CÂY KEM
Tôi mê ăn kem nhưng không được phép.
Đúng ra, mẹ tôi chỉ cho tiền một hai tuần một cây. Không thấm tháp gì, nhất là vào mùa hè. Vừa hết năm học, bọn trẻ thám hiểm đồng quê, suốt ngày luồn trong những bụi rậm. Chơi bi, bẫy chim, bắt cào cào cho chim ăn, chia phe đánh nhau. Thời tiết mát, mùi hương lan đầy không khí, trong túi áo sơ mi của tôi bông cúc dại đã khô từ lâu.
Khi tôi băng qua sân đình làng, thằng Hiển, ngồi đó từ bao giờ, đưa tay vẫy. Xung quanh nó, năm đứa khác. Hiển học trên tôi một lớp, nhưng lớn hơn nhiều tuổi, thường nghỉ học chăn trâu, cao lớn, ngăm đen, điểm đặc biệt: hàm răng dưới có hai hàm, do răng mọc không đều, khi cười mới lộ ra.
Vừa lúc đó trên đường làng, một đứa trẻ bán cà rem (kem cây) mang trên lưng cái thùng màu xanh lá cây, vừa đi vừa rao. Nó đi khuất rồi, chúng tôi vẫn cố nhìn theo, không đứa nào có tiền trong túi. Kem hồi đó một cây năm đồng, đồng tiền kẽm có hình cây trúc. Số tiền khá lớn.
Phép lạ xảy ra. Hiển ngúc ngắc đầu bảo: đứa nào chạy theo kêu nó lại. Một đứa đuổi theo. Thằng bé bán kem quay lại, nhanh nhẹn nhưng khép nép tiến gần chúng tôi. Hiển ra dấu, thằng bé mở cái nắp thùng. Sáu đứa chụm đầu nhìn vào. Làn khói trắng bốc lên thơm ngát. Trong đời, tôi chưa gặp mùi hương nào quyến rũ thế. Thùng đựng kem chia nhiều ngăn, những màu khác nhau. Xanh mùi bạc hà, nâu mùi sô-cô-la, vàng có rắc những hột đậu phụng lấm tấm, đỏ hồng mùi dâu.
“Một cây cà rem bự”. Một thằng hô lớn, ý nó gọi cho thằng Hiển.
“Thưa anh, loại gì?” Thằng bé bán kem ngước nhìn Hiển, hỏi.
“Tao có tiền, đãi mỗi đứa một cây, cho bọn nó tự chọn.” Hiển hất hàm.
Chúng tôi nhảy cẫng hò reo. Sáu đứa tất cả.
“Em cây xanh”.
“Tao cây vàng”.
“Có đậu phụng”.
“Có bạc hà”.
Nghe tiếng hô đã chảy nước bọt. Thấy tôi chưa kịp nói gì, thằng bé bán kem quay về phía tôi, ý hỏi. Tôi phân vân, mới đầu chọn cây màu xanh có mùi bạc hà, về sau đổi ý, thích cây vàng có rắc hột đậu phụng.
Cả bọn nín thở chờ đợi.
“Một cây sô-cô-la”. Như chuyện thường xảy ra ở đời, khi người ta phân vân lưỡng lự quá lâu, phút cuối bao giờ cũng quyết định một cách đầy kinh ngạc, mà về sau sẽ hối hận. Tôi chưa kịp hối hận nhưng trong bụng đã bắt đầu tiếc mùi bạc hà.
Mỗi đứa một cây đứng mút giữa trưa trời nắng, chỉ Hiển là ngồi, vì nó là đàn anh, im lặng. Chúng tôi đi đi lại lại thưởng thức lạc thú giữa cơn khát. Một con chim cu về gù trên bụi tre trước sân đình. Trời nóng quá, ăn nhanh thì tiếc, ăn chậm thì kem chảy ra thành nước. Tôi cắn từng miếng nhỏ, chất ngọt, mùi thơm thấm vào kẽ răng; dịu dàng, gượng nhẹ dùng một cái lá chuối sạch hứng những giọt kem chảy xuống. Do kinh nghiệm, tôi học được cách thưởng thức trong lá chuối dư vị của thú vui êm ả. Khi những đứa kia vừa chén sạch, tôi đang ăn được hơn một nửa cây kem của mình, Hiển lại hô: “Mỗi đứa được kêu thêm một cây nữa”.
Lần thứ hai, tôi chắc chắn chọn cây kem có mùi bạc hà.
Đến lần này thì hộp kem vừa hết sạch, chỉ còn một cây dư ra, phần của Hiển. Như vậy nó ăn ba cây. Thằng bé đóng nắp hộp kem trống trơn, rụt rè tiến lại gần, bảo: “Anh cho em xin tiền.”
Hiển từ từ đưa mắt nhìn thằng bé một lúc, rồi ngoảnh mặt đi thật lâu.
Mùi kem bạc hà bay phảng phất trong không gian.
Thằng bé nhắc nhiều lần. Hiển quay mặt lại, nhìn nó như mới gặp lần đầu, hỏi: “Tiền gì hả mày?”.
Tôi không bao giờ quên được ánh mắt của Hiển vào lúc ấy.
Tôi đang mút gần xong cây kem của mình liền nhả ra, cầm cái que, nước nhểu ròng ròng xuống đất.
Thằng bé sợ quá, van xin: “Anh trả tiền cho em”.
Hiển đứng lên, phủi quần, bảo: “Mày có giỏi thì đòi tiền đi”. Bọn tôi đều đứng im. Giọt kem cuối cùng trong miệng tôi đắng ngắt. Tôi lùi lại.
Thằng bé nhìn trước nhìn sau, biết không làm gì được liền xốc thùng đựng kem lên, dây vải xám to bản quàng ngang lưng nó, siết chặt giữa hai xương bả vai nhô ra, lủi thủi bỏ đi. Nó vừa đi vừa khóc. Thùng đựng kem rung lên theo nhịp bước.
Trong sáu đứa chúng tôi, hai đứa nhảy lên sung sướng hò reo, tôn vinh thằng Hiển làm lãnh tụ; một đứa nhổ toẹt một bãi nước miếng, không biết nó nghĩ gì; hai đứa khác len lén bỏ đi. Chỉ còn tôi đứng đó một mình giữa trưa nắng gắt.
Tôi đứng rất lâu, phân vân không biết phải làm gì. Con chim cu trên ngọn tre gáy một hồi nữa rồi đổi ý, vụt bay đi, biến mất sau chân trời.
_____________________________________________________________________
NHÀ
Một người hàng xóm mới dọn vào. Đó là một người đàn ông da trắng, cao, rắn chắc, khoảng ngoài bốn mươi nhưng tóc đã bạc, hàm râu không cạo lốm đốm. Trò chuyện làm quen qua mấy bụi sơn trà, anh hỏi: “Đằng ấy đã ở đây bao lâu?”. Khi biết tôi ở một chỗ gần mười năm, anh tròn mắt ngạc nhiên: “Lâu thế kia à?”. Trong cuộc sống nhiều thay đổi hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn, người ta ít khi nào cư ngụ lâu một nơi; mười năm đối với nhiều người là lâu lắm.
Mỗi khi về nước, tôi thường đi dọc đường Trương Minh Giảng, ghé đại học Vạn Hạnh, tức đại học Sư Phạm ngày nay, trước tôi có một người bạn gái học ở đó; hay đi trên con đường trước bệnh viện Biên Hoà, gần căn nhà quen thuộc của nàng, thấy mỗi năm hay vài năm các tên đường, tên hẻm, lại bị đổi một lần. Đổi tên xoành xoạch nhiều như thế thì trẻ em lớn lên làm sao có ký ức bền vững? Thanh niên làm sao có tuổi thơ thơ mộng? Chúng yêu nước ra sao?!
Có lẽ một phần vì vậy mặc dù nhu cầu gia đình mỗi ngày một lớn, khi nhiều người cùng lúc đến thăm không có phòng riêng để ngủ, phải nằm lăn trên sàn nhà, mà bạn bè của tôi thì đông, tôi vẫn ngoan cố không chịu đổi nhà. Bạn có bao giờ nghĩ đến việc lập một danh sách những ngôi nhà mà mình đã từng sống qua?
Bảy năm đầu tiên của đời mình, ngôi nhà của cha mẹ tôi là nhà tranh vách đất sau hòa bình lập lại, chia đôi đất nước vào giữa thế kỷ XX. Sau đó chúng tôi chuyển qua nhà mới khang trang hơn, cha tôi xây mất ba năm ở trên khu vườn rộng mới mua gần đó. Đổi nhà nhưng vườn vẫn giữ, tôi thường chạy qua chạy lại để hái trái cây, mùa hè suốt ngày ngồi vắt vẻo trên những cành ổi la đà trong khu vườn cũ thuở trời đất thanh bình đầu những năm sáu mươi. Vì vậy mà chẳng có nhiều thay đổi.
Rồi tôi đi xa, ở trọ nơi này nơi khác. Tôi đã từng đếm và nhớ được mười hai địa chỉ khác nhau ở Việt Nam và mười địa chỉ rải rác trong tám thành phố Canada mà tôi đã từng ở, trước khi mua một ngôi nhà nhỏ bên bờ Ngũ Đại Hồ, gần khu vực một ngàn hòn đảo. Rồi lại bán nhà, sau một cuộc tình tan vỡ, cay đắng nhưng không bất ngờ, rồi lại mua nhà, rồi lại bán nhà, sau một cuộc tình tan vỡ khác, bất ngờ nhưng không cay đắng, rồi lại mua nhà. Giữa hai lần mua và bán là hai lần thuê nhà hay thuê phòng tạm trong các chung cư.
Những căn phòng và ngôi nhà tôi thuê có thể gọi là nhà được chăng? Năm 1996, suốt nửa năm trời tôi đã từng sống trong căn lều của người đi săn, cũng gọi là cabin mùa hè, bên bờ hồ, gần chân núi. Ở đó tôi đã gặp một con gấu hiện ra ngay trước mặt, sau một khúc quanh, khi chạy bộ trong rừng. Buổi sáng thức dậy trời mù sương, một con hươu nhỏ kê đầu lên cửa sổ tò mò nhìn vào mặt tôi đang ngủ. Mặt nước ngoài xa xanh biếc lăn tăn gợn sóng. Những ngày vô cùng buồn, những ngày vô cùng vui, những ngày muốn tự tử, hay muốn thay đổi thế giới, những ngày tự do với những ý tưởng trong suốt như pha lê, như ánh phản chiếu của những cây thông dưới đáy hồ lặng lẽ, tưởng vẫn còn thơm mùi trái thông tươi. Chúng đứng im lìm như những ý tưởng minh triết đã hoá thành cây cối.
Sáu tháng sau khi người hàng xóm của tôi mới dọn vào, anh ta lại dọn đi cùng với vợ và đứa con gái ba tuổi tên Natasha, một cái tên rất Nga, mặc dù cha mẹ không phải là người Nga. Tôi định bụng sẽ hỏi vì sao họ đặt cái tên đó nhưng chưa có dịp. Một hôm tôi đang đứng trong vườn sau nhìn qua nhà hàng xóm, vắng vẻ chưa có người thuê mới, ngẩn ngơ nhớ người hàng xóm nói giọng Pháp gốc Quebec vui tính mới quen đã vội chia tay, nhớ con bé Natasha nhí nhảnh, tóc hung đỏ, có cái nốt ruồi rất đậm trên má, hay trò chuyện với tôi qua hàng rào, thì một người khách lạ đến đẩy cổng xin phép vào vườn ngồi một lát. Đó là một ông già bảy mươi hay tám mươi tuổi, cao, ốm yếu, chòm râu bạc lưa thưa. Tôi ngạc nhiên hỏi chuyện rồi miễn cưỡng mời ông vào.
Ở cuối vườn sau nhà tôi có một cây sồi nhiều tuổi, cao vút tỏa bóng mát rộng lớn. Buổi sáng tinh mơ, một loài chim biết hót, lông vàng, có lẽ là họa mi, thường về đậu trên ngọn cao, hót từng tiếng gióng đôi suốt nhiều giờ, mùa hè này đến mùa hè khác. Thấp hơn, ở giữa chừng, một con chim bách thanh chuyên nhái giọng các loài chim khác. Có hôm nó nhái được cả tiếng dế kêu. Gần gốc cây, dưới thấp, đôi khi một con chim gõ kiến thoăn thoắt mổ như người thợ tận tụy công việc. Ông lão kể rằng, lúc lên mười hai tuổi chính tay ông đã trồng cây sồi này. Nay vừa đúng sáu mươi năm. Nhà cũ đã bị phá đi làm lại, đổi chủ nhiều lần, nhà mới mọc lên trên nền cũ, cây cối và cảnh vật hoàn toàn thay đổi, nhưng riêng cây sồi vẫn còn đây. Tôi cảm động, rút lui, để ông ngồi một mình sau khi mang cho ông ly nước trà nóng và một cái ghế nhỏ.
Suốt buổi, từ cửa sổ phòng làm việc thỉnh thoảng tôi nhìn ra, người đàn ông vẫn ngồi trong bóng mờ cho đến khi hoàng hôn chập choạng. Tôi không kịp hỏi hiện nay ông ở đâu, gia đình con cái ra sao, chỉ qua câu chuyện trước đó biết rằng ông rời khỏi căn nhà mà tôi đang ở gần năm mươi năm về trước lúc tình nguyện nhập ngũ và ngay sau đó được gửi qua châu Âu tham gia trận đánh nổi tiếng ở Normandie. Và đây là lần đầu tiên ông trở lại khu vườn cũ của mình. Tôi đi xuống nhà bếp pha ấm trà mới, sắp ra dĩa một ít bánh ngọt, định bụng mời ông vào nhà nghỉ ngơi một lát. Khi tôi ra vườn, thì người khách lạ đã đi mất.
Tôi nhìn quanh, trên chiếc ghế ông ngồi chỉ còn lại chiếc tách đã uống cạn và một cuốn sách không có bìa, kiểu bỏ túi, giấy vàng cũ. Đó là một cuốn tiểu thuyết tôi không biết nhan đề, không rõ tác giả là ai, vì mất cả bìa trước lẫn bìa sau. Tôi cũng không biết ông tình cờ bỏ lại hay cố tình. Cuốn sách ấy ông mua trong một hiệu sách cũ như tôi vẫn thường làm, hay nhặt được dọc đường, chẳng có giá trị gì cả mà nhiều khi chúng ta tiện tay thì cầm lên rồi bỏ lại? Hay đó là một cuốn sách quan trọng đối với cuộc đời một con người mà ông quyết định để lại bên thân cây sồi già như lời từ biệt sau cùng đối với người bạn cũ? Một kỷ vật, một món nợ ân tình trầm trọng mà sau bao nhiêu năm đeo đẳng đến nay ông không còn cần phải mang theo nữa?
Trên trang thứ hai, ở dưới hàng chữ đề tên nhà xuất bản, có một dòng chữ bằng tay mực đã nhoè nhưng vẫn còn đọc được khá rõ ràng: “Cho Mary Howe thân yêu, mùa Giáng Sinh 1939”.
________________________________________________________________
Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò. Tôi hay đứng ngoài hiên tránh mưa nhìn vào, máy chữ chạy rì rào, cô nghiêng nửa mặt có chấm tàn nhang tím. Chỗ làm việc là góc thừa ra của tiệm thuốc Nguyệt Quế Đường, vừa vặn đặt cái bàn, cái ghế, phía trong là kệ sắt cao đầy giấy tờ. Tôi ngắm những tờ giấy carbon đen sẫm trong mùi cam thảo, quế, táo tàu bay qua.
Cô nói giọng Hà nội, khoảng bốn mươi tuổi, gầy mảnh mai, tóc búi lên, gương mặt khô khan nhưng hiền, ít nói vì bận việc, một cái lông nhím vàng hổ phách trong suốt kẹp xuyên qua búi tóc. Cô mặc áo dài màu xanh bông lý, màu mận chín, ngón tay dài, lưng bàn tay những đường gân nổi lên như tay đàn ông, không nhẫn. Khi đã quen, cô gọi tôi vào chơi nhờ việc vặt, phần thưởng là tờ giấy carbon dùng nhiều lần đã bạc màu nhưng tôi quý lắm, ôi những tờ giấy carbon tôi dùng để đồ những hình vẽ thật đẹp làm tụi bạn lác mắt. Máy đánh chữ hiếm, đơn từ nộp công sở đều dùng giấy in nên việc lúc nào cũng bận, có lẽ vì thế mà cô cần ba máy một lúc, cái thì hôn thú, cái đơn xin việc, cái “thế vì khai sinh”.
Công việc là đánh máy nhưng cô làm nhiều hơn, giúp sửa lỗi chính tả, sửa câu văn, cố vấn nhiều thứ linh tinh từ việc làm ăn đến hôn nhân tình cảm, có người đến tay không chỉ nói ý mình, cô liền thảo tờ đơn tự cô nghĩ ra. Một người khách giọng khàn vì thuốc lá, đứng sau lưng cô đọc ngắt quãng, ho vì lên cơn suyễn: Đơn xin hoãn dịch vì lý do gia cảnh… Họ tên con tôi: Nguyễn Văn… Năm sinh… Chánh quán… Trú quán… Tôi làm đơn này xin chính phủ xem xét hoãn dịch cho con tôi vì trong nhà chỉ có mình nó là con trai, không ai nối dõi tông đường, mẹ nó hay đau, con gái có ba đứa nhưng không tính. Cô quay lại: Sao bác nói ba đứa con gái không tính? Người đàn ông cười: Thì... cô sửa lại giùm.
Cô có mấy chồng báo cũ để người chờ lật coi cho đỡ nóng ruột. Tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ sau kẹt cửa, đọc các tạp chí như Tự Do của chính phủ có ảnh đẹp, Hương Quê của bộ Thông tin đều đặn có truyện ngắn đồng quê của Bình Nguyên Lộc hoặc Sơn Nam, các nhật trình như Độc Lập, Hòa Bình, Sóng Thần, Công Luận, ngắm mấy tờ carbon, lắng nghe cuộc chuyện trò khi lớn lúc khẽ giữa cô và khách hàng. Thỉnh thoảng cô đứng dậy bật bếp lửa dầu hỏa ở góc nhà, chùm lửa xanh ngọn nhỏ liu riu, đun nước sôi pha trà Thiết Quan Âm trong ấm sành, cho tôi uống, di chuyển mau lẹ giữa những chồng giấy cao ngất.
Cô có mấy chồng báo cũ để người chờ lật coi cho đỡ nóng ruột. Tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ sau kẹt cửa, đọc các tạp chí như Tự Do của chính phủ có ảnh đẹp, Hương Quê của bộ Thông tin đều đặn có truyện ngắn đồng quê của Bình Nguyên Lộc hoặc Sơn Nam, các nhật trình như Độc Lập, Hòa Bình, Sóng Thần, Công Luận, ngắm mấy tờ carbon, lắng nghe cuộc chuyện trò khi lớn lúc khẽ giữa cô và khách hàng. Thỉnh thoảng cô đứng dậy bật bếp lửa dầu hỏa ở góc nhà, chùm lửa xanh ngọn nhỏ liu riu, đun nước sôi pha trà Thiết Quan Âm trong ấm sành, cho tôi uống, di chuyển mau lẹ giữa những chồng giấy cao ngất.
Hiệu của cô không tên, không có chỗ ngồi rộng rãi, ở trên đường vắng chạy ra bờ sông, không quảng cáo nhưng người có việc cần đều biết cách tìm đến. Ngoài hiên một cây dâu tằm cổ thụ cao rợp mát, những trái dâu đỏ mọng ngọt lịm, lá xanh mềm mại ngày nay không thấy nữa. Ngày mưa dầm nắng gắt đi học về muộn trễ chuyến đò cả giờ, tôi quay lại ghé vào, cô im lặng làm việc nhưng thỉnh thoảng quay nhìn tôi, mắt như cười, ấm áp. Đôi khi một ông khách đứng tuổi lịch sự, da tái xanh, má hóp, tóc chải dầu brillantine bóng, sơ mi trắng, cầm dù đen bất kể trời mưa hay tạnh, đứng ngoài cửa sổ trò chuyện, đưa giấy tờ hay trả tiền gì đó, nhưng có khi chỉ nói vài câu rồi đi. Những lúc ấy cô đứng lên, tựa người lên thành cửa, khoanh tay trước ngực trò chuyện. Sau khi ông khách đi rồi, cô kín đáo mỉm cười, ngửa đầu ra sau, nhắm mắt lại, mở mắt, quay về với công việc. Như thế, năm này qua năm khác, hết niên học này đến niên học khác của tôi, như thể cuộc đời này sẽ trôi đi êm đềm như vậy mãi với cô, không bao giờ thay đổi, không bao giờ ngừng lại, mà thay đổi cho ai, cách mạng làm gì, chiến tranh chết chóc làm chi?
Đôi khi tôi chợt nghĩ hay cô là cô Mai, nhân vật của Khái Hưng trong Nửa Chừng Xuân, con ông Tú ngoài Ninh Bắc? Có em trai học trường bảo hộ, tức trường Bưởi, nhà nghèo vì cha mất sớm, đem lòng yêu Lộc, nhưng rồi chuyện hai người không thành. Cô Mai đẹp, dịu dàng, cương nghị, trái tim đầy tình yêu thanh sạch. Có lúc tôi ước làm cậu Huy em trai của cô, đứa em học trò nghèo thương chị đến ứa nước mắt. Tôi ngồi nhìn những chiếc máy chữ nghiêm trang nằm ngoan ngoãn dưới hai bàn tay lượn nhấp nhô như sóng, cô dùng tám hay mười ngón để gõ phím, cổ tay thoăn thoắt đưa đi đưa lại, những cái cần bằng kim loại xám óng ánh nhảy nhót như vũ nữ phim Ấn Độ.
Nhưng chiến sự đổi chiều không báo trước. Trong hai ngày hai đêm, những đơn vị sư đoàn bộ binh trú đóng căn cứ Ái Tử và Đông Hà hỗn loạn rút quân qua sông, bỏ lại chiến xa vũ khí, và điều đó sẽ lập lại đúng ba năm sau ở những nơi khác, người dân, viên chức kinh hoàng di tản, họ bị pháo kích ác liệt chặn lại trên quốc lộ, chạy lui chạy tới như kiến trên chảo rang dưới nắng tháng Tư. Không khí nóng đặc lại, hoa phượng mới ra héo rũ nhưng không tàn, cuống non khô đi không chịu rơi xuống đất.
Ngày cuối cùng trước khi ra đi tôi lang thang trên đường không người, mặt nhựa chảy mềm dưới trời xanh bao la, sự yên tĩnh của nó buông xuống mặt đất một không khí dị thường không ra chiến tranh chẳng phải hòa bình, bầu trời như nhật thực, tôi đi trên đường biên, giữa một vùng tối đen và một vùng sáng rực, nhưng cái đường biên kia di chuyển mau lẹ quá, nó chạy vùn vụt, tôi cố đuổi theo không kịp, vấp ngã trên những hầm hố công sự hay trên những thây người rải rác đó đây quanh quốc lộ một, gần ngã ba Long Hưng. Đi ngược về trung tâm, tôi đến trước những địa chỉ yêu dấu, trường Bồ Đề, Phước Môn, Thánh Tâm, Nguyễn Hoàng, hiệu sách Lương Giang, Phú Long, Tao Đàn, chào nhau lần cuối. Chắc chỉ có mình thôi, tôi nghĩ, là đứa lẩn thẩn đi chào bến đò chợ tỉnh nhiều bậc tam cấp đọng vảy cá trắng xóa, bốc mùi cá tanh, chào chùa Tỉnh hội rợp bóng ngô đồng, im bặt tiếng chuông, chào tiệm vải chất đầy tơ lụa mẹ tôi hay ghé qua, quán tiết canh vịt của ba tôi, tiệm cháo bánh canh của các chị tôi, đứng hồi lâu trước quán bi-da của bạn bè, những hòn bi xanh đỏ lăn lóc góc bàn, tôi cầm lên bỏ xuống.
Trong chiều nắng xế, thành phố sắp biến mất trông như huyền thoại. Tôi đứng tần ngần trước căn nhà khang trang ngoài hiên có cây lê ki ma mỗi mùa xuân đều nở hoa trắng của người bạn gái cùng lớp, nhìn cánh cổng sơn xanh đóng im ỉm, lần cổng ấy ngày sau mạng nhện sẽ giăng đầy, hai con bồ câu trắng đứng rù rì chụm đầu vào nhau trên khoảng sân gạch gần ảng nước mưa, mặt nước có một lá sen nửa lành nửa rách. Tôi tìm đến tiệm người đánh máy chữ, cửa ra vào đóng, ổ khóa còn nguyên nhưng cửa sổ đã bị ai mở bật tung ra, tôi nhìn quanh một lúc, leo vào bật công tắc, không điện, có lẽ cô đã ra đi cùng lúc với hàng chục ngàn người tị nạn chiến tranh khác nhưng cũng như họ, yên chí rằng sẽ trở lại trong vài ngày tới, khi tình hình chiến sự yên ổn. Mùi hơi quen thuộc phảng phất, vài tờ giấy carbon đen lả tả trên sàn nhà, tôi cầm lên kề sát mũi hít hà những tờ giấy carbon cũ thơm phảng phất mùi hạnh đào, mùi ô mai tẩm đường, mùi quế hơi gắt, trên bàn ba chiếc máy đánh chữ vẫn còn nguyên. Tôi tiến lại gần, nhìn xuống một tờ giấy đang nằm trong máy giữa chừng, chiếc màu xanh ngọc bên trái, liếc qua mấy chữ trên cùng: GIẤY TỪ CON.
Tôi ngạc nhiên, kéo ra đọc tiếp.
Họ tên cha mẹ…Con trai của chúng tôi là…Sinh ngày… Học sinh lớp Đệ tứ, trường…Chúng tôi làm đơn này đăng lên nhật trình để thông cáo: kể từ ngày…chúng tôi không nhận … là con trai trong gia tộc. Lý do: không nghe lời nghiêm phụ, bỏ bê việc học, trốn nhà theo gánh hát cải lương Kim Chung. Nay kính trình…Ngày…
Tôi đứng hồi lâu giữa căn phòng tối sẫm, mặt trời bên kia sông đang xuống sau rừng dương liễu Nhan biều, ngả sang màu lửa lựu, vài con chim sẻ kêu thảng thốt trên mái ngói, một cành cây khô rơi xuống mặt đường, nẩy bật lên, lăn đi nhiều vòng, trong tịch mịch của phố xá bỏ hoang, những ngày bầy chim vỡ tổ bắt đầu. Tôi nghĩ đến chàng thanh niên có lẽ chừng đôi mươi giờ này vẫn chưa đọc được cái tin sét đánh trên báo của thân phụ anh, một người thương con nhưng có lẽ quá nghiêm khắc, tôi nghĩ đến cha mẹ người thanh niên kia giờ phiêu dạt nơi đâu, ga Lăng Cô hay bến tàu Đà Nẵng, hay đã tử nạn trên đường. Tôi nghĩ đến gánh cải lương miền Nam ra trình diễn ở thành phố gần giới tuyến trong ngày xuân thanh bình, trong gánh hát ấy biết đâu có một cô đào trẻ đẹp với giọng ca mê hoặc, sáng hôm sau lên đường khăn gói vào Nam, không biết mình vô tình mang theo trái tim một chàng trai Đệ tứ trung học, mê tân nhạc, vọng cổ, ghi ta, đờn sáo hơn chuyện học hành thi cử lẩm cẩm, biết đâu sau này chàng nổi tiếng ở Sài thành hoa lệ, thành công rạng rỡ về quê trong sự chào đón của khán thính giả như Út Trà Ôn, hay biết đâu anh lầm đường lạc lối, bị hắt hủi giữa chừng, thất bại chốn phồn hoa, đói khổ, một chiều dừng lại bên đường nhìn hạt bụi trong tia nắng xiên khoai mà ngoái về quê cũ.
Nhưng quê cũ của anh đá nát vàng phai có đâu nữa mà ngoái lại? Hay biết đâu vài mươi năm sau, hai cha con nơi đất khách lại làm hòa với nhau, ôm nhau mừng tủi, bằng cách nào thì tôi không biết, nhưng thế nào cũng có cách, vì cha mẹ và con cái, hay anh chị em trong nhà, giận nhau vì lối sống, cãi nhau vì chính kiến, nhưng bỏ nhau hoài sao đặng. Phải không? Khi đó người cha biết đi tìm đâu người phụ nữ đã đánh máy cho ông, khẩn khoản đòi xin lại một tờ giấy cũ vàng ố, lẳng lặng cho vào ngọn lửa xanh lơ trong tiếng máy chữ rào rào chiều chạng vạng. Gần như vô thức, tôi gập nhỏ nhiều lần tờ giấy đánh máy, nhét vội vào túi quần sau, cài cúc, nhảy qua cửa sổ, vói tay khép cánh cửa mà đi.
____________________________________________________________________________
NHỮNG VÌ SAO
Nhân ngày lễ Cha - Chủ Nhật 16-6-2013
Nguyễn Đức Tùng |
Một giờ sáng, bác sĩ nội trú gọi điện thoại báo tin bệnh nhân D. yếu dần, chắc không qua khỏi rồi hỏi tôi có đến không. Tôi có thể đợi đến sáng mới vào nhưng lần này tôi vội đi ngay. Dãy lầu dành riêng cho bệnh nhân già yếu im vắng, tôi vẫn đến thăm ông vài ngày một lần. Tôi nhớ lại tiểu sử: 87 tuổi, gốc châu Âu, góa vợ, thiếu máu động mạch tim, sick sinus, rung nhĩ, máy tạo nhịp, ung thư tiêu hóa. Hồ sơ bệnh nhân có chữ no code, đó là một người bệnh không muốn cấp cứu giai đoạn cuối, muốn ra đi yên bình.
Khi tôi đến thăm, bao giờ đầu giường cũng thấy hai bức ảnh của hai chàng trung niên, một người mang kính, nghiêm nghị, một người trán hói tươi cười, cả hai đều đẹp trai. Đó là hai người con của ông đang ở Hoa Kỳ. Mặc dù kín đáo, khi được hỏi, mặt ông tươi lên và kể chi tiết về các con. Cả hai đều là những nhà thiên văn học, say mê các vì sao từ khi còn học trung học ở Canada, nay đều đã có vợ con và rất nổi tiếng. Ông kể, cả hai có công phát hiện những tinh tú mới và tên của họ được đặt tên cho hai vì sao. Thỉnh thoảng vài năm các con và cháu cũng bay về thăm ông và thỉnh thoảng gọi điện thoại. Ba năm gần đây họ không về nữa, điện thoại thưa dần, vì công việc bận rộn. Như thế cũng vô tình nhưng không tệ lắm so với nhiều gia đình khác, tôi thầm nghĩ.
Khi tôi đến, ông nằm im trên giường, màn hình (monitor) nhấp nháy các chỉ số mạch hô hấp huyết áp dưỡng khí. Tôi ngồi xuống. Ông nhắm mắt, thở nặng nhọc. Tôi bắt mạch, giữ tay ông trong tay mình một lúc rồi đứng lên. Khi tôi bước đi, có tiếng gọi khẽ, tôi quay lại, thấy ông mở mắt, bắt gặp tia nhìn sáng lên, tinh anh khác thường. Mấp máy môi. Tôi tiến lại gần, cúi xuống. Bỗng nghe ông nói tiếng nhỏ nhưng rõ ràng: “Con trai của ba?”.
Tôi giật mình. Ông hỏi lại lần nữa, nhỏ như nói thầm, nhưng từng tiếng: “Con trai của ba?”. Họng tôi nghẹn lại. Tôi ngồi hẳn xuống giường, cầm tay, cúi mặt xuống, trả lời: “Dạ, con trai của ba đã về”. Ông lắng nghe, không phản ứng gì. Tôi nhắc lại. Rồi lần thứ ba. Lần này ông nghe được, khẽ gật đầu ra dấu, mặt thoáng nụ cười mỏng, rồi nhắm mắt lại. Ngọn đèn tàn bấc đã cháy bừng lên một lúc.
Tôi gọi nhiều lần nữa, có lúc ông mở mắt, nhưng tia nhìn đã hết tinh anh, rồi mờ dần. Bốn giờ sau, ông mất. Khi tôi được gọi trở lại để làm các thủ tục như tìm phản xạ đồng tử và làm pronouncement, đã năm giờ sáng. Tôi điện thoại cho gia đình, không liên lạc được. Tôi chậm chạp vuốt mắt cho ông lần cuối, như thói quen của tôi những khi có thể.
Sau khi đã chết rồi, người ta vẫn còn tổn thương. Những việc làm như báo tin, vuốt mắt, khai tử, cầu nguyện, tang lễ, không phải chỉ là các thủ tục. Đối với tôi, đó là các nghi lễ. Nghi lễ mở đường cho sự chữa lành vết thương, làm chúng hồi phục.
Đi theo sau chiếc giường phủ drap trắng của ông một đoạn, rồi rẽ lối khác tới khu vực đậu xe, tôi bước thong thả dọc hành lang treo những ngọn đèn vàng đục nhỏ, trong không khí xanh, loãng, tối, lạnh, mơ hồ, trên bầu trời sắp sáng lác đác vài ngôi sao tít tắp, nghĩ đến bài thơ mới đọc. Có một niềm day dứt và nỗi nhớ thương vô hạn trong bài thơ ấy.
Tôi dừng bên cửa sổ, nhìn lên cao kỹ hơn, không, trên trời đêm nay không phải có vài vì sao, mà chỉ có hai vì sao thôi, nhấp nháy, gần nhau. Tôi nghĩ đến những người ở xa giờ này chưa biết tin, nhưng chắc họ đang có linh cảm nào đó và nếu đang ngủ thì giấc ngủ bồn chồn. Tôi nghĩ đến ngày cha tôi mất, khi tôi vừa rời xa đất nước, không ở bên cạnh. Ông ở trong vòng tay của mẹ tôi, các chị tôi, em gái tôi. Nhưng đứa con trai thì ở xa. Ngày ấy, nhiều người như tôi ra đi không kịp nghĩ đến dịp trở về. Trên thế gian này, bao nhiêu người may mắn được ngồi bên cạnh giường của cha hay mẹ mình phút cuối. Và bao nhiêu người khác nữa vào giây phút ấy lặn lội nơi xa, đang cầu nguyện hay cãi vã, đang săn đuổi hay bị săn đuổi, đang sai và nghĩ mình đúng, đang đúng và nghĩ mình sai, đang hạnh phúc hay buồn rầu. Tất cả những người ấy nên đọc bài thơ của Robert Hayden.
Những Chủ Nhật Mùa Đông
Cha tôi dậy sớm ngay cả ngày Chủ nhật
Thay áo quần trong tối lạnh xanh mờ
Bàn tay cha nứt nẻ vì công việc
Nhóm lửa lò cháy rực.
Nhưng chẳng ai từng biết cám ơn.
Tôi thức giấc, than hồng
Lách tách, bếp ấm dần, cha mới gọi tôi
Dậy mặc áo quần, nhưng tôi ngần ngại
Căn nhà xiêu cột kèo kêu giận dữ
Tôi cũng chuyện trò ấm ớ với cha tôi
Ông dậy sớm không phải vì tôi sao?
Và đánh bóng những đôi giày, cũng thế
Nhưng tôi có để ý gì đâu? Nào biết gì đâu?
Mưa nắng dãi dầu, tình yêu khổ hạnh.
Those Winter Sundays
Sundays too my father got up early
and put his clothes on in the blueblack cold,
then with cracked hands that ached
from labor in the weekday weather made
banked fires blaze. No one ever thanked him.
I'd wake and hear the cold splintering, breaking.
When the rooms were warm, he'd call,
and slowly I would rise and dress,
fearing the chronic angers of that house,
Speaking indifferently to him,
who had driven out the cold
and polished my good shoes as well.
What did I know, what did I know
of love's austere and lonely offices?
Đang mê mải đi trên đường, đôi khi bạn nghe tiếng gọi từ phía sau. Bạn quay lại - không có ai cả. Tiếc thương không phải là cảm xúc u buồn trầm uất, trái lại nó có thể làm tình yêu trở nên sâu thẳm vững bền. Tiếc thương là một hành động, là tấm gương chiếu rọi bất ngờ, thách thức, vỗ về, nối kết, làm đầy một tình yêu chưa trọn vẹn.
(trích Nhật Ký)
_______________________________________________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét