Quang Tuyết







CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI QUANH TÔI


Tôi không phải là người có đạo, Anh và Ánh Minh cũng là người ngoại đạo. Nhưng lại có điểm chung: khi Noel là ngày kỷ niệm một đời của anh và Ánh Minh, với tôi là sợi tơ vương vấn tình yêu đầu đời với một người con trai Công Giáo. Thánh địa La Vang, là nơi hai đứa tôi và một người bạn quý thường đến trong những giờ nghỉ học, có khi rủ nhau cúp cua, lên quỳ dưới chân Đức Mẹ để nguyện cầu đủ mọi nguyện ước, trong đó cả tình yêu của hai đứa. Nhưng tình đầu mấy khi thành, và bạn ấy đã về với Chúa khi tuổi còn quá trẻ. Chúa đi vào lòng tôi trước đó lâu lắm, từ lúc tuổi còn thơ bé, vì anh em tôi cũng như một số anh chị ở Thị Xã con nhà khá giả, đều được ba mẹ gởi vào học nội trú trường dòng,Tôi đã sống trong vòng tay của Mẹ Bề Trên, bằng sự chăm sóc và dạy dổ của các Ma soeur. Đã làm quen với kinh cầu hằng ngày, mỗi đêm. Dù không được dự những buổi rước lễ, vì tôi là người ngoại đạo, nhưng đã ngậm vào lưỡi rất nhiều bánh thánh có hình Chúa với niềm tin trong sáng của cô bé ngây thơ. Chúa bây giờ vẫn hiện diện trong lòng tôi, vẫn bên tôi mỗi khi tôi buồn hay khổ. Nên Noel về, đối với tôi vẫn là những vì sao niềm tin giữa trời đêm của cuộc đời. Tôi thường bị các em tôi doạ:" Sau nay chị chết, sẽ bị hai ma tranh dành níu kéo." Lúc nhỏ sợ lắm, nên mỗi lần bịnh lo uống thuốc không dám lơ là. Sau này khôn lớn, tôi không còn sợ vì hiểu rằng Phật hay Chúa đều mong con người sống hiền, sống tốt và nhân ái. Phật và Chúa đều rất bao dung.

Hôm nay 24-12, ngày Thiên Chúa giáng sinh. Cũng là ngày kỷ niệm 40 năm gặp gỡ và yêu thương của anh Hà Nguyên Hào cùng Ánh Minh. Không Biết có phải Sài Gòn là nơi hai người gặp nhau không, chỉ biết Giáng Sinh năm nay cả nhà đã vào đây vui lễ và chia sẻ hạnh phúc cùng anh chị em bạn bè bên Ly café U house cạnh hồ con rùa.

Đôi uyên ương này rất đặc biệt, vì vậy sinh ra những người con, cháu cũng là những người đặc biệt. Anh là Bác Sĩ Trưởng BV Da Liễu TP Đà Nẳng đã về hưu, Ánh Minh là người phụ nữ đẹp cả người lẫn tâm hồn. Các con là những người thành đạt về sự nghiệp cũng như đường đời. Gia đình Anh có đủ điều kiện để sống sung sướng sang giàu, thụ hưởng trên nhung lụa thế mà cả nhà chuyên tâm tu tại gia, ăn chay trường, sống giản dị và trau dồi đạo pháp. Vẫn vui vẻ với bạn bè, vẫn đi đây đi đó, đồng thời vẫn lặng lẽ giúp đỡ những hoàn cảnh khốn cùng, những số phận đau khổ. Tôi biết từ những trang Nét, hay bài báo liên quan đến mọi trường hợp bất hạnh, Ánh Minh đều đại diện gia đình tìm cách liên lạc để chia sẻ. Ba mẹ như thế nên các con cũng đều ngộ ra, đường đi đến bình an chính là đường sáng của tâm thiện, của buông xã và vô ưu. Ánh Minh nói:” Em biết chị nặng nợ trần, nên vướng nhiều nghiệp dĩ. Chị chưa có duyên tu nên tâm chưa thanh tịnh. Nhưng để tìm ra con đường vô ngã, vô ưu chị nghe lời em, hãy tụng hằng đêm kinh A Di Đà, hoặc chị niệm Phật…Thời gian chị sẽ thấy mọi phiền não tiêu tan…” Cảm ơn Ánh Minh, chị cũng là con nhà Phật, là phật tử chân chính nhưng thời gian sau 1975 chị bị lôi cuốn theo hỉ, nộ, ái, ố của đời, của nợ áo cơm và trách nhiệm nên không thường xuyên tụng niệm. Có lẽ vì thế mà tất cả chuyện lớn nhỏ trên đời đều làm chị bất an…Cảm ơn lời nhắc nhở của Ánh Minh.

Bên cạnh tôi nào chỉ vợ chồng anh Hào, còn có anh chị Hoà An cũng là đôi vợ chồng sống bằng tâm đức, anh chị cũng có những nười con trên cả tuyệt vời, luôn đồng hành với ba mẹ, chia sẻ tấm lòng với biết bao hoàn cảnh khó khăn khốn khổ, hết lòng với đồng hương, đồng môn. Chị bị tim đã lâu, nay khoẻ mai mệt, anh thì huyết áp cao nên đi xa không yên tâm. Thế mà năm nào cũng tìm cách đến những nơi có những ông bà già, hay trẻ mồ côi để nhường cơm xẻ áo. Vì như chị thường nói, bưng chén cơm đầy, mặc chiếc áo đẹp anh chị luôn nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh hơn mình. Hôm nghe anh không khoẻ, chúng tôi rủ nhau vào thăm anh, anh bảo các em lên làm gì cho khổ, anh không sao đâu, nằm vài ngày anh về nhà thôi. Anh sợ chúng tôi mất thì giờ và phải gác những công việc cần thiết. Biết sao được anh ơi, vì anh chị là người sống quá tốt, là người đối với mọi người bằng tình cảm thân thiết, nên ai lại không quý không thương? Nghe anh hoặc chị bịnh, không thăm làm sao yên tâm cho được. Lên nhà chị chơi , nghe chị trăn trở dự định đã lên khuôn cho lần thăm viếng, tặng quà vào dịp Tết năm nay, bây giờ anh bịnh chị lo không thể về Quảng Trị được, phải làm sao…Tôi im lặng không nói gì, tôi im lặng để suy nghĩ và thấy mình nhỏ nhoi quá, …bên những tấm lòng quá lớn của anh chị.

Chưa hết đâu, mấy tháng nay tôi ôm ấp trong lòng những suy nghĩ về cháu Cam Ly, con gái anh chị Tường Sâm. Cháu là thế hệ thứ 2 Nguyễn Hoàng. Chẳng có ấn tượng gì về trường của ba mẹ, và chắc hẳn cháu cũng không nhớ gì về quê hương Quảng Trị, hoạ chăng là những sự khốn khó, thiếu ăn thiếu mặc trong những năm giao thời, khi các cháu còn quá bé. Ba đi tù, mẹ bương chãi sương gió để kiếm cơm rau nuôi gia đình và thăm nuôi ba. Dù chị có mảnh bằng về Y Tế, nhưng trang sử lật qua, khó có chân cho những người chế độ cũ lưu dung, vì thế hoàn cảnh buộc chị trở thành con buôn bất đắc dĩ. Chị kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện xưa ấy, và đó cũng là những quá khứ thắp lửa cho các con chị vươn lên sau khi đã lớn. Tôi không hiểu anh chị truyền lửa bằng cách nào mà các cháu ngoan đến thế, cháu Cam Ly rất quan tâm về quê hương Quảng Trị, đến những em con cháu Nguyễn Hoàng hiếu học xa quê, nên đã hai lần cháu tổ chức phát quà hỗ trợ các cháu tại công viên Lê Thị Riêng nhằm động viên những đứa con Quảng Trị xa nhà theo học các trường Đại Học ở Sài Gòn gắng học để tương lai vững vàng sự nghiệp, đem thành quả đạt được về xây dựng cho quê nhà . Tôi cũng im lặng nghe chị Sâm kể dự tính của cháu, hai tháng tới sẽ không phát quà ở Sài Gòn mà tập trung lo Tết cho người nghèo ở quê, để người ta có bánh trái, gạo cơm ăn Tết, đón năm mới với niềm hy vọng…Thật vui thay và quý thay cho dự tính của anh chị và cháu Cam Ly…

Có lẽ điều ấy di truyền trong huyết thống, nên BS Thi em trai của anh theo tôi biết cũng là một người đặc biệt. Bạn là một BS có lương tâm với bịnh nhân, là người sống có tình nghĩa với đồng nghiệp cũng như nhân viên dưới quyền…Bạn không bao giờ nhận điếu đóm, hay quà cáp tri ân của gia đình có người là bệnh nhân của bạn. Bạn nói với tôi: "Tiền bạc không làm ra ở chỗ này thì chỗ khác, tại sao phải nhận của những người đang lâm vào cảnh bệnh hoạn cần bàn tay cứu giúp của bác sĩ. Tui lấy của họ tui không giàu thêm, mà họ sẽ mất nhiều chén cơm và mất đi khoản tiền mua thuốc cho thân nhân”… Bạn tôi vậy đó, nên khi bạn gặp chuyện không tốt tất cả đồng nghiệp và nhân viên đểu lo lắng và thương quý, góp sức cùng gđ chăm sóc bạn. Và những người đã từng mang ân tình của bạn biết tin cũng tìm đến thăm viếng… Bạn đúng là một bác sĩ có tâm là mẹ hiền.

Bạn tôi, H.Đ.V, không cho tôi nói về bạn cũng như con trai của bạn nên những dòng cảm nghĩ viết ra, lại xoá đi sau khi hoàn thành. Nhưng những lời của bạn và cách xữ lý của cháu tôi ghi mãi trong lòng bằng cảm xúc của một người làm mẹ, và một người thân của những bệnh nhân nhận sự chăm sóc, cứu chữa của cháu. Cháu ra trường theo chuyên môn về khoa huyết học. Lần đầu tiên gặp nhau sau mấy chục năm bạn bè mỗi đứa mỗi phương, tôi hỏi thăm về ngành của cháu. Bạn nói:” Con trai của V. là Bác Sĩ, nhưng mong đừng ai hỏi đến, nhất là với bạn bè. V khg bao giờ muốn ai trong số bạn bè cần nhờ đến sự giúp đỡ của cháu”. Lúc mới nghe tôi xốc thật, nghĩ trong lòng: Thật đáng ghét, người chi mà ích kỷ không có tình nhân loại. Sống như vậy thôi vô trong núi mà sống với khỉ…”. Nhưng sau này tôi mới biết, con bạn làm trong ngành huyết học liên can đến bệnh nan y về máu, hầu hết vào đó thì xem như đã tuyệt đường sống, nên bạn không muốn một ai trong những người bạn có người thân vào đó. Vậy mà tôi, người bạn nữ thân nhất đã có lúc phải cậy nhờ hiểu biết và kinh nghiệm của cháu, để tìm bệnh cho em tôi. May thay, ngày nay Y học tiến bộ hơn xưa nên khả dĩ còn cứu chữa được nhiều người, hay kéo dài sự sống 5, 7 năm, nên nghề của cháu cũng nhẹ nhàng lương tâm và đạo đức đôi phần, đó là tình cảm thanh cao của người thầy thuốc. Bạn đã qua những tháng năm nuôi con rất vất vã, địu con trên lưng qua các làng khác để làm thơ mộc, hay đứng giữa chợ trời mặc mưa nắng dầm dãi buôn bán kiếm gạo nuôi con, biết bao những việc linh tinh khác, với một ý chí duy nhất là làm sao con cái học thành tài, để không dở dang như bố. Vợ bạn ở tuốt dưới quê lo mảnh vườn, giử cái nhà chẳng phụ chi được với chồng. Nên chỉ một mình con gà trống hoa mơ Quảng Trị, túc túc kiếm mồi nuôi những bốn đứa con trai. Có đủ vợ chồng nuôi chừng này con, cũng trầy trụa cả đời khi hết lên rừng lại phải xuống biển, huống chi đàn ông chỉ có một mình. Đúng là thậm khổ. Bốn đứa theo đuổi bốn chí hướng: Đứa là Bác Sĩ, đứa Kỹ Sư, đứa Dược Sĩ và đứa là Luật Sư. Quá đoạ. Biết bao lần chạnh lòng tâm sự với tôi với đôi mắt dường như ngấn lệ, với nét mặt còn nguyên sự chua xót như chuyện vừa mới xãy ra:” Có những lần mình đạp xe mà không biết đi đâu, làm gì để có tiền mai đưa cho con đóng học phí, lại hết đứa này lại đến đứa kia liên tiếp. Cũng đã nhiều lần đứng giữa đường, phải rơi những giọt nước mắt đàn ông vì bế tắc. Rất nhiều…Rất nhiều chuyện xãy ra trong cuộc đời, và rất nhiều éo le tình đời mà bạn ôm cay đắng trong lòng… Mỗi lần nhớ, mỗi lần lòng đau, và thêm một lần buồn…Vậy nhưng trời thương người hiền, rồi bạn và các cháu cũng thủng thẳng vượt qua, tự mình vượt qua chính mình và vươn lên hơn nhiều người khác. Thành nhân rồi thành tài và thành công. Cháu lớn giờ là một bác sĩ giỏi được nhiều người thương mến. Cháu sống với ký ức của khốn khó, nhưng không lấy đó để tìm cách làm giàu, bán lương tâm cho bỏ những tủi cực gia đình đã chịu. Cháu thường nói: “Nghề của con là nghề của sự sinh tử, bịnh nhân của con là những người đã mang án tử hình nên con làm sao nỡ lòng hay muối mặt ngửa tay ra để nhận lợi lộc từ những số phận không may”. Bạn thì nhắn tin căn dặn con trai trong ngày cháu tốt nghiệp, và tin nhắn ấy bạn và cháu vẫn giữ trong đt cho đến ngày nay như một câu châm ngôn sống: "

Chúc mừng con trai của ba nhé. Cuộc sống lắm lúc cay nghiệt nhưng phải theo thời thế con ạ. Vấn đề cốt lõi là con phải luôn giữ Đạo Đức, đừng đánh mất lương tâm con người. Dù mình đã bị hứng chịu nhiều sát phạt của tình đời, nhưng may thay còn có những tình đời khác, đã dang rộng vòng tay bảo bọc các con, và nhờ vào đó, nương vào đó, các con giữ được nghị lực để vươn lên để có ngày hôm nay. Hãy luôn nhớ, mình nợ cuộc đời món nợ ân tình khó trả, nên các con phải sống thật chân tình, sống bằng lương tâm trong sáng và đạo đức làm đầu để trả ơn cho đời”.

Tôi biết các cháu đã sống như vậy, đã theo đúng ý nghĩa như vậy. Đối xữ hoà nhã với tất cả mọi người dù chính những người đã hại gđ của cháu điêu đứng. Còn anh bác sĩ thì sống rất giản dị bằng đồng lương chân chính, không hề tham lam tạo cho mình cuộc sống sung túc bằng cách bán lương tâm, bôi đen đạo đức…

Hôm nay là ngày Thiên Chúa Giáng Sinh, đem an lành về cho tất cả mọi người trên thế giới, dù anh da đen, chị da vàng. Dù giàu hay khó. Dù có đạo hay không. Chúa nhân từ dang rộng vòng tay ban hồng ân cho nhân loại. Chúa hay là Phật đều là những người hy sinh cuộc đời của mình, chịu khổ nạn để đem hạnh phúc đến cho con người. Tôi kể câu chuyện này, để chúng ta biết thêm những tấm lòng, những người có trái tim nhân hậu, đạo đức. Những người có trí tuệ sáng ngời nên đã tìm ra lối đi hoàn thiên một kiếp nhân sinh. Và để mình thấy yêu cuộc sống, yêu con người hơn…

… "Đêm nay người xuống đời… Xin đem nguồn vui đến… Những đôi môi cằn cỗi lâu không cười…”

Lạy Chúa xin Chúa nhân từ thứ tha và ban hồng ân đến cho tất cả mọi người… Những người đang sống quanh tôi.

Sài Gòn Giáng Sinh An Lành
24-12-2014


_____________________________________________________________________


NỖI LÒNG



Ôi! Nơi ấy một thời ta tuổi nhỏ
Áo lụa ngà nhẹ bước giữa mùa xuân
Hồn rực rỡ nghe chừng trong nắng sớm
Theo âm vang tiếng trống dục chân dồn
Nguyễn Hoàng đó nghe nồng cay lên mắt
Chỉ là hình mà mặn đắng bờ môi
Lời sao nghẹn tiếng than từ ký ức
Quảng Trị ơi ngày ấy đã xa rồi

_____________________________________________________________________




CUNG ĐÀN CHÙNG DÂY





Em đi qua mùa nắng
Thương về một mùa mưa

Lao xao từng lá rụng
Gầy guộc cành cây thưa
Giọt vô tư rời rạc
Ướt mềm dáng mai gầy
Em về qua ngõ vắng
Nắng chưa về mê say
Chiều sương mờ dấu chân xưa
Môi hôn vội vã nghe vừa đắng cay
Từng hạt nhỏ trên tay

Buồn vui rơi cọng cỏ
Cho ngỡ ngàng lời ngỏ

Một mùa thu mai sau
Em đi qua nỗi nhớ
Nhói đau gót chân hồng
Thềm xưa mắt ướt xót lòng
Thuyền xa trăng lặn bến lòng sóng xô
Đàn lên tiếng gọi ngẩn ngơ
Trở trăn từng nốt điệu chờ sắt se
Em qua đời đam mê
Băn khoăn mùa hoa nở
Tìm nhau trong sắc nhớ
Mắt môi nào phôi pha
Em nghe từng chiếc lá
Ngậm ngùi thu miên mang
Về đâu ngọn gió mơ màng
Bỏ quên lại một cung đàn chùng dây.
____________________________________________________________




TA ĐÃ NGHE


Ta vẫn nhớ một thời tuổi nhỏ
Chưa một lần chạm mắt nhìn nhau
Ngây thơ quá hay vì say tình ảo
Để rồi quên theo màu áo úa nhàu
Ta vẫn nhớ phút tình cờ gặp lại
Giữa phồn hoa muôn vạn ánh đèn màu
Ôi ký ức rong rêu thời tuổi mộng
Lúc xa rồi mới chợt thấy lòng đau
Ta đã nghe ngàn lời tha thiết
Như gió reo thăm thẳm tự biển sâu
Như thảnh thức nhịp sóng tình muộn vỗ
Ôm cô đơn trong hạnh phúc mỗi chiều
Ta đã nghe nồng hương mùi cỏ dại
Phả vào mơ tống biệt nỗi cô liêu
Nghe vị ngọt nồng nàn trên môi héo
Nghe mưa reo thần thoại tuổi xuân kiều.

(2012)
_______________________________________________________________________





MAI ANH VỀ






Mai anh về đường xa mù khuất
Cây lá buồn đẫm ướt giữa chiều sương
Em cô đơn trên lối mòn trơn ướt
Ngậm ngùi chi mưa thổn thức đêm trường.

Mai anh về cỏ thơm ngọt vườn xưa
Sỏi đá thầm mơ trăng về cuối ngõ
Mộng dở dang vấn vương từng hơi thở
Duyên chưa tàn đã lạc lối đường mơ
Mai anh về phấn nhạt môi khô
Ôm nấm cỏ vùi sâu từng nỗi nhớ
Em rao bán tuổi thu vàng dang dở
Cuộc tình đau như nhịp sóng xa bờ
Mai anh về làm sao ta quên.

Trăng có khuyết xin đừng vội mưa mau
Thềm hoa vắng gió vật vờ khung cửa
Em co ro manh áo hững hờ vai
Mai có về đừng quay mặt nhìn ai
Nửa khuôn dung mơ hồ như tượng đá
Mong một thoáng môi cười qua vội vã
Cuối đường thu vừa nhạt ánh trăng tà.

Nhớ Mùa Thu 2001


__________________________________________________________________




NƠI ĐÓ




Ở nơi đó em xếp chồng kỷ niệm
Như nấc thang chờ đợi một thiên đường
Khu vườn cũ ngập trời xuân hoa nở
Chim về say trong tiếng hót yêu thương.

Ở nơi đó bước thời gian lặng lẽ
Chiều ngập ngừng bên khung cửa chơ vơ
Gió như say cây lá bỗng hẹn chờ
Anh lùa nắng vào hồn em một sớm.

Ở nơi đó có hoa vàng rực rỡ
Tình mong manh như giọt nước vừa rơi
Anh mê đắm nghe thời gian qua vội
Nắng chưa tàn sao hương đã pha phôi.

Ở nơi đó có một thời nông nổi
Dấu lời yêu trong tỉnh lặng đời nhau
Tóc thơm nắng hay lòng anh vội vã
Uống say nồng ngây dại tuổi hương cau.

Anh là bóng cho tình em là gió
Ngây ngất hồn mỗi cơn mộng thoáng qua
Hiên nhà vắng ngập lá mùa trải lặng
Em rong buồn ngậm cỏ lệ sương sa.
______________________________________________________________________


MIỀN KÝ ỨC



Chầm chậm và nhẹ nhàng hoàng hôn tím dần, bóng tối buông lơi từ từ lan tỏa, ánh sao mơ hồ nhấp nháy trên nền trời xanh đậm. Một chuyến tàu chiều sầm sập chạy qua. Tuổi thơ cô đó, cuộc đời cô đó như con tàu không mỏi mệt, hăm hở đi tìm bến bờ hạnh phúc. Phải chăng hạnh phúc cô tìm đang chờ đợi tận cuối cuộc đời, bên sườn đồi nào đó có thông reo trước gió, có hoa mua tím rịm cả không gian và có sương khói mơ hồ của một thế giới bình yên miên viễn.

Tiếng chuông lễ chiều vang vang, không biết người chị trong dòng tu năm xưa giờ ở đâu nhỉ? Có lẽ giờ nầy chị đã là mẹ bề trên vai vế trong dòng tu”. Người con gái dịu dàng ấy đã từ bỏ hết để gói đời mình trong chiếc áo choàng thâm, còn cô sao mãi để tâm hồn lang thang mãi trong hỷ, nộ, ái , ố… Ôi Sao vậy nhỉ? Giờ nầy H. ở đâu? Cõi xa xăm thiên đàng ấy H. có tìm được lòng thanh thản, trong sáng và yên bình…?

Đi loạng choạng trên thanh rây đường tàu, hình bóng cô bé tóc bum bê ngày ấy thật tội nghiệp, thật ngộ nghĩnh, chiều nào cũng ra thơ thẩn đón tàu qua như thế. Và khu vườn yên tỉnh với những tãng đá to dưới hàng cây rậm mát, là nơi cô bé nằm mơ mộng, nghe chim hót, nhìn bướm bay rập rờn. Lớn rồi, đã ra vóc dáng thiếu nữ mà chiều nào sau giờ học cũng leo trèo trên cây, mơ làm một Tazan nữ giữa rừng già. Bạn anh cô vẫn thường thắc mắc: "Ê em gái mầy hình như thần kinh có vấn đề…” nghe anh kể lại cô cười như nắc nẻ. Từ đó cô có biệt hiệu: "T. tốc kê”. Năm đệ Ngũ, đệ Tam, cái tính bướng bỉnh ương ương bao lần bị thầy C. la, còn cả gan bỏ học nữa. Thế là cô có thêm biệt danh: Ngựa chứng trong sân trường (theo tên tác phẩm của Duyên Anh). Nhưng cái tên theo cô suốt cuộc đời, hầu như bạn nào cũng nhớ cho đến bây giờ, thậm chí còn nhớ cả số xe của cô: đó là T. Honda.
Quảng Trị hồi ấy nữ đi xe máy không có mấy người, nổi bật là chị Xướng Phước Môn, Thanh Lượng và cô. Cứ lên xe là phóng nhanh, cảm giác như chim xổ lồng bay tự do, thoát khỏi vòng kềm tỏa trong ánh mắt nghiêm khắc của ba. Hình ảnh cô trên chiếc dame xanh, tóc bay dựng đứng có lẽ giống con bạch mã tung vó trong bức tranh treo tường đầy sức mạnh của sự tự do. Cô chợt bật cười cho ví von của mình…

Dòng đời cứ thế trôi xuôi, cô sống với nỗi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Thở để sống, ăn để tồn tại, và lại mơ ước, khát khao một thiên đường không biết bao giờ cô với tới…Hạnh phúc gia đình mong manh gãy đổ qua những trăn trở đau thương… cô chợt thấy mình chính thức trưởng thành, cả thực tế lần tâm hồn, vì bản năng muôn thuở : Cô là Mẹ. Bây giờ các con đã khôn lớn, chúng có hạnh phúc riêng, cô lại tìm về nỗi cô đơn muôn thuở, cô tự cho phép hồn mình mông lung, lãng mạng theo gió theo mây, thao thức về một khung trời đã quá xa xôi, nơi chỉ đến một lần ngắn ngũi trong cuộc đời con người nên khi không còn nữa mình lại thấy nuối tiếc khôn nguôi.
Đi lần đến xóm cũ, khu vườn ngày xưa của gia đình cô giờ chia da xẻ thịt thành từng khuôn nhỏ, thuộc quyền từng gia đình nhỏ
Chốn bình yên cô muốn tìm về, muốn nhìn lại không còn gì nữa, có chăng là những tấm bảng hiệu cũ kỹ, rệu rạo một cách lạnh lùng: Nhà nghỉ bình dân

Có lẽ không mấy khi có khách dừng chân, cũng có thể vài ba cặp tình nhân hay gái gọi tấp vào vội vã rồi đi, nên chủ kinh doanh cũng chẳng buồn sửa sang bảng hiệu mới mẻ hấp dẫn khách đến. Còn đâu khu vườn thơ mộng, huyền bí với vườn cây xanh mát. Lòng bỗng nhói đau mơ hồ tựa như bị cào xé, mà chẳng hiểu rõ nguyên nhân…
Con đường lạ lùng, nổi cô đơn lại trào dâng ngợp ngụa. Ngày ấy trước nhà có vũng ổ gà to đùng, xe nhà binh chạy qua hằng ngày bùn văng tung tóe, thế mà nghe yêu chi lạ, cô và lũ trẻ trong xóm gom những đá cuội trên đường ray tàu lửa, thi nhau ném xuống mỗi chiều. Bây giờ bằng phẳng bàn chân qua lại, mà sao cô nghe mình khập khiểng như đang đi trên sỏi đá chông gai.

Quảng Ngãi, quê chồng là nơi số phận gian truân của một đời phụ nữ trải qua gần 40 năm. Quảng Ngãi với 13 thắng cảnh, cho cô một bước ngoặt kỷ niệm để thành những vết dao cứa sâu tâm hồn cô đến rướm máu. Khi ngỡ mình đã tìm được thiên đường, khi thấy lòng mềm đi vì nắng chiều của bờ sông Trà Khúc, bên những hàng bắp trổ cờ Thạch Bích tà dương, hay ngọn Thiên Bút Phê Vân hùng vĩ… Cũng chính là lúc cô quỵ ngã trên đường, tay còn nắm những ngọn cỏ thơm tho của niềm yêu thương cuộc sống. Và nỗi cô đơn dày xéo, cô lại ra đi thật xa, đến một nơi nhiều người xa lạ, không có cảnh núi đồi hoang dã, mà chỉ có ngựa xe nườm nượp để chôn vùi một quãng đời quá nhiều niềm đau gai góc.

Vào Nam, mang theo tâm hồn gần như mộc mạc chưa bị tha hóa vì nền văn minh, mang theo trái tim bỏng cháy khát khao tình người. Cô quý trọng từng người bạn từ vùng ký ức đến những người không thân, chỉ cần có giọng nói thân quen, chỉ cần là học sinh Nguyễn Hoàng thời đã qua. Cô sung sướng tươi cười như đứa trẻ, trải lòng ra đón nhận những thân tình như còn tuổi ngây thơ, để rồi mang vào người bao đa đoan thống khổ, rồi nhói lòng khi mình lỡ làm buồn lòng người khác, hay muộn phiền như bị ai phản bội. Phải chăng mình đang cơn khát, ừng ực uống những dòng nước bên đường mà không hề nhìn kỹ? Phải chăng lòng mình quá đa đoan? Không, cô biết bên những chông gai làm hồn cô rướm máu, có những vòng tay bè bạn bao dung, gói ghém những cung bậc rất chân thành để hòa ca với tiếng lòng rất da diết của chính cô…
_____________________________________________________________


SỎI ĐÁ TÌNH QUÊ

Khi ta ở chỉ là đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn


Chiều nay ngồi một mình bâng khuâng… rồi lòng chợt nhớ: Nhớ nhà, nhớ trường, nhớ bạn…nhớ đến da diết, nên thả tâm hồn lang thang về Quảng Trị…Về cái nôi với bốn tao dây thuở mới chào đời, về những hạnh phúc khi mất đi mới thấy tiếc nhớ, đó là thời gian đẹp nhất đời, đã vuột khỏi tầm tay lặng lẽ 

Những ngày trời đổ mưa buồn như ri, tôi nhớ mưa Quảng Trị…Mưa thâm trầm, dai dẳng…Mưa buốt thịt cắt da. Vậy mà tôi và các bạn phong phanh đến trường chẳng chút gì là lạnh cả. Áo ấm đủ màu nhưng mỏng manh lắm, dường như cốt để làm dáng, điểm xuyết thêm màu sắc để tà áo trắng đồng phục bớt đơn điệu trong tiết trời âm u mà thôi. Sân trường lúc ấy thật đẹp. Mưa như tấm màn trắng phủ kín không gian, những chiếc ô xanh, đỏ… lượn quanh như vũ khúc “ Mưa Rừng”. Có bạn xắn quần cao đến gối, khoe những bắp chân trắng nõn nà mà thanh khiết như nụ hoa Thủy Tiên. ....
______________________________________________________________



CHIẾC LÁ VÀNG RƠI


Chiều nay vào Face Book mới biết tin bạn đã ra đi... Chao ôi! Giồng ơi! Nguyễn Lang rũ bỏ trần gian giờ đến bạn. Hơn tuần nay cứ lần chần định xuống BV thăm, phải chăng là giác quan của tình bạn? mà cứ nán đợi Yến lo xong việc rồi rủ nhau cùng đi... Yến còn phải gội đầu cho Giồng như lời hẹn nữa mà, sao Giồng không ráng chờ vài ba ngày nữa hở Giồng!... bạn ra đi mà mình không gặp được lần cuối cùng rồi đó... Giồng ơi! Vậy là không còn đau đớn nữa, không còn vật vã nữa Giồng nhé... Giồng đã trả xong nợ trần gian...Bọn mình rất đau buồn nhưng cũng mừng cho bạn vì biết thời gian này bạn phải chịu đựng những cơn đau dù phải liên tục chích morphin...
Thôi thì trước hay sau cũng một lần đi, Hãy thanh thản và nhẹ nhàng về với cát bụi... Lớp mình sẽ gặp nhau mà Giồng ơi... Tạm biệt bạn thân yêu. Tạm biệt người bạn tội nghiệp của lớp 10C...
______________________________________________________________________


TIỄN BIỆT ANH VCT.

                                         (Những dòng chữ này QT xin thay nén hương tiễn biệt anh)

Tin anh ra đi tôi bàng hoàng chỉ biết la thầm “Trời ơi!”…Không phải vì bất ngờ, dính vào bịnh này đã vào giai đoạn cuối thì sớm muộn cũng đến hồ
i kết thúc. Nhưng tôi vẫn hy vọng anh kéo dài thêm thời gian nữa, vẫn hy vọng qua đt nhận được tiếng anh cười vui vẻ: “ Cám ơn QT, tôi không sao…”
Hình dáng anh, người Bác Sĩ trẻ trung nhanh nhẹn, và vui vẻ hôm gặp đầu tiên vẫn còn đậm nét. Tôi không quen anh chỉ biết qua lời giới thiệu của anh Võ Đình Đoan, bạn cùng khóa 64-71 với anh, chỉ biết đây là 1 CHS NH rất nhiệt tình nhiều lần giúp đỡ bà con Quảng Trị khi phải vào Bịnh Viện, nên hai anh em tôi vào Huế tìm anh, mang theo một tia hy vọng rất nhỏ nhoi “đời bây giờ người tốt hiếm còn hơn trầm Kỳ”. Vậy mà anh bỏ bữa cơm trưa cùng gia đình, bỏ những giờ nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục công việc buổi chiều, ra bờ sông ngồi chuyện trò thăm hỏi chúng tôi như đã thân nhau từ lâu lắm rồi. Người anh em NH, người đồng hương Quảng Trị có tấm lòng ngoài anh H. Thủy, Anh L.V.Xuân… và bây giờ là anh. Trong tâm trạng tuyệt vọng như người sắp chết chìm, tôi đã nhận ra vẫn còn đâu đó những tấm lòng chân thiện, đâu cứ phải lợi nhuận hay thân quen. Tôi quý anh, quý làm sao con người ấy…
Ngày Q. Hoa, em gái chúng tôi vào làm thủ tục nhập viện, là ngày anh có triệu chứng dạ dày bất ổn phải nội soi. Vừa xong các kiểm tra anh đã vội ra phòng khám giúp chúng tôi nộp hồ sơ nhập viện vì quá đông bịnh nhân. Hơn một tuần sau, khi tôi vào lại Sài Gòn, thì nghe báo kết quả anh đã bị Ung Thư. Thế mà gọi về thăm hỏi tình hình …Anh lại động viên chúng tôi, thăm hỏi rồi an ủi tình hình của Hoa, với trạng thái tinh thần mạnh mẽ dù sắp phải vào đợt hóa trị đầu tiên…Thời gian qua, thỉnh thoảng chúc mừng sức khỏe nhau, anh vẫn quan tâm đến tình hình của Em Hoa…Tôi chẳng dám đá động hay than thở, lo lắng gì nhiều vì giờ đây anh cũng là một bịnh nhân, cần được sống vui để hy vọng. Hôm nay nghe tin anh vĩnh biệt gia đình, bạn bè để về cõi vĩnh hằng. Tôi vô cùng tiếc nuối, bỡi ngày về Huế cùng nhóm chị em vì thời gian quá ngắn, và không biết tin anh đã trở bịnh để vào gặp anh lần cuối. Một người mà tôi nghĩ rằng ai một lần gặp đều có cùng một tâm trạng tiếc nuối như tôi, mất 1 người thân trong gia đình…Anh ra đi, chuyến đi cuối cùng của một kiếp người, chấm dứt nợ trần ai nhiều vui buồn, đau khổ…Tôi cầu mong chuyến đi cuối này, hồn nhẹ tựa lông hồng, và đâu đó khuôn mặt tươi cười vẫn thấp thoáng trong đám mây đang trôi lững lờ trên bầu trời xanh.

_____________________________________________________________


EM ƠI ĐỪNG HỎI


Đừng bao giờ em hỏi

Đời còn bao nhiêu ngày 

Em ơi dù chỉ mỗi

Phút giây mình vẫn vui
Đừng lặng nhìn thời gian
Phai dần qua màu tóc
Làn da dù héo hắt
Hãy giữ xuân trong lòng
Cứ dang rộng vòng tay
Mở tung thì kỷ niệm
Bên trong từng nếp nghĩ
Có niềm vui mai sau
Em luôn tự nhủ lòng
Đời đã vui bao nỗi
Đừng bao giờ quá vội
Quên gởi nhau tiếng cười ?
Tiếng cười có lên khơi ?
Mỗi lần chia nỗi nhớ
Hồn có say lầm lỡ
Từ ánh mắt sơ giao
Đừng hỏi mây về đâu
Chân trời kia quá rộng
Đường đời như ngắn ngủi
Cũng một lần đi về…
Tại sao ta phải hỏi….
Về bao giờ…bao giờ ?
________________________________________________________________



VỀ EM

    Phương xa tất bật nợ gió mây
    Quên lãng tình quê tháng với ngày
    Chiều nay nghe lũ về nơi ấy
    Thắc thõm lòng ta những ngậm ngùi
    Em có an lành khi bão mưa
    Các con chạy chợ đã về chưa?
    Cơm chiều bếp ấm ai săn sóc
    Một bóng co ro giữa gió lùa
    Ta nghe muối xát con tim nhỏ
    Muốn nắm tay gầy trơ ngón suông
    Muốn chuyền hơi ấm chiều thu lạnh
    Muốn ghì thân xác mõng manh dường
    Nước lên con nước trắng đôi bờ
    Lục bình trôi nổi sẽ về mô
    Lụt về cuốn hết bao khô héo
    Có đắp phù sa kiếp vật vờ ?
    ___________________________________________________________________



    NHỚ NỒI KHẾ KHO MẮM RUỐC



    Thời tiết Quảng Trị cuối năm nay sao đẹp và dịu dàng đến lạ kỳ, chẳng mưa mà cũng không nắng. Sương rơi phủ mờ cảnh vật cho đến khi mặt trời dậy muộn tỏa nắng vàng vừa đủ để sưởi ấm vạn vật cỏ cây.

    Tôi bật dậy, ra sân vươn vai hít thở không khí trong lành đầy hai buồng phổi. Không khí trong lành cũng là thứ hiếm hoi, phải tận dụng chứ mai mốt về lại Sài Gòn có đâu để hưởng thụ. Về quê ăn tết, sau gần hai mươi năm tha phương thì thầm riêng mình bài hát "Đêm Đông" mỗi lần tết đến. Năm nay thu xếp gọn gàng để về đón năm mới cùng anh em bên bàn thờ tổ tiên ông bà... Tết sum vầy của tình thiêng liêng gia đình. Trời lành lạnh, sáng sớm nhà ai đã nhóm lửa, mùi thơm thức ăn bay xộc vào mũi... Tôi nín lặng để cảm nhận... Ôi mùi mắm ruốc "đặc trưng quê miềng" đánh thức khứu giác khiến tôi tỉnh hẳn... Chợt thấy thèm chi lạ, món ăn giản dị của những ngày đông chí xa xưa, khế kho mắm ruốc.

    Hồi ấy, dân Quảng Trị hồi cư, thị xã chưa hoàn hồn sau cơn binh biến, điện chưa kéo về nên ánh sáng hằng đêm là ngọn đèn dầu nhỏ. Ba tôi phải lấy muối sống phủ đầy miệng đèn, vì họng làm thô sơ quá thường hở, lửa dễ cháy lan. Ánh sáng bóng hột vịt, chỉ đủ chiếu sáng cái mâm tròn, lỏng chỏng dĩa khế kho ruốc. Họa hoằn mới có cá cấn, cá mại kho gừng, hay tép sông kho rim. Nồi cơm thì hai phần khoai khô, một phần gạo hẩm. Vậy mà ngon đến tê tái cõi lòng, vừa ăn vừa hít hà, vừa xì xụp húp từng muỗng canh nóng. Ôi chao! Sao mà ngon đến thế...

    Bây giờ tôi mới hiểu, lý do đơn giản, vì gia đình quây quần ít khi thiếu một ai. Qua chiến tranh, cả nhà còn sống sót đầy đủ là một hạnh phúc lớn, không mong gì hơn. Về xây dựng lại nhà cửa trên chính mảnh vườn xưa. Lặn hụp trong khung cảnh vừa mơ vừa thực. Mơ là mơ về kỷ niệm của một Đinh gia giàu có, nhà ngói khang trang, vườn tược thênh thang cây cối. Thực tế chạm mặt hàng ngày là căn nhà tạm bợ bằng những miếng tole lỗ chỗ vết đạn, là cuộc sống muôn vàn khó khăn, khi phải đứng trên đôi chân chưa quen bỏ dép, khi phải vận dụng đôi tay thích nghi theo hoàn cảnh.

    Cây khế nhà tôi, nép mình bên thềm giếng, cạnh cổng vào nhà thờ, do ba tôi tự tay trồng từ thuở mới lập vườn. Ông chăm chút vườn cây, sửa soạn cho mình một cuộc sống hưởng thụ thanh nhã sau khi về hưu. Lúc ấy anh em tôi còn bé xíu, được ba gởi vào học ở Huế,  khi về Quảng Trị sống thì cây khế đã ra hoa kết trái, từ đó nó gắn liền tuổi thơ của mấy anh em. Màu hoa tím li ti đi vào cuộc đời tôi từ lúc còn ở truồng tắm mưa, cho đến tuổi cập kê kiêu hãnh của một tiểu thơ con ông "Đội xếp".     

    Ngày hè nắng nóng, ba chị em thường kéo nhau ra giếng tắm, có lần cô em gái kế rớt theo gàu xuống giếng, may mắn không sao. Nhưng hơn một tuần, em phải lọ mọ theo sau mạ, bỏ những nắm cơm trên chiếc lá mít, thắp hương gọi hồn. Mạ tôi nói làm thế để em tôi lớn lên không ngớ ngẩn. Từ đó, mấy chị em sợ cái giếng, sợ luôn cây khế, đi ngang đó gáy lạnh toát, sờ cổ thấy mồ hôi tươm rịn, (chắc đó là mồ hôi lạnh người ta thường nói). Mỗi lần xuống nhà thờ, gần đến cây khế là tôi co giò cắm đầu chạy, nghe như có tiếng chân ai đó chạy theo sau... nên lại càng vắt hết sức mà chạy. Nhưng thỉnh thoảng vẫn rủ nhau đến hái những quả khế hình sao mọng nước, vàng ươm vừa chua chua, lại vừa ngọt thanh.

    Thế rồi năm 1972, cùng dân Quảng Trị gia đình tôi bỏ nhà cửa ra đi, bỏ cây khế đứng lặng bên bờ giếng ...

    Ngày trở về, cây khế và giếng nước còn nguyên, những cây khác cùng nhà cửa đổ nát. Chúng tôi ra sức dọn dẹp vết tích chiến tranh để xây dựng cuộc sống mới trên mảnh vườn cũ đã bị băm nát vì bom đạn. Ba tôi thường hái những trái khế to và bóng loáng, mọng nước để làm món ăn trong mâm cơm hằng ngày. Nắng nôi thì kèm thêm trái vả, rau thơm chấm ruốc. Mưa thì xắt mỏng, vắt ráo, đánh ruốc lóng hết tạp chất rồi thêm gia vị vào. Khế kho ruốc phải bỏ ớt bột thật cay, kèm vài tóp mỡ rán giòn và kho thật nhỏ lửa... liu riu cho đến khi nước ruốc sền sệt, bốc mùi thơm đặc trưng đó là lúc những lát khế đã quyện với gia vị mặn mà thì nhắc xuống dọn ra mâm.

    Đĩa khế kho ruốc buổi chiều đưa ông Táo về trời.
    Trời lạnh. Nồi cơm thơm từ gạo và khoai sắn độn nóng hôi hổi. Miếng khế vừa chua chua dịu dịu, vừa cay vừa mặn mà vị ruốc. Lại do chính tay ba làm bếp trưởng nên "ngon ơi là ngon", thấm tê cả lưỡi, thấm cả vào lòng.

    Ngày nay, ngồi bên mâm cơm ề hề cá thịt, thỉnh thoảng tôi cảm thấy buồn buồn nhớ mâm cơm đạm bạc ngày xưa, nhớ ba mạ, nhớ cây khế bên giếng... và nhớ dĩa khế kho ruốc lỏng chỏng dưới ngọn đèn dầu thắt thẻo cả lòng. Nghĩ cũng lạ kỳ, nệm ấm chăn êm, ăn sung mặc sướng không nhớ, lại đi nhớ những ngày vất vả, thiếu thốn sau chiến tranh.

    Ừ mà phải rồi, trước 1975, ba mạ suốt ngày lo tính toán buôn bán, sinh hoạt của ba anh em giao phó hoàn toàn cho người giúp việc, khi tài sản cửa nhà tan nát tất cả vì chiến tranh, bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt không còn, mạ tôi không còn sức lực cũng như tinh thần bon chen làm giàu, sáng đi bán, chiều về nhà chỉ để đắp đổi qua ngày, ba thì quanh quẩn trong nhà nên bữa cơm tối bao giờ cũng rộn ràng, ấm áp.

    Bây giờ, có con, có cháu rồi, tôi ngộ ra điều quan trọng nhất và cũng giản dị nhất mà lúc trẻ thơ mình chưa hiểu, hương vị ngọt ngào của mái ấm gia đình chính là sự sum vầy, quần tụ bên mâm cơm, dù chỉ là một bữa ăn đạm bạc. Đó là một loại gia vị quý nhất, nếu thiếu nó tất cả thức ăn trở nên khô xảm trên miệng, đắng chát trên môi.... Cuộc sống bây giờ quay cuồng như máy móc, nên gia đình hầu như thiếu vắng ý nghĩa của sự sum họp tình cảm thiêng liêng.

    Săp tết rồi, tôi lại ngồi thèm được ăn chén cơm và với những lát khế đậm đà chua mặn, thèm nghe tiếng ba mạ kể chuyện cùng tiếng cười rộn rã ngây thơ của hai cô em gái bên ngọn đèn hiu hiu gió. Nhớ đến nao lòng những ngày đã quá xa xôi... về mùi vị món khế  kho mắm ruốc...

    Quảng Trị, ngày Ông Táo về trời năm Nhâm Thìn

    1 nhận xét:

    1. Cảm ơn anh Quát. Kể từ khi anh nhận lại trang Blog NHSG, em thấy thay đổi hẳn. Trang Blog NH rất gọn gàng, bắt mắt... từ hình thức đến nội dung. Rất thích

      Trả lờiXóa