NHÂN NGÀY CỦA CHA - THÁNG 6-2016
Thời tui còn nhỏ đâu có ai kỷ niệm Ngày Của Cha? Nhưng chẳng sao vì không có ngày lễ đó, Cha vẫn là Cha. Hồi dó, nhà đông con, một gái, tám trai nên chúng tôi ít thể hiện tình cảm của mình bằng lời nói, nhưng vẫn cảm nhận trong tận cùng trái tim rằng "Cha là tất cả"; có Cha là có sự sống và hạnh phúc. Quả đúng như vậy.
Trong hồi ức về gia đình, tôi đã viết những cảm nhận về Cha. Xin trích một phần để chia sẻ cùng mọi người nhân "Ngày Của Cha" năm nay: Chủ nhật thứ ba trong tháng 6-2016.
..."Ba tôi thích nhiều thứ lắm: ăn đồ tươi và ngon, xí quách, đi du lịch, hút thuốc, đánh bài, và hát ả đào… có thể nói không có trò vui gì trên đời mà Ba chưa từng thưởng thức qua. Nhưng người sống rất có bản lĩnh, biết dừng sự ham muốn đúng lúc nên đã tránh cho bản thân những phiền lụy hoặc để sự việc ngoài tầm kiểm soát. Chẳng hạn mỗi khi uống rượu, cà phê hoặc hút thuốc nhiều, Ba đã tự giác cai giảm trước khi trở thành nghiện. Ba tôi khuyên ở đời đừng bao giờ để mình trở nên nô lệ một thứ gì vì khi đó ta không làm chủ bản thân được.
Ba có cái tật dễ thương mà sau này tôi thỉnh thoảng cũng bắt chước là thích tự mình đi chợ mua ít thức ăn cho cả gia đình: khi thì con cá kình, cá nghéo, cá hố tươi, khi thì con gà hoặc vịt đem về nấu cháo, xé phay, luộc, hoặc đánh tiết canh. Tôi nhớ Ba luôn hạ giá mua xuống hai, ba chục phần trăm mỗi khi Mạ hoặc Dì tôi hỏi. Tôi thắc mắc riêng với Ba về việc này thì được trả lời là “Ba nói cho mấy Mạ con vui, đàn bà thường chê chồng mua hàng không biết trả giá”.
Ba tôi là thế đó, sống chan hòa bình dị với mọi người. Người yêu thương con cái nhưng ít khi thể hiện bằng lời,đôi khi còn nghiêm khắc vì người cho rằng : Ái chi năng vật lao hồ, Trung yêu năng vật hối hồ - sách Luận Ngữ nghĩa là yêu con không khiến con chịu khó sao? Trung với vua, há không can ngăn vua sao?.
Những đứa con ngoan, thành đạt làm người vui và hãnh diện, nhưng sự quan tâm lo lắng người thường dành cho đứa thiệt thòi hơn. Mỗi lần đi xa nhiều ngày người có thói quen ghi chép nhật ký như đi đâu, gặp ai, phong tục tập quán vùng miền, giá cả nhu yếu phẩm nơi đó… để thêm kiến thức và thỏa tính thích tìm hiểu. Người sống chân tình và chủ động kết bạn với người chung quanh. Tôi nhớ lần người vào Sài Gòn mua nhà cho tôi để chuẩn bị cưới vợ, chỉ lui tới con hẻm hai, ba lần là người đã làm quen với chục gia đình. (Chú Ba, em tôi, giống cha khoản này y hệt: Lúc chú vào Sài Gòn giám sát công trình xây nhà của mẹ vợ tôi, chú chủ động làm quen cả xóm đến nỗi khi nghe chú mất nhiều người thương mến chú tìm vợ chồng tôi để chia buồn). Những năm cuối đời, tai bị lãng nặng nên người thích sử dụng bút đàm với bạn bè, con cháu đến thăm. Ngôn ngữ trong cuốn bút đàm của người luôn chứa đựng tình cảm và sự quan tâm đến mọi người. Giờ đây đọc lại những trang bút tích của cha già, tôi như sống lại thời thơ ấu ngọt ngào của mình có cha mẹ anh em bên cạnh.
Những kỷ niệm xưa tràn về như cơn mưa tưới mát vùng ký ức tuổi thơ về những người thân yêu và ngôi nhà cổ tích. Ba tôi là thế đấy, giản dị mà thâm sâu, giáo huấn con cái không dùng nhiều lời mà thể hiện qua lối đối nhân xử thế, và tình thương dành cho con cháu thì mênh mông như trời cao bể rộng. Có được người cha như thế ai mà không thương không quý, không hãnh diện và nhớ mãi một đời. Ngày người qua đời, dù thọ gần trăm tuổi, nhưng tất cả anh em chúng tôi, kể cả các nàng dâu và cháu chắt, ai cũng nước mắt tuôn rơi, lòng ngập tràn thương tiếc..."
Dấu Ấn -Nguyễn Văn Trị
_________________________________________________________________
CẢM XÚC TRONG ĐÊM GIÁNG SINH
Thêm một mùa Giáng sinh đến, thêm một lần chúng ta nghĩ đến nhau với những lời chúc thật thân tình và chan hòa tình cảm- Thế giới này sẽ bớt buồn đau và thù hận nếu mọi người sống với nhau chân tình như tình cảm thầy trò và bằng hữu Nguyễn Hoàng- Mỗi tháng dù bận bịu với nhiều lo toan trong cuộc sống, dù sức khỏe có vấn đề, dù nhiều lý do không tên đi chăng nữa vẫn không cản trở mọi người đến với nhau trong tình bạn. Càng lớn tuổi chúng ta ngộ ra điều sống trên đời mà thiếu bạn thì cũng giống như con chim cô đơn không thèm hót, vì tiếng hót của mình thiếu tiếng phụ họa của chim bạn.
Đêm nay thời tiết rất thú vị: Hà Nội 13 độ C, Đà lạt 12, Đà Nẵng - Huế _ Quảng Trị 17-18 độ, Saigon: 22 độ, Và ở các nước Châu Âu ,Mỹ, Canada còn có tuyết rơi.
Chỉ còn 30 phút nữa là giờ lịch sử lại đến- Trong hang Belem kia có một đứa trẻ chào đời và lịch sử đã đặt để vào đứa bé đó nhiều sứ mệnh: Vinh quang nhưng vô cùng khỗ nạn- Hạnh phúc pha lẫn với máu thịt rơi... và chiếc thập tự giá như đặt để chúa Jesu làm người nhận gánh khổ đau cho muôn người được cứu rỗi.
NH chúng ta mãi sống với nhau trải lòng như những người anh em- Chúng ta đón mùa Noel với tinh thần tràn niềm yêu thương và chia sẻ- Chúng ta hãy tự hào về những điều tốt lành mà mình đã làm cho gia đình, cho những người xung quanh, và cho thầy cô bạn hữu để sau này có ra khỏi thế giới này sẽ không còn gì để nuối tiếc.
Xin cho tôi gởi lời chúc lành đến những thầy cô, anh chị em NH, người thân ... đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật, gởi lời chia sẻ đến những ai đang đau buồn vì mất người thân yêu, hoặc gặp điều bất hạnh, gởi lời chúc mừng đến những người đang có niềm vui, và mong rằng niềm vui của mọi người sẽ được nhân lên bội phần và nỗi buồn hãy bị chia nhỏ càng nhiều càng tốt.
Xin thay lời chúc Giáng sinh an lành, sum họp bằng vài dòng cảm nghĩ, nhân mùa Giáng sinh 2013 gởi đến những người tôi vô cùng trân quý, nhờ ơn trên tôi đã được phước duyên găp gỡ, đi chung một chặng đường trên con đường đời chông gai nhưng nhiều thú vị và ý nghĩa này.
(Saigon, khuya 24/12/2013)
Mới đây mà đã 1 năm, sinh nhật anh Xiển, Nguyễn Hoàng mừng vui gặp gỡ ... Năm nay anh lại ốm rồi Thôi thì đành hẹn , bạn ơi hãy chờ...
Hôm thứ Bảy 31/8, bà con NH ghé thăm anh , anh đòi tổ chức sinh nhật để mời bạn bè vào đúng ngày hôm nay. Ban LL đang lên danh sách , ngờ mô anh sức không được khỏe, ngồi lâu chừng 15 phút phải vào giường nghỉ nên đành hẹn dịp khác.
Nhưng NH vẫn nhớ anh, nhớ đến người đàn ông khỏe mạnh, nói năng ngay thẳng, hay cười khoan dung, và hễ có dịp là đóng góp giúp đỡ đồng môn, thầy cô. Ngoài ra, anh còn giáo dục con cái phải nghĩ đến NH- Q Trị, nên chi con trai anh là xếp đầu ngành CNTT của một tập đoàn toàn cầu hay tài trợ những thiết bị máy tính cho các trường ngoài quê...
Ngày 2/9, nhớ sinh nhật của anh, nhớ đến tấm gương vượt khổ để đưa cả gia đình đi lên, luôn nghĩ đến ngày mai tươi sáng để đi qua nỗi nhọc nhằn. Người lành lặn vật lộn với cái đói cái nghèo còn khó, anh là thương binh , sau 1975, không có một đồng trợ cấp, nhưng đã làm bá nghệ, một thân gà trống nuôi con nên người. Đúng là một con người của nghị lực và quyết tâm.
NH chúc anh mau khỏe, để còn mỗi tháng café với nhau. Có lần quên gọi cho anh, bị trách: "Ông Trưởng ban ơi, lần sau nhớ gọi chứ làm răng anh nhớ mà đi..."
Chia sẻ cùng mọi người nhân ngày sinh nhật 76 của anh Nguyễn Xiển.
NGHĨ TRONG NGÀY GIỖ ĐẦU NH CAO CỰ ĐỨC
Hôm nay là ngày giỗ đầu của anh Cao Cự Đức, cựu học sinh Nguyễn Hoàng. Thế mà đã tròn một năm từ ngày anh Đức ra đi - một chuyến lữ hành không vé quay về, nhưng cách anh ra đi vô cùng nhẹ nhàng và thanh thoát. Người ta nói kiếp trước khéo tu nên kiếp này mới được giải thoát nhẹ nhàng như vậy.
Năm nay giỗ Mẹ đúng vào ngày 30/4/2013, bốn mươi mốt năm sau ngày gia đình tôi rời xa Quảng Trị và không còn dịp trở lại ngôi nhà 90B Trần Hưng Đạo. Nhà không còn, mẹ tôi cũng ra đi, chỉ những đứa con nhớ về người Mẹ thân yêu của mình…
Xin cho tôi gởi lời chúc lành đến những thầy cô, anh chị em NH, người thân ... đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật, gởi lời chia sẻ đến những ai đang đau buồn vì mất người thân yêu, hoặc gặp điều bất hạnh, gởi lời chúc mừng đến những người đang có niềm vui, và mong rằng niềm vui của mọi người sẽ được nhân lên bội phần và nỗi buồn hãy bị chia nhỏ càng nhiều càng tốt.
Xin thay lời chúc Giáng sinh an lành, sum họp bằng vài dòng cảm nghĩ, nhân mùa Giáng sinh 2013 gởi đến những người tôi vô cùng trân quý, nhờ ơn trên tôi đã được phước duyên găp gỡ, đi chung một chặng đường trên con đường đời chông gai nhưng nhiều thú vị và ý nghĩa này.
(Saigon, khuya 24/12/2013)
_________________________________________________________
MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 76 ANH NGUYỄN XIỂN
Mới đây mà đã 1 năm, sinh nhật anh Xiển, Nguyễn Hoàng mừng vui gặp gỡ ... Năm nay anh lại ốm rồi Thôi thì đành hẹn , bạn ơi hãy chờ...
Hôm thứ Bảy 31/8, bà con NH ghé thăm anh , anh đòi tổ chức sinh nhật để mời bạn bè vào đúng ngày hôm nay. Ban LL đang lên danh sách , ngờ mô anh sức không được khỏe, ngồi lâu chừng 15 phút phải vào giường nghỉ nên đành hẹn dịp khác.
Nhưng NH vẫn nhớ anh, nhớ đến người đàn ông khỏe mạnh, nói năng ngay thẳng, hay cười khoan dung, và hễ có dịp là đóng góp giúp đỡ đồng môn, thầy cô. Ngoài ra, anh còn giáo dục con cái phải nghĩ đến NH- Q Trị, nên chi con trai anh là xếp đầu ngành CNTT của một tập đoàn toàn cầu hay tài trợ những thiết bị máy tính cho các trường ngoài quê...
Ngày 2/9, nhớ sinh nhật của anh, nhớ đến tấm gương vượt khổ để đưa cả gia đình đi lên, luôn nghĩ đến ngày mai tươi sáng để đi qua nỗi nhọc nhằn. Người lành lặn vật lộn với cái đói cái nghèo còn khó, anh là thương binh , sau 1975, không có một đồng trợ cấp, nhưng đã làm bá nghệ, một thân gà trống nuôi con nên người. Đúng là một con người của nghị lực và quyết tâm.
NH chúc anh mau khỏe, để còn mỗi tháng café với nhau. Có lần quên gọi cho anh, bị trách: "Ông Trưởng ban ơi, lần sau nhớ gọi chứ làm răng anh nhớ mà đi..."
Chia sẻ cùng mọi người nhân ngày sinh nhật 76 của anh Nguyễn Xiển.
__________________________________________________________________
BA TÔI
Sau khi ra trường, Ba tôi đã sống và làm việc tại ba tỉnh thành: Vinh thuộc tỉnh Nghệ An, rồi Đà Nẵng và sau cùng là Quảng Trị. Tháng 4 năm1954, chỉ ít tháng sau khi anh Hải chào đời, Ba tôi chuyển công tác từ Đà Nẵng ra Ty Công Chánh Quảng Trị để về với quê hương và nhất là gần gũi Mệ nội tôi khi tuổi già bóng xế.
Ty Công Chánh tỉnh Quảng Trị (155 Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị) |
Ngôi nhà 90b là ngôi nhà thứ ba của Ba Mạ tôi sau hai lần xây nhà (nhà ở thành phố Vinh và ở làng Đại Hào) nhưng đều không ở được lâu vì bị chiến tranh phá hủy. Tôi là đứa con thứ ba nhưng lại được may mắn sinh ra đầu tiên tại ngôi nhà này. Đồng hành cùng sự phát triển dân số nhanh và mạnh, ngôi nhà rường của chúng tôi to dần thêm với nhiều phòng ốc mới và công trình phụ để đáp ứng sinh hoạt ngày càng đa dạng của gia đình.
Năm 1955 tôi chào đời, cũng là năm anh Vinh thi đỗ vào đệ thất trường Trung học Nguyễn Hoàng. Dì tôi, một phụ nữ nhỏ bé nhưng mắn đẻ nên một loạt trẻ con ra đời: hết Hải, Trị đến Ba, Hà, Tế, Nguyên, Tuyến và cuối cùng là Thao. Năm 1967, Ba tôi tuyên bố chấm dứt sự nghiệp sinh sản vì không muốn cạnh tranh với con trưởng của mình; cùng năm đó cháu nội Tuyên Giang của ông cũng ra đời. Hai chú cháu Tuyên Giang và Thao cùng một tuổi!
Nguyễn Văn Trị |
Từ nhỏ các anh em tôi may mắn được sống trong cảnh nhà sung túc nhờ công việc của Ba thuận lợi. Ngoài việc làm cho chính phủ, Ba tôi còn đầu tư vào lãnh vực địa ốc, vận tải như xây nhà cho thuê, chung vốn mở trường, sắm xe tải chở hàng hóa, mua ruộng vườn ở quê để Mệ tôi quản lý… Mạ tôi là người phụ nữ ‘vượng phu ích tử’, thông minh và giỏi quán xuyến việc nhà, còn Dì là trợ lý đắc lực của Mạ. Của chồng công vợ, tài sản gia đình nhờ thế ngày mỗi tích lũy thêm lên.
Trong cuộc đời của mỗi người, hoặc mỗi gia đình có những khoảng thời gian thanh nhàn, hạnh phúc, nhưng đôi lúc gặp tai ương, phong ba bão tố không ngờ. Người may mắn thì trụ bám được để vượt qua cảnh khó; kẻ bất hạnh dù gắng sức đến đâu cũng đầu hàng số phận. Với tôi, từ thời thơ ấu đến năm 17 tuổi là chuỗi thời gian đẹp nhất mỗi khi nhớ về, vì đó là quãng đời trôi qua như giấc mộng, được sống trong vòng tay thương yêu, bảo bọc của cha mẹ, hạnh phúc trong mái ấm gia đình, vui chơi thỏa thích bên cạnh anh em và bạn bè thân thiết.
Năm 1972, chiến sự xảy ra tại quê nhà. Cùng với bao gia đình khác, chúng tôi bỏ nhà cửa, tài sản đi lánh nạn. Quảng Trị tan thành bình địa, Ba Mạ tôi tổng kết mất hết 10 căn nhà, ruộng vườn dưới quê và các nguồn thu nhập khác… Nói chung tiền đồ gia đình sau đó không còn sáng sủa. Trời thương, chúng tôi vẫn còn ngôi nhà nhỏ tọa lạc trên khu đất mặt tiền diện tích trên 800 m2 tại số 22 Lê Lợi, Đà Nẵng mà Ba tôi mua thời còn làm việc tại Ty Công Chánh Đà Nẵng nên gia đình vẫn còn chỗ để nương thân.
Thời ở Quảng Trị, là Chef Chantier (chỉ huy công trường) nên Ba tôi thường xuyên vắng nhà. Ba tôi phụ trách xây và bảo dưỡng cầu đường từ Quảng Trị ra Đông Hà, và từ Đông Hà lên biên giới Việt-Lào ở Savanakhet (quốc lộ 9) nên mỗi lần Ba đi công tác về, nghe tiếng xe jeep đỗ trước cổng là anh em chúng tôi mừng rỡ ùa cả ra đón Ba.
Sinh thời, Ba tôi có thói quen tự tay “cúp” tóc, cắt móng tay và chân cho các con. Cây dao bấm nhiều chức năng của Pháp, lưỡi bằng thép không gỉ, cán bằng sừng màu ngà, được Ba dùng cắt móng và chuốt bút chì cho các con nhiều năm đến nỗi mòn hơn một nữa.
Tôi nhớ mãi cảm giác an toàn, được che chở khi ngồi yên để Ba cắt móng. Những chiếc móng dài được bàn tay khéo léo của Ba cắt từ mép bên trong ra giữa ngón tay rồi dừng lại, kế đến Ba bắt đầu từ phía ngược lại cắt ra vừa đụng chỗ cắt đầu tiên là cái móng rời hẳn một cách nhẹ nhàng và gọn gàng. Các móng vừa được cắt trông đều đặn như múi cam thu nhỏ được tách khỏi ruột. Gần năm mươi năm rồi mà giờ đây tôi vẫn còn nhớ như in việc này, tôi dám đánh cuộc rằng chưa có thợ làm móng nào có thao tác điệu nghệ như Ba tôi. Dù đi công tác thường xuyên, nhưng không hiểu sao Ba tôi cắt móng cho chúng tôi rất đúng thời điểm để móng tay chân của anh em tôi luôn gọn gàng, sạch sẽ.
Việc chuốt bút chì cũng thế: những cây bút chì màu vàng hiệu Staedtler của Đức sau khi sử dụng cùn đầu, tôi thường để dành, nhờ Ba chuốt. Với con dao sắc bén, Ba chuốt những đường dài trên lớp gỗ thông thật chính xác, đều đặn từ ngoài vào trong đủ sâu để lộ ra lớp chì màu đen và chỉ cần chưa tới mười lần chuốt là cây viết chì đầu thon nhọn đã sẵn sàng sử dụng. Nhà có cây chuốt bút chì, nhưng tôi vẫn thích nhờ Ba và xem việc này như là một thú trò chơi tiêu khiển. Thói quen của Ba hình thành trong tôi và sau này chính tay tôi cũng thích cúp tóc, cắt móng và chuốt bút chì cho bé Su và cu Bin.
Hải và Trị rất thích được ba chở xe jeep đi chơi và về quê thăm Mệ |
Tôi thích nhất là được Ba cho lên xe chở đi chơi đây đó, hoặc về quê nội vào ngày nghỉ. Hồi đó ở Quảng Trị rất ít xe hơi nên được ngồi trên xe là một điều vô cùng thích thú. Chiếc xe Jeep màu xám phong trần luôn bám đầy bụi đỏ của đất bazan Cam Lộ, Hương Hóa, Khe Sanh... nơi Ba rong ruổi thường xuyên. Có hôm Ba về kể cho cả nhà nghe chuyện xe đụng phải con bò tót băng qua lộ, con bò rừng khỏe quá chẳng hề hấn gì trong lúc cái chắn xe bằng sắt dày bị móp cong. Thỉnh thoảng Ba chở về con mễn, nai, heo rừng, hay chồn, cheo… nhắn các anh Tạc, Tài, Tý (rể cậu Bát) bày củi lửa ra nướng, thui chế biến đủ món để phục vụ khách, bà con chầu thịt rừng thơm lừng hấp dẫn.
Ba tôi rất quý bạn bè, thương mến bà con xóm giềng, con cháu và ít khi từ chối nếu có ai đó cần sự giúp đỡ. Rất nhiều người làng, thân thuộc bên nội ngoại được Ba đưa vào làm cai, hoặc phu lục lộ. Tuy vậy tính tình Ba khá nóng nảy, khi giận thường rất lớn tiếng nên dễ làm ai đó buồn lòng nếu chưa hiểu rõ người. Bà con nói nói tôi là nguời thừa huởng nhiều nhất cái tính nóng của Ba. Và quả thật đúng vậy!
Nhớ về người, tôi xin thuật lại vài mẩu chuyện mình từng chứng kiến hoặc nghe kể lại:
1 - Chuyện học tập
Ba tôi học chữ Hán với ông Nội đến năm 15 tuổi mới chuyển sang học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Hồi đó chỉ có trường trên tỉnh, từ Đại Hào lên tỉnh mất 7 km, không có xe đò như sau này, nên mỗi ngày Ba tôi phải đi về trên chặng đường 14 km. Ngày nắng ráo không nói làm chi, khổ nhất là vào mùa đông mưa dầm dề, giá rét căm căm, đường xá lầy lội, bùn sình trơn trượt khó đi. Ông Nội phải cho một chú tá điền lực lưỡng theo để cõng Ba vượt qua những đoạn bùn ngập đến đầu gối. Vất vả vô cùng nhưng vì sự học, Ba vẫn kiên trì theo đuổi, không bỏ buổi học nào.
Nhận xét về quá trình học tập của Ba tôi từ các thầy giáo người Pháp |
Chỉ sau hai năm, Ba tôi đã học hết chương trình tiểu học 5 năm. Sau đó Ba thi đỗ vào trường Bá Công ở Huế (L’Ecole Practique d’Industrie de Hue). Đây là ngôi trường của chính phủ Bảo hộ đào tạo bậc trung cấp kỹ thuật với nhiều ngành nghề như lái xe lửa, xe cần cẩu, hủ lô, sửa chữa cơ khí, điện nước, xây dựng cầu đường, họa viên kiến trúc…
Các anh em cô cậu với Ba tôi bên làng Quảng Lượng như bác Thạnh (ba các anh chị Chuẩn, Lập, Dật, Thủy An, Cúc…), bác Bân (ba anh Tri, Quốc…), bác Chương (ba chị Tiến, các anh Vinh, Châu), bác Tương (ba các anh Cẩm, Hãn, Hiển) và dượng Hoạch (ba Hoàng, Hạt) cũng tốt nghiệp từ ngôi trường nổi tiếng này.
Chương trình nặng, Ba cố gắng học để không phụ lòng ông mệ. Ba kể, theo nội quy ở ký túc xá, đúng 9 giờ tối tất cả đèn trong phòng đều tắt để học trò đi ngủ. Sắp đến kỳ thi, chưa thanh toán hết bài nên buổi tối Ba hay lẻn khỏi phòng, chun vào lùm cây ở sân trường để học bài nhờ ánh sáng của ngọn đèn đường trong sân. Một hôm chó của giám thị đi tuần phát hiện kéo Ba ra sân. Lần đó cậu học trò chăm chỉ suýt bị kỷ luật thôi học.
2 - Chuyện về ông Lê Bá Đính, nhà thầu lớn ở Đà Nẵng
Năm 1956, Ba tôi chỉ huy công trường xây đập Ba Bến, người cho ông Đính làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi vợ con do biết hoàn cảnh ông mới ở tù ra, rất khó khăn. Không may, một hôm ông Trưởng ty Công chánh đi kiểm tra thấy người phu này ốm yếu, tay chân lớ ngớ không biết cách thức trộn bê tông nên đá một cái và ra lệnh đuổi ngay. Nhưng hôm sau Ba tôi vẫn nhắn người này đi làm và do việc này Ba đã bị khiển trách. Chuyện này chúng tôi biết được là chính ông Đính kể lại khi đến viếng lễ tang Ba tôi tại Đà nẵng năm 2002. Ông ghi trong sổ tang nội dung câu chuyện như để thể hiện lòng biết ơn một người đã giúp đỡ cho mình thời cơ hàn và kết luận: ‘…Một lần nữa xin hết sức thán phục cử chỉ cao đẹp của Bác với các tầng lớp lao động nghèo trong ngành xây dựng và giao thông do Bác điều hành trong suốt thời gian công tác”. (07/11/2002 Lê Bá Đính).
3 - Chuyện Phật giáo đấu tranh
Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị Hội đồng Quân nhân Cách Mạng lật đổ, Trung tướng Dương Văn Minh, Chủ tịch hội đồng lên chấp chánh. Lúc đó nội tình trong hàng ngũ lãnh đạo miền Nam mất đoàn kết nghiêm trọng, Trung tướng Nguyễn Khánh đứn đầu cuộc chỉnh lý nhưng thất bại và bị hạ bệ, dẫn đến việc 3 ông tướng Thiệu-Kỳ-Có lên nắm quyền. Từ thủ đô Sài Gòn đến các tỉnh thành sinh viên học sinh biếu tình đòi dân chủ, nhà sư tuyệt thực chống kỳ thị tôn giáo…
Ở tỉnh Quảng Trị, Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh tuyên bố ly khai, không tuân lệnh của chính phủ… rồi phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh từ Huế lan ra Quảng Trị. Giáo hội Phật giáo kêu gọi phật tử đưa bàn thờ ra đường chống lại lệnh đàn áp sư sãi. Nhà tôi theo đạo Phật, thuộc khuôn hội Đệ Ngũ, cũng chấp hành chỉ thị của Tỉnh Hội Phật giáo đưa bàn thờ Phật ra đường đấu tranh. Một tỉnh có gần 90% dân số theo đạo Phật thì phong trào đấu tranh mãnh liệt đến chừng nào. Khắp đường phố, cờ Phật giáo ngũ sắc phấp phới tung bay, bàn thờ Phật được đưa ra, có nhà còn câu điện trang trí bàn thờ đẹp mắt. Lũ trẻ như chúng tôi rất thích thú vì đuợc nghỉ học và chạy theo xe chở các anh sinh viên tranh đấu cầm loa kể tội chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiến Chương Phật giáo…
Một hôm, vào khoảng gần 12 giờ trưa, nghe tiếng động lớn ở bàn thờ, chúng tôi chạy ra xem thì thấy hình Phật Thích Ca dựng trên bàn bị ngã, bát nhang bằng sứ bể tan tành. Mọi nguời xúm vào vây bắt một nguời đàn ông mặc đồ dân sự với chiếc mobilette nằm chỏng chân do đụng vào bàn thờ nhà tôi. Thôi thì đủ cảnh hoạt náo xảy ra, mọi người khua thùng gõ mõ báo động. Người đàn ông này bị giữ lại chờ Lực lượng Thanh niên Quyết tử đến giải quyết. Lúc này Ba tôi đi làm về, hỏi chuyện. Ông này mặt xám ngắt không còn giọt máu cho biết là gấp chuyện nhà, chạy xe nhanh nên vô ý đụng phải bàn thờ nhà tôi.
Sau khi tìm hiểu sự tình, Ba tôi thấy việc này là do vô tình chứ không có chủ ý gì khác nên cho đi. Mừng qúa, ông ta nổ máy xe đi ngay không kịp nói một lời cám ơn. Khoảng mấy phút sau lực lượng Phật tử trang bị gậy gộc lên bắt thủ phạm thì đã trễ. Mọi nguời trách Ba tôi sao lại thả “tên phá hoại” này mà không chờ lực lượng tranh đấu “xử”. Ba tôi trả lời: “Tôi thấy hắn thành thật, do gấp công chuyện nên đụng phải bàn thờ chứ không phá hoại chi mô nên cho đi rồi.” Thế là một việc tưởng chừng như rất nghiêm trọng đã trở thành đơn giản qua sự can thiệp của Ba.
4 - Chuyện đọc sách
Ba tôi rất thích đọc sách dù công việc của Ba không cho phép có nhiều thời gian rỗi rảnh và yên tĩnh để đọc như những công chức làm việc ở văn phòng. Nhà tôi có một tủ sách với nhiều sách do Ba và anh Vinh mua. Tủ sách này là một kỷ niệm được nhiều người nhắc đến, đặc biệt là anh Nguyễn Trình. Tự điển thì có bộ bách khoa Larousse, Việt-Pháp, Hán-Việt; về tạp chí có tờ nguyệt san Liên Hoa (của ban Tu Thư Phật Giáo VN), Bách Khoa, Phổ Thông và Thời Nay... Sách tuổi thơ thì có tạp chí Tuổi Xanh, thiếu niên có Tuổi Hoa. Đa số tạp chí thời đó đều được đặt mua từ Sài Gòn qua đường bưu điện. Ngoài ra, còn có những tác phẩm giáo dục như Cổ Học Tinh Hoa của Nguyển Văn Ngọc, Quẳng Gánh Lo Đi Để Vui Sống, Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie do Nguyễn Hiến Lê dịch, các tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng như Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn…
Ba thường dạy cho chúng tôi một câu chữ Hán: “Trung thư hữu nữ nhan như ngọc” - nghĩa là trong sách có một cô gái nhan sắc như châu ngọc - và giảng thêm nếu kẻ nào chịu khó đọc sách, ăn học thành tài thì sau này thiếu chi cô gái xinh đẹp... đi theo!
Chúng tôi nhiễm thói quen đọc sách của Người nên mỗi lần đi tàu xe đều mang theo một cuốn sách, thậm chí vào nhà vệ sinh cũng mang sách!
5 - Chuyện sinh hoạt hàng ngày
Cùng các đồng sự ở Ty Công Chánh chạy thử chiếc xe ủi mới nhập về |
Ba tôi thích nhiều thứ lắm: ăn đồ tươi và ngon, xí quách, đi du lịch, hút thuốc, đánh bài và hát ả đào… có thể nói không có trò vui gì trên đời mà Ba chưa từng thưởng thức qua. Nhưng người sống rất có bản lĩnh, biết dừng sự ham muốn đúng lúc nên đã tránh cho bản thân những phiền lụy hoặc để sự việc ngoài tầm kiểm soát. Chẳng hạn mỗi khi uống rượu, café hoặc hút thuốc nhiều, Ba đã tự giác cai giảm trước khi trở thành nghiện. Ba tôi khuyên ở đời đừng bao giờ để mình trở nên nô lệ một thứ gì vì khi đó ta không làm chủ bản thân được.
Ba có cái tật dễ thương mà sau này tôi thỉnh thoảng cũng bắt chước là thích tự mình đi chợ mua ít thức ăn cho cả gia đình: khi thì con cá kình, cá nghéo, cá hố tươi, khi thì con gà hoặc vịt đem về nấu cháo, xé phay, luộc, hoặc đánh tiết canh. Tôi nhớ Ba luôn hạ giá mua xuống hai, ba chục phần trăm mỗi khi Mạ hoặc Dì tôi hỏi. Tôi thắc mắc riêng với Ba về việc này thì được trả lời là “Ba nói cho mấy Mạ con vui, đàn bà thường chê chồng mua hàng không biết trả giá”.
Ba tôi là thế đó, sống chan hòa bình dị với mọi người. Người yêu thương con cái nhưng ít khi thể hiện bằng lời. Những đứa con ngoan, thành đạt làm người vui và hãnh diện, nhưng sự quan tâm lo lắng người thường dành cho đứa thiệt thòi hơn. Mỗi lần đi xa nhiều ngày người có thói quen ghi chép nhật ký như đi đâu, gặp ai, phong tục tập quán vùng miền, giá cả nhu yếu phẩm nơi đó… để thêm kiến thức và thỏa tính thích tìm hiểu. Người sống chân tình và chủ động kết bạn với người chung quanh.
Tôi nhớ lần người vào Sài Gòn mua nhà cho tôi để chuẩn bị cưới vợ, chỉ lui tới con hẻm hai, ba lần là người đã làm quen với chục gia đình. (Chú Ba, em tôi, giống cha khoản này y hệt. Lúc chú vào Sài Gòn giám sát công trình xây nhà của mẹ vợ tôi, chú chủ động làm quen cả xóm đến nỗi khi nghe chú mất, nhiều người thương mến chú tìm vợ chồng tôi để chia buồn). Những năm cuối đời, tai bị lãng nặng nên Người thích sử dụng bút đàm với bạn bè, con cháu đến thăm. Ngôn ngữ trong cuốn bút đàm của người luôn chứa đựng tình cảm và sự quan tâm đến mọi người. Giờ đây đọc lại những trang bút tích của cha già, tôi như sống lại thời thơ ấu ngọt ngào của mình có cha mẹ anh em bên cạnh.
Những kỷ niệm xưa tràn về như cơn mưa tưới mát vùng ký ức tuổi thơ về những người thân yêu và ngôi nhà cổ tích. Ba tôi là thế, giản dị mà thâm sâu, giáo huấn con cái không dùng nhiều lời mà thể hiện qua lối đối nhân xử thế và tình thương dành cho con cháu thì mênh mông như trời cao bể rộng. Có được người cha như thế ai mà không thương không quý, không hãnh diện và nhớ mãi một đời. Ngày người qua đời, dù thọ gần trăm tuổi, nhưng tất cả anh em chúng tôi, kể cả các nàng dâu và cháu chắt, ai cũng nước mắt tuôn rơi, lòng ngập tràn thương tiếc.
__________________________________________________________
NGHĨ TRONG NGÀY GIỖ ĐẦU NH CAO CỰ ĐỨC
Hôm nay là ngày giỗ đầu của anh Cao Cự Đức, cựu học sinh Nguyễn Hoàng. Thế mà đã tròn một năm từ ngày anh Đức ra đi - một chuyến lữ hành không vé quay về, nhưng cách anh ra đi vô cùng nhẹ nhàng và thanh thoát. Người ta nói kiếp trước khéo tu nên kiếp này mới được giải thoát nhẹ nhàng như vậy.
Mới đây hôm 23/5 anh Hồ Sĩ Mừng cũng ra đi sau giấc ngủ, lặng lẽ và nhẹ nhàng như chiếc lá vàng rụng vào mùa thu.
Người qua đời không biết tâm trạng thế nào, nhưng người ở lại mới ngậm ngùi đau xót vì nỗi thiếu vắng người thân. Đã hết người đến thắp hương mà chị Mai, vợ anh Đức, vẫn còn quanh quẩn bên bàn thờ chồng. Vợ Trị nói, chị xuống nhà dưới luôn nhé; chị Mai trả lời: "Em xuống trước đi, chị ở với anh một lúc nữa!".
Ôi, tình phu thê sao mà quyến luyến đến thế, ai nói vợ chồng xa nhau là dễ quên đâu?
Dưới nhà, bà con anh chị em đã ngồi quanh mâm cỗ, thấy vắng cháu Khoa, con trai của anh Đức; hỏi thăm, thì ra cháu qua ngồi bên quán cafe cạnh nhà để nhớ đến cha. Trong bao nhiêu người có mặt, sự thiếu vắng người cha thân yêu khiến cháu không kềm được cảm xúc nên ra quán ngồi một mình. Hiểu tình cảm của người con trong ngày giỗ đầu của cha nên tôi đã bảo chị Mai cứ để yên cho cháu.
Người sống, kẻ chết - Chia ly là điều không tránh khỏi trên cuộc đời này, nhưng có cuộc chia ly nào mà không để lại nỗi buồn cho người ở lại.
Những lần gia đình tập họp đông đủ, anh Đức thường là trung tâm của sự chú ý vì giọng nói to, tiếng cười vui thăm hỏi mọi người và nhất là giọng hát đặc biệt của anh trầm lắng khi thể hiện các ca khúc cùa nhạc sỹ Hoàng Nguyên, là bào huynh của anh.
Mới đây mà đã một năm, sau anh Đức là một số anh chị em Nguyễn Hoàng lớp đàn anh của chúng tôi ra đi. Ở thế giới nên kia chắc cũng có hội cựu học sinh Nguyễn Hoàng và anh Đức chắc giờ đang hát cho mọi người nghe nhạc Hoàng Nguyên: “... Ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa...".
Thương nghĩ đến NH Cao Cự Đức.
Nguyễn Văn Trị
Sài Gòn, ngày 25/5/2013 (16 tháng Tư, Quý Tỵ)
_________________________________________________
MẸ CỦA TÔI
Thân mẫu của Nguyễn Văn Trị |
Ngày giỗ Mẹ, chúng tôi bày cúng một tô canh mít nấu với tôm nhỏ bỏ thêm chút ruốc và một lát cá thu chiên như ngày xưa Mẹ thích ăn.
Nhớ lại năm 2004, em trai tôi đột ngột qua đời trên chuyến tàu từ Saigon ra Đà Nẵng khi đưa học sinh dự thi Olympic trở về, chúng tôi lo sức khỏe mẹ quá yếu không thể đón nhận hung tin nên giấu bà. Một ngày trước động quan, chúng tôi đành báo tin cho Mẹ. Nhận tin xong, Mẹ không hề khóc mà nói: “Đưa Mẹ đi thắp hương cho hắn. Chết chi mà trẻ rứa, con hắn còn nhỏ quá phải làm sao đây?”.
Sau đám tang chúng tôi đưa mẹ vào Saigon để bà quên đi cảnh vật cũ luôn gợi nhớ đến em tôi.
Làm sao chúng tôi quên được sự căng thẳng và lo lắng khi đưa Mẹ lên máy bay: chỉ thiếu một lượng oxy là Mẹ ngất ngay. Chú Tế, em tôi, là bác sỹ hộ tống Mẹ suốt chặng hành trình với đầy đủ thuốc men và dụng cụ cấp cứu. May sao chuyến đi bình an.
Nhà tôi trang bị mọi thứ để đón Mẹ: Nào là máy thở oxy, bình xông dung môi, túi chườm đá, máy đo huyết áp… con cái thay nhau theo dõi nhịp tim, huyết áp, thay bình oxy, pha thuốc xông, các cháu lăng xăng giúp Bà việc vặt, đọc sách cho Bà nghe. Các dì, cậu, bà con thường xuyên viếng thăm…
Sự tận tụy hy sinh vì chồng con và gia đình của Mẹ tôi vang lừng trong gia tộc. Ai cũng thuơng quý bà. Mẹ tôi “sản xuất” cho họ Nguyễn 8 trai 1 gái. Tài thật, một nguời phụ nữ nhỏ bé, trọng lượng không quá 40 cân mà sinh đẻ như rươi.
Kỷ niệm ấu thơ với Mẹ thì nhiều làm sao nói hết. Chuyện vui buồn đều có, xin kể lại một vài ký ức mà tôi vẫn nhớ:
Mùa đông quê tôi thời tiết thật ẩm ướt do mưa dầm dề kéo dài ngày đêm. Đồng phục đi học của chúng tôi giặt xong, nếu hôm nào trời không có nắng thì phải hong bằng than. Có những buổi sáng tới giờ đi học mà áo quần chưa kịp khô là chúng tôi la hét bắt đền Mẹ.
Những buổi trưa đi học về, chưa kịp cất cặp là đòi ăn. Gặp bữa thức ăn không vừa ý lại làm tình làm tội Mẹ. Ngoài việc phục vụ cho đàn con, gia đình tôi còn cho nhiều cháu nội ngoại từ quê lên tỉnh tá túc đi học nên Mẹ càng vất vả hơn khi lo cái ăn cho gần hai chục nhân khẩu mỗi ngày. Chưa hết, nhà còn nuôi thêm heo, gà vịt, chó mèo nên Mẹ đầu tắt mặt tối quán xuyến hết bao việc lớn bé trong nhà. Đêm đến, khi chúng tôi vui chơi, học bài, xem Tivi là đến luợt Mẹ thu xếp chuyện nhà, lên thực đơn cho ngày mai, rồi lo xắt chuối, nấu nồi cám heo mới kết thúc một ngày. Không có đêm nào Mẹ lên giường trước nửa đêm, vậy mà đến 5 giờ sáng đã phải dậy để lo bữa ăn sáng cho cả nhà.
Mẹ tôi đi chợ hàng ngày. Tôi nhớ một hôm Mẹ đi chợ về gần nhà thì bị xe gắn máy va phải, tôi hốt hoảng chạy ra xách dùm Mẹ cái giỏ đi chợ từ ngoài đường vào nhà chưa đầy 100m mà mệt bở hơi tai dù lúc đó tôi đã là chàng trai 15 tuổi! Thế mà mẹ nặng chưa tới 40 kí lô ngày nào cũng đi chợ với một giỏ trĩu nặng thức ăn!
Công việc nhà vất vả, nặng nhọc, cơ thể yếu đuối, cùng với nhiều lần sinh đẻ đã khiến sức khỏe Mẹ ngày mỗi xấu đi. Mẹ tôi ho kéo dài, thuờng sốt vào buổi chiều. Bệnh phổi của mẹ tái đi tái lại thành mãn tính.
Mùa hè 1972, biến cố lịch sử xảy ra tại Quảng Trị đã đưa gia đình tôi vào Đà Nẵng lánh nạn. Chúng tôi chờ mong từng ngày tỉnh nhà yên ắng để về, ngờ đâu quê nhà từ đó chỉ còn trong ký ức.
Trong gia đình Mẹ cáng đáng trăm công ngàn việc: hết làm việc nhà, lo cho các con, chăm sóc phục vụ Mệ của tôi nằm liệt giường… Vậy mà Mẹ không than vãn lấy một câu, cứ lặng lẽ một mình chống chọi với bệnh tật và tiếp tục còng lưng nhọc sức làm việc.
Mẹ tôi đã sống vất vả cả đời để nuôi dạy các con nên người. Hy sinh một thời son trẻ, lúc về già cứ tưởng sẽ được trông cậy vào con, vậy mà một chút an nhàn bà cũng không hưởng được. Bệnh tật đã đè quá nặng trên đôi vai và thân thể gầy guộc của Mẹ. Nhìn Mẹ ngày đêm vật vả với những cơn ho thắt ngực, lộn cả ruột gan mà cháu con không khỏi quặn lòng. Từng cơn ho dài kèm theo tiếng khò khè từ khí quản: âm thanh rin rít, ken két bám theo hành hạ Mẹ của tôi cho tới ngày người trút hơi thở cuối cùng.
Ba tuần lễ sau, kể từ ngày Mẹ tôi vào Saigòn thì người qua đời. Mẹ tôi ra đi rất nhanh trên đường đến bệnh viện. Đến khi xuống xe bà đã ngưng tim. Bà ra đi như gửi trả trần thế bao tháng ngày đau đớn, bệnh tật, để bắt đầu một chuyến hành trình về thế giới bên kia có những người thân đang chờ đợi.
Mẹ ra đi, để lại bao nước mắt và tiếc thương vì cả đời Mẹ chưa hề sống cho bản thân, mà đã vắt hết sức mình cho đàn con của Mẹ, và nhiều người khác nữa. Mẹ tôi là người như thế đó!
_______________________________________________________________________
CUỘC DI TẢN THÁNG 5/1972
Năm 2007, anh Trần Văn Vinh, ân nhân của gia đình tôi từ Hoa kỳ về Saigon, Kể từ năm 1972 đây là lần đầu tiên tôi có dịp gặp anh để thay ba mẹ tôi nói lời cám ơn vể điều tốt lành anh đã đem lại cho gia đình tôi - giúp phương tiện cho gia đình tôi và một số bà con, hàng xóm của tôi vượt qua chặng đường “Đại lộ kinh hoàng” một cách an toàn. Điều mà khi nhắc lại anh không còn nhớ rõ, nhưng chúng tôi ghi nhớ suốt đời. Nay anh cũng đã xấp xỉ 70, sống an nhàn tại Cali. cùng gia đình gồm con trai và gái 14 người ai cũng trưởng thành và an bề gia thất.
Năm 2007, anh Trần Văn Vinh, ân nhân của gia đình tôi từ Hoa kỳ về Saigon, Kể từ năm 1972 đây là lần đầu tiên tôi có dịp gặp anh để thay ba mẹ tôi nói lời cám ơn vể điều tốt lành anh đã đem lại cho gia đình tôi - giúp phương tiện cho gia đình tôi và một số bà con, hàng xóm của tôi vượt qua chặng đường “Đại lộ kinh hoàng” một cách an toàn. Điều mà khi nhắc lại anh không còn nhớ rõ, nhưng chúng tôi ghi nhớ suốt đời. Nay anh cũng đã xấp xỉ 70, sống an nhàn tại Cali. cùng gia đình gồm con trai và gái 14 người ai cũng trưởng thành và an bề gia thất.
Từ trái qua: Trị, chị Định, Nguyễn Văn Vinh, Trần Văn Vinh. (Saigon - 2007) |
Nhân ngày Lễ Tạ Ơn 22 tháng 11- 2012 , tôi xin chia sẻ bài viết về một thời kinh hoàng mà dân Quảng Trị đã trải qua từ năm 1972 và nói với anh Vinh rằng chuyến xe của anh đã có ý nghĩa thế nào với bao số phận khi mà rất nhiều người dân Quảng trị đã phải gục ngã trên đoạn đường QL.1,đoạn từ Long Hưng đến chiếc cầu Dài nay đã đi vào lịch sử.
Đó là hình ảnh những ngày bi thảm nhất của người dân Quảng Trị khi phải chịu đựng cảnh nhà tan cửa nát, cha mẹ con cái đèo bồng nhau chạy loạn dưới cơn mưa đạn pháo vào mùa hè năm 1972. Người dân Quảng Trị vào Huế, Đà Nẵng hơn 3 tuần thì người đứng đầu tỉnh Quảng Trị lên đài phát thanh truyền hình Huế, Đà Nẵng thông báo tình hình chiến sự đã yên ổn và kêu gọi công chức, dân chúng, thầy cô cùng học sinh hãy trở về Quảng Trị để bình thường hóa sinh hoạt tại tỉnh nhà. Dù rất lo lắng cho sự an nguy của cả gia đình, nhưng là công chức gương mẫu quen chấp hành lệnh của thượng cấp, ba tôi đã đưa một số thành viên gia đình gồm dì tôi, anh Hải và tôi trở lại Quảng Trị.
Chúng tôi về lại nhà chưa kịp ổn định sinh hoạt và đi học lại thì tiếng súng đại bác mỗi đêm mỗi dồn dập hơn. Lúc đầu còn xa, càng về sau càng gần. Đài VOA và BBC đêm đêm báo tin Bắc quân đã di chuyển đến Hương Hóa, Gio Linh với nhiều xe tăng và vũ khí hạng nặng. Đêm đêm nhà tôi là quán trọ cho nhiều bà con đang công tác ở các cơ quan công quyền lên ngủ nhờ vì ở làng quê, ban đêm không còn an ninh nữa. Tôi nhớ những người thường xuyên xuất hiện buổi chiều tối và biến mất khi mặt trời lên là anh Lẫm (phó xã trưởng Triệu Đại), chú Cũng công chức Ty Viễn Thông, anh Nghiên bên quân đội, chú Do bên thú y, và o Yến tiểu thương ở chợ Thuận… Những tin tức lạc quan của báo chí và đài Sài Gòn không còn ru ngủ dân chúng nữa. Tình hình chiến sự nóng lên từng giờ, dì tôi thúc ba liên tục về chuyện di tản. Đồ đạc trong nhà đã được dì đóng gói, thu dọn chỉ chờ có xe là lên đường ngay. Ba hay lên xuống nhà ông thầy Thuần, ba của tướng Hoàng Xuân Lãm - bạn chơi tài bàn của Ba - mỗi ngày. Lúc nào về đến nhà, ba cũng bảo không sao đâu, thầy Thuần nói: “Lãm bảo sẽ cố thủ, làm sao mà để Quảng Trị thất thủ được!”.
Tình hình chiến sự như dầu sôi lửa bỏng mà gia đình ông tướng tư lệnh Quân đoàn 1 lạc quan như thế, nghĩ cũng thấy lạ! Hết tin tưởng, ba đi khắp nơi tìm phương tiện để đưa gia đình và tài sản vào Đà Nẵng. Tôi còn nhớ khuôn mặt ba vui chưa từng thấy khi về nhà báo tin cho dì và anh em tôi là đã có phương tiện. Cứu tinh của gia đình tôi là anh Trần Văn Vinh - con bác Trần Văn Chương là anh em cô cậu của ba - thời đó anh là đại úy, chỉ huy trưởng Quân Vận của Tiểu khu Quảng Trị. Anh báo với ba tôi: “Chú yên tâm về thu xếp đồ đạc, cháu điều cho chú 1 xe GMC đưa gia đình vào Huế”.
Đúng 9 giờ xe đến chúng tôi thu dọn đồ đạc và chuẩn bị lên đường thì bà con ùa đến xin đi nhờ. Bà con gồm các con chị Ấm, gia đình chị Chuyển (mẹ của Trần Kỳ Đại, chồng o Phụng) và những người hàng xóm tôi không nhớ hết... Lúc mọi người xôn xao và nài nỉ xin lên xe là lúc Ba tôi ra lệnh gỡ những đồ đạc cồng kềnh trên xe xuống để chở người. Chuyện này nay mấy ai còn nhớ? Tôi tiếc nhất là phải để lại tủ sách vì đó là thế giới muôn màu của tri thức mà tôi bắt đầu thích thú tìm hiểu.
Trở lại chuyện chuyến xe hôm ấy: Khởi hành tại Quảng Trị lúc 10 giờ sáng, xe chạy vừa qua xã Long Hưng chưa đến cầu Dài là tắc đường với cơ man nào là xe cộ của nhà binh, xe đò và xe của dân. Tìm hiểu mới biết đường quốc Lộ 1 đã bị gài mìn cả cây số nên không xe nào dám vượt qua khi chưa có công binh đến rà gỡ mìn. Đến 2 giờ chiều, một số người quá nôn nóng đã tự ý rà mìn thì phát hiện trên đường lộ chỉ là những ụ đất giả ngụy trang chứ không có mìn. Thế là họ cho xe chạy qua. Chỉ một ít phút thôi, lúc các xe cộ đang nối đuôi nhau thì mấy tiếng nổ đanh gọn vang lên. Một xe, hai xe, rồi ba xe trúng mìn. Những xe chạy sau vội vã lùi lại suýt va vào nhau. Tôi tận mắt chứng kiến những xác người, đồ đạc bị sức công phá của mìn bay lên không trung vài thước, những tiếng kêu la thảm thiết của người bị thương, tiếng cầu cứu, khóc thét của người lớn, em bé… Tất cả làm trái tim tôi xót xa, nhức nhối như chính mình đang chìm trong bom đạn.
Tôi còn nhớ chiếc xe tải vượt qua xe chúng tôi để lên đường lộ là xe của gia đình Lê Đăng Châm, bạn lớp 10C Nguyễn Hoàng. Châm đeo vắt vẻo sau đuôi xe, thấy tôi vội kêu tên và đưa tay vẫy chào. Mới chạy chừng 100m thì xe của Châm cán phải mìn nổ tung. Tôi cứ ngỡ là mãi mãi mất bạn ai ngờ mấy chục năm sau tình cờ gặp lại. Châm cho biết ba của bạn bị mất một chân hôm ấy.
Mọi người đi cùng xe với gia đình tôi bàn tán xôn xao, đàn bà thì khóc lóc lo sợ, trẻ con khóc khản tiếng do cái nóng mùa hè và thiếu sữa, tiếng người thân gọi nhau í ới, tiếng cầu kinh, niệm Phật… Chú lính tài xế của anh Vinh nói với ba tôi: “Hay là mình quay về đi bác, mìn gài khắp nơi làm sao qua được đoạn đường này?”. Thấy có lý, nhiều người khác cũng hùa theo đề nghị ba tôi cho xe quay về. Ba bảo hãy chờ xem. Lát sau Ba quay lại nói với dì tôi: “Sao đầu óc tui lú lẫn để mụ (tức là dì tôi) và hai đứa con quay về làm chi đến chừ ra nông nỗi này?”. Dì tôi im lặng dấu tiếng thở dài.
Cùng tắc biến, ông nghĩ ra được kế sách là thuyết phục chú tài xế không chạy trên đường lộ mà chạy trên bãi cát dọc theo đường sẽ tránh được mìn. Chú tài xế còn ngần ngại thì ông đem cả vợ con của chú ấy (cùng đi theo xe) ra để “hù dọa” là nếu chiều nay không vào Huế được, tối nay Quảng Trị có thể bị pháo kích tan nát, mọi người - trong đó có cả gia đình chú sẽ chết hết. Thấy lời lẽ của ba hợp lý quá nên chú đồng ý cho xe tiếp tục lăn bánh. Thế là một mình chú lái xe men theo đường nhựa, bà con bước theo dấu bánh xe vừa lăn trên cát một cách an toàn. Một giờ sau chúng tôi qua được bãi mìn và xe lên đường lộ tiếp tục chạy vào Huế. Quên làm sao được cảnh bà con vui mừng vì thoát nạn, trên chặng đường từ Hải Lăng vào Huế bọn trẻ chúng tôi ca hát, nói chuyện rôm rả không ai thấy mệt mỏi gì dù đã trải qua gần một ngày ở trên đường quốc lộ 1. Cuộc đời vẫn đẹp sao! 6g30 chiều, xe đến Huế. Khởi hành 10 giờ sáng từ Quảng Trị đến Huế 6g30 chiều: 8 tiếng rưỡi cho một chặng đường 60km!
Tá túc một đêm tại Ty Công Chánh Huế, hôm sau ông Trưởng ty Công chánh Huế cấp xe cho gia đình tôi vào Đà Nẵng, nơi mạ và các em tôi đang hàng giờ chờ mong. Kể từ ngày đó chúng tôi mãi mãi bỏ lại quê hương dấu yêu đằng sau như là một định mệnh.
Tuổi thơ con trẻ hiểu sao hết tấm lòng của cha mẹ, nay lớn khôn với đời mới cảm nhận tấm lòng cao như trời, sâu như biển của đấng sinh thành. Trong khoảnh khắc giữa cái sống và sự chết, chính ba tôi là người đã có quyết định sáng suốt để cứu cả gia đình. Chuyện gì đã xảy ra nếu hôm đó ba tôi quyết định quay về? Vì ngay hôm sau chặng đường cầu Dài - nơi chúng tôi bị tắc đường đã biến thành “Đại lộ kinh hoàng”- Một địa danh nổi tiếng về sự kinh hoàng thấm đẫm đau thương, máu và nước mắt của người dân Quảng Trị.
CHỨNG NHÂN
Tôi sẽ là chứng nhân
Những ngày rất buồn này
Từng thân người gục ngã
Em bé chết phơi thây
Tôi nghe từng hơi thở
Hấp hối chết theo ngày
Tôi nghe lời thét gọi
Máu lửa về bao vây
Tôi thấy một đoạn đường
Nhân loại dẫm lên nhau
Bao căm thù tàn bạo
Tiếng súng đạn đón chào
Đó là hình ảnh những ngày bi thảm nhất của người dân Quảng Trị khi phải chịu đựng cảnh nhà tan cửa nát, cha mẹ con cái đèo bồng nhau chạy loạn dưới cơn mưa đạn pháo vào mùa hè năm 1972. Người dân Quảng Trị vào Huế, Đà Nẵng hơn 3 tuần thì người đứng đầu tỉnh Quảng Trị lên đài phát thanh truyền hình Huế, Đà Nẵng thông báo tình hình chiến sự đã yên ổn và kêu gọi công chức, dân chúng, thầy cô cùng học sinh hãy trở về Quảng Trị để bình thường hóa sinh hoạt tại tỉnh nhà. Dù rất lo lắng cho sự an nguy của cả gia đình, nhưng là công chức gương mẫu quen chấp hành lệnh của thượng cấp, ba tôi đã đưa một số thành viên gia đình gồm dì tôi, anh Hải và tôi trở lại Quảng Trị.
Chúng tôi về lại nhà chưa kịp ổn định sinh hoạt và đi học lại thì tiếng súng đại bác mỗi đêm mỗi dồn dập hơn. Lúc đầu còn xa, càng về sau càng gần. Đài VOA và BBC đêm đêm báo tin Bắc quân đã di chuyển đến Hương Hóa, Gio Linh với nhiều xe tăng và vũ khí hạng nặng. Đêm đêm nhà tôi là quán trọ cho nhiều bà con đang công tác ở các cơ quan công quyền lên ngủ nhờ vì ở làng quê, ban đêm không còn an ninh nữa. Tôi nhớ những người thường xuyên xuất hiện buổi chiều tối và biến mất khi mặt trời lên là anh Lẫm (phó xã trưởng Triệu Đại), chú Cũng công chức Ty Viễn Thông, anh Nghiên bên quân đội, chú Do bên thú y, và o Yến tiểu thương ở chợ Thuận… Những tin tức lạc quan của báo chí và đài Sài Gòn không còn ru ngủ dân chúng nữa. Tình hình chiến sự nóng lên từng giờ, dì tôi thúc ba liên tục về chuyện di tản. Đồ đạc trong nhà đã được dì đóng gói, thu dọn chỉ chờ có xe là lên đường ngay. Ba hay lên xuống nhà ông thầy Thuần, ba của tướng Hoàng Xuân Lãm - bạn chơi tài bàn của Ba - mỗi ngày. Lúc nào về đến nhà, ba cũng bảo không sao đâu, thầy Thuần nói: “Lãm bảo sẽ cố thủ, làm sao mà để Quảng Trị thất thủ được!”.
Tình hình chiến sự như dầu sôi lửa bỏng mà gia đình ông tướng tư lệnh Quân đoàn 1 lạc quan như thế, nghĩ cũng thấy lạ! Hết tin tưởng, ba đi khắp nơi tìm phương tiện để đưa gia đình và tài sản vào Đà Nẵng. Tôi còn nhớ khuôn mặt ba vui chưa từng thấy khi về nhà báo tin cho dì và anh em tôi là đã có phương tiện. Cứu tinh của gia đình tôi là anh Trần Văn Vinh - con bác Trần Văn Chương là anh em cô cậu của ba - thời đó anh là đại úy, chỉ huy trưởng Quân Vận của Tiểu khu Quảng Trị. Anh báo với ba tôi: “Chú yên tâm về thu xếp đồ đạc, cháu điều cho chú 1 xe GMC đưa gia đình vào Huế”.
Đúng 9 giờ xe đến chúng tôi thu dọn đồ đạc và chuẩn bị lên đường thì bà con ùa đến xin đi nhờ. Bà con gồm các con chị Ấm, gia đình chị Chuyển (mẹ của Trần Kỳ Đại, chồng o Phụng) và những người hàng xóm tôi không nhớ hết... Lúc mọi người xôn xao và nài nỉ xin lên xe là lúc Ba tôi ra lệnh gỡ những đồ đạc cồng kềnh trên xe xuống để chở người. Chuyện này nay mấy ai còn nhớ? Tôi tiếc nhất là phải để lại tủ sách vì đó là thế giới muôn màu của tri thức mà tôi bắt đầu thích thú tìm hiểu.
Cuộc di tản của quân đội VNCH tại Quảng Trị |
Trở lại chuyện chuyến xe hôm ấy: Khởi hành tại Quảng Trị lúc 10 giờ sáng, xe chạy vừa qua xã Long Hưng chưa đến cầu Dài là tắc đường với cơ man nào là xe cộ của nhà binh, xe đò và xe của dân. Tìm hiểu mới biết đường quốc Lộ 1 đã bị gài mìn cả cây số nên không xe nào dám vượt qua khi chưa có công binh đến rà gỡ mìn. Đến 2 giờ chiều, một số người quá nôn nóng đã tự ý rà mìn thì phát hiện trên đường lộ chỉ là những ụ đất giả ngụy trang chứ không có mìn. Thế là họ cho xe chạy qua. Chỉ một ít phút thôi, lúc các xe cộ đang nối đuôi nhau thì mấy tiếng nổ đanh gọn vang lên. Một xe, hai xe, rồi ba xe trúng mìn. Những xe chạy sau vội vã lùi lại suýt va vào nhau. Tôi tận mắt chứng kiến những xác người, đồ đạc bị sức công phá của mìn bay lên không trung vài thước, những tiếng kêu la thảm thiết của người bị thương, tiếng cầu cứu, khóc thét của người lớn, em bé… Tất cả làm trái tim tôi xót xa, nhức nhối như chính mình đang chìm trong bom đạn.
Tôi còn nhớ chiếc xe tải vượt qua xe chúng tôi để lên đường lộ là xe của gia đình Lê Đăng Châm, bạn lớp 10C Nguyễn Hoàng. Châm đeo vắt vẻo sau đuôi xe, thấy tôi vội kêu tên và đưa tay vẫy chào. Mới chạy chừng 100m thì xe của Châm cán phải mìn nổ tung. Tôi cứ ngỡ là mãi mãi mất bạn ai ngờ mấy chục năm sau tình cờ gặp lại. Châm cho biết ba của bạn bị mất một chân hôm ấy.
Mọi người đi cùng xe với gia đình tôi bàn tán xôn xao, đàn bà thì khóc lóc lo sợ, trẻ con khóc khản tiếng do cái nóng mùa hè và thiếu sữa, tiếng người thân gọi nhau í ới, tiếng cầu kinh, niệm Phật… Chú lính tài xế của anh Vinh nói với ba tôi: “Hay là mình quay về đi bác, mìn gài khắp nơi làm sao qua được đoạn đường này?”. Thấy có lý, nhiều người khác cũng hùa theo đề nghị ba tôi cho xe quay về. Ba bảo hãy chờ xem. Lát sau Ba quay lại nói với dì tôi: “Sao đầu óc tui lú lẫn để mụ (tức là dì tôi) và hai đứa con quay về làm chi đến chừ ra nông nỗi này?”. Dì tôi im lặng dấu tiếng thở dài.
Cùng tắc biến, ông nghĩ ra được kế sách là thuyết phục chú tài xế không chạy trên đường lộ mà chạy trên bãi cát dọc theo đường sẽ tránh được mìn. Chú tài xế còn ngần ngại thì ông đem cả vợ con của chú ấy (cùng đi theo xe) ra để “hù dọa” là nếu chiều nay không vào Huế được, tối nay Quảng Trị có thể bị pháo kích tan nát, mọi người - trong đó có cả gia đình chú sẽ chết hết. Thấy lời lẽ của ba hợp lý quá nên chú đồng ý cho xe tiếp tục lăn bánh. Thế là một mình chú lái xe men theo đường nhựa, bà con bước theo dấu bánh xe vừa lăn trên cát một cách an toàn. Một giờ sau chúng tôi qua được bãi mìn và xe lên đường lộ tiếp tục chạy vào Huế. Quên làm sao được cảnh bà con vui mừng vì thoát nạn, trên chặng đường từ Hải Lăng vào Huế bọn trẻ chúng tôi ca hát, nói chuyện rôm rả không ai thấy mệt mỏi gì dù đã trải qua gần một ngày ở trên đường quốc lộ 1. Cuộc đời vẫn đẹp sao! 6g30 chiều, xe đến Huế. Khởi hành 10 giờ sáng từ Quảng Trị đến Huế 6g30 chiều: 8 tiếng rưỡi cho một chặng đường 60km!
Tá túc một đêm tại Ty Công Chánh Huế, hôm sau ông Trưởng ty Công chánh Huế cấp xe cho gia đình tôi vào Đà Nẵng, nơi mạ và các em tôi đang hàng giờ chờ mong. Kể từ ngày đó chúng tôi mãi mãi bỏ lại quê hương dấu yêu đằng sau như là một định mệnh.
Tuổi thơ con trẻ hiểu sao hết tấm lòng của cha mẹ, nay lớn khôn với đời mới cảm nhận tấm lòng cao như trời, sâu như biển của đấng sinh thành. Trong khoảnh khắc giữa cái sống và sự chết, chính ba tôi là người đã có quyết định sáng suốt để cứu cả gia đình. Chuyện gì đã xảy ra nếu hôm đó ba tôi quyết định quay về? Vì ngay hôm sau chặng đường cầu Dài - nơi chúng tôi bị tắc đường đã biến thành “Đại lộ kinh hoàng”- Một địa danh nổi tiếng về sự kinh hoàng thấm đẫm đau thương, máu và nước mắt của người dân Quảng Trị.
_________________________________________________________
CHỨNG NHÂN
Nguyễn Văn Vinh |
- Nguyễn Văn Vinh
Tôi sẽ là chứng nhân
Những ngày rất buồn này
Từng thân người gục ngã
Em bé chết phơi thây
Tôi nghe từng hơi thở
Hấp hối chết theo ngày
Tôi nghe lời thét gọi
Máu lửa về bao vây
Tôi thấy một đoạn đường
Nhân loại dẫm lên nhau
Bao căm thù tàn bạo
Tiếng súng đạn đón chào
Tôi sẽ là chứng nhân
Một thời rất buồn này
Từng thân người gục ngã
Kỷ niệm đọng trên tay.
Một thời rất buồn này
Từng thân người gục ngã
Kỷ niệm đọng trên tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét