ĐÊM HỘI AN, NGHE HÔ BÀI CHÒI
Ở các làng quê miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng, vào những ngày tết, lễ, hội hè thường có các trò giải trí cộng đồng; trong đó, bài chòi là một kiểu đánh bài nhưng không nặng về thắng thua mà hấp dẫn do không khí vui nhộn tạo nên bởi những câu hô dí dỏm tựa như trò hô lô tô.
Lối chơi bài chòi tương tự như chơi tổ tôm điếm ở miền Bắc. Bộ bài chòi, còn gọi là bộ bài tới, thoạt đầu dùng để chơi với 6 người trong nhà rồi dần dần mới lan ra và chuyển sang lối chơi công cộng nơi đình làng, sân bãi.
Ngày xưa - hơn nửa thế kỷ trước - bài chòi là thú vui ngày tết ở nhiều làng quê Quảng Trị. Nhưng phải nói là bộ bài tới rất quen thuộc, nhà nào cũng chơi vào những ngày đầu xuân, cùng với trò đổ xâm hường. Ngày nay, nhiều người trẻ không còn biết bài tới là cái chi, người lớn cũng lãng quên vì người ta có quá nhiều trò giải trí mới lạ, hấp dẫn hơn.
Ở các hội làng, người ta dựng 11 chiếc chòi cao, gồm 1 chòi cái và 10 chòi con. Mỗi chòi con được phát 3 con bài. Ở chòi cái có một cái ống tre lớn dùng để đựng bài cái. Khi trống hiệu bắt đầu, những người đánh bài vào chòi con. Anh hiệu (người hô) bước ra ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi rút từng con bài và hô câu thai tên con bài. Ở phố cổ Hội An, hàng đêm có hội bài chòi (nhưng không có dựng chòi) diễn ra trên một khoảng sân khá rộng ở ngã ba đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng (bên bờ sông Hoài).
Có giả thuyết cho rằng bộ bài tới có nguồn gốc từ vùng Thanh - Nghệ, theo những lưu dân tiến vào phía Nam. Từ lối chơi trong gia đình trở thành sinh hoạt cộng đồng làng xã. Bộ bài tới gồm 3 pho: văn, vạn, sách. Mỗi pho 9 cặp. Ngoài 3 pho (9 x 3 = 27 cặp) còn có 3 cặp yêu. Lá bài pho văn, vạn, sách in màu đen, riêng ba cặp yêu có đóng thêm dấu đỏ.
Luật chơi rất đơn giản, du khách chỉ cần mua cái thẻ bài bằng gỗ, trên đó có in 3 con bài tới. Nếu anh hiệu hô trúng một con bài, người chơi sẽ được nhận 1 quân kỳ (lá cờ nhỏ màu vàng). Nếu được 3 quân kỳ sẽ thắng ván bài. Khi có người thắng, ván bài kết thúc.
Khách chơi bài chòi ở đây chủ yếu là du khách nước ngoài. Họ ngồi thành vòng quanh khoảng sân, trên những chiếc ghế đòn gỗ, mua thẻ bài - có người mua một ván nhiều tấm thẻ - với vẻ tò mò, háo hức khám phá trò chơi dân gian này.
Khi các thẻ bài được bán hết, ván bài bắt đầu. Do địa điểm sân chơi bài chòi nằm ở ngã ba đường cạnh bờ sông nên người chơi và cả người đứng xem khá đông. Một ván bài vừa kết thúc, chỉ 10 phút sau lại tiếp ván khác nên vai trò “anh hiệu” (người hô tên các quân bài bằng những câu thai, có vần điệu) được hai người (một nam, một nữ) cùng đảm trách.
Họ thay phiên nhau hô thai bằng những câu ca để hô tên từng con bài được rút thăm; với tài năng ứng tác, họ “chế” thêm lời hát dí dỏm, khiến người nghe luôn thấy bất ngờ với kết quả, hợp với mạch vần và nội dung con bài trong trò chơi. Đối với người địa phương, quen thuộc với bài chòi, bà con thường thấy thú vị khi anh hiệu hô con Bạch huê (có hình tượng âm vật - yoni của Chàm) và con Nọc đượng (có hình tượng dương vật - linga của người Chàm) với ý tứ đố tục giảng thanh của văn hóa dân gian.
Khi người nào có con bài trùng với tên con bài được anh rút thăm, hô tên thì giơ tay cao và hô lên “trúng” sẽ được ngưòi chạy việc đến trao cho một cây cờ nhỏ màu vàng.
Nếu một người mua 3 tấm thẻ (có 9 con bài), dù đã trúng 6 con (chia đều trên 3 thẻ, mỗi thẻ 2 con), được nhận 6 lá cờ vàng nhưng vẫn chưa tới. Đó là lúc hồi hộp nhất, bởi có thể người khác chỉ trúng 3 con nhưng cùng trên một tấm thẻ họ sẽ tới trước và ván bài kết thúc.
Ván bài sẽ kết thúc khi có người “tới”. Đó là người có ba con bài trên cùng một tấm thẻ bài gỗ đều được hô tên. Trong ảnh, một du khách Anh hớn hở ôm giải thưởng là một chiếc đèn lồng Hội An để chụp ảnh sau khi tới một ván bài.
________________________________________________________________
________________________________________________________________
Phóng sự này đã đăng trên The Saigon Times Online với bút danh Hoàng Mai
_______________________________________________________________
CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN
Chợ nổi Phong Điền nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17 km về phía Đông Nam, trên sông Cần Thơ, đoạn qua địa phận xã Nhân Ái, huyện Phong Điền. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc và đến sau 8 giờ là lúc mặt trời lên cao thì chợ cũng tan dần. Hàng hóa mua bán ở đây chủ yếu là nông sản, rau trái…, đây là một điểm tham quan hấp dẫn, hình ảnh đặc trưng của sông nước miền Tây.
Ngày nay, hệ thống đường bộ đã mở rộng khắp những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố Cần Thơ và hầu hết vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục nhóm họp theo tập quán và là nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước.
Trái cây theo mùa và đủ loại nông sản được mua bán, trao đổi hàng ngày qua hình thức vận chuyển đường sông, rất thuận tiện cho nông dân vùng sông nước.
Dưa hấu được bán quanh năm ở chợ nổi.
Sinh hoạt mua bán diễn ra rất sôi động nhưng không ồn ào, phức tạp như các chợ trên đất liền.
Bên cạnh những thuyền mua bán nông sản và các loại hàng hóa khác, những chiếc xuồng nhỏ bán cà phê, các loại nước giải khát, hủ tiếu, cháo lòng… cũng len lỏi phục vụ tận nơi cho bà con trong chợ.
Chợ nổi cũng có các cây xăng lưu động và xưởng sửa chữa các loại động cơ nổ, máy ghe… Trong ảnh, người phụ nữ này tranh thủ ăn bữa sáng khi cập thuyền bên hông xưởng cơ khí và chờ đợi sửa máy thuyền.
Có một đặc điểm ở các chợ nổi là mọi giao dịch diễn ra trước mắt mọi người; hàng giao xong, tiền mặt trao tay, chợ nổi không có nạn móc túi, giựt xách như trên cạn.
Chiếc thuyền lớn này vừa bán hết hàng, người vợ ngồi trên mui đang hỏi mua bộ áo gối mới, trong khi người chồng đang nạp tiền điện thoại di động vừa mua của “tiệm tạp hóa” là chiếc xuồng nhỏ cập bên hông.
Đối với một số người mua bán ở chợ nổi, chiếc thuyền vừa là cửa hàng kinh doanh vừa là chỗ cư ngụ của gia đình họ. Trong ảnh là một cửa hàng bán áo quần may sẵn.
Khách du lịch trong và ngoài nước đến Cần Thơ, hầu như không ai bỏ qua một tour sông nước hấp dẫn xuất phát từ bến Ninh Kiều vào chợ nổi Phong Điền từ sáng sớm, sau đó len lỏi vào những kênh rạch ngắm nhìn cảnh miệt vườn sống nước, vườn dâu, ca cao, mít và nhiều loại trái cây của huyện Phong Điền.
Các nhà nhiếp ảnh thường dùng đường bộ vào Phong Điền để săn ảnh chợ nổi này trước (từ 4g đến 8g), sau đó chạy ngược ra chợ nổi Cái Răng, thường đông trễ hơn (từ 7g đến 10g). Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối nông sản lớn trên sông Cần Thơ, họp cạnh chân cầu Cái Răng (quốc lộ 1A) và lộ Vòng Cung. Từ chân cầu Cái Răng (cách Cần Thơ 6km), rẽ phải vào lộ Vòng Cung đi 11km là tới chợ nổi Phong Điền.
______________________________________________________________
Phóng sự này đã đăng trên The Saigon Times Online với bút danh Bảo Thư.
________________________________________________________________
VƯỜN CÒ BẰNG LĂNG
Trước đây, khách du lịch đi trên tuyến đường từ Châu Đốc về Cần Thơ thường ghé tham quan vườn cá sấu ở Long Xuyên rồi mới ghé qua vườn cò Bằng Lăng. Nay thì chỉ còn vườn cò là địa chỉ thu hút khách du lịch vào mỗi buổi chiều trên tuyến đường này.
Vườn cò Bằng Lăng là một trong những sân chim lớn và hấp dẫn nhất trong số các sân chim khác ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sân chim này ở xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt, cách thành phố Cần Thơ 52km theo quốc lộ 91 đi Long Xuyên. Vườn rộng hơn 2 héc ta và có trên hàng chục ngàn con chim, cò, cồng cộc… sống chung trong vườn lẫn với hàng ngàn chim các loại. Chỉ riêng cò, ở đây có nhiều loại như cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng hơn 1 kg.
Du khách có thể đi bằng ghe xuồng chạy ra sông Hậu rồi cặp theo con rạch nhỏ dẫn vô vườn cò hay có thể đi xe mô tô, xe đạp men theo con đường bê tông dưới hàng tre rợp bóng mát uốn lượn theo dòng kênh rạch hiền hòa.
Thời gian ngắm cảnh vườn cò thích hợp nhất vào khoảng 5 giờ chiều. Đây là thời điểm cò tìm về tổ. Chúng hạ cánh ngược với hướng gió, chúng chao cánh, lượn qua lượn lại rồi sà xuống trên những cành cây đong đưa theo gió.
Giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen chiếm khoảng 80% số chim ở vườn này. Một con nặng chừng nửa kg.
Thời gian cò về mỗi chiều kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, những con đi ăn xa về muộn thường bị chiếm chỗ, phải tìm chỗ đậu xa những cặp “vợ chồng” để tránh đòn ghen thường rất dữ dội.
Trong vườn cò có một tháp quan sát cao khoảng 10 mét, từ đó, du khách có thể ngắm nhìn, chụp ảnh những đàn cò bay về vườn sau một ngày kiếm ăn khắp nơi.
Thăm vườn cò, trò chuyện với ông Bảy Thuyền (Nguyễn Ngọc Thuyền) chủ nhân khu vườn này, du khách sẽ được nghe những câu chuyện kể thú vị về cò và các loài chim ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Bảy Thuyền có lối nói giản dị nhưng rất có duyên và nhiều thông tin, kiến thức thực tiễn về đời sống các loài chim.
_____________________________________________________________
ALBUM ẢNH
Ngọt ngào |
Đôi mắt Raglei |
Bà mẹ |
Thi sĩ Xuân Diệu |
Nụ cười em bé Raglei |
Nhấp chuột vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn
HOA & TĨNH VẬT
Hoa cúc |
Mận hồng |
Tàn đông |
Hoa mướp |
Cuối đông |
Mắt cá |
Không đề |
Tượng La hán |
Hoa sen |
ĐỜI SỐNG
Bàn tay thợ gốm |
Nắng chiều |
Giã gạo |
Xây đảo ở Trường Sa |
Thuyền thúng |
Chằm nón |
Tung chài |
Chợ cá |
Vũ điệu dâm trâu |
Giặt áo |
Chợ chiều |
Người bán chanh |
Xế chiều |
Một gia đình trong hang núi, Khánh Sơn |
Qua suối |
PHONG CẢNH
Đồi cù Đà Lạt (1985) |
Cây bàng Thế miếu trong đại nội, cố đô Huế (2003) |
Lối vào động Huyền Không, Ngũ Hành sơn |
Sông Đông Ba, Huế |
Thuyền độc mộc, hồ Lăk (1995) |
Giăng lưới |
Hồ Lăk |
Trên hồ Lăk |
Huế mù sương |
Sông Đông Ba 2 |
Nhịp thời gian |
Trong thành nội Huế |
Xóm ven sông |
Cửa Hiển Nhơn, đại nội Huế |
Chiều Hương Giang |
Hướng về Bao Vinh |
Nông thôn |
Ao làng |
Sông Đồng Bò, Nha Trang |
(còn tiếp)
________________________________________________
THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
Ngôi thành cổ rộng 16 hecta nằm ở góc đông bắc thị xã Quảng Trị, xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX. Trước khi diễn ra trận đánh khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm vào mùa hè năm 1972, thành vẫn nguyên vẹn rồi sau đó gần như bị san phẳng, vùi lấp hàng vạn thi hài chiến sĩ trận vong. Ngày nay, thành cổ được bảo tồn như một chứng tích chiến tranh, một nghĩa trang không có nấm mồ và là một điểm đến của du lịch tâm linh.
Ảnh 1 |
Năm 1827, từ một công trình đắp đất, vua Minh Mạng cho xây thành trì kiên cố với tường thành cao hơn 9 mét, dưới chân dày 12 mét, xây bằng gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi và mật mía. Thành có bốn cửa; cửa tiền hướng nam, cửa hậu hướng bắc và hai cửa hữu, cửa tả quay về hướng tây, hướng đông.
Ảnh 1: Cửa tiền (hướng ra đường Lý Thái Tổ) bị sập hoàn toàn trong chiến tranh, nay là cửa duy nhất được xây mới và trở thành lối ra vào chính của thành cổ Quảng Trị.
Ảnh 2 |
Tường thành bao quanh hình vuông, bốn góc nhô ra thành bốn pháo đài cũng có hình vuông; bên ngoài thành có hào nước bao quanh. Trước năm 1972, trừ bờ hào phía bắc, ba phía còn lại đều bị nhà dân xây bít và lấn ra hào; ngày nay bốn mặt thành đều được thông thoáng, xây tường hào bao quanh sát chân thành và đường phố bên ngoài rất đẹp.
Ảnh 2: Góc thành nhìn từ hướng đông nam. Vị trí chụp ảnh này, trước đây là góc đường Lý Thái Tổ và đường Duy Tân; trước cửa cơ quan MACV; ngày nay là trước trường THPT thị xã Quảng Trị.
Ảnh 3 |
Sau 81 ngày đêm bị vùi dập đạn bom (từ 28/6 đến 16/9/1972), cả khu vực thành lũy chỉ còn một đoạn hơn chục mét tường thành sát cửa hậu (quay về hướng bắc, ra đường Lê Văn Duyệt) còn được bề cao hơn đầu người, cửa thành đổ sụp phần trên, vòm cửa ra vào vẫn nguyên.
Ảnh 3: Cửa hậu vẫn được giữ nguyên như sau chiến trang, các loại dây leo phủ kín bờ thành và vòm cửa.
Ảnh 4 |
Ở góc đông bắc bên trong thành có khu nhà lao giam giữ tù nhân chính trị do người Pháp xây dựng từ năm 1929 và tồn tại cho đến 1972. Ngoài các phòng giam bình thường, hầm đá là nơi biệt giam tù nhân trong điều kiện ác nghiệt nhất.
Ảnh 4: Hầm đá bị sập một góc cho thấy những ô biệt giam chật hẹp.
Ảnh 5 |
Trước năm 1972, người dân Quảng Trị không nói đến từ "thành cổ" (bởi tất cả thành lũy của các triều đại vua chúa trước đây nay cũng đều trở thành kiến trúc cổ và từ nửa sau thế kỷ XX, các công sự phòng thủ không còn xây thành lũy như trước). Chỉ từ trận chiến năm 1972, cái tên "Thành Cổ Quảng Trị" trở nên nổi tiếng như một nỗi hãi hùng về sự chết chóc. Mỗi tấc đất ở thành cổ đều có bom đạn và xác người.
Cũng cần phân biệt tên gọi di tích Thành cổ với Cổ Thành, là tên một làng thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (liền kề chùa Tỉnh hội QT, thôn Đệ Tứ trước đây).
Ảnh 5: Hào dọc theo bờ thành phiá đông, dọc đường Duy Tân cũ.
Ảnh 6 |
Khu thành cổ là một phần của quần thể di tích Thành cổ và sông Thạch Hãn, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia của Việt Nam. Toàn bộ diện tích trong thành được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người đã nằm trong lòng đất với nhiều cây xanh, đài tưởng niệm, bảo tàng...
Ảnh 6: Lối vào từ đường Lý Thái Tổ, đi qua cổng chính (quay về hướng nam) hướng vào tượng đài chiến sĩ trận vong.
Ảnh 7 |
Một đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở thành cổ được xây dựng ở vị trí trung tâm.
Ảnh 7: Tượng đài hình tròn tượng trưng nấm mồ cho những người đã mất. Kiến trúc thể hiện thế lưỡng nghi, tầng trên là dương, dưới là âm có khoảng trống thông nhau.
Ảnh 8 |
Phía tây thành cổ, song song con đường từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn ngày nay là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích Thành Cổ - sông Thạch Hãn; gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông.
Ảnh 8: Đây là con đường từ cổng thành Đinh Công Tráng (tên gọi trước đây) đi ra bên hông trường Nam Cửa Hữu, băng qua hai đường Phan Đình Phùng và Trần Hưng Đạo, đi qua trước cửa Ty Tiểu Học rồi ra đường Gia Long, sông Thạch Hãn.
Ảnh 9 |
Ảnh 9: Tòa tháp chuông được khánh thành vào ngày 29-4-2007; chuông được đánh vào các ngày lễ, ngày rằm... vọng tưởng linh hồn chiến sĩ trận vong. Quả chuông đồng có chiều cao 3,9 mét, đường kính 2,15 mét, trọng lượng gần 9 tấn, được treo trên tháp có chiều cao gần 10 mét.
Ảnh 10 |
Quảng trường Thành Cổ nối liền không gian giữa thành cổ với sông Thạch Hãn. Nơi đây có nhà tưởng niệm liệt sĩ nằm ven bờ hữu ngạn sông Thạch Hãn.
Ảnh 11 |
Đối diện với quảng trường thành cổ, bên bờ tây (Nhan Biều), tả ngạn sông Thạch Hãn cũng có nhà và bến thả hoa đăng.
Ảnh 12 |
Dòng sông Thạch Hãn, cũng là nơi rất nhiều chiến binh tử vong khi từ phía Nhan Biều, Ái Tử vượt sông để vào thành cổ.
Ảnh 12: Sông Thạch Hãn nhìn từ bến thả hoa ở quảng trường Thành Cổ - sông Thạch Hãn về hướng nam, bên kia bờ là Nhan Biều.
____________________
(Ảnh chụp tháng 2-2012)
______________________________________________________________
"BIG" THĂNG
Nói theo “khuôn”, đúng “phép” thì dễ nhưng nghe cứ như những bài “tụng ca” kinh điển, e khó tránh việc có ít nhiều cường điệu. Vậy nên, xin các bạn đừng bắt bẻ, sao lại gọi thầy giáo mình bằng cái biệt hiệu nghe “lạ tai” vậy. Thật tình, chỉ vì vốn liếng chữ nghĩa của tôi hơi bị hẹp nên đành nói kiểu “ba rọi” chứ không hề có ý khoái xài chữ ngoại, xin miễn chấp.
Gần nửa thế kỷ trước…
Hồi ấy, thầy Thăng có vóc dáng cao lớn và giọng nói khỏe, nổi bật trong các thầy cô ở trường Nguyễn Hoàng. Điều này thì ai cũng thấy, nhưng riêng với tôi - một thằng nhóc hiếu động - còn có ý khác. Vốn thường khó chịu (một kiểu mặc cảm của trẻ con) vì thấy người Việt mình thấp bé khi đứng gần người Mỹ, nên tôi mê cái vóc người cao lớn của thầy Thăng; thậm chí, còn thấy thầy có phong thái lịch lãm của một quý ông (gentleman). Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về “Big” Thăng.
Đến khi tham gia sinh hoạt Hồng Thập Tự, tôi biết thêm nhiều điều khác ở thầy Thăng, nhưng phải mãi đến bây giờ tôi mới hiểu “Big” Thăng không chỉ là một người “cao lớn” về ngoại hình.
Một kỷ niệm 20 năm trước
Hôm ấy, tôi cầm máy quay video một đám cưới ở Nha Trang. Cô dâu là cháu ngoại thầy giáo Lê Bỉnh, vốn là hàng xóm, ở đối diện nhà tôi trên đường Trần Hưng Đạo, Quảng Trị. Khi họ nhà trai xuống xe, sắp hàng để vào nạp lễ, tôi nhận ra người đại diện nhà trai là thầy Thăng. Bất ngờ quá, hơn 20 năm không gặp, không tin tức gì, tình cờ gặp thầy khiến tôi phải khó khăn lắm mới nín thinh ôm camera làm nhiệm vụ ghi hình một sự kiện mà thầy Thăng là “diễn viên” quan trọng trong phần nghi lễ đám cưới đó. Khi các nghi thức hoàn tất, bên nhà gái mời bà con vào bàn uống nước, tôi bước tới chào thầy.
Thầy trố mắt, buột miệng nói lớn, rành rọt từng tiếng: “Phạm Đình Quát phải không?”. Trong tư thế đối diện, thầy đưa cả hai bàn tay lên vỗ liên tục vào hai má tôi và nói liên hồi chi đó, tôi chỉ nhớ mấy tiếng liên tục “Ui chao!”, đại ý mừng rỡ khi thấy thằng học trò “còn sống” sau bao năm bặt tin, mất tích. Cả hai họ trong đám cưới đổ dồn mắt nhìn, ngạc nhiên. Thầy cười, giải thích, “Hắn là học trò Nguyễn Hoàng, sinh hoạt Hồng Thập Tự ở Quảng Trị với tui…”.
Cảm xúc khi nhận những cái “tát” đầy ắp tình cảm thầy trò ngày ấy là một kỷ niệm - không phải ai cũng từng trải qua những tình huống đầy kịch tính và sự bộc phát tình cảm chân thật như thế - mà càng đi quá tuổi 60 tôi càng nhận ra niềm vui ấy một cách nhẹ nhàng thấm thía.
Người không chịu... già
Nói vậy bởi, nghĩ về thầy Thăng, tôi luôn có cảm giác… bắt đầu khám phá.
Loay hoay, thoáng chốc, thầy đã 78 tuổi, nhưng tôi vẫn chưa nhận ra nét già trong tính cách và khí chất con người của thầy, tất nhiên không nói đến mái tóc, những nếp nhăn hay những lỗ hổng trong bộ nhớ là điều không tránh khỏi đối với bất kỳ ai.
Tôi xin miễn đề cập đến những hoạt động thiện nguyện vì xã hội, vì quê hương Quảng Trị và cộng đồng ái hữu Nguyễn Hoàng mà thầy đã dành toàn tâm, toàn ý cống hiến, tạo nên nhưng hiệu quả tích cực trong nhiều năm qua. Bởi hầu như ai đã biết thầy Thăng cũng đều đã biết rõ rồi.
Vậy đó, nhưng vẫn có những hiểu lầm, thị phi. Ở Việt Nam, có người vẫn cảnh giác, không biết “ông Việt kiều” này về nước làm việc xã hội là có “vấn đề” chi khác không đây? (!). Ở ngoại quốc, không ít người xì xào, này nọ... Hóa ra có một người học trò ngày xưa được thầy cưu mang, giúp đỡ thuở hàn vi, đến khi lên núi anh ta lấy tên họ ân nhân thay cho tên họ thật của mình rồi về sau làm quan lớn. Vậy nên có một dạo, ở xứ người lắm kẻ xì xầm, “Ông Thăng là VC”.
Nghe mà buồn... cười cho cái miệng nhân gian. Ưa nói chuyện giật gân mà không cần biết sự thật thế nào, người ta thản nhiên xúc phạm người khác mà chẳng bao giờ biết thẹn với lương tâm. Nhưng, “Big” Thăng nhìn mọi việc một cách nhẹ nhàng, không bức xúc, oán trách. Thái độ “tự tại, an nhiên” đó, không phải ai cũng có được.
Sau nhiều năm sống ở Mỹ, thầy vẫn sống, suy nghĩ, nói năng và cư xử vẫn vậy, vẫn là Lê Hữu Thăng, con dân làng Bích La Đông, Triệu Phong thuở trước. Khác hẳn với khá đông người Việt xa xứ lâu năm, thường ít nhiều thay đổi trong phong cách hành xử, thầy Thăng vẫn tự nhiên theo kiểu “quê miềng”; không kiểu cách với đồng hương và chẳng đóng “khuôn” với học trò.
Kỷ niệm ở thì hiện tại
Chứng bệnh rối loạn trí nhớ (alzheimer) ngày càng nặng khiến cô thỉnh thoảng quên những điều gần gũi, quen thuộc nhất. Mấy tháng nay, thầy phải luôn có mặt bên cạnh cô; thậm chí ngay cả lúc ở nhà, lên lầu, xuống tầng trệt, ra sân, vào bếp, hai ông bà già cứ như đôi uyên ương trong tuần trăng mật.
Một phụ nữ đứng tuổi, có kinh nghiệm chăm sóc y tế được mời đến để hàng ngày hàn huyên với cô, giúp gia đình chăm sóc sức khỏe cho cô, nhưng cô Liên từ chối. Kể cả con cái cũng không ai thay được thầy Thăng, ngay cả những việc đơn giản như rót nước, đưa thuốc cho cô uống...
Hôm ấy, một anh bạn chúng tôi muốn chụp ảnh khi cô đang ngồi đọc báo ở phòng khách, cô cũng không đồng ý chụp một mình mà đòi “phải có ông Thăng nữa tê!”. Và khi thầy Thăng mở cuốn album gia đình cùng cô xem ảnh, chúng tôi đọc được nét thư thái, nhẹ nhàng trên khóe mắt, nụ cười của cô. Đôi mắt thầy nhìn cô khiến tôi nhớ lại hình ảnh thật xúc động hôm 27-11-2010 ở nhà người con thầy bên quận Tân Phú. Hôm ấy, khi cô Liên cầm micro hát bài “Ai lên xứ hoa đào”, thầy Thăng rời chỗ ngồi, ra đứng trong góc phòng “nhìn” cô hát. Một lần nữa tôi lại có dịp quan sát thầy qua ống kính camera và “thấy” được ánh mắt trìu mến, hạnh phúc pha chút hồi hộp, lo lắng trên khuôn mặt đầy biểu cảm của thầy.
Khi còn trẻ, người ta chỉ nghĩ đến hiện tại và hướng tới tương lai; giờ đây, khi cả thầy và trò đang ở chặng cuối cuộc đời, tương lai chỉ là chuỗi tháng ngày đếm ngược thì mọi việc diễn ra hôm nay sẽ trở thành “dĩ vãng” ngay hôm sau; vì thế giá trị của “kỷ niệm” được nhận biết ngay trong hiện tại. Thầy Thăng nói riêng với tôi “Tui có việc ni nhờ ông. Tui muốn làm một CD gồm toàn hình ảnh của cô Liên và bạn bè cô”. Mục đích làm CD hình ảnh này - xin miễn nói ra - cho thấy sự chu đáo đến từng chi tiết đối với “người bạn trăm năm” của thầy. Một đời gắn bó bên nhau, chia sẻ gian nan trong thời chiến và những ngày khốn khó khi hòa bình trở lại, rồi những năm tháng dài tha hương… thầy cô đã vun đắp một gia đình hạnh phúc, ấm áp tuổi già dù con cháu không quần tụ sum vầy.
Có lần thầy nói, “Vợ chồng tui có lương hưu đủ sống, hàng năm, mấy đứa con cùng nhau góp lại một khoản tiền cho hai vợ chồng tui đem về quê giúp đỡ người nghèo”. Một câu nói cho thấy sự hoàn mãn của một đời người. Các con của “Big” Thăng đã thành đạt, vững vàng trong cuộc sống đầy phong ba này, nhưng điều quan trọng hơn là họ đã hiểu và ủng hộ, góp sức cho lý tưởng sống của cha mình: chia sẻ, giúp đỡ những người kém may mắn.
Thời nay, có bao nhiêu gia đình dưỡng được cái tâm như thế?! Bài học này lớn quá, tôi càng thấy mình bé nhỏ khi nghĩ đến thầy Lê Hữu Thăng.
Ảnh: Phạm Đình Quát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét