Hương Thủy

Hương Thủy




NƯỚC TRÔI QUA CẦU

Những lời yêu ấy nay đà quá xa…” (Cho Người Tình Lỡ - Nhạc: Hoàng Nguyên)


Hai đứa ở cùng xóm, chung một ngõ, biết nhau từ thuở còn thơ. Thời Ni học lớp Năm, mỗi chiều tan trường, chính Cu Tí - tên móc nôi của Hoàng -  phải cầm que xua hai con ngỗng chặn đường trước vẻ mặt xanh xám của Ni.
Nhà Ni ở cuối ngõ. Căn nhà lợp ngói âm dương cổ kính với hàng chè tàu bao bọc chung quanh. Mùi hoa dạ lý thơm nức trong vườn. Ba Ni dạy trường Trung học Hàm Nghi, ngày hai buổi đi chiếc Honda Dame màu xanh qua Thành Nội. Nhà Hoàng ở đầu ngõ. Cha mất sớm, mạ tần tảo gánh bún bò nuôi ba anh em. Biết thân phận nghèo khổ của gia đình, Hoàng chăm chú học hành và nổi tiếng học giỏi toàn xóm. Cuối bậc Tiểu học, Hoàng ngồi trên chiếc xích lô của chú Tư với chồng phần thưởng Danh dự toàn trường ngập mặt trong tiếng xuýt xoa của ba Ni “Thằng này sau chắc khá!”.

Ni thi vào đệ thất. Ba qua nhà xin với mạ Hoàng “cho Cu Tí qua kèm cặp em Ni”. Năm đó, Hoàng mới học đệ ngũ trường Quốc Học. Cứ ba giờ chiều, Hoàng ôm cuốn “300 bài Toán khó “của Trần Tiếu đi vào nhà dạy Ni. Mỗi lần giảng lâu mà Ni cứ giương mắt không hiểu, Hoàng lại lấy cái thước kẻ khẻ vào tay, mặc kệ nước mắt Ni rươm rướm. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc của Hoàng, Ni thi đậu vào trường Đồng Khánh với thứ hạng khá cao. Phần thưởng ba Ni dành cho Hoàng là chiếc xe đạp Peugeot với điều kiện “ngày hai buổi chở em Ni đến trường, coi sóc nó cho Bác”. Mạ Hoàng cảm động, không nói thành lời.

Từ đó trên yên sau chiếc xe đạp của Hoàng là Ni. Ni mặc áo đầm trắng, thắt nơ đỏ xinh xắn. Hoàng bắt Ni gọi mình là  “anh Hoàng”, không được nhắc tên Cu Tí trước mặt bè bạn. Ni ngoan ngoãn vâng theo. Đoạn đường từ Nguyệt Biều thẳng xuống Lê Lợi không xa lắm. Hai anh em chuyện trò ríu ran suốt cả con đường Huyền Trân Công chúa. Hai trường cách nhau một con đường nhỏ. Đồng Khánh tan trước  Quốc Học 15 phút. Ni ôm cặp đợi Hoàng ở nhà mụ Cai. Đám bạn Hoàng cứ khen “Mi có một đứa em thiệt là ngoan”.
Một lần, xe bị xẹp lốp ở ngay Cầu Lòn, hai đứa phải dắt đi bộ. Có một thằng nhóc mất dạy cứ chạy theo tốc áo đầm của Ni lên. Ni xấu hổ đến phát khóc. Nạt ba lần không được, Hoàng chống xe xuống đập nhau với thằng nhóc. Hậu quả là chiếc áo trắng đã cũ của Hoàng rách một vệt dài ở nách. Hai đứa bàn nhau giấu ba mạ. Buổi trưa Ni trốn ngủ ra sau vườn may lại áo. Những mũi kim vụng dại nhăn nhúm.

Mi lớn dần lên và bắt đầu biết “dị”. Năm lên lớp đệ Ngũ, Ni đã mặc áo dài và đỏ mặt xấu hổ trước sự cắp đôi của mấy đứa trong xóm. Nhất là những lời trêu chọc độc ác của Luyến, đứa con gái không đẹp lắm ở gần nhà Hoàng. Luyến học đến lớp Nhất thì nghỉ ở nhà theo mẹ bán buôn. Mỗi lần thấy Hoàng chở Ni đi ngang, cái miệng của Luyến lại rống lên “Con gái chơi với con trai. Về sau cái vú bằng hai quả dừa”. Mặt Ni tía tai. Hoàng càu nhàu “Kệ nó. Đồ con gái vô duyên thúi.”
Lên đệ Tứ thì Ni nhất quyết không ngồi sau yên xe Hoàng nữa. Bây giờ tụi trong lớp cũng biết Ni với Hoàng không phải là anh em. Mặc kệ lời phân trần của Ni, tụi nó trêu “Chắc hai đứa bây đã có chi với nhau”. Chiều Ni, ba mua cho con gái một chiếc mini màu trắng xinh xắn. Bây chừ thì hai chiếc xe đạp đi song song hàng ngày trên con đường Công chúa Huyền Trân.

Ni dự định chọn ban C khi lên đệ nhị cấp. Ni nói với Hoàng “Em sợ Toán lắm. Mai sau em sẽ thi vào Đại học Sư Phạm và làm cô giáo dạy Văn”. Hoàng nói “Còn anh sẽ thi vào trường Phú Thọ. Anh muốn làm kỹ sư. Mà kỹ sư thì phải giỏi Toán”.
Một bữa Hoàng rủ Ni lên chùa Thiên Mụ cầu cho anh thi đậu Tú tài I. Lo cho Hoàng, Ni đồng ý, lại còn đem theo một thẻ nhang. Hai đứa leo lên những bậc tầng cấp rồi nhìn ra dòng sông Hương lộng gió. Nước sông xanh ngắt. Hoàng đọc cho Ni nghe bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử rồi nói “Ông Hàn Mặc Tử là thi thánh. Ni có thấy đúng là 'dòng nước buồn thiu' không?”. Ni ngạc nhiên dân ban B như anh Hoàng mà tâm hồn cũng lãng mạn rứa a?
Đến dưới chân tháp Phước Duyên, Hoàng thắp nhang rồi lầm thầm khấn. Ni hỏi “Anh khấn thi đỗ hạng ưu à?” Hoàng cười “Bí mật”. Hai đứa ăn bánh bèo Kim Long rồi đi về.

Một bữa Ni chạy qua nhà Hoàng nhờ bày cho cách làm một bài Essay. Muốn vô ban C Anh văn phải thiệt giỏi. Hoàng đang ngủ. Chắc đêm qua anh thức khuya quá. Ni lục bàn học của Hoàng tìm cuốn tự điển. Thấy một quyển sổ đèm đẹp, Ni cầm và lật ra xem.Trên nền giấy trắng, có hàng chục dòng chữ cả Anh lẫn Pháp: I love you , Je t’aime… Chu cha! Anh Hoàng có bồ. Ni nghe tưng tức trong bụng. Cô mô đây?. Ni lật qua trang thứ hai. Hàng trăm chữ Hoàng Ni nối tiếp nhau. Trống ngực Ni đánh thình thịch. Ni chạy về nhà, vào phòng nằm trên giường tim vẫn còn run.

Sáng hôm sau, bé Na kêu “Chị Ni nhanh lên, anh Hoàng chờ hơn mười phút rồi”. Ni dắt xe đạp ra. Trên quảng đường dài, hai đứa không nói với nhau câu nào.
Hôm nay được nghỉ hai giờ cuối, Ni định về trước nhưng không hiểu sao lại đứng chờ Hoàng ở bức bình phong Long mã trước trường Quốc Học. Sông Hương mùa này nước đục, báo động mùa lũ sắp về. Ni nhớ ngày còn nhỏ, hai đứa đi lội nước lụt, xem người ta cất rớ thật vui. Ni lại nhớ những dòng chữ trên cuốn tập ngày qua, lòng xôn xao… Hoàng đứng sau lưng Ni từ lúc nào. Anh trao cho Ni cuốn sách bọc giấy màu xanh da trời. “Anh tặng Ni nè”. Đó là cuốn “Lá tương tư ” của nhà văn Mường Mán, cuốn truyện đang làm xôn xao nữ sinh Đồng Khánh. Trên trang cuối cùng, Hoàng đề ba chữ nhỏ xíu bằng bút chì “Anh thương Ni”.
Chuyện của hai đứa bắt đầu như rứa đó. Ba mạ không cấm, chỉ khuyên hai đứa cứ như anh em xưa nay, khi nào lớn hẵng hay. Mạ Hoàng xuýt xoa “Thằng Hoàng thiệt có phước. Được gia đình ông Giáo thương”. Bác Tám sửa xe dưới gốc đa đầu xóm kêu “Hai đứa bây như Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga”. Rồi bác ngâm nga “Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn. Nguyệt Nga liếc thấy càng thìn nết na”.

Hoàng thi tú tài I đậu hạng Bình. Ba thưởng tờ hai trăm kêu đi ăn bù lại thời kì sôi kinh nấu sử. Hai đứa chẳng biết ăn chi ngoài bánh bột lọc học trò của mụ Đỏ bên Chi Lăng. Hoàng rủ Ni lên chùa Thiên Mụ tạ ơn. Ni hỏi có phải anh tạ ơn thi đậu? Hoàng cười “Không, hôm nớ anh cầu cho Ni thương anh”. Ni lo lắng “Người ta nói thương nhau mà lên chùa  Thiên Mụ là xui lắm”. Hoàng cả quyết “Có sông Hương làm chứng cho anh”.
Hoàng lên  lớp 12, Ni  lớp 10. Hai đứa quyết tâm học thật giỏi. Hoàng sẽ là kỹ sư, Ni sẽ là cô giáo. Bao nhiêu là ước mơ…

Vậy mà đùng một cái. Biến cố 75. Cái xóm nhỏ của hai đứa thay đổi như bom B52 nổ. Ba của Luyến không chết mà ông ta tập kết ra Bắc bây chừ trở về trên chiếc xe Com măng ca màu xanh bộ đội, nghe nói làm chức gì to lắm. Căn nhà ba tầng của Thiếu tá Huyền Trung đoàn 54 bị trưng thu thành Cửa hàng Thương nghiệp. Cô Luyến đứng vênh váo sau quầy trong chiếc áo mậu dịch viên, quyền hành to như giám đốc.
Bất ngờ hơn, ba Ni bị Công an khu vực đưa giấy gọi đi “cải tạo” vì có hai năm là Trung úy biệt phái. Mặc dù ba cố giải thích đây là chức vụ quân sự  dự bị của ngành giáo dục, thực sự ba chưa cầm súng ngày nào. Nhưng ông Công an lạnh lùng nói “Nguyên tắc thiếu úy là đã phải đi học tập. Huống gì ông lại là Trung úy. Trung úy biệt phái có nghĩa là ông được phái qua giáo dục làm nhiêm vụ gì đó rất đặc biệt”. Mạ nước mắt lưng tròng chuẩn bị áo quần cho ba lên trại Cải tạo Bình Điền. Chị em Ni khóc rấm rứt. Xóm nhỏ ngậm ngùi thương cho ông giáo hiền lành, thường làm việc phúc đức.
Hoàng chở Ni đi thăm ba. Con đường ngót hơn 20 cây số về phía tây thành phố. Qua lăng Minh Mạng, qua buôn Tà Rầu lại thêm một con dốc cao vút mà người thăm nuôi phải lè lưỡi kêu “Mạ ơi!”. Lâu dần thành cái tên “Dốc Mạ ơi!”. Lên đỉnh dốc, hai đứa ngồi nghỉ ở một bụi tre. Thấy Ni buồn Hoàng nói “Bữa ni nhà có việc chi nặng cứ kêu anh”. Ba cũng dặn dò “Nhà còn có ba mẹ con. Đêm hôm có chuyện chi cứ nhờ anh Hoàng”.
***
Đời sống ngày càng khó khăn. Đói xanh mặt. Đói vàng mắt. Khẩu phần mỗi người một tháng chỉ được mua 3kg gạo, còn toàn là bo bo, sắn lát. Ni đi mua gạo theo phân phối. Luyến cầm sổ gạo vất cái chạch, miệng mỉa mai “Hoàng thị Ni Ni. Cái tên nghe sặc mùi đế quốc”. Gạo vàng khè, ẩm mốc. Mạ phải ngồi sàng từng con mọt. Sang nhà Hoàng, mạ Hoàng khoe “Bác mua được gạo trắng tinh. Con Luyến ngó rứa mà tốt”.
Một đêm mạ buồn buồn bảo Ni “Ba đi học tập không biết khi nào về. Mạ ốm yếu không làm chi được. Thôi con nghỉ học, tìm cái ngành nghề chi giúp mạ, giúp em qua ngày”.
Ni ứa nước mắt. Thôi rồi ước mơ. Đành vậy thôi. Ni bỏ trường, bỏ lớp, xếp mấy cái áo dài trắng vào tủ đi học thêu ren ở hợp tác xã Vĩnh Ninh. Giá một bức tranh thêu được hai đồng bạc Bắc. Hoàng an ủi “Thôi để anh học gấp đôi, bù cho Ni”.

Lần thăm nuôi thứ hai, Hoàng đưa cho Ni một gói đường cát. Ni hỏi ở đâu ra. Hoàng nói cửa hàng nhờ làm sổ sách, cô Luyến tạ ơn. Ni mừng húm. Gói đường giúp ba có thêm calory sau những buổi lao động mệt nhọc. Lần này Ni đi một mình. Mấy tháng nay Hoàng cũng phải kiếm việc làm thêm. Mạ Hoàng cũng phải giải nghệ gánh bún bò. Thời buổi không ai có tiền để ăn thứ hàng xa xỉ này. Lên con dốc “Mạ ơi!”, Ni ngồi nghỉ đúng chỗ hai đứa ngồi hôm trước. Ba gầy và xanh hơn. Ba an ủi Ni “Chắc Ba học tập cũng nhanh thôi. Ba đâu có làm gì hại dân hại nước”.
***
Bé Na kêu “Ui chị Ni, em thấy anh Hoàng chở bà Luyến”. Ni gạt phắt “Đừng nói tào lao. Công việc đó em”. Thâm tâm Ni cũng nghĩ bé Na nói bậy. Ni tự tin nhớ lời Hoàng “Con gái con lứa ăn nói cục mịch, cười ha hả. Vô duyên”.
Dạo này Ni thêu đẹp, chăm chút từng đường kim mũi chỉ cố tăng thêm thu nhập. Chị  tổ trưởng khen “Bé Ni có năng khiếu”. Ni cười buồn “Gặp thời thế thế thời phải thế!”. Ni nhớ tuổi thơ năm nào vụng về may cái áo rách cho Hoàng. Mai sau mình sẽ vá áo cho anh ấy thật đẹp.
Ni lên cửa hàng Thương nghiệp Thành phố xin duyệt cái giấy giới thiệu mua chỉ màu cho tổ hợp thêu. Lâu rồi Ni không đi đâu, chỉ biết cắm mặt vào cái khung thêu. Con đường Lê Lợi thênh thang với hàng cây long não xanh ngắt trên đầu. Ni nghe lòng chùng lại khi đi qua trường cũ. Ngay cả ngôi trường cũng đã thay tên. Ni tò mò đưa mắt nhìn vào. Môt đám học sinh vừa nam vừa nữ đang quét dọn trong sân. Ngôi trường cũng không còn độc quyền giành cho đàn bướm trắng của Huế. Ni nhớ cái phòng học tôi tối của lớp 10 C; nhớ giờ Anh văn của thầy Hạnh; nhớ  cây thước của cô giám thị Hạnh Phước; nhớ giờ ra chơi chạy xuống mua yaourt với mục đích chỉ để ngắm khuôn mặt duyên dáng của chị Minh Đức rồi bàn tán chị nào đẹp nhất trường mình. Chị Tiểu Kiều hay Mộng Vân, Tường Vy…Tất cả bây chừ như một thế giới mơ hồ xa lắc.

Chực chờ cả hai tiếng đồng hồ, bà chủ nhiệm mới duyệt cho Ni với một chữ ký loằng ngoằng không rõ nét. Ni thở phào nhẹ nhõm bước ra. Chiều đã về trên thành phố. Những đám mây trắng lang thang trên bầu trời. Ni yêu Huế, một xứ Huế cơ cực nhưng duyên dáng, những con người hiền lành với những mối tình dài lâu như ba mạ, như Ni với Hoàng. Ni tự nhắc mình nhớ nhờ Hoàng qua sửa cái công tắc điện nhà bếp tối nay.
Ni ngồi ở chỗ sửa xe của bác Tám chờ Hoàng. Mạ Hoàng nói anh đang quyết toán sổ sách cuối quý cho cửa hàng. Ni ngại khi phải chạm mặt Luyến. Bao giờ mặt cô ta cũng đăm đăm khi thấy Ni. Bác Tám hỏi thăm tình hình của ba Ni rồi thở dài.

Chờ lâu lắm rồi Hoàng cũng bước ra, sau lưng là Luyến. Luyến nhảy lên sau yên chiếc xe đạp rồi vòng tay ôm lấy lưng Hoàng. Trên giỏ xe đầy ắp thuốc lá, đường, sữa… Hoàng cong lưng nhấn cái bàn đạp. Anh ngó lơ khi nhìn thấy Ni. Nụ cười của Luyến vang vọng khanh khách. Ni cúi mặt nghe lòng chênh chao. Bác Tám lầm bầm “Đồ ngựa Thượng Tứ !”.
Ni đi thăm ba. Dĩ nhiên là không còn Hoàng. Cái giỏ xách nhẹ mà lòng Ni nặng trĩu. Đẩy chiếc xe đạp lên dốc “Mạ ơi!” tưởng không muốn nổi nhưng Ni không dừng lại nghỉ, không ngó đến nơi hai người đã từng ngồi. Câu nói hôm nào đau thắt trong ngực Ni “Có sông Hương làm chứng cho anh”.
Ba hỏi thăm tình hình mấy mạ con ở nhà và rồi “Thằng Hoàng mô? Răng con đi một mình?” Ni giả đò như không nghe ba hỏi. Ba bóp nhẹ tay Ni không nói gì. Bàn tay quen cầm phấn của ba nay đã chai sần, nổi u nổi cục.
Lượt về, đứng trên dốc nhìn xuống. Nếu không có ba mạ, bé Na, chắc Ni sẽ cho xe lao xuống và buông hai tay…
***
Ni cúi mặt trên khung thêu. Cái tin Hoàng cưới cô Luyến rồi đi học Đại Học Thương nghiệp tận ngoài Hà Nội mấy hôm nay xôn xao xóm nhỏ. Nhà Hoàng được quét vôi sạch sẽ. Ông bố Luyến còn cho người tới tô xi măng cái sân. Mạ Hoàng nói với người trong xóm “Tui tội con Ni nhưng lấy con Luyến thằng Hoàng mới có tương lai”. Chú Tám sửa xe lại nói lối “Xin đừng tham đó bỏ đăng. Chơi lê quên lựu chơi trăng quên đèn”. Mỗi lần bắt buộc phải đi ngang nhà, Ni che nón cúi mặt bước nhanh như chạy trốn.
Chị Tổ trưởng xếp lại mấy cái khăn thêu nói bâng quơ “Ở xứ ni con gái bao giờ cũng thiệt thòi vì cái tình nặng quá. Con trai rủ một cái nhẹ tênh”. Cây kim đâm vào ngón tay Ni. Một giọt máu rơi xuống bức tranh thêu. Mắt Ni long lanh. Chỉ tại chiều hôm nay trời nhiều gió…
***
Ni mở cái hộp gỗ cẩn xà cừ mạ cho hôm sinh nhật mười sáu tuổi. Mùi hương trầm thoang thoảng bay lên. Tất cả gồm ba mươi hai tờ giấy perlure màu xanh, màu hồng  được buộc lại bằng một sợi ruy băng đỏ. Niềm tin của Ni đó. Tình yêu của Ni đó.
Ni châm ngọn nến trắng. Tay run run cầm những tờ thư. Này là hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong bài Tương Tư: “Trăng soi trước mặt ngờ chân bước. Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào”. Này là thơ Xuân Diệu: “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất. Anh trao em cùng với một phong thư ”. Này là đóa tường vi được ép khô hôm hai đứa đi vô Đại Nội. Này là cây viết Pilot màu tím có khắc hai chữ Hoàng Ni…
Một tấm ảnh rơi ra. Ảnh của Hoàng hôm thi đậu Tú tài Bán được thầy Hiệu trưởng Quốc Học Phan Khắc Tuân trao phần thưởng. Nụ cười Hoàng trong sáng rạng rỡ. Ni thẫn thờ  đưa bức ảnh vào lửa. Gương mặt Hoàng méo mó, nhăn nhúm, cong queo.
Ni mở to mắt nhìn trừng trừng đống tro tàn. Đầu xóm tiếng pháo đón dâu nổ ran…


_______________________________________



TÌNH PHỤ
  • Hương Thủy


Chuyện chú Ngọ gò o Mận cả xóm Bói đều biết, chỉ có mạ o là không hay. Mụ Bốn vui trong bụng khi thấy o Mận dạo ni làm siêng tối tối ra cắm ba cây nhang ở bàn thờ ông Thiên đầu cổng. Mụ nghĩ thầm “Hắn còn nhỏ mà đã có lòng thờ phượng thì cũng mờng. Rồi trời phật phù hộ độ trì cho hắn".
Bữa nọ dậy sớm, mụ Bốn xách chủi rèng ra quét cổng ngõ. Mụ hầm hầm chưởi vang “Mệ nội đứa mô vặt hết đám chè tàu của tau trụi lủi”.  O Mận tái mặt kéo tay mụ “Thôi mạ ơi! Tụi con nít hái chơi đồ hàng đó mà. Mạ chưởi chi cho mất lòng hàng xóm”.
Khi hàng chè tàu đã lên những chồi non xanh biếc; khi bốn bàn tay của chú Ngọ và o Mận ý tứ không dùng để bứt lá thì mụ Bốn bắt đầu nhận ra những tín hiệu lạ từ con gái. O Mận xanh lét, cái cổ ngẳng ra, lông mày dựng đứng. O dấm dúi lặt những trái chanh non nhỏ xíu sau vườn chấm muối nhai rau ráu. Mụ Bốn thả cái mẹt gạo xuống nền nhà, nắm tóc o Mận kéo vào buồng, vạch áo ra. Trên bộ ngực thanh tân, hai cái núm vú đã chuyển màu nâu sẫm.
Mụ Bốn ngồi bệt xuống đất, thở không ra hơi . “Mi…mi… cái đồ thúi tha, rượng đực. Thằng mô… Thằng mô… Trời ui là trời…”. Tóc o Mận rối bù đổ xuống vạt áo đứt nút. O khóc “Con lạy mạ… con xin mạ… Để con nhủ eng đi đám nói”.

Nhưng cái đám nói mà o Mận hy vọng đã không diễn ra. Nhà Ôn Xạ chê mụ Bốn nghèo, con gái mà hư thân mất nết. Biết đó có phải là con thằng Ngọ không hay “Con ai đem bỏ chùa này?” Mụ Xạ ra chợ gia binh trên Cầu Lòn quệt hai ngón tay quanh cái miệng đầy cốt trầu “Tui không làm cao dưng mà nhà nớ khôn bì được. Tui không bưng trầu cau đi hỏi con gái hư. Thời tui lấy dôn, ôn Xạ phải nằm dưới đất một tuần. Có mô dư con cấy thời ni “Bạ mô là  , ngã mô là chờng”.

Dù bị mạ nhốt trong buồng nhưng o Mận cũng tìm cách gặp được chú Ngọ một lần. O chảy nước mắt hỏi “Eng còn thương tui khôn?”. Chú Ngọ chắt lưỡi “Em cứ hỏi chi như con nít năm tuổi, thương chớ răng không thương!”. Chú Ngọ không biết rằng khi lo âu, người ta cứ muốn nghe mãi những câu khẳng định, những câu làm cho người nhận cảm thấy an tâm. Câu trả lời của chú trớt quớt như tránh né. Chú chán rồi chăng? Không biết. Chỉ biết rằng tháng sau chú tình nguyện đi lính như bài hát đang oang oang trên đài phát thanh chi khu Mai Lĩnh “Đi quân dịch là thương nòi giống”.

O Mận biết tin chú Ngọ bỏ nhà đi qua ba dòng chữ chú nhờ thằng Tí Em dấm dúi. Xưa nay trong xóm Bói, chú Ngọ nức tiếng “miệng dẻo như kẹo kéo”. Trên đầu giường của gã con trai trình độ lớp đệ Lục Trường tư thục Thánh Tâm này là một đống tiểu thuyết của bà Tùng Long, Trọng Nguyên, Nghiêm Lệ Quân… Mấy dòng chữ chú viết cho o Mận y hệt thư của chàng công tử Triệu Vỹ viết cho cô gái Mỹ Lan trong tiểu thuyết Bên dòng sông Trẹm của nhà văn Dương Hà “Em đừng trách anh. Chúng mình có duyên mà không có nợ. Anh còn trách nhiệm đối với giang sơn tổ quốc. Mình hẹn nhau kiếp sau”. Ui trời, nếu ông tổng thống Thiệu nghe được, chắc tên chú Ngọ sẽ được lên nhật trình.
O Mận trợn trắng con mắt, đấm ba cái bịch bịch vào bụng, cười khanh khách, xé lá thư của chú Ngọ làm hàng chục mảnh nhỏ tung lên trời. O bỏ ăn, nằm bệt trong xó buồng tối, khi khóc tru tru, khi cười ngô nghê.
Bây chừ thì mụ Bốn lo lắng. Mạ nào mà chẳng thương con. Huống chi xưa nay o Mận nỏ phải là thứ gái lẳng lơ. Ôn Bốn chết sớm, mụ ở vậy nuôi đứa con gái độc nhất, nhà có nghèo nhưng đâu đến nỗi con cái hoang đàng. “Con ơi, con ăn một chút cho mạ nhờ. Thôi thì “con dại có cháu ngoại bồng”. Mạ không la con nữa mô”.
Mụ Bốn cúi mặt lầm lũi đi chợ bán hàng, mặc kệ thiên hạ chỉ chỏ bàn tán. Được bao nhiêu tiền, mụ mua cá giếc nấu rau răm cho o Mận ăn hạ hỏa. Mụ lùng cá bống thệ kho khô để o ăn cháo gạo hẻo rằn. Mụ còn dấm dúi rút trong số tiền để dành hậu thân hậu thổ ra ngoài chợ tỉnh, vô tiệm Đức Thọ Đường bổ cho con mười thang thuốc Bắc.
Không hiểu nhờ thầy thuốc mát tay hay vì lòng thương mạ mà dần dần bệnh tình o Mận thuyên giảm. O đã ra được đầu hè ngồi phơi nắng cho mụ Bốn rẽ tóc bắt chí, cái bụng thè lè như con ểnh ương. Mái tóc đẹp nhất xóm bây chừ xơ xác, lởm chởm như trải qua cơn bệnh thương hàn. Làn da xanh và mỏng, nắng soi qua được. Không ai còn thấy nụ cười o Mận.
*
Bà mụ Thơm loan báo o Mận đẻ được một thằng cu cái mặt “y chang thằng cha Ngọ”. Tràng hoa quấn cổ. Đập vào mông ba cái mới khóc oe oe. Thằng này chắc sau làm lớn lắm đây. Xóm Bói lại có một đề tài sốt dẻo cho mấy mụ đàn bà vô công rỗi nghề bàn tán. Quán nước chè của mụ Tươi bỗng dưng đắt hàng, chiều mô cũng có người ghé chuyện trò râm ran.
Mụ Xạ lảng vảng nghe ngóng, thăm dò. Đàn bà thường hay quên. Mụ Xạ cũng quên tuốt những lời chửi mắng o Mận của mình trước đây. Dù răng chú Ngọ cũng là con trai duy nhất trong bầy con sáu đứa, hũ mắm treo đầu giàn. Mụ về thì thầm với ôn Xạ “Hay mình qua nhìn cháu? Hắn đi trận mạc lỡ có chuyện chi thì còn có thằng đội mũ mấn”. Ôn Xạ gạt phắt “Kì ni thằng Ngọ về phép, cưới cho hắn con vợ thì có cháu ngay. Mắc chi mụ lo”. Mụ Xạ tần ngần nhưng sợ chồng nên cũng im re. Thi thoảng có việc ra cánh đồng Long Hưng, ngang nhà o Mận, mụ che nón nhưng mắt len lén dòm vào coi có gặp ai bồng thằng cháu không.
Thằng con o Mận, nhờ trời thương nhà nghèo, ăn ngủ ngoan như con cun cút. Căn nhà tranh trong khu vườn chuối im ắng, không hề nghe tiếng à ơi. O Mận ru con bằng những lời thầm thì trong cổ họng. Lắng nghe kỹ loáng thoáng mấy câu:  
Eng nói với tui như rìu chém xuống đá
         Như rựa chém xuống đất
         Như mật rót vào tai
         Bây chừ eng đã nghe ai
        Bỏ tui giữa chốn non Đoài khổ chưa?!

Mệ Thơm hàng xóm qua chơi thì ít, dòm ngó thì nhiều. Mệ chép miệng “Thôi, cho cháu về dòm ôn bà nội đi. Có ghét chi thì cũng là cháu đích tôn”. Mụ Bốn dài môi “Đích tôn thừa trọng, đứt họng lòi da. Bước vô nhà ni, tui chém chết”.
Ôn Trưởng ấp vô nhắc, hối làm giấy khai sinh. O Mận chỉ hé răng nói một câu “Mạ Lê Thị Mận. Con là Lê Hận. Rứa thôi!”.
*
Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò… thằng cu Hận lớn nhanh như thổi. Mới đó đã chập chững biết đi. Rồi cũng phải nghĩ đến chuyện làm ăn. Nhà một mạ một con, mụ Bốn mỗi ngày một yếu.
Sau ba đêm bàn bạc, mụ Bốn nhờ chú Hoạt làm một cái quán tranh gần ngã ba Long Hưng, cất nhờ trên đất ôn Bá bà con xa, cạnh lò gạch Trương Kế. Quán bán mấy chai bia con cọp, vài chai xá xị, dăm ba thẩu kẹo bánh. Buổi sáng thì có thêm bó rau, trái cà trái mướp của mấy nhà trong xóm.

Rứa mà quán đông khách mới lạ.Trước hết là mấy mụ đàn bà. Ghé quán làm chi? Để coi thằng Hận có giống chú Ngọ khôn? Để coi mặt mày o Mận bữa ni ra răng? Mà chả lẽ đi không. Thôi thì mua bó rau, củ hành cho có chuyện mà trạo.
Thứ hai nữa là mấy chú lính "Địa Thiên Lôi"  ở trạm gác Long Hưng. Ngồi lâu cũng mệt, ghé quán làm ly bia giải khát, ngó cô bán quán cũng hay.
Thứ ba nữa, đúng như lời ôn cha nói: “Cơm chín tới, cải ngồng non. Gái một con, gà mái ghẹ”. Sau gần cả năm ở biệt trong nhà, o Mận đẹp ra. Da trắng, tóc xanh, ánh mắt xa xăm và không hề cười dù người khác kể chuyện tiếu lâm. Tất cả làm o thêm phần bí ẩn.

Chi khu Mai Lĩnh thành lập, hàng o Mận tự dưng có nhiều khách mà đông nhứt là lính. Không chỉ lính Địa phương quân mà còn là lính của Trung đoàn I, lính Tiểu đoàn 11 Pháo binh … Thời buổi chiến tranh, đời lính sống nay chết mai, sau những cuộc hành quân trở về hậu cứ, họ cần nhìn người nữ cho đời thêm tươi, để có chuyện mà kể khi ôm súng nơi tiền đồn. Không với được gái tiểu thư thì ra quán ngắm gái một con cũng đặng. Dù cô chủ không cười với một ai nhưng ánh mắt của cô cũng làm mát lòng chiến sỹ. Vậy là mụ Bốn nghỉ chợ búa, quanh quẩn trong nhà, mọi chuyện giao cho o Mận. Trước không giữ được, chừ còn cái chi mà giữ! Quán cứ đắt và o Mận cứ lạnh lùng…

*
“Chú Ngọ về!”. Thằng Tí em vừa chạy vừa la. Mụ Xạ bỏ dở con dao xắt chuối, lạch bạch chạy ra. Ôn Xạ đang ngồi kéo thuốc lào cũng lật đật gác điếu. Xóm Bói đổ vội ra dòm.
Chú Ngọ mặc bộ áo quần nhà binh còn mới, cái loon binh nhất trên vai, ba lô sau lưng. Gặp ai chú cũng cười, hàm răng nổi bật trên khuôn mặt đen như ảnh ông Chà Và ngoài ống kem Hynos. Nhà ôn Xạ chật ních người. Chú Ngọ ra đi có thư từ chi mô. Đông nhất là lũ con nít đứng chắp tay ngơ ngáo dòm, rồi mấy mụ đàn bà. Lại đàn bà xóm Bói! Họ chờ coi nhà ôn mụ Xạ nói chuyện chi.
Nhưng đúng là nhà ôn Xạ! Chú Ngọ thay áo quần xách gàu ra giếng; ôn Xạ tiếp tục cữ thuốc lào; mụ Xạ đi nhốt con gà tơ chuẩn bị nấu cháo. Không ai nói gì. Đám con nít thấy không có chi hấp dẫn bỏ về trước. Mấy mụ đàn bà cũng tẽn tò rút lui.
Đêm hôm đó, sau khi lai rai ba xị đế với cái giò gà, chú Ngọ nằm dài thoải mái trên bộ ván ngựa nghe Út Trà Ôn ca vọng cổ bài Tình anh bán chiếu. Dọn dẹp xong, mụ Xạ lại gần con trai hạ giọng:
- Hắn đẻ rồi mi!
Chú Ngọ hỏi: - Mạ nói ai?
Mụ Xạ chắt lưỡi: -Thì con nớ, con Mận đó.
Chú Ngọ bắt tréo chân: - Tưởng chuyện chi! Đẻ thì đẻ chớ. Lâu quá rồi mà…
Mụ Xạ thì thầm: - Con trai mi nờ!
Chú Ngọ tỉnh bơ: - Mạ muốn cháu à. Tui cho một đống. Tui có bồ rồi. Gái Sè Gòng đàng hoàng. Gái nhà quê ni kiếm mô chẳng được.
Phía bên tê giường, ôn Xạ tằng hắng: - Sáng mơi, hai mạ con qua bên nớ thảy cho nó mấy ngàn bạc đem thằng cu về.
Chú Ngọ quay mặt vô vách ngáy. Mụ Xạ loay hoay trong buồng với cái rương bằng gỗ lim.

*
Mụ Bốn đang cho thằng Hận ăn trên hè. Thằng bé bước lẩm chẩm trên nền đất nện, lâu lâu vấp ngã lại cố đứng dậy cười sằng sặc. Cái thằng được cả nết ăn lẫn nết ngủ, có vậy o Mận mới thay mụ gánh vác cả gia đình. Chiều ni o mua được mớ cá tươi, lúi húi kho dưới bếp, mùi thơm lan tỏa trong nhập nhoạng.
Có bóng người đi vô sân. Con chó vện nằm dưới gốc bưởi gầm gừ. Mụ Bốn lấy tay che trán dòm ra. Ai tới chơi cử ni?
Mụ Xạ đặt chiếc nón dưới mái hiên, chiếc nón như một phương cách cho mụ trốn lánh ánh mắt hàng xóm. Ấy thế mà chú Ngọ thản nhiên huýt sáo đi nghênh ngang đằng sau. Mụ Xạ cất tiếng: - Chào ả!
Bây chừ thì mụ Bốn đã nhận ra. A, nhà cái thằng đã làm cho mạ con mụ khốn khổ. Mụ mát mẻ: - Mụ tới nhởi hay có chuyện chi? Nhà ni nghèo mô xứng.
Mụ Xạ dòm thằng bé. Ui chao. Giỏ nhà ai quai nhà nấy. Cái mặt nớ đích thực là mặt thằng Ngọ thời nhỏ. Cũng con mắt to, cái mũi hơi gồ… Mụ mê man. Phải chi được hun nó một chặp. Mụ kéo tay chú Ngọ:
- Tui đưa cháu tới xin lỗi ả và con Mận…
Mụ Bốn xốc cháu lên: - Lỗi phải chi mà xin!
Chú Ngọ tự tin bước vào nhà ngồi xuống cái chõng tre. Chú biết o Mận yêu chú lắm lắm. Ở hàng chè tàu ngoài tê o đã từng cắt cho chú một lọn tóc thề nguyền. Không biết chú vất chỗ nào rồi. Chẳng nhớ. Mục đích chú đến đây cũng chỉ vì thằng cu. Đem được nó về nhà là tốt cho ôn mệ già.  Còn chú .Trai giang hồ, thiếu chi. Cỡ như o Mận, gái nhà quê, nước gì!
Mụ Bốn tay run run thắp ngọn đèn dầu. Thiệt sự trong tâm mụ, nếu như nhà ôn mụ Xạ biết lỗi đưa hai mạ con về thì mụ cũng cam tâm. Lòng mụ khi nào cũng thương con. Mong hai mạ con nó yên lành thì mụ cũng yên tâm nhắm mắt.
Mụ Xạ thân mật: - Thôi đèn đuốc mà chi. Ả ngồi tui nói chuyện…
Chú Ngọ tay ngoắt ngoắt thằng bé, dứ dứ gói bánh trong túi. Mụ Bốn kéo cháu vào lòng: - Có chuyện chi mụ cứ nói.
Mụ Xạ tằng hắng: -  Hôm ni tui qua đây nói chuyện với mụ. Con cháu ai mà không thương. Dù răng đây cũng là hột máu của nhà tui. Mọi chuyện dĩ lỡ rồi. Thôi, xin mụ cho cha hắn nhận con, cấy dôn tui nhận cháu…
Mụ Bốn ngớ người ra. Nhận cháu thôi à! Mụ có lãng tai khôn? Té ra tui nuôi công cốc cho mấy người a? Té ra con tui đẻ cháu ra cho không mụ a?
Như để tăng sức mạnh cho câu nói của mình, mụ Xạ rút trong bọc ra gói ni lông cột chặt: - Tui cũng bù chì cho mụ chút ít, cho con Mận chút vốn đi lấy dôn…
Từ dưới nhà bếp, o Mận chạy vụt lên. Không ai nhận ra người con gái hiền lành của xóm Bói nữa. Mắt o long sòng sọc, mặt đỏ gay:
- Mấy người định cướp con tui đi à? Đồ khốn nạn!
O chỉ tay vào mặt chú Ngọ: - Thứ điếm đàng! Đồ sở khanh!
Chú Ngọ chụp lấy tay o Mận. O giật ra: - Đừng đụng vào người tui.
O Mận đùng đùng chạy xuống bếp. Người ta nghe tiếng dao liếc xoèn xoẹt vào đít chén. O định làm chi? Chém chú Ngọ hay răng? O lại chạy lên. Trời đất ! O kê ngón tay trỏ vào cạnh bàn, chém cái bụp. Lóng tay đứt rời ra, bay xuống đất. O Mận, giọng run rẩy, căm giận: - Cút đi! Lời nguyền của tui đó.
Mụ Xạ đứng bật dậy, chụp  mớ tiền trên mặt bàn vội vã bước ra. Chú Ngọ cũng theo bén gót. Gói bánh rơi xuống đất. Con chó vện chạy lại táp vội. Tiếng thằng cu con khóc thét…

*
Trong số người hay ghé quán o Mận có chú Phê, tài xế thiếu tá Thông, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Pháo Binh đóng ở trại Nguyễn Văn Thoại, đường lên La Vang. Chú Phê người cùng làng Diên Thạnh, huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa với thiếu tá. Lúc còn nhỏ, có lần thằng Phê đã cứu một thằng nhóc khác xém chết đuối dưới cầu Hà Dừa. Thằng nhóc đó chính là ông thiếu tá hiện tại.
Cuộc đời đưa đẩy, chú Phê gặp lại ông Thông lúc ông còn làm sỹ quan "đề lô" cho đại đội 4, tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 22. Cảm cái ơn cứu tử, đi đâu thiếu úy Thông cũng dắt dìu chú binh nhì này. Ông đổi từ Nam ra Trung, từ sỹ quan tác xạ qua Pháo đội trưởng, từ ban III lên Tiểu đoàn phó cho đến khi ra vùng địa đầu hỏa tuyến với chức Tiểu đoàn trưởng. Và chú Phê theo “ông  thầy” như bóng với hình. Chỉ có chú Phê mới biết ông thiếu tá thích ăn cơm cháy với tóp mỡ, thích uống cà phê không đường pha thật đậm. Áo quần của ông thiếu tá, ngoại trừ bộ đồ treillis phải ra tiệm hồ cứng thì tất cả đều do tay chú Phê giặt giũ. Có thể nói chú vừa là tài xế, vừa là quản gia, vừa là đầu bếp cho ông thầy.
Lo cho ông thiếu tá, chú Phê quên luôn cả bản thân. Quay đi quay lại, chú đã hơn ba mươi đeo loon trung sỹ mà vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Ông thiếu tá có nhắc thì chú gãi tai cười hì hì nhe cái răng vàng bên khóe miệng. Ấy thế mà dạo này chú hay ghé quán o Mận mới kỳ.
Mọi chuyện cũng có nguyên do. Cô người yêu  của ông thiếu tá thích ăn ổi mà bữa đó đi ngang quán, chú Phê thấy có mớ ổi thật ngon. Muốn ông thầy“lấy điểm” với nàng, chú Phê thắng xe mua hết rổ. Trong khi chờ o Mận tìm cái bịch ni lông, chú Phê bồng thằng cu cho nó bấm còi chiếc Jeep “tin tin”. Thằng bé khoái chí cười tít mắt và khi chú Phê lái xe đi thì nó khóc òa. Đã từng nghe câu chuyện của cô chủ quán nên trái tim nhân ái của người đàn ông chơn chất này thấy tội. Và từ đó mỗi khi chở ông thiếu tá về hậu cứ tiểu đoàn thì chú Phê lại ghé quán cho thằng cu ngồi trên cái ghế bác tài bóp còi thoải mái. Chú không ba lơn ba cợt như mấy tay tới tán o Mận; chú cũng không ra dáng ta đây lái xe Jeep. Chú lấy thùng gỗ pháo binh đóng cho o Mận mấy cái ghế đẩu, làm cho thằng cu con ngựa phi nhong nhong, lại chịu khó xuống dưới pháo đội tác xạ xin tấm bạt che mưa tạt bên hông quán. O Mận pha cho ly nước chú cũng chỉ nhe răng cười thay lời cám ơn.
Một bữa nọ, khi lái xe chở ông thầy vô Huế họp ở Bộ tư lệnh tiền phương Sư Đoàn I, chú Phê ghé chợ Đông Ba mua chiếc nón bài thơ có cái quai màu tím, lại mua thêm một chiếc xe nhựa .Tất cả được gói ghém cẩn thận bỏ phía sau xe. Thiếu tá Thông trợn mắt: - Mày mua cho ai đây Phê?
Chú Phê gãi tai, đỏ mặt: - Người ta gởi… Thiếu tá.
- A, thằng này ngon hơn cả tao. Bộ có bồ rồi hả?
- Chưa thiếu tá, đang ở giai đoạn dò dẫm.
- Tác xạ nhanh cho tao. Tiểu đoàn vừa nhận thêm mấy khẩu pháo 155 ly. Đừng làm mất mặt dân Pháo binh nghe mậy.
Hai thầy trò cùng cười sảng khoái.
*
Mưa dầm thấm lâu. Từ những chăm nom lo lắng chân tình của chú Phê với cái quán, với thằng Hận, o Lựu không còn có thái độ lạnh lùng. O chưa cười với chú nhưng thái độ có khác so với người ta. O nhẹ nhàng cám ơn khi chú cho thằng Cu gói kẹo, chở cho mụ Bốn mấy bó củi chụm bếp. O dư biết chú Phê thương mình nhưng o như con chim sợ cành cây cong. Hơn nữa, chú Phê quê quán xa xôi quá, biết người ta thiệt hay giả.
Rồi có ai đoán được chữ ngờ. Buổi sáng trước khi dọn quán, o Mận nghe mụ Bốn than đau đầu, mặt đỏ ửng. O định nghỉ bán nhưng mụ Bốn sợ ở nhà thì mấy nải chuối chín hư nên xua tay quầy quậy “Đi đi. Có chi mô. Chút mạ hái nắm lá diếp cá giã đắp đầu hết liền”.
Buổi trưa o Mận nhờ người  giữ quán  rồi chạy về coi mạ ra răng và lấy chén cơm cho thằng cu thì thấy nhà im ắng. O vô buồng thấy mụ Bốn trùm chăn nằm trên chõng. O lay lay “mạ ơi, mạ ơi” thì thấy người  mụ lạnh ngắt. Hỡi ôi, mụ chết tự lúc nào! Cái đó người nhà quê gọi là trúng gió.

Đám tang mụ Bốn là cơ hội để chú Phê cho o Mận thấy tấm chân tình của mình. O Mận chân yếu tay mềm, thờ thẩn như người mất hồn, người ta kêu chi làm nấy. Chú Phê nhờ mấy tay trong đội mai táng tiểu đoàn tẩm liệm, thiếu tá Thông thương thằng đệ tử cho mượn thêm hai chiếc xe Dodge, lại xin cho miếng đất trên nghĩa trang quân đội La Vang gần cái chùa có thầy Tuyên úy kinh kệ. Dòm đi dòm lại trong xóm Bói, đám tang của mụ Bốn coi bộ đàng hoàng nhất.
Một năm sau, cảm cái nghĩa của chú Phê, ngày giỗ của mụ Bốn là ngày o Mận nhận làm vợ chú. O dẹp quán, đóng cửa nhà, lên trại gia binh tiểu đoàn ở. Một năm nữa, thằng cu có em. Chú Phê nói với o Mận làm lại giấy khai sinh cho thằng cu. Anh là Hân, em là Hạnh, bỏ cái dấu nặng đi. Đừng để cái khai sinh cũ lớn lên nó tủi. O Mận cảm động gật đầu.
Năm 1971, sau trận Hạ Lào, thiếu tá Thông lên trung tá và có sự vụ lệnh đổi về Nha Trang làm Tiếu đoàn trưởng Tiểu đoàn 63 Pháo binh. Thôi thì cũng là một cơ hội để biết quê chồng và cũng giã từ cái xóm Bói làng Thạch Hãn với những đau buồn trong quá khứ, gia đình chú Phê sắp xếp đi theo ông thầy.
Leo lên chiếc máy bay trực thăng, từ trung tá Thông cho đến hai vợ chồng chú Phê đều ngậm ngùi. Chỉ có hai thằng cu toét miệng ra cười.
Tháng 4 năm 1975, từ đèo Phượng Hoàng, Trung tá Thông di tản về và kẹt cứng ở Nha Trang. Ông trốn lánh và không ra trình diện chính quyền mới. Chính chú Phê đã tìm mọi cách để đưa ông thầy về Sài gòn. Chú móc nối với người bà con và một đêm tối trời, chú đã đưa trung tá và gia đình lên Chụt xuống ghe. Nửa chừng nghe qua radio chính quyền Sài gòn buông súng họ đi thẳng ra khơi và lên tàu Midway của Mỹ.
*
 Tháng Tư chú Ngọ cũng trở về làng. Nhờ thành phần hạ sĩ quan, chú chỉ phải học tập “đường lối chính sách Cách mạng” trong năm ngày. Nhưng làm gì để ăn đây? Xóm làng tiêu điều xơ xác. Người đi kinh tế mới, người di dân tự do vô Nam. Ôn mụ Xạ đã già, ruộng đất thành của hợp tác xã. Chú Ngọ vác cuốc đi hai ngày rồi về nằm thở dốc. Xưa nay chú là loại ăn bơ làm biếng, đi lính cũng chỉ làm “lính cậu”. Bây chừ làm răng?
Mụ Xạ xưa nay vốn là người nhìn xa trông rộng. Một hôm, mụ nhấm nháy chú Ngọ: “Mạ thấy mi lấy con Lịch coi bộ được đó con”.
- Con Lịch mô mạ?
- Con mụ Thù có ôn chồng mới đi tập kết về đó mi.
Chú Ngọ trợn mắt: - Ui! Cái con “Mắt chỉ thiên, mắt ngưỡng địa” đó hả? Cái con mười sáu tuổi còn đái mế thúi hoắc đó hả?
- Mệ nội mi. Hắn thúi mà lí lịch hắn thơm. Mi làm chi được với cái danh “Ngụy”…
Rồi mụ nói như dỗ dành: - Có điện đóm mô mà sợ. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh con à. Thời ni có cơm ăn là tốt rồi.
Chú Ngọ càu nhàu: -Tui mô mà hạ giá rứa trời!
Nhưng quả thật. Lúc đói mới biết giá trị của miếng ăn. Nhà mụ Xạ từ ăn độn chuyển sang ăn sắn lát, rồi bo bo. Đến khi bo bo cũng không có để mà ăn thì chú Ngọ đành lấy cô Lịch thôi. Lấy cô Lịch chú sẽ có cái chức “Đội trưởng”, sẽ có gạo “tiêu chuẩn” và sẽ chấm mút được chút công điểm của bà con.
Đám cưới của chú tổ chức trong gian nhà kho của hợp tác xã, có kẹo Hải Hà, có thuốc lá Điện Biên giấy bạc. Mọi người hoan hỉ vì thiếu chất ngọt từ lâu, mỗi người đến dự được phát ba cái kẹo mà ít ai dám ăn, toàn bọc túi để dành. Đi bên cạnh bà vợ xà nẹo cười toe toét, chú Ngọ bỗng dưng nhớ đến nụ cười chúm chím và mái tóc ngát mùi hương nhu của o Mận một thời trong quá khứ…

Quả là o Lịch mắn đẻ hay là mạ già ruộng ngấu. Chỉ trong sáu năm, lần lượt bốn đứa con ra đời. Ngặt một nỗi toàn con cấy . Chú Ngọ là con trai một, mụ Xạ đêm ngủ không ngon giấc. Mụ trút nỗi dằn vặt lên o Lịch. Thoạt đầu là những câu bóng gió xa gần. Rồi sau là những câu chạm mặt “Thứ đồ không biết đẻ”. O Lịch cũng không vừa. Ta là gái dòng giống Cách mạng mà. Ngụy như bên nớ lấy được mừng húm. “Mạ cũng đẻ một bầy vịt trời, nói chi tui”.
Ôn Xạ đã chết, mụ Xạ ngày một già, nói chi lại. Mụ thắp hương cầu khấn trên bàn thờ, ngoài cổng ngõ mặc kệ con dâu chê “dị đoan, không theo đời sống mới”. Thỉnh thoảng trong những giấc ngủ nửa đêm về sáng, khuôn mặt thằng cu con o Mận chập chờn hiện ra. Chao ui cái thằng. Giống cha như đúc… Biết chừ ở mô.
Mấy đứa cháu nội gái hùa theo mạ ăn nói chỏng lỏn, đanh đá. Đôi khi mụ Xạ nhớ lại những câu nói mình rủa xả o Mận. Phải quả báo không trời?! Nước mắt mụ ứa ra.

Hợp tác xã làm ăn thua lỗ, giải thể. Ông bố vợ Cách mạng đã về hưu không giúp chi được, chú Ngọ đành đi xe đạp thồ. Sáng sáng chú chở gánh hàng của mấy o buôn chuyến lên ga Quảng Trị kiếm đồng bạc. Thời buổi của khôn người khó, thêm mẹ già và mấy cái "tàu há mồm", gia cảnh chú càng lúc càng bí bách. Đôi khi chú soi mặt mình vào gương. Chao ơi! Còn đâu thằng Ngọ một thời vang bóng.
Thời gian qua… Mụ Xạ chết vào một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo. Gió hun hút trên mái tranh. Mụ  nhìn chú Ngọ như muốn nói điều chi mà không còn sức. Đôi  môi mụ mấp máy. Chú Ngọ cúi sát người nhưng nghe không rõ. Đôi tay mụ bắt chuồn chuồn rồi duỗi ra. Người đàn bà uy quyền một thời của xóm Bói…
Rồi sức khỏe chú Ngọ cũng không bì  lại với tụi thanh niên trai tráng. O Lịch mở một cái quán nước cho mấy đứa nhỏ tập buôn bán. Chú Ngọ ngồi nhà lúi húi  trồng rau sau vườn. Chú kiếm cây chè tàu về trồng hàng rào. Đất Quảng Trị trồng cái chi cũng khó, chỉ có cây chè tàu không ăn được thì mỗi ngày mỗi xanh um…
Hai mươi năm sau ngày qua Mỹ, trung tá Thông mắc bệnh ung thư. Những ngày cuối đời, nguyện vọng của ông là được thiêu xác và đem về rải trên dòng sông Hà Dừa quê hương. Chú Phê lại là người được ủy thác nhiệm vụ này.
Hai đứa nhỏ giờ đã trưởng thành. Thằng Hân có công ăn việc làm ổn định, thằng em đang đại học. Chú Phê bàn với o Mận kết hợp cho chúng nó về thăm Việt Nam, thắp nén nhang cho hai bên nội ngoại. Thôi thì “Đất có tổ, người có tông”, o Mận bằng lòng.

Xóm Bói bây giờ thay đổi quá nhiều. Hai vợ chồng ngơ ngẩn như Từ Thức về trần. Những người xưa đã khuất bóng và phiêu dạt nơi đâu. Ngã ba Long Hưng không còn. Con đường lên La Vang giờ nhìn nhỏ như sợi chỉ. Nhìn quanh toàn những người xa lạ. O chú cải táng cho mụ Bốn rồi đưa tro cốt vào gửi trong chùa.
Trong khi chờ chồng đi tìm tài xế, o Mận dắt hai con vào một cái quán bên đường. Cái quán nghèo nhưng có hàng chè tàu cắt phẳng phiu thật trông thật đẹp. Thằng em chăm chú nhìn và hỏi thằng anh: - What’s name?
Thằng anh lắc đầu: - I don’t know. Let ask Mom.
O Mận nói với con: - Cây chè tàu.
Hai đứa cười và nhái lại: - Che tau…che tau

Không ai biết nép sau cánh cửa tre xập xệ , một người đàn ông đứng lặng. Đó chính là chú Ngọ. Dù thời gian đã quá xa xôi nhưng chú vẫn nhận ra người đàn bà sang trọng kia chính là o Mận, người con gái ngày xưa chú phụ rẫy. Bàn tay trái có một ngón cụt lóng đặt hờ hững trên chiếc xách. Và thằng bé trai với những đường nét thân quen… Trong đầu chú hiện ra hình ảnh người con gái đứng bên hàng rào chè tàu, tay lúng túng bứt những chiếc lá, mắt cười lóng lánh… Rồi một buổi chiều… cây dao… lóng tay…
Xe đã đến. Ba người lên xe. Nụ cười khanh khách của hai đứa con trai vang vọng. Làn bụi mỏng bay theo chiều gió… Tiếng ru con của người hàng xóm cất lên: … À ơiVàng mười chê đắt không mua…Đi mua vàng bảy …À ời… thiệt thua trăm đường…à ơi…
Chú Ngọ ôm mặt. Hai dòng nước mắt chảy qua kẽ tay.
  •  Hương Thủy
_____________________________________________________________




                                                 
         
         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét