi vẫn thương thương
Ngày xưa tôi vẫn thường qua đấy
Tìm bóng em về trong phấn hương.

Chợ Quảng Trị ơi ngày tôi đến
Lang thang đi khắp bốn phố phường
Văn Hóa, Vĩnh Xương  đâu còn nữa
Chỉ thấy em ngồi bên cánh gương.

Thị xã tôi yêu thời xưa ấy
Còn lại trong tôi chút nắng buồn
Ai có về thăm cho tôi gửi
Một chút tin yêu một nụ hồng.
____________________________________________________________________________



ĐÔI DÒNG VỀ "NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ" 
CỦA ANH LÊ NGỌC PHÁI


Sau gần ba năm miệt mài cặm cụi và đam mê, một hôm, anh nói với tôi: Anh đã hoàn thành tập thơ “Những dấu ấn lịch sử” rồi, em viết lời giới thiệu nhé. Ba năm, vẫn còn trong tôi hình ảnh anh bên máy computer từng đêm, từng sáng, từng chiều… đọc, đọc rồi viết... Lâu lâu, cảm xúc vì một sự kiện nào đó, anh say sưa kể tôi nghe.

Từ lâu, với tôi lịch sử là môn khô khan, những con số, niên hiệu, chiến công ... không dễ kéo ai vào cuộc cùng mình. Nhưng anh thực sự đã làm tôi thích vì anh kể chuyện lịch sử bằng những bài thơ Đường luật. Những bài thơ 8 câu 7 chữ đang kể về những vị anh hùng dân tộc của nước Việt thân yêu thật ngọt ngào và tuyệt đẹp. Họ sinh ra ở đâu, làm gì, đã lập nên những chiến công hiển hách vào thời đại nào? Đánh đuổi ngoại xâm bằng những chiến thuật gì? Chuyện không có gì mới lạ nhưng liệu ai đã học, đã nghe, đã đọc còn nhớ hết…?

Hàng ngày chúng ta đi qua bao con đường, ngõ phố mang tên các vị anh hùng dân tộc. Nào Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Cao Thắng vân vân và vân vân... Có bao giờ chúng ta tự hỏi họ là ai? Đã đánh thắng quân Tần, quân Hán, quân Nguyên hay quân Pháp...? Hay chúng ta vô tình đi rồi lại đi. Tôi nghĩ, để giải đáp nhanh, ngắn gọn nhất thì hãy mở tập thơ “Những dấu ấn lịch sử" của tác giả Lê Ngọc Phái ra tìm hiểu.

Hãy nghe anh kể về người anh hùng đất Hoa Lư:

Đánh trận cờ lau buổi thiếu thời
Điều hành binh tướng, tưởng rằng chơi
Mổ trâu khao bạn say sưa chén
Rước kiệu nghinh “vua" rộn rã cười
(Đánh trận cờ lau - LNP)

Với những dòng thơ vui tươi lạ lùng như thế, đố ai không muốn biết tại sao thuở bé Đinh Tiên Hoàng đã từng mổ trâu khao tiệc bạn cùng tham gia những trận đánh bằng cờ lau tưng bừng thế nào.
Bạch Đằng Giang, con sông mãi còn ghi dấu tích của bao nhiêu trận đánh oai hùng của quân dân ta, thủy triều con sông cứ vô tư lên rồi xuống nhưng với những nhà chiến lược tài ba thì đây là thời cơ chiến thắng. Ngô Quyền, Lê Đại Hành rồi Trần Hưng Đạo, tất cả đều lập công trên con sông Bạch Đằng bằng con nước trời cho:

Đốn cây, vạc gỗ dìm sông rộng
Nhử giặc, đưa thuyền đến bãi sâu
Bạch Đằng diệu kế xua tan địch
Chấm dứt đêm dài chịu khổ đau.
 (Ngô Quyền - LNP)

Hoặc: 

Ba lần lãnh đạo chống Mông Nguyên
Quốc Tuấn xua tan lũ bá quyền
Hàm Tử, Lạng Sơn nghe khiếp vía
Bạch Đằng, Tây Kết thấy kinh thiên.
(Trần Quốc Tuấn - LNP)

Ai đã ba lần lãnh đạo quân dân đánh thắng giặc Nguyên Mông, ai là vị Tổng tư lệnh quân đội được thế giới tôn vinh là một trong mười tướng lãnh giỏi nhất trái đất? Đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Và tên ông luôn được đặt cho con đường lớn trong thành phố: đường Trần Hưng Đạo. Nhà thơ Lê Ngọc Phái giả vờ đố chúng ta xem có biết Trần Quốc Tuấn là ai nên đã cảm kích đặt tên bài thơ là tên khai sinh của ông, Đức Thánh Trần nổi tiếng mà nhân gian đã xưng tụng.

Tôi không điểm lại hết tất cả các chiến công của cả trăm vị anh hùng mà tác giả đã viết, nhưng tôi muốn chúng ta cùng nhau tưởng niệm tấm lòng yêu nước của các chí sĩ thời chống Pháp, hầu hết họ là những người sẵn sàng hiến dâng thân mình cho tổ quốc: Đại thần Nguyễn Tri Phương sẵn sàng nhịn ăn chịu chết, Tổng đốc Hoàng Diệu dùng khăn bịt đầu tự vẫn sau khi vào hành cung thảo tờ di biểu, Lâm Hoành và Trần Thúc Nhẫn nhảy xuống sông khi thành Trấn Hải (Thuận An Huế) thất thủ, Trương Định rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công), Phạm Hồng Thái gieo mình xuống sông Châu Giang (Trung Quốc) khi thất bại trong việc ám sát Toàn quyền Đông Dương Pháp, Cô Giang dùng súng bắn vào mình ở gốc cây đề làng Thổ Tang (Vĩnh Phúc):

Nguyễn Tri Phương bậc đại công thần
Chống lũ tham tàn chẳng tiếc thân
Đã bị thương, lòng cam chịu chết
Quyết hy sinh, địch chữa đâu cần
 (Nguyễn Tri Phương - LNP)

Hoặc:

Triều đình bão táp dậy kinh đô
Hạm đội Lang Sa chiếm cõi bờ
Lâm Hoành tuẫn tiết gương luôn sáng
Thúc Nhẫn hy sinh chí chẳng mờ.
 (Bão táp kinh thành Huế - LNP)

Hoặc:

Trương Định dốc lòng đuổi giặc Tây
Lo toan việc nước suốt đêm ngày
Mượn gươm thiêng thoát bàn tay quỷ
Bản lĩnh anh hùng đáng kính thay!
(Trương Định – LNP)

Hoặc:

Châu Giang cuộn nước khơi lòng nhớ
Hồng Thái gieo mình dậy sóng thương
Tiếng bom Sa Diện rền muôn thuở
Trước mộ anh hùng ngấn lệ vương! 
(Viếng mộ Phạm Hồng Thái - LNP)

Và biết bao nhiêu vị anh hùng hy sinh trên mặt trận như Lãnh Binh Thăng, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Cao Thắng… đều đã tử thương anh dũng trong các trận quyết chiến:

Danh lừng Ông Lãnh huyện Tân An
Đánh đuổi quân Tây, diệt bạo tàn
Cùng nghĩa binh tầm vông vạc nhọn
Quyết tâm kháng chiến chẳng quy hàng.
(Lãnh Binh Thăng - LNP)

Hoặc: 

Địch vây tứ phía không run sợ
Súng bắn liên hồi chẳng hãi kinh
Công Tráng tô hồng trang sử Việt
Đời đời rạng rỡ bậc anh linh.
(Đinh Công Tráng - LNP)

Hoặc:

Địch đào mồ mả, không lay chuyển
Tây bắt thân nhân, chẳng chịu về
Lâm phải trọng thương ngoài chiến tuyến
Dở dang sự nghiệp, xót câu thề!
(Phan Đình Phùng – LNP)

Thủ Khoa Huân bị hành quyết tại Mỹ Tịnh An (Tiền Giang), Nguyễn Trung Trực bị hành hình tại Rạch Giá, Trần Cao Vân và Thái Phiên bị chém tại An Hòa (Huế), Trần Quý Cáp bị chặt ngang lưng bên cầu Phước Thạnh - sông Cạn (Khánh Hòa), Nguyễn Thái Học, Ký Con và hàng trăm người khác trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái đã bị chém hoặc bị bắn bởi giặc Pháp:

Ngọt lời dụ dỗ đâu nao núng
Khổ chốn lao lung chẳng ngại ngần
Thà chết không theo loài ác quỷ
Nghìn đời ngưỡng mộ Thủ Khoa Huân. 
(Thủ Khoa Huân – LNP)

Hoặc:

Đốt tàu Hy Vọng rền sông núi
Đánh bốt Kiên Giang dậy đất trời
Cửa Cạn, Hòn Chông nêu dũng khí
Ngọn cờ chống Pháp rạng trùng khơi.
(Nguyễn Trung Trực - LNP)

Hoặc: 

Tòa Khâm độc ác đầy mưu hiểm
Quan lại gian tham lắm ý tà
Sông Cạn ngập tràn dòng lệ đỏ
Than ôi! Đau đớn nước non nhà!
(Trần Quý Cáp - LNP)

Hoặc:

Mối thù giặc Pháp lớn tày non
Yên Bái hưng binh quyết sống còn
Lệ thảm tuôn rơi hòa máu hận
Đau lòng Đất Mẹ xót đàn con.
(Khởi nghĩa Yên Bái - LNP)

Yêu lịch sử cũng là yêu đất nước. Vì không giỏi lịch sử nên tôi đã từng vô tình khi đi qua kênh Vĩnh Tế, thăm lăng Thoại Ngọc Hầu trong lần du lịch Miền Tây với bạn bè. Giờ đọc thơ anh, tôi mới tự chê mình vô tâm. Một danh tướng của triều vua Minh Mạng suốt đời chỉ lo bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi, đào kênh lập ấp ...và bây giờ mỗi lần đi qua vùng Châu Đốc - Hà Tiên ta đều vui sướng khi thấy con kênh Vĩnh Tế thật dài chạy dọc theo biên giới Campuchia - Việt Nam mang tên vợ của ông vì bà đã giúp ông rất nhiều trong việc xây dựng và được vua đặt tên bà cho con kênh lịch sử. Đây là niềm tự hào của gia đình ông và nhân dân miền sông Hậu:

Trấn thủ riêng phương tướng Ngọc Hầu
Xây làng mở cõi đẹp nghìn sau
Đào kênh Vĩnh Tế thông vùng mới
Khai rạch Thoại Hà nối huyện sâu.
(Thoại Ngọc Hầu - LNP)

Trong lịch sử Việt Nam, các đấng nữ nhi đã để lại trong lòng mọi người sự cảm phục khôn cùng. Đầu tiên là cuộc khởi nghĩa của hai chị em đất Mê Linh Trưng Trắc -Trưng Nhị vào năm 40 với sự tham gia của nữ tướng văn võ song toàn Lê Chân người Quảng Ninh rồi đến cuộc tấn công quân Đông Ngô của người con gái xinh đẹp đất Thanh Hoá Triệu Thị Trinh vào năm 248 .Tất cả họ đều từ bỏ giàu sang hạnh phúc, tham gia chiến đấu chống quân thù. Khi thất bại, các bà đều chọn cách tự kết liễu đời mình để giữ tròn trinh tiết. Ngòi bút của nhà thơ làm ta khâm phục tính cương quyết oai hùng của các bà vô biên:

Hai Bà Trưng hội kiến Lê Chân
Chiến thắng Mê Linh đã tới gần
Giặc Hán lâm nguy đành tháo chạy
Rạng ngời nữ tướng của toàn dân!
(Nữ tướng Lê Chân - LNP)

Hoặc:

“Đạp cơn sóng dữ chém tràng kình”
Nữ tướng danh lừng Triệu Thị Trinh
Dũng mãnh giương cờ xua chiến tượng
Oai hùng tuốt kiếm giục tinh binh.
(Nữ tướng Triệu Thị Trinh - LNP)

Đau buồn và cảm động hơn cả là cái chết của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Bà là một nữ tướng văn võ kiệt xuất. Bà và chồng, tướng quân Trần Quang Diệu, là những tướng lĩnh trụ cột của nhà Tây Sơn. Sự khẳng khái của bà khi bà và con gái bị hành hình bằng cách cho voi giày dã man làm mọi người phải cúi đầu khâm phục. Liệu ai không rơi nước mắt, lúc đứa con gái 15 tuổi sợ quá kêu gào mẹ. Thế mà nữ tướng nén đau thương và nghiêm mặt hét lên với con: “Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta". Qua những dòng thơ của tác giả, ta thấy dũng khí của nữ tướng đã vượt lên tất cả:

Địch trảm chồng, tang thương đất nước
Voi giày con, nhức nhối tim gan
“Phân thây” - nào sợ uy hoàng đế
“Xẻo thịt” - đâu sờn chí nữ quan.
(Nữ tướng Bùi Thị Xuân - LNP)

Nhà Nguyễn với mười ba đời vua nối tiếp, là triều đại vua cuối cùng trong lịch sử nước nhà. Trong đó có ba vị vua yêu nước, bỏ ngai vàng chống Pháp, vẫn mãi còn trong lòng dân bao nỗi yêu thương kính mến:

Hàm Nghi, Thành Thái với Duy Tân
Cung điện nguy nga cũng chẳng cần
Ba vị anh quân ôm hận nước
Bị cầm biệt xứ lúc còn xuân
(Vua chống Pháp - LNP)

Thơ anh còn làm ta ngậm ngùi tiếc nuối khi phải nghe những chuyện tình đầy nước mắt và đau thương của Mỵ Châu -Trọng Thủy, Chế Mân - Huyền Trân Công chúa, vua Quang Trung - Hoàng hậu Ngọc Hân và thấm đẫm xót xa nhất là số phận của công chúa An Tư, con vua Trần Thái Tông, một người con gái xinh đẹp phải chịu dâng thân xác cho tướng Tàu Thoát Hoan để giúp cho các vua Trần thoát nạn và quân ta chiến thắng giặc Nguyên, An Tư sau đó sống hay chết trong đám loạn quân, cho đến giờ vẫn chưa ai biết. Ôi! Lịch sử không bao giờ quên sự hiến thân cứu nước của các mỹ nhân đất Việt:

Tiền đồ xán lạn thành mây khói
Sự nghiệp tan hoang đẫm bụi đường
Máu đổ vì yêu nào có tiếc?
Thân về với nghĩa há kêu thương?
(Mỵ Châu -Trọng Thủy - LNP)

Hoặc:

Cuộc đời ái nữ đức Nhân Tông
Vì nước đành cam phận má hồng
Chiêm, Việt đôi đường xa xứ sở
Chế, Trần hai họ cách non sông.
(Huyền Trân Công chúa – LNP)

Hoặc:

Nát lòng Hoàng hậu tuổi còn xuân
Đột ngột vua băng lúc tứ tuần
Bài “ Vãn Ai Tư” lời thống thiết
Thơ tình bất hủ khóc phu quân.
(Hoàng hậu Lê Ngọc Hân – LNP)

Hoặc:

Tấm lòng trung liệt rạng nghìn thu
Công chúa Trần gia hiến giặc thù
Nạn nước cam đeo vòng áo não
Nợ nhà đành gạt mối sầu tư.
(Công chúa An Tư – LNP)

Mải say theo lịch sử mà tôi quên mất tác giả và tôi đều là người Quảng Trị và đều là cựu học sinh trường Trung học Nguyễn Hoàng, ngôi trường mang tên vị chúa Nguyễn đầu tiên, sáng lập vương triều các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, có công khai phá mở mang bờ cõi phương Nam. Hôm nay chúng ta sống trên mãnh đất miền Nam màu mở rộng lớn đến tận Mũi Cà Mâu là đang hưởng phúc lợi từ sự nghiệp Nam tiến của các chúa, trong đó chúng ta không quên nhắc đến Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu, là người đầu tiên đã vượt hàng trăm cây số vào Đồng Nai - Gia Định - Sài Gòn để chiêu dân lập ấp, lãnh đạo dân quân khai phá và mở mang vùng đất này. Lịch sử ghi công và nhân dân luôn nhớ ơn các chúa, đặc biệt là con dân Quảng Trị chúng tôi, rất hãnh diện là nơi được chúa Nguyễn Hoàng dựng cơ nghiệp trong những năm tháng đầu tiên ngài xa miền Bắc:

Trí, chí, nhân, kiên, dũng vẹn toàn
Nguyễn Hoàng phụng chỉ vượt đèo Ngang
Theo dòng Thạch Hãn tìm phương đỗ
Lên bãi Cồn Cờ hưởng phúc ban.
(Công ơn chúa Nguyễn - LNP)

Hoặc: 
Thấu hiểu di ngôn thật rõ ràng
Theo đường tiên đế mở quan san
Trung phần lập ấp khai rừng núi
Nam bộ gom dân dựng xóm làng.
(Công ơn chúa Nguyễn – LNP)

Hoặc:
Hữu Cảnh quê hương ở Quảng Bình
Đã từng trận mạc bậc tài danh
Phước Long, Đông phố xây thôn xã
Gia Định, Biên Hòa mở trấn dinh.
(Nguyễn Hữu Cảnh - LNP)

Lịch sử Việt Nam dài lắm, kể mãi không hết, nếu cứ mải mê theo những gì anh viết và những cảm xúc dâng trào theo từng tên tuổi của các bậc vĩ nhân thì có lẽ trang giấy dành cho tôi sẽ nhiều hơn. Cho tôi xin lỗi các bậc anh hùng tôi còn đam mê theo từng chân bước, như một Trần Quốc Toản mới 15 tuổi đã xin vua vào dự hội nghị Bình Than bàn việc nước, một Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà tâm trí mải nghĩ đến non sông, một Lê Lai liều thân cứu chúa, một Nguyễn Trãi nhà chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc nhưng lại bị án oan tru di tam tộc, một Cao Thắng nhìn súng địch tạo được súng cho ta, một Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời giặc: "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, một Trần Thủ Độ hiên ngang tâu với vua "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, một Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh còn sống mãi trong lòng sinh viên học sinh thời đó và bây giờ... Ôi! Những danh nhân của tổ quốc Việt Nam.

Tôi không biết viết gì thêm mà chỉ biết cám ơn anh - nhà thơ Lê Ngọc Phái - đã yêu nước thầm lặng bằng cách ngày đêm sưu tầm tư liệu để viết thành tập thơ tri ân những danh nhân lịch sử của đất nước. Nếu không có anh, tôi và có lẽ nhiều người có chút lãng mạn ướt át, không hiểu được rằng thơ lịch sử còn làm say đắm lòng người hơn cả thơ tình nữa. Vì thơ tình của ai đó tặng, ta chỉ đọc một lần rồi có thể quên bẵng mất, còn tập thơ "Những dấu ấn lịch sử" của anh Lê Ngọc Phái, ta phải đọc nhiều lần và không khéo, sự thích thú khiến ta đi tìm tư liệu tra cứu để biết rõ hơn. Đó là thành công to lớn nhất mà nhà thơ Đường luật của tôi đã làm được. Chúc mừng anh và xin mời tất cả độc giả cùng đọc để cảm nhận.

Những ngày tháng 9. 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét