BÊN TRIỀN SÔNG Ô LÂU
Đầu năm nay tôi có dịp đi dọc sông Ô Lâu, vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế mà tôi nhiều lần qua lại chứ chưa có cơ hội để hiểu sâu. Thú thật tôi thực sự ngạc nhiên về những nẻo đường làng quanh co, những đình chùa miếu mạo, những bến sông huyền hoặc khói sóng. Ẩn tàng sâu hút trong những thôn xóm yên bình dân dã là những tầng sâu văn hoá riêng biệt mà cổ kính, khiêm tốn mà tự tin, khép kín mà bình tâm như vại cho dẫu làn sóng đô thị hoá cứ chực chờ dòm ngó.
Cái chợ Mỹ Chánh vẫn vậy, xôn xao thị tứ bên quốc lộ mà quê kiểng vẹo xiêu như không thèm đếm xỉa tới thời gian, tới biến động hừng hực quanh mình. Có người cứ bảo sao mà chậm phát triển, sao mà cổ lổ sĩ đến vậy trong khi cuộc sống cứ lao về phía trước.
Nhưng không hiểu sao trong nét cổ xưa ấy tôi lại tìm thấy bóng mình với một nỗi niềm an ủi. Nhớ ngày còn trẻ, có lần cùng người bạn về đây ghé thăm ngôi nhà của Ngụy Ngữ. Nơi bến chợ này là bối cảnh những truyện ngắn đầy ray rứt ngập ngụa bi kịch, ám ảnh của chiến tranh trong một không gian vang vọng những ý thức phản tỉnh đầy nhân văn cuốn hút bạn đọc miền Nam từ cuối thập niên 60 của nhà văn sinh ra trên vùng đất Ô Lâu, đặc biệt là truyện ngắn Con Thú Tật Nguyền được chuyển thể thành phim. Ngày ấy tôi còn nhớ đứng bên này cầu Mỹ Chánh nhìn ra bến sông, chiều chưa kịp xuống mà nhìn đâu cũng thấy một không khí ngột ngạt chiến tranh.
Năm bảy năm trước khi làng Phước Tích gần đó còn thực sự là một làng cổ, tôi về lại nhiều lần nằm đong đưa bên võng dưới mái hiên ngôi nhà của người bạn đắm chìm trong không gian của hoa lài, hoa lan, hoa bưởi, hoa cau, những ngõ làng còn trải cơ man là những mảnh gốm vụn dấu tích của một ngôi làng nổi tiếng là làng “độôc đôộc” bây giờ được xem là một địa chỉ du lịch đã "bê tông hóa" nhiều thứ, hàng quán ầm ào xe ngựa, tự dưng nơi mình đã mất đi niềm say đắm thuở nào.
Bởi vậy lần đầu về thăm người bạn gái cùng trường ở làng Hội Kỳ mà thật sự xúc động. Bạn đã sống hết đời của một công dân làm việc nhà nước ở thị xã Quảng Trị rồi bỏ hết chốn phù hoa về lại nơi ngôi nhà cổ xưa trong làng. Khu vườn rộng thênh thang nhiều hoa trái, bạn chỉ sống một mình lặng lẽ giữa sương đêm.
Cứ tưởng rằng chắc là bạn mình buồn bã lắm nhưng ngược lại suốt cả ngày bạn lạc quan vui vẻ, trong những tiếng cười rộn rã đó chứng tỏ con người đã bỏ hết thị phi tuế toái của đời vì tìm thấy nỗi vô vi đốn ngộ nơi ngôi nhà của chính mình. Bạn trở lại ngôi nhà cũ còn để lo hương khói cho ông bà cha mẹ. Thái độ và tâm trạng của bạn như còn phảng phất hình bóng của Nguyễn Trãi khi trở lại Côn Sơn: Thân xưa hương hoả chăng còn ước / Chí cũ công danh đã phỉ nguyền… (Thuật hứng - Quốc âm thi tập). Năm nay tiết trời rét quá, bạn chỉ tiếc vườn mai đại lão không kịp nở hoa để đón bạn bè.
Mô hình lập làng của Hội Kỳ có nét na ná Phước Tích, vẫn quanh co lối xóm những hàng chè tàu, những nhà vườn cây trái và những ngôi nhà cổ hằng trăm năm trầm tích tư lự neo bóng bên dòng sông, khác chăng với Phước Tích là Hội Kỳ vẫn thế, trăm năm nước chảy qua cầu Mỹ Chánh, con người vẫn gìn giữ được nếp nhà xưa. Tôi thầm cám ơn thôn xóm hiền hoà này bởi đã đánh thức nỗi hoài cảm thôn xóm tưởng đã mất đi trong tâm hồn.
Chúng tôi gồm một nhóm bạn cũ của mấy chục năm về trước, tóc ai cũng lấm tấm hạt đau của mây trời nhưng hình như suốt cả hành trình không bao giờ thiếu tiếng cười. Mấy người bạn tại chỗ chỉ con đường làng đi học ngày xưa, bới cơm vừng, khoai sắn đi về hơn hai chục cây số, mùa mưa đường lầy lội rét căm căm mà nhóm học sinh con nhà nghèo chỉ phong phanh áo tơi lá, thế mà vẫn kiên trì không vắng một buổi học nào. Rồi sau đó lên cấp 3 lại phải khăn gói cơm đùm gạo bới ra trường tỉnh học khốn khổ trăm bề nhưng vẫn đeo đuổi dù có người vì hoàn cảnh phải dừng lại giữa đường nhưng giấc mơ đèn sách vẫn luôn nuôi dưỡng trong lòng.
Vùng đất học bên dòng Ô Lâu rạng danh từ rất lâu khi cụ Bùi Dục Tài ở làng Câu Nhi là người đỗ tiến sĩ từ thời vua Lê Hiển Tông, đây là vị tiến sĩ khai khoa của xứ Đàng Trong. Ông từng thăng quan đến chức Tả thị lang Bộ Lại nhưng vì bản tính cương trực, thẳng thắn nên đã bị gian thần hãm hại. Trên những con đường chân quê của mấy trăm năm trước, bằng những khát vọng đầy trời những sĩ tử đời sau vẫn không ngừng chăm chắp bước tới để bây giờ làng Câu Nhi được dân gian gọi bằng một cái tên thật đáng tự hào: làng tiến sĩ.
Tôi về làng, nơi ngã ba sông nhìn ra bến chợ và dòng sông, ngôi đình được dựng theo góc nhìn phong thuỷ truyền thống. Đình làng nghe nói được lập từ thời Lê sơ, di dời về đây từ thời Tây Sơn rồi can qua chiến trận xây đi dựng lại, trùng tu tôn tạo vẫn còn vương vấn một màu lịch sử của sáu trăm năm không ngừng biến động.
Trong làng, có nhiều cụ già từng đi dạy học, làm việc ở thành phố, dù con cái thành danh, khá giả nhưng vẫn một mực quay về làng, mở lớp dạy học cho các em nhỏ, sống trọn niềm vui và lòng tự trọng của một kẻ sĩ tiêu dao với trà sớm vườn khuya, tâm tình cùng cây cỏ. Hình như đó là cốt cách tự tại thấm nhuần minh triết phương Đông nơi vùng đất nhìn ra phía trước là sông, sau lưng mình cũng là sông.
Đi dọc triền sông từ Lương Điền, Văn Quỹ, Hà Lỗ, Đồng Dương, Hưng Nhơn, mỗi làng mỗi không gian quê kiểng riêng biệt. Có một điều dễ nhận ra cái chung nhất chính là ý thức lập vườn của con người. Nhà nhỏ nhà to thường có cổng ngõ chè tàu, hồ nước, hoa lài hoa sói, vườn cây trái xum xuê nên tâm tính người dân thiên về hướng nội, dạt dào tình cảm.
Thêm nữa, về đây đi đâu cũng gặp sông. Sông Ô Lâu từ miền cao của Huế chảy ra, quẫy một vòng cung uốn lượn theo hình con rắn ngoằn ngoèo để lại những ngôi làng như những ốc đảo Phước Tích, Mỹ Xuyên, Hội Kỳ trước khi về Mỹ Chánh gặp sông Thác Ma (còn gọi là sông Mỹ Chánh) lượn lờ rồi xuôi ra biển. Theo một số nhà địa chất thì khi sông Ô Lâu từ Mỹ Chánh xuôi ra biển, đi qua vùng đất nhiều truông cát nên nước ngọt mà trong, dòng chảy êm đềm, xuôi mái.
Chia tay với Ô Lâu ở ngã ba sông ở làng Câu Nhi, sông Mỹ Chánh mang một tên mới là Ô giang trôi xuôi một đường ra huyện Triệu Phong để gặp sông đào Vĩnh Định trong nỗi cô đơn không hề muốn cùng ai chia sẻ. Cuộc chia tay đầy quyến luyến không dứt để lại nơi ngã ba Câu Nhi những hẹn hò bên lở bên bồi và những bến đò ở hạ nguồn dằng dặc với những tình sử miên man buồn thảm một thời Trăm năm còn lỗi hẹn hò / Cây đa bến cộ con đò khác đưa. Câu ca dao sinh ra trên những bến sông từ cái thuở sĩ tử xứ Đàng Ngoài muốn vào kinh ứng thí phải vượt trường giang.
Và trên dòng sông mênh mang thơ mộng này biết bao câu hò điệu lý đầy mô tê của một vùng xứ sở đa đoan thế sự hình thành một nền văn nghệ thấm đẫm màu khói sóng. Có một nhạc sĩ tài hoa đã âm thầm lên đường mang nặng tâm thức hoài vọng của tình yêu tuổi trẻ và đất nước để những dòng nhạc dù kinh qua khói lửa chiến tranh vẫn mượt mà biêng biếc màu xanh của những dòng sông quê nhà. Đó là Trần Hoàn, tác giả của những tình ca bất hủ như Lời người ra đi, Sơn nữ ca... Dòng Ô Lâu đã gieo đậu nơi ông biết bao niềm thao thiết, vì thế để gởi gắm niềm tâm sự xa quê, xa những hẹn hò thuở nọ, trên bước đường kháng chiến và dọc ngang đây đó, ông đã có những ca khúc viết về những dòng sông Bến Nghé, sông Lam, sông Ngàn Phố, sông Hàn... mang ít nhiều bóng dáng và cảm xúc của cồn nọ bãi xa ngày ra đi bên Ô Lâu.
Sông Ô Lâu ngày tôi về, tháng Giêng non trời đất, dòng sông một màu xanh thẳm để đất trời như bát ngát sâu hút hơn. Trong nỗi niềm yên ba thâm xứ, tôi chợt nhận ra trong màu nước trong xanh kia đấy hình như còn in bóng những giấc mơ lập thân của những bậc tiền nhân, những người đi trước với nghĩa khí ngất trời.
Hẳn nhiên là thế, bởi ngày trước giao thương chủ yếu bằng đường thuỷ cho nên trên những quãng sông này một thời vang bóng của khách thương hồ xuôi ngược mua bán. Hệ quả để lại là vô số những bến đò, những đình làng bãi chợ, những ngôi nhà vườn quay mặt về hướng sông. Lịch sử đã đi bằng những tháng năm dài, những xôn xao sông nước đã không còn, để lại những con đò lơ thơ giăng mắc trên bến vắng.
Ngược qua Ô giang, lên bến đò Hà Lỗ ghé thăm người bạn gái cùng lớp. Khác với người bạn ở Hội Kỳ, bạn từng có nhiều năm bươn chải mưu sinh chốn thị thành nhưng rồi tai nạn gia đình, bao nhiêu gánh nặng đè lên vai một phụ nữ yếu đuối, không còn cách nào khác đành phải khăn gói quy cố hương, rồi bạn được địa phương bố trí đi dạy trường làng. Ngôi nhà của bạn tuy đơn sơ mà ấm cúng, trong vườn trồng rất nhiều chè và cây trái.
Trong đôi mắt và những câu chuyện đời của bạn, có lẽ đã qua đi thời tăm tối. Bạn vốn là người đa cảm, có lẽ cảm động vì bất ngờ gặp đồng môn xưa ở xa tìm thăm nên nước mắt rưng rưng. Có một nhà văn viết đâu đó: Chỉ có con người phụ bạc quê hương nhưng quê hương luôn thuỷ chung cứ mãi chờ ta… Đối với trường hợp bạn, quê nhà đích thực là nơi chốn để nương nhờ. Chia tay mà lòng cứ bịn rịn.
Nhóm bạn chúng tôi trải qua những biến cố chiến tranh, vì hoàn cảnh thời cuộc nên có người bên này bên kia chiến tuyến thế nhưng gặp lại nhau chao ơi là thắm thiết như thể chưa hề có những khoảng cách. Hình như với những ai sau những trải nghiệm đầy giông bão cuộc đời, điều còn lại là tình yêu thương, một tình bạn đã gắn liền khúc ruột được chắt chiu từ một ký ức xa thẳm, không ai có thể chia lìa.
Gabrien Market có lý khi nói: Người ta già nua không phải vì thời gian tuổi tác mà già nua chỉ đối với những ai không còn yêu thương được nữa… Có lẽ chính tình cảm bạn bè được khơi gợi và bộc lộ chân thực nên suốt hành trình, những người bạn sau nhiều năm gặp lại thấy mình như tuổi đôi mươi, tâm hồn như bay bổng, la đà trên sông nước.
Buổi chiều bên dòng Ô Lâu, dưới bóng cây đa cổ thụ, có người bạn bày tỏ một mong ước mà ai cũng chia sẻ, rằng bạn sẽ về dựng một ngôi nhà bên sông, trồng rất nhiều cau, mà phải là giống cau quê, cây vừa cao hoa vừa thoảng hương thanh khiết. Cau quê còn là nơi chim sẻ về làm tổ, buổi chiều tối bầy chim sẻ trở về ríu rít, xôn xao cả một khoảng không nghe mới tuyệt làm sao…
Sông vẫn trôi khẽ khàng lặng lẽ để như một chứng nhân ôm vào mình những giấc mơ gởi gắm của bao người.
___________________________________________________________________
Bìa sách |
Hồ Sĩ Bình |
Bên triền sông Ô Lâu (NXB Hội Nhà văn 2012) là một tập tản văn với hơn 40 bài viết được tác giả chọn lựa từ hơn 250 bài báo của Hồ Sĩ Bình viết 15 năm qua.
_______________________________________
_________________________________________________________________________
NGƯỜI KHÔNG CÓ TUỔI GIÀ
Thời tôi học Nguyễn Hoàng, hai thầy giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời tôi trong việc chọn hướng đi sau này của mình. Người thứ nhất là thầy hướng dẫn năm học đệ tứ. Thường thì những bài thi học kỳ, thầy luôn giao cho tôi làm sơ mi. Cuối năm học, thầy khuyến khích tôi với lời phê mà suốt đời mình không bao giờ quên: Có năng khiếu về văn chương, mong em tiếp tục con đường này. Và không có gì phải phân vân, tôi chọn ban C - ban văn chương - rồi sau này vào đại học chọn thi vào khoa Việt Hán, Đại học sư phạm Huế.
Người thứ hai là thầy Lê Mậu Tâm dạy triết. Nói thật sau khi đậu bán phần tú tài, cầm mấy tập sách triết trên tay, mới đọc cảm thấy “mù trời đông” lo lắng, hồi hộp vì thấy lơ mơ quá đỗi, trong khi môn triết lại là môn chính. Nhưng thế rồi, bằng một phương pháp giảng dạy mẫu mực, sự chân tình và gần gũi, vừa động viên vừa khai mở, những khái niệm triết học đa đoan rối rắm được thầy từ từ hé lộ bằng những cách tiếp cận dễ dàng và cung cấp cho chúng tôi không chỉ là kiến thức mà kỹ năng xử lý những đề thi nhuần nhuyễn.
Bên cạnh là những người thầy tuy không giảng dạy trực tiếp nhưng qua tiếp xúc gần gũi, bằng thái độ sống, cung cách hành xử, lòng yêu thương cuộc sống, đạo đức và tình cảm đã gieo vào tâm hồn của học sinh những ấn tượng sâu sắc trở thành những khuôn mẫu sống cao cả. Một trong những người đó với tôi là thầy Lê Hữu Thăng.
Thầy Lê Hữu Thăng |
Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, trong những ngày hội trại hay quân sự học đường, thầy thường là người trại trưởng năng động, những thao tác kỹ năng sinh hoạt ngoài trời được thầy hướng dẫn một cách chi li, cụ thể kể cả tiên lượng những tình huống bất trắc có khả năng xảy ra. Còn nhớ, nếu như đang tham gia cắm trại nếu lỡ như bị máy bay dội bom hoặc pháo kích thì học sinh phải tìm cách ứng phó như thế nào. Nên nhớ Quảng Trị lúc ấy là vùng đất của chiến tranh nên việc dự phòng những tình huống xấu đều có thể xảy ra. Những bài học kinh nghiệm hoạt động ngoài trời ấy sau này tôi vẫn gặp lại vào giờ sinh hoạt học đường ở trường sư phạm, những khi ấy lòng thầm tự hào về người thầy của mình vì đã từng hướng dẫn ngay từ ngày còn ở trung học.
Có lẽ, tự bản chất con người, thời ấy đã hiển lộ thầy là con người thuộc về cộng đồng, xã hội. Vì thế không có gì đáng phải ngạc nhiên khi sau này, thầy suốt đời làm người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” một cách thầm lặng mà bền bỉ. Thời đó thầy cũng là hạt nhân trong phong trào Hồng Thập Tự của tỉnh nhà. Năm 1972, loạn lạc khói lửa ngút trời, nhiều người bỏ quê mà đi, thầy cùng một nhóm học sinh trở lại bám trụ trên đất Mỹ Chánh (Hải Lăng), hoạt động trong những phong trào của Hồng thập tự để cứu trợ nhân đạo.
Mấy năm sau 1975 vào Sài Gòn, trong sâu thẳm nỗi nhớ quê nhà và trường cũ của một người xa xứ, bất ngờ gặp lại thầy trong những cuộc gặp gỡ thường kỳ của học sinh Nguyễn Hoàng. Thầy lúc ấy đi kinh tế mới ở nông trường An Hạ nên cuộc sống còn phải lo toan vất vả, vẫn là dáng dong dỏng cao nhưng gầy guộc, khuôn mặt cũng hanh hao nắng gió của nông trường, thế nhưng giọng nói thì âm lượng vẫn sang sảng, tràn đầy nhiệt huyết nặng tình với ngôi trường bên sông Thạch Hãn. Gặp lại thầy, lòng thật xốn xang cảm xúc, hình như bao giông bão của dâu bể cuộc đời không hề làm vơi đi ngọn lửa nhiệt tình nơi thầy. Là học trò ai mà không nhớ đến trường xưa, huống chi với người xa xứ, thế nhưng khi gặp lại thầy tự nhiên như gặp ngọn lửa được truyền dẫn thổi bùng lên, thắp sáng nỗi niềm thương nhớ ấy. Tâm trạng này, có lẽ không phải chỉ mình tôi.
Mấy năm sau đó, trước khi định cư nước ngoài, thầy dặn dò anh Nguyễn Bảo và một nhóm học sinh hãy cố gắng gìn giữ những mối quan hệ Nguyễn Hoàng càng ngày càng thân thiết, bền chặt hơn. Những lời dặn dò tha thiết xuất phát từ một trái tim mà tình yêu Nguyễn Hoàng đã trở thành máu thịt không thể cắt rời, để rồi ngày nay Ban Liên lạc Nguyễn Hoàng tại Sài Gòn đã mấy thế hệ cứ tiếp truyền lưu chảy. Những ngày sống ở quê người, thầy cũng là người xông xáo để tìm mọi cách kết nối với đồng nghiệp, học sinh sum họp dưới mái nhà thân yêu mang tên Nguyễn Hoàng.
Nhiều năm không gặp lại nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi những cuộc đi về Việt Nam của thầy. Cách đây mấy năm, bỗng nhiên thầy điện về bộc bạch một tâm niệm: B. ơi! Thầy và cô có dành dụm được một số tiền, em xem kết hợp với ai để lập một danh sách học bổng cho học sinh nghèo Quảng Trị nghe… Nghĩ, mới đi có hơn chục năm, làm ăn vất vả nơi quê người mới dành dụm được một ít tiền là thầy nghĩ đến con em Nguyễn Hoàng. Hình như hai tiếng thiêng liêng ấy cứ đeo đẳng, ám ảnh thầy trong một góc khuất tâm hồn ngày càng sâu nặng hơn. Để rồi sau này có dịp về Việt Nam là cơ hội để thầy phát học bổng. Nghe cựu học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn là tức tốc đến thăm viếng giúp đỡ. Thầy làm biết bao nhiêu việc cho cái thời “lịch sử hậu Nguyễn Hoàng” một cách thầm lặng mà hiệu quả. Ngày hội trường được tổ chức tại Quảng Trị, thầy cũng khăn gói về cùng với một số cựu học sinh ngoài đó bàn bạc, tìm cách vận động để thực hiện cho được ngày họp mặt trường cũ. Nhiều người từng làm việc bên thầy, từng nói thầy quá nhiệt tình, quá hết lòng, mình không làm theo là không được.
Tôi từng làm nhiều năm ở báo Nhân Đạo, gặp gỡ biết bao đơn vị, bao con người làm từ thiện, thế nhưng với thầy, thú thật luôn làm lay động tâm hồn tôi bởi sự vô tư, thầm lặng đôi khi có phần kín đáo chẳng muốn ai biết. Ở thầy, lòng yêu thương nơi chôn nhau cắt rốn, mái trường cùng những hoàn cảnh khó khăn của học sinh luôn làm thầy ray rứt.
Thầy sinh ra trong một gia đình nề nếp và có truyền thống nhưng thanh bạch và đông con ở làng Bích La. Vì thế tuổi ấu thơ cũng nhọc nhằn cơm áo đến trường, Thầy hiểu được những nỗi đau của bao học sinh vì hoàn cảnh khó khăn phải gác lại nửa chừng giấc mơ đèn sách. Quảng Trị là một vùng đất khắc nghiệt, đất không nuôi nổi người, người không nuôi nổi đất nên cái sự học là con đường duy nhất để thoát nghèo. Và vì nghèo khổ nên học sinh vùng cát trắng gió Lào luôn cần cù chăm chỉ học tập. Thấy vốn từ nhỏ chịu ảnh hưởng của Nho học nên nói theo cách của Khổng Tử, với học sinh Quảng Trị là “khốn nhi tri”, từ khốn cùng mà biết mà vươn dậy. Suốt bao đời của sĩ tử, lịch sử luôn bước đi trên những chặng hàn vi. Cho nên suốt cả cuộc đời, thầy luôn vác nặng trên vai nỗi lo lắng cho nhiều số phận học sinh vì quá khó khăn không thể tiếp tục đến trường và vì thế có những tài năng ắt hẳn sẽ thui chột.
Nhiều người không phải ở Quảng Trị rất lấy làm ngạc nhiên, tại sao những cựu học sinh của một ngôi trường chỉ còn là tên gọi trong ký ức mà lại quây quần ràng buộc đùm bọc nhau trong nỗi niềm thương nhớ Nguyễn Hoàng thao thiết đến như thế. Có thể lý giải với nhiều lý do: vì mất mát không còn; vì lưu dân xa xứ; vì cô đơn nơi đất khách; vì tiếc thương quá khứ... Nhưng có một lý do quan trọng, quyết định nhất, chính là vì Nguyễn Hoàng có những người con luôn hết lòng, hết sức để làm sống dậy một cách mãnh liệt tình yêu Nguyễn Hoàng trong lòng mọi người. Một trong những người con điển hình ấy là thầy Lê Hữu Thăng.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, thời trẻ từng sống bên sông Thạch Hãn, có lần ngồi hàn huyên chuyện cũ từng bảo rằng: Nguyễn Hoàng của ông hay thật, có những thầy giáo mình phải thật sự ngưỡng mộ như anh Thăng, người sống tận tụy, nhiệt tâm với nghề, luôn làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ với học trò cũ mà không hề tính toán. Tôi lại nghĩ, không hẳn là nghĩa vụ và trách nhiệm vì nói cho cùng, đến lúc này những công việc thầy làm không phải vì nghĩa vụ mà xuất phát từ lòng yêu thương vô bờ bến với những số phận éo le cần những tấm lòng nhân ái. Và cũng nhờ tấm lòng yêu thương đó để thầy làm việc thiện suốt cả đời mình, hình như thầy không có tuổi già, tuổi của ngơi nghỉ. Lại nhớ Gabriel Garcia Marquez (*), trong thư gởi một người bạn, trước khi lìa đời, ông viết: Người ta sẽ bị xem là già nua khi trong lòng không còn yêu thương được nữa.
Bài học mà thầy đem đến cho chúng tôi, những học sinh của thầy là lòng yêu thương và niềm tin vào con người.
Hồ Sĩ Bình
______________________
(*) Nhà văn người Colombia, tác giả tiểu thuyết Trăm năm cô đơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét