Nguyễn Đặng Mừng





ANH TRƯỚC EM SAU


Nguyễn Đặng Mừng
Mỗi tuần nhận ít nhất một thiệp mời, có tuần đến ba đám cưới. Ở cái thành phố đông dân nhất nước này dịch vụ nào phát là như nước lũ, cứ cuộn đi mặc cho người cười kẻ mếu. Nhà hàng đám cưới mọc lên nhan nhản, từ sang trọng đến bình dân, quận nào cũng có. Trước đây năm bảy năm, mùa cưới được tính từ tháng mười đến tết, thỉnh thoảng mới có đám tổ chức mùa mưa. Những năm lại đây tháng nào cũng có, thậm chí có đám tổ chức những ngày đầu năm.

Trân trọng kính mời thường vào lúc 17 giờ 30, nhưng đám nào sớm nhất cũng phải đến 18 giờ 30, có khi tới 20 giờ mà khách chưa tới đủ. Ai văn minh lịch sự đi đúng giờ là thiệt thòi, cho nên 19 giờ bắt đầu nhập tiệc là phổ thông nhất.

Mùa mưa ở Bình Thạnh mà nhận được một thiệp mời tít Tân Phú là phát ớn. Trước hết phải bỏ phong bì ít nhất hai trăm ngàn. Ngồi tính toán nên đi xe nào. Tính đi tính lại xe gắn máy là kinh tế nhất, chỉ tốn bốn chục ngàn tiền xăng, khỏi móc thêm hầu bao ba trăm ngàn nữa nếu đi ta xi. Đi xe buýt thì phải mất thêm hai tiếng, chuyển ba tuyến, sau hai mốt giờ cũng phải về ta xi. Cuối cùng xe gắn máy là chọn lựa khôn ngoan nhất. Trước khi đi không quên ăn vài miếng cơm lót dạ.

Trời mưa, hai vợ chồng trùm áo mưa, đội mũ bảo hiểm, xắn quần, dép giày cho vô bao nilon, lên xe vào lúc năm giờ chiều để đến nơi trước bảy giờ tối. Xe như mắc cửi, nước ngập nửa bánh, tắt máy là chuyện thường. Ra tới Đinh Bộ Lĩnh là bắt đầu kẹt xe hằng cây số. Xe máy nhích từng chút, xe hơi gần như đứng ngắt. Theo đoàn xe gắn máy lách vào hẻm, thoát nạn! Vợ bảo may không đi ta xi. Rồi lại ngã tư Phú Nhuận đến Lăng Cha Cả cùng cảnh “ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”!!!

Vừa lạnh vừa run, tự nhủ lòng, chúc cho đôi bạn trăm năm hạnh phúc, vợ chồng mình có khổ một chút cũng đành lòng, phải không em?! Vợ nói, “Chắc gì trăm năm, tụi nhỏ bây giờ ly dị là chuyện thường”. Nói chi mà tủi thân tụi mình thế, em ơi. Thời tụi mình đám cưới chỉ có kẹo quốc doanh và nước trà đến nay cũng làm lễ vàng lễ bạc như ai. Chuyện trò cho đoạn đường ngắn lại, ngờ đâu chạm vào cái thời ăn bo bo nuôi con, khắt sữa. Nghĩ mà thương ngày xưa, cái thời sau đêm tân hôn là vác cuốc ra nông trường, anh cuốc như thế này, em cuốc như thế kia. Cả hai im lặng. Biết đâu vợ đang khóc sau lưng cũng nên. Vợ tựa cằm lên vai chồng, hai cái mũ bảo hiểm chạm nhau lục cục. Mưa nhòe cả mắt, hay mình đang khóc đây?!

Đến nơi nhạc vừa trỗi Đêm tân hôn, xớ rớ tìm bàn. Đi đám cưới cũng có số…phận. Hên thì được gặp vài người bạn nói chuyện đỡ tủi cho đoạn đường gian nan vừa vượt qua, xui có khi gặp toàn người lạ. Trong bàn mà có mấy bà trên dưới năm mươi, nửa già nửa trẻ, cười nửa miệng, ăn nhỏ nhẹ, im thinh thít thì rầu lắm. Mỗi lần bưng ly bia lên mời dzô cho khí thế, mấy bà cứ nhìn qua nhìn về lấm lét xầm xì làm mình mắc cỡ muốn… về sớm. Bắt chuyện với quý ông dăm ba câu thời sự, thời tiết, vô thưởng vô phạt, mặt ai cũng trơ trơ. Chỉ thấy những cái miệng mấp máy, nghe tiếng được tiếng mất. Nhạc inh tai. Lúc lên cao trào rock mà ngồi gần mấy cái loa thì tốt nhất là … cười.

Thôi tập trung vào thực đơn. Ga lăng gắp một miếng bỏ vào chén vợ, một cho bà ngồi cạnh. Nhận được một cái cười nửa miệng và nửa câu cám ơn. Cũng xã giao gật gật, ý tứ, giả lả…một nửa, nửa còn lại cho vợ. Món thứ nhất ăn nhanh, món thứ ba thứ tư chậm lại một chút. Lại nâng ly, đưa lên để xuống, chạm khẽ cốc thủ tục vài ba lần. Những món ăn về sau ít ai màng đến.Gắp bỏ vào chén nhau, lại mời, lại từ chối.

Mấy bà bấm nhau, thì thầm. Rồi gật gật, đưa mắt ra hiệu với nhau ra chiều có gì quan trọng lắm. Quý ông ngờ ngợ nhìn nhau, nhìn theo mấy bà đi về hướng … toa lét. Hóa ra đi toa lét cũng có hội có nhóm, phải lên kế hoạch, phải kín đáo, bí mật, nghiêm trọng…

Xin vợ cho đi một vòng chào bạn bè, may ra có người quen. Vợ dặn, “uống ít thôi, còn tìm ra đường mà về”. Cầm ly bia lách qua từng bàn, từng bàn xem có bạn bè ai không. À một tay trông quen quen. Hắn gọi ngay tên mình mà không nhớ ra, cũng trả lời đại: “A, nhớ rồi, có phải Vinh đây không”. “Mày quên rồi hả, tau là Vịnh, Vịnh tồ, thằng Vinh chết rồi…Thôi dzô trăm phần trăm”. Bạn chết rồi mà cũng dzô trăm phần trăm! Thôi hẹn gặp nhé, khi nào rảnh ghé chơi. Cụng cái nữa, chia tay. Lại lách, tìm. Có bà quen quen, đúng rồi Ngoan người đẹp của… ngày xưa đây mà, chào đại: “Ngoan đó phải không?” “Không, cháu là con của mẹ Ngoan, mẹ cháu mất rồi. Xin lỗi chú có phải là chú… chụp chung với mẹ cháu hồi còn đi thủy lợi Đập Trấm không? Mẹ Ngoan hay nhắc chú lắm”. Thôi chết, con giống mẹ như đúc, còn già hơn cả mẹ… ngày xưa. Ngoan cũng chết rồi, nghe mắt cay xè hơn bị tạt nước mưa. Người sống nhắc người chết trong tiệc cưới có buồn cũng nín nhịn.

Vòng về lại với vợ. Vợ cười cười, “gặp lại người xưa rồi sao mắt đỏ hoe thế”. Lòng nghẹn đắng, “ừ, có gặp”.

Nửa cuối tiệc là món lẩu. Nước sôi ì xèo. Tôm mực, rau sống đầy tràn. Để sôi mà nhìn cho vui mắt, chẳng ai đụng đũa. Lại mời, lại từ chối. Âm nhạc khúc cuối thường là cây nhà lá vườn. Những bài ngày xưa của mấy bà U60, những con kênh ta đào(1), những da em nâu nâu tươi màu suy nghĩ (2). Tha thiết đậm đà mà không thấy ai vỗ tay. Những bàn thanh niên ngấm bia bắt đầu dzô dzô liên tục. Một bài hát thời chiến tranh được một nhóm bạn bè cô dâu chú rể góp vui: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”(3). Nhạc hành khúc hùng tráng. Những khuôn mặt nam nữ đỏ au, nhún nhún “ Năm trái tim năm nhịp đập nhịp nhàng…nổ máy…”

Đường về mưa ngập đường. Xe tắt máy. Chồng trước vợ sau đẩy. Biết vầy chiều này đi ta xi cho khỏe. Vợ bảo “Đã nói rồi, tốn tiền khỏi tốn sức”. Đói bụng, mệt, trông mau về tới nhà ăn cơm nguội, mì gói.

Đường hết ngập, tốn hai chục ngàn chùi bu ri, xả nước ống bô. Anh trước em sau, đã lên xe là hai người như một… nổ máy… Vợ lại tựa cằm lên vai chồng, hai cái mũ bảo hiểm chạm nhau lào cào. Lục cục lào cào(4). Đi đám cưới còn cực hơn đi dân công. Vợ đấm đấm vào vai cười mũi, “Thời đi thanh niên xung phong khổ mà vui hơn bây giờ… đi đám cưới, anh nhỉ”. Ngoan ơi, Vinh ơi, hai bạn dưới (trên đó) có chở nhau đi đám cưới như tụi mình không.
_________________________________________________
(1) Lời bản nhạc Con Kênh Ta Đào của Nhạc sĩ Phạm Tuyên.
(2) Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
(3) Nhạc Đoàn Nho.
(4) Một câu trong bài thơ Phá Đường của Tố Hữu.

Bài đã đăng trên Báo Nhịp Cầu Đầu Tư và in trong tập tản văn Nhịp Đời Buồn Vui (NXB Hội Nhà Văn, 2011).
____________________________________________________________________________



THƯƠNG CHỒNG



Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hột sen.


Mạ hò ru em, từ nhỏ tôi từng nghe như thế, và tưởng thế là đúng. Cái làng của tôi hình như không trồng được hoa thiên lý nên chỉ có bông bí là ngon nhất chăng. Thương chồng, khi có vợ, ở hoàn cảnh ngặt nghèo, lúc gần 30 tuổi tôi mới thấm kiểu cách thương chồng của nông dân, bắt đầu và cao nhất là từ…cái ăn. Trước đó tôi không nghĩ thế. Tình yêu, tình nghĩa vợ chồng trong những tác phẩm tôi đã đọc, dù nghèo như cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay như cha mạ tôi thì cũng nên thơ lắm. Vậy mà khi tôi có vợ mới nghiệm ra rằng, thương chồng là…nhịn ăn cho chồng. Tôi có thấy hình ảnh mạ tôi ngồi ăn với các chị dưới bếp, bên chuồng heo, trong lúc tôi và em trai được ngồi cùng bàn với ba ở nhà trên, mâm cơm tươm tất có canh bông bí. Nhưng không thống thiết bằng cách vợ thương tôi.

Năm 1979, nhân ngày 8.3 cửa hàng hợp tác xã "phân" cho mỗi chị em nửa ký thịt trâu. Con trâu già của đội chết đúng ngày vui chị em, có chị thương trâu không ăn thịt. Dù thịt giai nhách, nhưng đối với nông dân thủa đó thì quý lắm. Vợ tôi bèn xào lá lốt, nấu 2 lon gạo mới đầu mùa và ngồi nhìn tôi ăn. Đi trồng khoai về bụng đói, hỏi em ăn chưa. Vợ bảo anh cứ ăn đi, em dành phần cho em rồi. Chút nữa con ngủ em ăn sau cũng được. Vợ bồng thằng cu đầu 6 tháng tuổi nhìn tôi ăn. Cả mấy năm ít khi được ăn cơm không độn, lại có thịt trâu. Tôi "chơi láng" nửa ký thịt và hai lon gạo. Xong. Vợ tôi để con vào nôi tre, và ru, nó đã ngủ. Tôi dọn chén bát hộ vợ. Xuống bếp, tôi giở nồi cơm xem, cơm hết. Cả soong thịt trâu cũng không còn chút nước. Tôi òa khóc như con nít. Và tự an ủi, hay vợ mình thương trâu, không thể ăn thịt trâu!
Nay mỗi lần có thịt bò xào lá lốt tôi lại nhớ chuyện xưa. Không ai nhắc, nhưng với mùi lá lốt thịt bò thì mắt ai cũng rưng rưng.

Chiều ni đi tỉa đọt bầu, vì để bầu ra tự nhiên sẽ khó đậu trái. Có người bạn dân Nam bộ tới nhậu, thấy đọt bầu rơi vãi lung tung, bảo sao của quý mà anh lại vứt đi, cái này mà chấm chao thì “hết biết”.
Vậy là chúng tôi ra tay, hóa ra đọt bầu ngon không kém bông bí.
Bèn làm “vè” rằng:
Thương bầu như thể thương em
Cái cong tròn trịa em nằm gần tôi
Thương chồng nấu cả khúc nôi
Chén canh bầu bí đất trời trong veo
.

__________________________________________________________________________






THÁNG GIÊNG VỀ


Hồn xưa em xanh mướt
Cánh đồng xưa ô vuông
Có khi nào nhỏ chút
Mắt ngời, ngời hạt sương

Anh lao đao hạt lúa
Em đòng đòng soi gương
Chờ nhau chờ nhau với
Lúa dậy thì ễnh ương

Em kêu mùa tháng giêng
Sắn khoai chừng giáp hạt
Giọt mắt tròn nhỏ xuống
Xanh đời người ô vuông.


(Thơ bất chợt, Kính tặng chị Nga Thu và các chị)
___________________________________________________________________________




MÃI HOÀI NHƯ RỨA
                                                                  Kính tặng chị TKL



Từ ngày Nhan trốn đi ngày tháng dài ra. Mối tình đầu của tôi tội nghiệp như cọng khoai lang sau mùa lũ. Nhan đi đâu mấy tháng rồi bặt vô âm tín.
Làng xóm xác xơ trong cái rét tháng giêng. Mùa giáp hạt cả làng đều đói. Một ngày gánh phân đi trồng khoai sau rú về, tắm rửa xong, cầm cây đàn ghita ra vườn sau , hát khe khẽ một mình. Đang lãng đãng với Dư âm, Suối mơ…thì nghe tiếng Thanh - em gái tôi lên tiếng: “không được hát nhạc vàng, có cán bộ tới kiểm tra nì”. Tôi gật đầu chào cô gái đứng bên. Thanh giới thiệu: “Đây là Nghi Đông học lớp sư phạm với em mới ra trường, cùng về dạy trường làng mình, một giọng hát vàng, chuyên gia hát chui của lớp đó. Còn đây là anh Bình, anh trai của Thanh mới cải tạo về, một tay ghita có hạng, hai người hát với nhau đi. Thanh đi ngước cho mạ một khúc, hôm nay mạ đi bứt cỏ cho trâu”. Thanh đi rồi hai đứa ngồi im, cây đàn trên tay rạc rời từng nốt. Tôi ngừng lại một chút, hỏi:
- Đông ở mô trong Huế?
- Dạ An Cựu
- Ra dạy đây có buồn không?
- Hồi đầu thì buồn, nhưng chừ quen rồi, lại thương.
Làng quê nghèo khổ của tôi toàn cát với cát, mưa gió lụt lội, một cây đu đủ cũng không sống nổi, chỉ còn cây tre khẳng khiu chịu đựng, có gì đâu mà em “lại thương”. Tôi bối rối hỏi một câu, mà sau này nghĩ lại thiệt là vô duyên, quê mùa:
- Có thương ai chưa.?
- Dạ thương học trò, đứa mô cũng siêng học và lễ phép. Chỉ tiếc là nhà trường không cho mặc áo dài, một lần lên lớp dị òm.
- Răng mà không cho mặc, áo dài là quốc hồn quốc túy mà?
- Họ noái mặc áo dài có vẻ tiểu tư sản, yểu điệu quá. Quan điểm giáo dục của xã hội mới là gần gủi nhân dân, giáo viên nhân dân mà. Đông chỉ chừa lại hai cái làm kỷ niệm, còn chừng mô là cắt làm áo ngắn hết. “Một áo dài thành hai áo ngắn, tình yêu mình là sắn là khoai”.
Cả hai cùng cười. Tôi dạo một khúc nhạc “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Đông bắt giọng nhịp nhàng. Tay tôi run lên, lòng xốn xang theo giai điệu một thời không được hát. Giọng ca ngọt lịm, dịu dàng rồi vút lên cao vời mơ ước “ Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về”. “Niềm cay đắng” của thế hệ tôi và em, dệt bao nhiêu là mộng, đến nay một chiếc áo dài cũng cắt ra thành áo ngắn. Chiếc áo dài e ấp mà trang nghiêm, ước mơ của bao giáo sinh sư phạm đã bị bức hiếp phũ phàng. Đông ngước nhìn lên, giọng em vời vợi, lá tre rung rinh dưới ánh trăng xao động. Tôi mường tượng một khuôn trăng non nào ai hoài xa tít. Buổi chiều chạng vạng trong vườn đầy tiếng ve, bứt rứt dậy thì. Lời ca và mắt Đông nói hộ em, và cả tôi nữa, biết bao điều sóng sánh, ngạt ngào.
Chiều nào Đông cũng ra nhà tôi, phụ với mạ và Thanh những việc nhà nông. Có khi cùng ăn khoai lang với gia đình. Rồi cùng hát với tôi, hát cũng là một cách “chống đói”, đến giờ ngủ mới trở về trường. Mạ tôi hay đùa: “con gái Huế danh gia vọng tộc, có chịu nỗi cực khổ ngoài ni không. Cũng nên chịu cực cho quen, không thôi mai mốt lỡ ưng (yêu) thằng mô rồi khổ… Nói rứa chơ làm du (dâu) nhà ni cũng không đến nỗi…”. Đông cũng đùa: “Mạ dạy cho con sàng sảy lúa gạo cho quen, mai mốt làm dâu không lẽ để bà gia (mẹ chồng) làm hết việc…”. Nhìn Đông tập sàng gạo cả nhà cười vang, tôi cũng đùa “Đông sàng gạo như bánh xe đạp bị cong niềng, cứ lảo đảo như sắp bổ (té, ngã) đến nơi, cứ sàng đi, bổ thì anh đỡ.” Đông “ứ” một tiếng, nhìn tôi đỏ mặt.
Mùa hè đến. Đông sắp vào Huế nghĩ hè. Ve bắt đầu hát trên những rặng tre sau vườn nhà. Một tối sáng trăng, chỉ có hai đứa , tôi hỏi Đông:
-Ba mạ Đông hiện làm chi?
Mắt Đông gợn buồn rồi kể:
- Mạ em mất hơn mười năm rồi. Ba đi theo cách mạng về có bà vợ khác. Hai chị em không thích ở chung nên từ năm 75 về ở bên ngoại. Chị Đông đang dạy ở trường Quốc học. Còn một anh trai nữa đi cải tạo ngoài Bắc chưa về.
- Anh cấp bậc chi, ở đơn vị mô?
- Đông cũng không biết, chỉ có lần nghe anh nhắc tên làng này.
- Phải tên Hy không?
- Sao anh biết?
- Còn Đông tên là Bo, chị là Xuân phải không?
- Còn anh là…
- Là anh chi đó.
- Anh chi đó ... bạn anh Hy. Ôi trời! Trái đất tròn...
Hai đứa cười ngỡ ngàng xa xót. Rồi Đông khóc, nước mắt lăn trên má, đẹp hơn cả chị Xuân ngày đó. “Người ơi còn nhớ mãi trưa nào chiều nào vàng bướm bên ao...”. Tôi hát lớn, không cần giữ ý tứ gì nữa: “Ôi những đêm dài hồn có mơ hoài một giấc ai mơ, buồn sớm đưa chân cuộc đời…” . Bài hát dứt. Đông lúng túng đứng lên, em sợ. “Thôi Đông về, khuya rồi”. Em bước lùi, tôi bước tới, bóng lá tre theo ánh trăng lao xao trên khuôn mặt đẹp đến não nùng. Tôi hôn em, lần đầu trong đời, vụng về run rẩy: “Lần đầu ta ghé môi hôn, những con ve nhỏ hết hồn kêu la”(Thơ Trần Dạ Từ). Tiếng ve theo em, theo tôi khản giọng suốt đêm hè.

***

Năm đó tôi học đệ ngũ ở một trường quận cách Huế năm muơi cây số. Đạp xe từ làng đến trường cũng non mười cây nữa. Đi qua những làng xóm ruộng đồng heo hắt, đoạn thì gặp du kích, đoạn lại gặp lính Cọng hòa. Mấy anh cứ dặn là không được báo với đối phương của họ. “Đi cúi mặt xuống đất, về cất mặt lên trời”, mẹ tôi dặn thế. Có lúc lại gặp những xác chết của cả hai bên, chúng tôi cúi đầu đạp xe không dám nhìn.
Có một đại đội địa phương quân đóng đồn gần nhà . Gia đình tôi có hai chị gái khá xinh đẹp, các ông sĩ quan thường tới lui tán tỉnh. Tôi được các ông cưng chìu lắm, vì thường làm chim xanh chuyển thư cho họ đến các chị. Có lần bị chị đánh vì cái tội thày lay. Anh trung úy Hy không bao giờ nhờ chuyển thư, cũng chẳng tán tỉnh ai. Anh chỉ “chơi” với tôi, khi thả diều, khi đi bắn chim, tát cá. Anh có chiếc Honda 67 mới toanh, một lần anh cho cưỡi chạy một vòng là sướng mê ly. Tôi hay mượn sách anh để đọc, thường là những cuốn sách dịch khó hiểu. Anh bảo khi nào cùng anh đi Huế chơi một bữa, mấy cô em của anh ấy có tủ sách Tự Lực Văn Đoàn đầy đủ lắm. Tôi mừng rơn. Từ nhỏ tôi chưa bao giờ cầm được cuốn sách của Khái Hưng, Nhất Linh mà trong chương trình học thường trích dẫn.
Chiều chủ nhật anh Hy xin với chị tôi cho thằng Bình đi Huế. Chị đồng ý với điều kiện sáng mai phải có mặt ở nhà, để chiều còn đi học. Ngồi sau lưng anh Hy, những cánh đồng, xóm làng khuất nhanh. Thành phố Huế trong mơ mồn một trước mắt. Con gái con trai ai cũng đẹp, cũng thanh thoát, chẳng bù vào những người quê tôi, lam lũ, luộm thuộm. Tưởng tượng mình làm thi sĩ lạc bước vào chốn thiên thai mà sướng ngất.
Anh Hy chở về nhà. Nhà anh Hy buổi chiều không có ai, anh dặn: “Bình ngồi chơi, anh đi đến bạn anh một chút, anh về liền”. Tôi ngồi đợi. Anh Hy không về. Đèn điện đường đã sáng, anh cũng không về. Ngồi trong phòng tối mờ mờ, toàn là sách với sách, tôi lấy vài cuốn ra coi, phần nhiều là sách tiếng Pháp, tôi lại chẳng biết chữ nào. Hoang mang. Im ắng quá, tôi đi ra vườn. Sắp đến mùa hè, ve kêu ran. Tiếng ve nhà vườn ở Huế khác tiếng ve trên những rặng tre ở quê tôi, giọng nó khàn hơn, như giọng con trai bể tiếng, còn giọng ve ở làng tôi như giọng con gái dậy thì, nó the thé, rất con gái.
- Ê, ai cho vô đây?
Cô gái tóc dài chợt xuất hiện lên tiếng hỏi làm tôi giật mình lúng túng, đứng lên nói như sắp khóc:
- Anh Hy chở tui vô đây rồi đi mô mất. Chị chỉ đường cho tui về nhà, chừ còn xe ra Quảng Trị không chị.
- Cậu là chi của anh Hy?
- Dạ thưa chị, anh Hy đóng quân ở làng em, chủ nhật nên anh cho em đi Huế chơi. Biết ri thì em không đi mô.
- Cái ông Hy ni đoảng thiệt. Thôi cứ ở đây ăn cơm với chị, tối chị dẫn đi chơi. Đoạn chị nói lớn: “Bo ơi, có bạn đây nì, ra chơi với anh để chị đi nấu cơm”.
Có tiếng dạ rất ngọt, thanh như tiếng ve ngoài làng:
- Ai rứa chị?
- Bạn của anh Hy.
Cô bé tóc đuôi gà nhìn tôi thất vọng, đôi mắt đen láy chớp chớp, ngần ngừ:
- Bạn anh Hy chi mà nhỏ rứa?
- Nhỏ cũng bạn anh mình.
Rồi chị quày quả đi vào bếp, nói với lại.
- Nấu cơm ăn xong, Bo dẫn anh chi đó ra phố chơi nghe.
Í da, tôi sợ phát run lên, răng chị không cùng đi, bé Bo mà trở chứng thì tôi biết cậy ai đây, hởi trời!
- Chị Xuân ơi, cơm chín chưa, đói quá rồi nì.
- Người chi mà xấu máu đói. Mới ăn chè khi chiều mà la đói rồi. Mời anh chi đó vô ăn cơm luôn.
Bo dạ, rồi lí nhí: “Vô ăn cơm hè”.
Mâm cơm có dĩa rau khoai luộc, một chén nước ruốc và một dĩa cá bống kho khô. Đặc biệt nồi cơm nhỏ xíu, tôi nghĩ xới vài chén là hết. Hồi trưa được chị cho đi Huế, mừng quá nên chỉ ăn một chén, đang đói cồn cào, nồi cơm này ngoài nhà tôi ăn một mình cũng chưa no. Nhưng là khách, nhớ câu mạ dặn “miếng ăn là miếng xấu” nên tôi từ chối chén thứ hai. Thế mà khi ăn xong trong nồi vẫn còn cơm. Hai chị em ăn như mèo. Chắc họ ăn vặt cả ngày, tôi nghĩ thế.
Chị Xuân vừa dọn bàn vừa nói.
- Em thông cảm, thứ hai bài vở nhiều quá, chị phải ở nhà làm bài. Bo nhớ đưa anh ra coai sông Hương nghe, ban đêm đẹp lắm.
Bo dắt chiếc xe đạp mini ra, giọng rành rọt:
- Anh chở tui nghe, có biết đi xe đạp không đó?
Gì chứ đi xe đạp là nghề của tôi mà. Bo ngồi lên phía sau, hai chân một bên, ý tứ như người lớn. Chúng tôi đèo nhau đi qua cầu Trường tiền, rẽ về Thương Bạc, lên cầu mới rồi quay về nhà chưa đầy nửa tiếng. Dọc đường không ai nói với ai tiếng nào. Chị Xuân hỏi:
- Đi chi mau rứa?
- Thì anh ưng đi mô thì đi chớ Bo có ý kiến chi mô.
- Bo hướng dẫn viên kiểu chi lạ rứa, phải chỉ cho anh chổ ni chổ tê để anh biết chớ.
Chị Xuân hướng dẫn cho tôi ngủ ở phòng khách, trên chiếc sập cổ. Tôi nằm nghe ve kêu, mơ màng như lạc vào khu vườn nào đó trong truyện cổ. Tôi nghe loáng thoáng tiếng hai chị em nói gì đó lẫn trong tiếng ve, thỉnh thoảng lại cười rúc rích. Chị Xuân nói vọng vào:
- Lấy sách mà đọc đi em.
- Sách tiếng Pháp em không đọc được.
- Em thích đọc sách chi?
- Chị có cuốn mô của Khái Hưng hay Nhất Linh cũng được.
Chị đem cuốn sách vào rồi bật đèn sáng lên, Bo bưng chén chè hạt sen theo sau, đặt lên bàn và “mời anh ăn chè”. Tôi nhìn chén chè bé tẹo, nghĩ đến cơn đói nếu đêm này đọc hết cuốn sách kia. Mà tôi phải đọc hết, vì nó là Hồn Bướm Mơ Tiên, cuốn sách mà tôi hay nghe thầy tôi …kể. Tôi đọc một mạch đến hết cuốn sách, đồng hồ điểm năm giờ sáng. Ve giờ này im hẳn. Tiếng hai chị em nói chuyện nghe rỏ hơn:
- Bo mặc áo ni vô trong cho đẹp, chị mới may cho Bo đó.
- Em không mặc mô, nóng lắm.
- Con gái lớn rồi, người ta dòm dị chết. Mạ bắt chị mặc áo lót từ lớp đệ thất, năm nay đệ lục rồi, Bo không sợ mạ buồn răng.
Im lặng. Có tiếng khóc thút thít: “Dạ, Bo mặc.”.
Tiếng ve kêu. Bắt đầu chỉ vài con cất tiếng rồi dần lan ra, râm ran cả vườn cây. Có tiếng gõ cửa, Bo bước vào với chiếc áo dài trắng trông lớn hẳn lên, lí nhí: “mời anh ra ăn sáng”.
Chị Xuân mới rạng rỡ làm sao. Ngoài quê tôi chưa thấy ai đẹp như thế, chị tròn lẳn trong chiếc áo dài trắng, đôi guốc cao gót cũng màu trắng làm chị cao hơn. Tóc chị dài phủ quá eo, đen mượt. Chị ngồi vào bàn sau khi duyên dáng hất mái tóc về phía sau. Bo thì không thế vì tóc cột đuôi gà. Bữa ăn sáng là ba chén cháo đậu đỏ, dĩa cá bống thệ kho khô như hồi hôm. Ăn cháo xong thì anh Hy về, dựng xe rồi nói lớn.
- Xin lỗi nghe, hôm qua gặp mấy đứa bạn ở xa về nói chuyện và uống bia vui quá nên quên mất.
Chị Xuân háy anh trai: “ Chưa có ai đoảng hậu như anh, mời người ta đi Huế chơi mà bỏ đi chừ mới về. Anh ở chơi với anh chi đó, chị em tui đi học đây.”.
Tôi nhìn theo hai tà áo dài khuất sau bình phong màu rêu.
Anh Hy vào thắp nhang trên bàn thờ rồi quay ra, đèo tôi chạy một vòng quanh thành phố Huế rồi thẳng ra Quảng Trị.
Tôi hỏi:
- Ba mạ anh ở mô?
- Ba anh đi theo bên tê từ lúc bé bé Bo mười tuổi. Mạ anh mất năm ngoái.
- Bên tê là Việt Cộng phải không? Răng anh lại đi lính bên ni, lỡ hai cha con gặp nhau…
- …
Từ đó về làng tôi không dám hỏi thêm câu nào, chắc anh đang buồn lắm.

***

Giáo viên quê tôi từ hai nguồn, một số từ phía Bắc vào, gọi là khung, còn lại là tốt nghiệp ở trường sư phạm Huế. Giáo viên ở tập thể trong trường. Hiệu trưởng tên Lung, dáng người thấp đậm. Em tôi kể “Tay Lung này ghê lắm. Giáo viên nữ mệt với hắn. Đêm nào cũng bị gõ cửa phòng, chỉ có nhóm tụi em là hắn không dám đụng”. Có lần thấy hắn đứng lắc theo sau mông một cô giáo đang sảy lúa, học sinh vỗ tay cổ vũ theo nhịp sảy, hắn hứng chí lắc mạnh hơn. Làng tôi nổi tiếng làm quan, nghe nói các đời trước có nhiều người vô làm quan trong dinh (Huế). Lớn lên tôi chẳng thấy ai làm quan là mấy, đến đời tôi trong làng chỉ còn ba đứa, cao nhất là thiếu úy. “Di sản” của “làng quan” là giọng nói gần như giọng Huế và sáu họ đều là họ Nguyễn, chỉ khác chữ lót. Dù vậy dân làng vẫn còn giữ nét phong hóa làng quê tốt đẹp. Thấy cảnh “biểu diễn” của “ông thầy”, các phụ huynh đi gặt dừng lại xem, lắc đầu ngao ngán.
Nhà tôi ở sát bên trường. Những đêm họp nghe rõ mồn một. Họ hay cãi nhau, thường là chuyện phân phối lương thực, thực phẩm. Họ cũng làm ruộng, gọi là cải thiện.
Một tối tôi nghe giọng nói trịnh trọng của hiệu trưởng Lung “Hôm nay chúng ta họp kiểm điểm tư tưởng của cô Đông. Theo báo cáo của quần chúng là hằng đêm cô Đông thường ra nhà của cô Thanh để hát nhạc vàng với anh trai cô ấy, một sĩ quan cải tạo về chưa có quyền công dân. Là một giáo viên nhân dân, cô phải tường trình và làm kiểm điểm trước hội đồng giáo viên”. Tôi lạnh toát cả người, thương em đứt ruột. Một giọng Huế nghe không rõ, chắc là của Đông, tôi chỉ nghe được câu cuối, “...thưa thầy, em nhận lỗi”.
Từ đó Đông không ra nhà tôi nữa.
Tôi cũng bị đưa ra trước hội thanh niên, cũng tường trình, cũng viết kiểm điểm. Cả ngày làm việc cật lực, tối về nhớ em quặn lòng. Cây đàn cũng bị tịch thu rồi.
Tôi trốn làng đi lúc nửa đêm, nhìn lại ngôi trường buồn tênh, em chắc cũng đang nằm khóc trong đó.
Ngồi chờ tàu trên ghế đá khuất cuối hành lang, nơi năm ngoái chia tay với Nhan. Nhớ Nhan, nhớ nụ hôn đầm đìa nước mắt trên má. Nhớ Đông, nhớ nụ hôn luống cuống dưới bóng tre, chập chờn ánh trăng ma quái, như chiêm bao thời mới lớn. Tôi trùm cái mền dạ lủi lên tàu. Tàu ầm ầm mang tôi chạy trốn quê cha đất tổ, lủi dần vào đêm tối. Các em đến với đời tôi thơ dại như búp bông khoai tội nghiệp, tim tím mơ hồ, lao đao trong gió bấc tháng hai. Tôi hứng các em bằng vòng tay vụng về, lơ ngơ dây khoai ngoằn ngoèo trên đất cát, không biết bám vào đâu. Cát trắng tinh tuổi thơ tôi chăn trâu bắt cá, có hương hoa ép chặt vào giấc mơ, có bông hoa dẻ ép vào vở học trò, thơm huyễn hoặc da diết. Tôi ôm theo tình yêu các em, như hồi nhỏ ôm bịch trái sầu đâu chơi ô làng. Tôiăn gian rồi không cho lại, không nghĩ đến con bé hàng xóm khóc thút thít vì đánh ô làng thua tôi sạch tay. Giờ đây, tôi và các em cùng sạch tay như nhau, trong cuộc đời ảo này.

***

Tôi đi nhiều nơi, từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, từ cao nguyên đến đồng bằng, làm đủ nghề để sống. Mỗi lần mùa hè đến nghe tiếng ve, lòng lại rạo rực như thời mới lớn, cháy bỏng nụ hôn đầu đời. Năm năm sau tôi lấy vợ, sinh con. Cuộc sống lao đao cùng cực, chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến đàn địch hát hò.
Ở vùng kinh tế mới miền Đông Nam bộ, vợ tôi bị sốt rét nằm liệt giường cả tháng. Chúng tôi đã bán đến thùng lúa cuối cùng để chỉ mua thuốc ký ninh. Con tôi vừa dứt sữa, vì còn sữa đâu mà bú. Cháu khóc ngằn ngặt đòi bú. Tôi bón cháo loãng cho cháu, tay run lên nghĩ đến ngày mai. Ngày mai là tương lai, là đẹp, nhưng với vợ chồng tôi thì … Ngồi ru con bằng những bài hát ru ngày xưa mạ hát “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, huống chi người xa người tội lắm người ơi. Chẳng thà không biết thì thôi, biết rồi mỗi đứa …ơ ơ..biết rồi mỗi đứa mỗi nơi…sao đành.” Thấy tôi khóc, vợ hỏi “Anh có mối tình nào trước khi gặp em không?”, tôi nói có. “Sao không nghe anh kể?”. Tôi kể lại thật lòng không thêm bớt. Đến đoạn tiếng ve và ánh trăng xuyên cành lá tre…tôi hát não nề “Ôi những đêm dài hồn có mơ hoài…”. Vợ tôi khóc nức nở. “Răng anh hát bài “Hương xưa” hay rứa mà chưa khi mô nghe anh hát”. Tôi ngậm ngùi, “Cái chi qua rồi thì thôi, nhắc lại làm chi, cho buồn em, tội anh…”. Nàng cầm tay tôi run run, đôi mắt chân thành “Em không buồn, em hạnh phúc…”. Tôi ôm nàng vào lòng, cơn sốt làm nàng run lên bần bật, mặt tái đi, “Em chết thì anh tìm chị Bo đi nghe, em biết chị ấy nhân hậu vì em cũng là con gái Huế, em cũng có một mối tình… Chị ấy mạ chết sớm chắc cũng thương con mình như con chị ấy”.
Vài ngày sau thì vợ tôi qua đời, trước khi trút hơi thở cuối cùng môi nàng mấp máy, thì thào “Bo…Bo…”.

***

Tôi cõng con đi học qua hai ngọn đồi. Cha con tôi ngược lại thuở bốn mươi năm trước, hồi đó cha tôi cũng cõng tôi đi học như thế này trên đường quê Quảng Trị. Dọc đường nghe con kể chuyện học hành, bạn bè và khoe cô giáo mới. “Cô hát hay lắm ba ơi, có nhiều bài lạ cô giáo năm ngoái không tập”. “Bài chi vậy con” con tôi nỉ non hát “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm…”. Tôi hát theo, song ca hai bè, con tôi cười vang:
- Ba tập khi mô mà thuộc rứa.?
- Ba được tập từ hồi lớp hai như con bây chừ.
- Cô giáo ba có hát hay không? Bằng cô giáo con không?
- Chắc không hay bằng, vì cô giáo của con còn trẻ.
- Cô lớn tuổi rồi, tên rất lạ: Tôn Nữ Nghi Đông… chủ nhiệm lớp con.
Tôi để con xuống, ngồi bệt bên đường. Con tôi hỏi “Ba mệt để con chạy ù là đến trường ngay thôi, ba về đi”. “ Không, ba không mệt, con cho ba xin tờ giấy cây viết”. Con ngạc nhiên đưa giấy viết cho tôi. Tôi viết nhanh.: “Nghi Đông ơi, phải em không? Nếu phải thì mời em trưa nay ghé nhà anh ăn trưa. Anh đợi. Anh: Nguyễn Đăng Bình” rồi xếp lại đưa cho con, dặn: “Con đưa cho cô giáo, nếu cô hỏi thêm gì thì nói mời cô về nhà hỏi ba con, nghe chưa.” Nó dạ rồi ù chạy.
Tôi thẩn thờ. Tôi chờ đợi. Tôi đau đớn. Tôi hạnh phúc. Thắp nhang lên bàn thờ, di ảnh vợ nhìn tôi cười như mãn nguyện. Cuộc đời biết bao dan díu, đau đớn nghẹn ngào quyện vào nhau, muốn rứt ra cũng không được…
Thiếu phụ áo dài tím, dắt tay con tôi đến ngõ. Cô giáo nhìn tôi không chớp mắt “Phải anh Bình đây không?”. Giọng Huế không lẫn đâu được của bé Bo, của cô giáo Nghi Đông làng tôi ngày đó.
- Có phải Nghi Đông đó không?
- Chơ ai nữa, trời cho Nghi Đông gặp lại anh…”.
- Để anh thấy được Nghi Đông mặc áo dài.
Nghi Đông nhìn xuống vạt áo lấm tấm đất đỏ, cười ngượng ngùng.
- Ở vùng này mặc áo dài thiệt bất tiện, nhưng Đông chưa khi mô mặc đồ Tây đi dạy. Để bù những ngày dạy học ở làng anh…
- … Một áo dài thành hai áo ngắn…Lên lớp dị õm…
Cả hai cười gượng. Nghi Đông xin phép thắp nhang lên bàn thờ vợ tôi. Cây nhang trong tay Đông run run, ngoằn ngoèo sợi khói vương lên đôi mắt rơm rớm nước. Xong Đông cùng tôi ngồi xuống bàn, sau khi hất mái tóc dài kiểu chị Xuân thời con gái. Nếu gặp đâu đó một cử chỉ như thế, dù không nghe giọng nói, tôi vẫn chắc rằng đó là phụ nữ Huế.

Bàn tay nông dân sần sùi nhiều vết sẹo ấp lên bàn tay trắng xanh của cô giáo trường làng:
- Ở đây có ve không anh.
- Có. Nhưng hết mùa hè rồi.
- Tiếng ve kêu giống con gái dậy thì hay con trai bể tiếng.
- Giống tiếng trung niên và thiếu phụ
- Em chưa là thiếu phụ, em chưa yêu ai ngoài anh.
- Thì giống tiếng anh chi đó và bé Bo
- Giống tiếng ve đêm trăng vườn nhà anh, mãi hoài như rứa.

(Sài Gòn, 22 giờ đêm 10.11.2007)
______________________________
Đã đăng trên Văn Nghệ Quảng Trị.
____________________________________________________________________________




Mạ và cô giáo


Từ nhỏ đến lúc vào đệ nhị cấp tôi chỉ được học với Thầy. Cô Võ Thị Hồng là cô giáo đầu tiên, lại dạy môn văn, môn tôi thích và học khá nhất. Vài tuần đầu lạ trường lớp, lại mặc cảm là học sinh trường tư mới được tuyển vào, tôi muốn chứng tỏ với bạn bè rằng tôi cũng biết học văn.Trắc nghiệm đầu tiên của cô với năng lực học sinh không phải những bài nghị luận mà là mỗi em tự sưu tầm về ca dao tục ngữ, chép và trình bày thật đẹp trong một cuốn tập để cô chấm điểm. Cơ hội đã đến. Không cần phải đi đâu xa, Mạ tôi là một kho tàng ca dao tục ngữ để tôi tha hồ ghi chép. Tôi sưu tập được hàng trăm câu hay và độc đáo từ mạ rồi nộp cho cô. Cô hỏi mô mà nhiều rứa, tôi bảo Mạ em hò cho em chép đó. Cô cười bảo em có người mạ tuyệt vời.

Mạ tôi không biết chữ. Cô Hồng là cô giáo đầu tiên của tôi đã tốt nghiệp sư phạm môn văn. Cô giáo “ra đề”, mạ lại giúp tôi “giải đề”. Từ nhỏ mạ tôi thường dạy chị em tôi ứng nhân xử thế chỉ bằng ca dao tục ngữ. Mạ chỉ đọc lên và chị em tôi hiểu. Có khi hiểu sai mạ lại giải thích bằng ngôn ngữ dân dã, ri nì, tê nì. Cô Hồng giúp tôi hiểu sâu hơn, minh triết hơn về ca dao tục ngữ.

Có lần đọc một cuốn sách phê bình truyện Kiều, tác giả cuốn sách là một nhà thơ nổi tiếng. Nhân nói về vần điệu, nhà thơ bèn đem câu: “Con mèo con chó có lông, bụi tre có mắt nồi đồng có quai”ra ví, rồi bảo rằng tục ngữ ca dao Trị Thiên có câu nói cho có vần, không ý nghĩa gì cả. Mạ tôi bảo nói chi mà ngu, đó là “tai vách mạch rừng”. Tôi đem điều này trao đổi với Cô Hồng, Cô bảo mạ nói đúng, ông nhà thơ kia sai. Còn đọc cho tôi nghe một câu lạ, có âm hưởng… “Con mèo con chó…”: “Con mèo con chó cũng không, bụi tre một chắc, ngoài đồng không ai”. Không ai “chộ” cả, vậy mà đôi trai gái hôn nhau hôm sau cả làng ai cũng biết.

Có lần cô cho cả lớp mỗi trò tự chọn đề tài thuyết trình. Bài thuyết trình hay nhất theo tôi thuộc về Cao Thị Yến với truyện dài Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến. Yến mũm mĩm và hiền như ma suoer, lại nói về thân phận cô bé trong trường mồ côi ở nhà thương Phủ Doãn với các Dì Phước. Tôi chưa quen thân mà dám đồ rằng chắc Yến là người Công Giáo, và biết đâu chừng đã từng ở trường dòng. Có lẽ hồi trẻ Yến không thực hiện được ý nguyện đi tu nên hiện giờ Yến ở nhà thờ và đi làm từ thiện nhiều hơn ở nhà. Biết đâu ý nguyện đó lại bắt đầu từ niềm thương cảm cô bé mồ côi trong truyện, từ buổi thuyết trình ngày xưa.

Những bài thuyết trình phải nộp cho cô Hồng duyệt trước khi được lên diễn đàn. Tôi mê truyện dịch nên soạn thuyết trình cuốn Đôi Bạn Chân Tình của Hermann Hesse. Cô gọi riêng tôi và nhẹ nhàng bảo, em không nên thuyết trình một cuốn sách vượt khả năng của mình. Tôi buồn vì cô “coi thường’ mình nhưng cũng về soạn lại bài thuyết trình khác, tôi nhớ là đề tài về ca dao tục ngữ. Tiếc là tôi không được thuyết trình vì trễ. Tôi mang theo lời dặn của cô, “cứ đi hết đường xóm của mình ta sẽ gặp thế giới”.

Gần đây tôi đi theo nghiệp văn, đúng ra là văn nó vận vào đời tôi từ nghiệp dĩ, từ khi tôi học lớp 10C, từ lúc Cô Hồng nói với chúng tôi về cách để viết một bài văn hay. Cô nhắc lại một câu của nhà văn Nhất Linh, đại ý là: “Văn chương là phương tiện để đưa ý tưởng của mình đến với độc giả. Văn giản dị dễ hiểu mà lột tả được những ý tưởng súc tích sâu xa mới tài, mới hay”. Và bao giờ trước trang giấy, bàn phím tôi vẫn tâm niệm điều đó. Những câu ca dao tục ngữ theo ruộng vườn chảy tràn trong văn tôi; “Đi mô đem thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo”. Và đôi lúc đi hơi “xa nhà” trong trang viết tôi lại giật mình nhớ câu: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, con đi mua ngọn nghe ai chưa về”. Mạ và cô, trong sâu thẳm tâm thức mình luôn hiện về nhắc nhở tôi.

Năm tôi thi đậu tú tài ban C mạ tôi vui lắm, ai tới nhà cũng khoe. Lúc nghe tôi có giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Sông Hương, ra được tập truyện Cô giáo tôi cũng xúc động lắm, bảo Cô T phân bì với Cô đó. Cô T bảo “ mi dạy văn có đứa làm văn sĩ, tau dạy ngoại ngữ chưa có ai làm dịch giả cả, vậy là mi hạnh phúc hơn”.

Tôi viết khá nhiều mà chỉ viết chuyện đâu đâu, chưa có dòng nào cho Mạ cho Cô. Cô và Mạ đã cho gói kẹo văn chương ngọt ngào tuổi thơ, tôi cứ ôm giữ khư khư không chịu ăn, lại thèm kẹo của người dưng. Tôi cứ sợ viết không xứng với những điều Mạ và Cô trao cho, hay sợ mình “hết vốn” cũng nên?!

Nay mạ đã già và cô thì yếu. Qua bài viết này con, em xin gửi đến hai vị lòng tri ơn sâu nặng của mình.

______________________________________________________________________________






TIỄN BIỆT ANH NGUYỄN XIỂN

                                                                                       Tiếc thương anh người “cựu thương binh”

Anh Xiển tham gia sinh hoạt với NHSG, 2013.

Tiễn anh về với chị yên bình
Trần gian bè bạn buồn đau lắm
Gẫm lại đường xa cứ giật mình

Lê lết cằn ra với cuộc đời
Chữ điền mắt sáng thách cuộc chơi
Thua thắng hề chi thân nam tử
Trần gian hề trần gian khúc nôi

Hồn anh về với bến Nhan Biều
Dọc sông Thạch hãn cứ phiêu diêu
Tuổi thơ tắm với dòng sông đẹp
Nhan Biều hề, nhan sắc tình yêu

Nếu anh gặp thằng Giồng ,thằng Dũng
Hãy dắt chúng đi bằng hai chân
Cho dù chân cụt, hồn không cụt
Thẳng lưng lên mà bước tới cùng

Hôm nay anh đi mùa giông bão
Bến xưa nước bạc bóng con đò
Nước lên rồi xuống làng quê vẫn
Một tiếng hò ơ tận đáy lòng.

(15.10.2013)
__________________________________________________________________




THU XA


Mùa thu năm ấy không về nữa
Áo trắng làm đau những lá vàng
Em dấu trong tà bao chuyện kể
Giấc mơ vời vợi thuở hồng hoang

Như đã về đây đã hẹn rồi
Vàng xưa về nhắc lá mùa rơi
Thắc thỏm tôi cài trong cõi biếc
Một đóa cúc vàng thương mến ơi.

________________________________________________________________


BÀI LUẬN VĂN CỦA BẠN TÔI


Viết nhân đọc một bài luận văn của học sinh lớp 10, trường cấp 3 Thị xã Quảng Trị: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/143775/bai-van-ta-ngay-dau-den-truong--doc-la--nhan-2-diem.html


Sự lùn đi trong văn chương không phải do các cháu, mà do cả hệ thống thẩm mỹ về văn chương, bắt đầu từ những bài luận. Tôi nhớ bài luận của bạn tôi, Lê Đức, thủ khoa Nguyễn Hoàng năm 1966, với văn miêu tả: "Em hãy tả lại cây cau trước sân nhà em". Cây cau rất khó tả, tại thân nó thẳng đuột, phía trên có lá, dưới lá có hoa, và trái. Hết. Vậy mà bạn tôi tả được cây cau 4 trang giấy học trò, rằng: "Cây cau nhà em, nội trồng. Khi em ra đời thì nội mất rồi. Nhìn cây cau là em tưởng tượng ra nội, một cụ bà tóc bạc phơ, nhai trầu bỏm bẻm. Có đêm em nằm mơ thấy nội hôn em, mùi trầu cau thơm lắm. Chợt tỉnh em lại nằm khóc, vì thương Nội. Em là cháu trai đích tôn thừa tự. Sao nội không sống thêm vài năm nữa để cháu xáy trầu cho nội..



Ngày hè, em thường tưới nước cho cau, tưởng tượng nội đang nhìn xuống. Có khi vừa tưới nước em vừa khóc thút thít, phải chi còn nội. Gió Nam Lào quê em mạnh lắn, giật từng nhịp, có lúc tưởng cau sẽ gãy, vậy mà nó được gần hai mươi tuổi rồi đó, lớn hơn em 9 tuổi. 



Đêm trăng em thường ôm thân cau, và nói với nội, rằng, nội ơi, nội ở trên mặt trăng hả, nội sáng thế. Nội có nhìn con đang ôm cau không, và tưởng tượng tâm hồn con sẽ cao như cau, cho gần nội... Cháu thương cau và thương nội lắm. Mùa này nó trổ hoa nhiều. Bà con có đám cưới, đám hỏi thường đặt trước mẹ mới nhận bán cau. Mẹ bảo, nội là người xe tơ, qua cây cau nhà mình.


Trung thu năm đó, cháu vừa thi đỗ vào trường trung học Nguyễn Hoàng. Đến ngày rằm, trẻ em cả xóm tới nhà Thôn trưởng nhận kẹo và lồng đèn. Em thắp đèn cùng bạn bè đi dọc đường xóm. Em là nhi đồng lớn nhất đi đầu, vừa đi vừa bắt nhịp cho một đám con con theo sau, hát, “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một suối mơ”. Hát nhưng lòng em không thích cái thằng Cuội chuyên nói láo đó. Em chỉ thích chị Hằng, và ước chi nội là mẹ chị Hằng.

Trời mưa, bắt đầu sấm chớp. Chúng em chạy thật mau về nhà. Sấm chớp, gió to. Căn nhà của em mái tranh giật đập liên hồi. Các chị ôm em vào lòng, bão mưa gió quê mình năm nào cũng vậy, ngủ đi. Em ngủ, và thấy ánh trăng không còn nữa. Cả làng trôi bập bềnh ra biển. Nội đứng trên mặt trăng là lớn, M ơi, “coi chừng cây cau của mệ”. 

Sáng ra cây cau bổ nghiêng qua bể nước, lá vẫn xanh, trái vẫn ngời …núm cau. Ba bảo chặt đi, vướng. Mẹ do dự. Em khóc. Không hiểu ba có linh cảm gì từ những giọt nước mắt vong linh của em với nội không, mà ba quyết định gia cố lại. 
Tội nghiệp cau, mấy mùa cau vẫn sống, vẫn se duyên cho lứa đôi trong làng.

Mỗi lần em đi trên cây cau vắt qua bể nước, nhìn xuống bóng em, nó rung rinh, rung rinh nhòa đi. Em cứ tưởng tượng ấy là vong linh nội đang cười với em”.

(Xin lỗi Lê Đức, mình chỉ viết theo trí nhớ. Văn không nhớ nỗi, như thơ).

_____________________________________________________________________________




NHỚ BẠN


Lê Giồng học chung một lớp (10C) với Nguyễn Đặng Mừng và Nguyễn Văn Trị. Do chiến sự leo thang, lệnh tổng động viên năm 1972 nhiều bạn cùng lớp tôi cùng nhập ngũ; trong đó có Mừng và Giồng. Rồi G bị thương cụt mất một chân. Sau 1975, thương binh G. về quê chèo đò, gõ đầu trẻ kiếm cơm. Đói quá, đi kinh tế mới Lộc Ninh và lấy vợ sinh con đẻ cái ở xứ này. 
Nhờ có chữ nghĩa, nghị lưc, G. được dạy tiểu học ở trường Lộc Sơn. Tưởng ông trời ngó lại cho G, được đền bù khi một đời vất vả nuôi con khôn lớn, ai dè anh mắc phải căn bệnh nan y. Ung thư xương, đau nhất trong các loai ung thư.

Đêm. Nếu không có tiếng kèn Bầu, đàn Nhị, tiếng chiêng trống, tưởng tượng chỉ còn nghe tiếng... giun dế, và tiếng hò ru con của những mệ Quảng Trị, da diết ở chốn thâm sơn:
"Hơ hơ, Cợ chi mà em nói anh nghe. Đến đổi mần răng mà tay bưng nón gạo, tay xách bó củi nè, thảm chưa?!" ….

Nhà Giồng ở cuối xóm, xóm ở cuối làng. Thành Tín thổi sáo và làm MC, Mừng ngâm thơ tặng Giồng và những người còn lại. Thơ tặng Giồng “trước lúc đi xa”: Thơ tặng vợ Giồng và những người vợ QT. Cảm tưởng như làng xóm quê mình đang ở đây, trầm mặc thương đau, oan nghiệt.
Mừng có nói ý này, trước khi ngâm thơ: "Vợ Giồng, một nông dân chơn chất mà can đảm vô cùng. Những lần bạn bè ghé thăm ở bệnh viện, chị ấy không khóc, chỉ cắn môi im lặng nhìn mọi người. Tặng quà chỉ có Giồng cám ơn".
Hồi hôm, sau khi Trị nói lời chia buồn, lần đầu mình thấy chị khóc rồi ngất đi.

Chao ôi người phụ nữ QT, lớn lên trong chiên tranh bom đạn, Mạ chạy ra Bắc, con chạy vô Nam. Đoàn tụ vài năm lại ly tán chạy đến tận biên giới vẫn đói nghèo, bệnh tật. 

May phước cho Giồng, có một phụ nữ can đảm dám lấy thằng cụt chân, và sinh cho chồng tới 5 đứa con, 4 trai một gái. Vừa xong phận sự cho con, chồng ngã bệnh, vậy là mấy năm còn chi bán nấy, nuôi chồng hàng tháng ở bệnh viện. Chồng nằm chung giường 2 bệnh nhân, hai bà vợ chui xuống dưới giường ngủ như chuột. Chồng chết, thức trắng đêm bên quan tài, sức tàn lực kiệt. 
Lạy trời cho chị đừng đau ốm chi, sống với con cháu thêm vài ba chục năm nữa. Còn 4 thằng con trai chưa có vợ.

Gửi Em Quảng Trị
                                                  Tặng em và những vồng khoai ở quê nhà
Gánh cực mà đổ lên non
Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo”.
                                                          (ca dao)

Viết cho em lòng buồn như ngọn gió
Thổi hiu hiu rét mướt tự xa về
Đây hoàng hôn những giọt nắng sơn khê
Đây đêm tối ngập ngừng trông sao rớt

Anh quên hết thời xuân xanh hôm trước
Những bài thơ những câu chuyện học trò
Nhưng làm sao quên tiếng nghẹ trâu bò
Mừng ngâm thơ, Thành Tín thổi sáo trúc.
Những buổi chiều trồng khoai về trên bãi

Mùa hạnh phúc lẫn trong mùi cay đắng
Chút phân chuồng mà hy vọng xiết bao
Những cọng khoai tội nghiệp nắng mưa rào
Trên đất cát vẫn ngậm ngùi xanh tốt

Em - cọng khoai ngoằn ngoèo trên đất cát
Run bàn tay anh đón hạnh phúc về
Những buổi chiều buổi sáng canh khuya
Em giấu tiếng thở dài cho nhau đầm ấm

Ai biết được vị gừng cay muối mặn
Cho nhau ăn từ buổi ban đầu
Để hôm nay trong nụ cười thiếu máu
Ta hôn nhau hơi thở cũng cơ cầu

Ôi những lần ái ân em vẫn nhớ
Củ khoai sâu chấm dĩa muối vừng
Thương những lần con lim dim mắt bú
Em xót xa từng giọt sữa có chừng

(Anh hiểu vì sao em phải dửng dưng
Trong những lần ái ân nồng ấm)
Lòng lại dặn lòng gừng cay muối mặn
Hạnh phúc thật gần mà chua chát em ơi…

Những sáng chiều nắng gió chơi vơi
Ta cùng bước ngoằn ngoèo trên lối cũ
Nhà cửa quê mình tranh tre ngày mưa lũ
Trắng mùa màng trắng cả tình yêu

Kiếm sống khó khăn vất vả trăm chiều
Lòng thầm nhủ “đời người có lúc”
Em bón cháo môi con tròn hạnh phúc
Con chó vàng tròn mắt trông lên

Anh bỏ làng đi. Một đêm em khóc
Mưa mịt mù làng xóm buồn hiu
Mơ chén cơm no. Nhớ khói lam chiều
Mơ hạnh phúc lúa khoai ngày giáp hạt…

Đường lên non chim lạc loài tiếng hót
Núi cây rừng chưa nở rộ mùa xuân
Lao xao tiếng gió mưa rừng
Buốt vì thương nhớ rưng rưng thổi về.

(Con Giồng đã in những bài thơ tặng bà con).

Sáng nay, hàng trăm người đến để tiễn đưa Thầy, bạn... Một đời ai cũng qua, chỉ còn gì để lại. Xóm làng Quảng Trị ở biên giới Lộc Ninh, giọng vẫn rặt QT, từ em bé đến thanh niên. Vẫn âm công chạy tam xà, tứ trụ. Vẫn tiếng chiêng, tiếng trống giục...và "cướp" quan tài. Ôi, ai cũng đi mà. Nhìn thật sâu vào những đôi mắt của các ôông, các mệ, chúng ta hiểu ra rằng, cái gì khiến cho dân QT, cùng trời cuối đất vẫn cằn lên mà sống. Vẫn hy vọng vào cháu con, vào nhau. 

Con bé bưng ly nước chè xanh mời, "ông ơi, mời ông uống nước chè", giọng rặt QT, như tuổi thơ chúng mình.

(Tiếc là, những hình chụp, quay phim, vì sự cố kỹ thuật mất sạch!).
__________________________________________________________________________




CỦ KHOAI


Trái tim bạn Lê Giồng đã ngừng đập lúc 15g ngày 30.9.2013. Vậy là Giồng đã đi xa, thoát khỏi cuộc đời mà những năm tháng gần đây bạn đã phải chịu đựng nỗi đau thân xác gây nên bởi căn bệnh hiểm nghèo mà y học đành chịu thua. Thành kính chia buồn cùng tang quyến.
Xin giới thiệu bài thơ "Củ Khoai" thay lời tiễn biệt của Nguyễn Đặng Mừng.

(Lời tiễn biệt bạn Lê Giồng)

Vồng ơi khoai của quê mình
Lòng đau đất cát hiện hình củ khoai
Hôm nay Giồng đã đi rồi
Bông khoai nở tím đất trời tuổi thơ

Đi thì di, nhớ bến bờ
Chèo thuyền tiễn bạn qua bờ thiệt, hư
Dòng quê Thạch Hãn ai ngờ
Bom rơi đạn xé i tờ thủy chung
Nhớ thương bè bạn khốn cùng
Con trai con gái cùng chung phận người
“Đò ơi” Thạch Hãn ai người
Đàng Trong Chúa (*) vẫn khóc cười cháu con

Thương quê bạn cứ ngậm hờn
Lụt lên rồi xuống, con đường, bến quê.
___________________________________________
*Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tên trường của chúng tôi.
_________________________________________________________________



LUỐNG CẢI


Bìm bịp kêu mùa xuân trở lại
Tuổi thơ xoay chong chóng đường làng
Vệt trăng non xủ mây trời ở lại
Lúng liếng mắt ai, luống cải hoa vàng.
__________________________________________________________________________






TẢN MẠN QUÊ NHÀ


"Anh nói vớí em như rìu sa xuống đá,
như rạ chém xuống đất, như mật rót vào tai.
Chặng chừ anh đã nghe ai,
để tranh mòn rui mọt, để nụ măng mai tồi tàn".

Về đêm ít ngủ, chợt giật mình nghe tiếng chim chèo hót kêu thảm thiết giữa không gian thành phố. (Nhà tôi có nhiều chim về đậu vì xung quanh đô thị hóa hết rồi, còn một mảnh vườn thiên hạ chưa thèm làm, cây cỏ mọc um tùm, những loài chim không có chỗ nương thân thường về đậu chứ không phải đất lành). Lại nhớ con chim chèo hót ở quê nhà, theo truyền thuyết là báo hiệu có người sắp chết. Nghĩ về kiếp nhân sinh, tôi viết:
Chim chèo hót kêu lời thảm thiết
Giấc mơ vàng nương bóng tre xanh

Ừ, giấc mơ từ đâu nhỉ? Từ thuở lên năm ở nhà quê, bên luỹ tre, giấc mơ xa nhất của tôi là mặt trăng và hình ảnh chị Hằng, biểu tượng cho tình yêu, lại có thằng cuội dối trá. Làng quê là bức tranh thanh bình, cần tình yêu thương biết bao, cần chi điều gian dối để đày đoạ nhau. Tôi lại viết:
Hãy quên đi những điều gian dối
Lịch sử rạch ròi cái trắng cái đen
Thằng cuội ngàn năm trơ thằng Cuội
Chị Hằng muôn thuở chị Hằng Em.

Thế đó, thơ văn của tôi bắt đầu từ lũy tre làng, từ ca dao tục ngữ. Tôi may mắn được làm nhà nông hai năm (1978-1980) ở quê nhà để cảm lại những câu ca dao mẹ hò ngày xưa, những câu tục ngữ mẹ tôi thường dạy những lúc chị em tôi bối rối trước một tình huống. Những bà mẹ quê xưa thường không biêt chữ, bằng vào những câu ca dao tục ngữ đã nuôi nấng tâm hồn chúng ta nên người. 
Có một số người thành đạt về kinh tế rất sợ nhắc đến "ngày xưa", họ thích khoe khoang kiến thức này nọ nhưng chưa hiểu nổi một câu ca dao tục ngữ. Hãy nghe người xưa ví von sự đó: "khó chưa từng chộ của, mặc quần lụa chó sủa cả đêm" . Ý của người xưa nhắc rằng cái giàu có về văn hoá mới là đáng quý.

CÂY RỰA, CÂY TRE VỚI NHÀ NÔNG
Mỗi lần về thăm quê, thấy làng xóm khang trang, đường sá được bê tông hóa, đèn điện sáng trưng thì mừng nhưng thấy thiêu thiếu một cái gì đó không giải thích được. Ở tuổi ngũ thập hay nhớ chuyện xưa, nhớ cái hồn của làng xưa mà bắt đầu từ đâu nhỉ? À, phải rồi, hình như đường xóm thẳng và rộng hơn, cây tre ít lại. Có nơi chặt hết tre vì vướng dây điện. Làng quê mà không có những lũy tre thì mất đi một phần hồn quê, điều mà trong tâm thức của những đứa con xa xứ luôn thương nhớ, khắc ghi. 
Cha ông mình với nghề nông đã gắn với cây tre từ bao đời. Lũy tre là bức thành vững chắc ngăn gió bão. Hình như từ nhà cửa đến dụng cụ gia đình, nhà nông đều gắn liền với cây tre. Hãy nghe lời than vãn của người đàn ông về những bất hạnh gắn liền với cây rựa (quê mình gọi là rạ):
Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rạ đùi.
Vợ dại trâu chậm thì làm sao ngóc đầu lên với bà con. Cái khổ thứ ba "rạ đùi" thì ngạc nhiên thật. Mà đúng thế, để chặt một cây tre chẻ lạt, đan lát các dụng cụ thì không thể thiếu cây rựa, mà "rạ đùi" thì có chi khổ bằng ??? Cái rựa quê mình đẹp và thanh thoát lại rất tiện dụng, luôn theo nhà nông suốt cuộc đời. Từ cây rựa mà người nông dân sáng tạo ra cơ man nào là dụng cụ. Chuyện kể có anh nông dân khi chia gia tài với vợ, bà vợ bảo "cái gì giống đực thì của ông, giống cái thì của tui." Ông chồng đang tức tối, đồng ý ngay. Thế là tất cả gia sản từ cái sàng, cái dần, cái cối, cái chày, cái cày, cái bừa ... đều giống cái .
Đến khi bà vợ toan lấy cái rựa thì ông chồng giành lại và nói "Nó là đực rựa". Tiếng đực rựa bắt đầu như thế đó. Những dụng cụ nhà nông ở quê mình luôn mang dáng dấp giống đực giống cái, hay như cách nói của các cụ thì là "có đôi, có đụa": Cày thì có bừa, đòn xóc thì có đòn gánh, mỏ xảy thì có mỏ ngà, liềm thì có vằng, sàng dần thì có thúng mủng ...
Thức khuya dậy sớm hỏi chàng
Tre non khẳm lá đan sàng được không?
Thiếu nữ hỏi chàng một câu thật dí dỏm. Sàng dần, thúng mủng đều phải dùng loại tre già để đủ độ chắc bền không mối mọt. Cũng như phụ nữ phải trưởng thành mới lấy chồng. Thiếu nữ chưa trưởng thành hay còn trong giai đoạn khẳm lá (vị thành niên) mà đòi được "đan sàng" thì ngộ nghĩnh và dễ thương biết bao. Tình yêu nam nữ đã được ví von bằng hình tượng rất gần gũi. 
Rồi họ thương yêu nhau, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Có những gia đình hạnh phúc nhưng cũng biết bao gia đình tan nát. Hãy nghe lời than vãn trách móc của thiếu phụ:
"Anh nói vớí em như rìu sa xuống đá, 
như rạ chém xuống đất, như mật rót vào tai.
Chặng chừ anh đã nghe ai, 
để tranh mòn rui mọt, để nụ măng mai tồi tàn".

Cảm động biết bao khi người vợ đôi lúc phải nói giọng đanh thép như "rìu sa xuống đá", trầm thống như "rạ chém xuống đất", êm ả ngọt ngào như "mật rót vào tai". Để... "chặng chừ anh đã nghe ai" ...”để" để, để gì? "để tranh mòn rui mọt, để nụ măng mai tồi tàn”. Trách móc, giận hờn, biết ví với cái gì đây? Nhìn cây rựa, cây rìu chồng để lại mà ví vào, nhìn lên mái nhà tranh dột nát rồi mà chồng chưa về, lại nghĩ đến tình cảnh của gia đình, mai kia đàn con thơ như “nụ măng mai” sẽ lớn lên thế nào khi vắng bóng cha, ai sẽ dạy dỗ chúng nên người, bà con sẽ dè bỉu là "con nhà không ai tra cán cuốc".
Như đã nói ở trên những dụng cụ nhà nông thường mang dáng dấp giống đực giống cái. Hai loại dụng cụ ấn tượng nhất về điều đó là đòn xóc và đòn gánh. Đòn gánh thì khắp nơi đâu cũng có, cái đòn gánh của quê mình nó mảnh mai làm sao. Nó cong như cánh cung nhịp nhàng trên vai thiếu nữ, làm ta nhớ lại quê nhà thuở thanh bình. Và nhớ Mẹ ta xưa:
Da trơn bào cật tre mòn
Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo.
                                                                 (Nguyễn Vân Thiên)
Nhưng cái đòn xóc mới là độc đáo: Lựa cây tre già, có độ cong tương đối, cắt khoảng 1.6 m, chẻ đôi khúc tre theo kiểu "phá mắt" ta sẽ có được phía lưng làm đòn xóc, chiều ngược lại làm đòn gánh. Đòn xóc được vót nhọn 2 đầu (Có câu tục ngữ để ví người hay châm chọc người khác là "đòn xóc nhọn 2 đầu" ) dùng để gánh lúa bó từ đồng về. Lúa được bó thật chặt bằng lạt, dùng đòn xóc thọc vào khoảng 7 phân, 2 bó lúa được xóc đối xứng nhau. Đòn xóc cong ngược lên để bó lúa không bị "trơi". Có lẽ Phạm Duy ấn tượng về cách gánh lúa của quê mình mà viết nên bài "Gánh lúa" nổi tiếng , với hình ảnh thật lãng mạn:
"Chơi vơi, chơi vơi, gánh lúa chơi vơi, cánh đồng làng tôi mà làng tôi ... "
Không biết mình có thiên vị không nhưng theo tôi những dụng cụ nông nghiệp của quê mình nó có duyên hơn những vùng tôi đã đi qua. Thời đại văn minh càng ngày càng xa với những dụng cụ cổ truyền. Về quê thấy có làng văn hóa, có bảo tàng địa phương ... Mà phần nhiều chỉ nói về thời chiến tranh. Quê mình có hằng trăm năm thanh bình, thịnh vượng với nền văn minh lúa nước. Biểu tượng của làng quê phải là thanh bình. 
Nên chăng mỗi làng ở quê mình lập một nhà bảo tàng (có thể ngay ở đình làng) để lưu lại những dụng cụ ngày nay không còn dùng nữa như cối xay lúa, xe đạp nước, cày bừa, gàu tát nước ...v..v...Để thế hệ trẻ nhớ về một thuở nhà nông của cha ông mình. Sợ đến một ngày nào đó lớp trẻ chẳng biết gì về đời sống vùng quê xưa ...
Những người trên 50 tuổi hôm nay vài mươi năm nữa sẽ "ra đi" như câu ca dao buồn của người thôn nữ tiễn "chàng" về quê:
Chàng về thì đục cũng về
Dùi cui ở lại mần nghề chi ăn.
Vâng, những dụng cụ cần nhau như chàng, đục, dùi cui ... Như con người của quá khứ , hiện tại và tương lai cùng cần nhau lắm lắm.
________________________________________________________________________



ANH NGUYỄN XIỂN


Anh dặn, thỉnh thoảng có đứa mô NH mi ới tao qua nhậu với, ở nhà buồn lắm. Vậy là nhiều lần anh qua quán mình khi có bạn NH, có thể lứa anh, cũng có thể là mấy đứa đáng tuổi học trò anh, hay quậy như T.

Anh nói kệ hắn, có đứa ni đứa tê, chơ ai giống ai, hắn rứa chơ cũng dễ thương. Có lần T. về nhà anh, anh gọi điện thoại kêu Mừng ơi qua uống bia. Mình qua nhà, mang theo mấy lon bia. Thằng T. uống chưa đã, lấy luôn bình rượu quý của anh trên bàn thờ xuống. Mình giận T. bỏ về, anh níu tay bảo, ngồi xuống, bạn bè có đứa ni đứa tê.

Anh kể, năm ra QT đại hội 60 năm NH, thằng C. không có tiền, anh điện thoại về bảo cứ lên, anh lo chuyến đi cho. C. từ Long Xuyên lên, cùng anh ra tới Huế. Không biết nhằm ngày cúng quảy chi, C. bỏ anh ở Huế về làng giỗ chạp. Mình nói, cái thằng tệ hè, để gặp tui chửi cho một trận. Anh la: “Kệ hắn, em út có đứa ni đứa tê.

Tau biết Thằng C. nó sợ mi và thằng Trị, rứa là hắn biết lẻ phải. Tính hắn ngang tàng, tau biết. Nhiều khi bị dồn nén con người ta đâm ra cáu gắt. Ngó rứa chơ hắn tốt bụng, thẳng thắn. ”. Anh Xiển không giận ai, chỉ cười. Mỗi lần đi đâu anh phải có một xe ôm hoặc taxi “mối”, lên xuống xe khó khăn. Mình giúp một tay, anh nói kệ tau, tau tự xử được.
Anh hay nhắc về số phận của bạn bè nghèo khó, phù suy không phù thịnh. Có lẽ cuộc đời nhọc nhằn đau đớn cho anh phẩm chất đó. Anh cho mình mượn cuốn phim về đời anh, tiếc là không có những hình ảnh về những ngày cùng quẫn của anh ở quê nhà, ở miền Tây.

Mình đoán rằng, chính cuộc đời nhọc nhằn chịu thương chịu khó của anh là tấm gương để các con anh vươn lên, và biết yêu thương giúp đỡ những số phận cùng khổ. Có khi lắng đọng, anh kể chuyện anh bị thương, chuyện về quê sau năm 75, chuyện trốn làng đi nửa đêm, chuyện ra bến xe bán vé số…Anh kể và…cười, chuyện đời như chuyện chơi, nhẹ như lông hồng.
Đời bắt anh gian truân, nhưng cũng cho anh nhiều bù đắp.

Anh Xiển ngồi giữa Trị và Mừng.
Vợ anh chung thủy, chịu cực chịu khổ theo anh cả đời, đến lúc mất chắc chị cũng mãn nguyện với chồng, với con. Ngày đưa đám vợ, nhìn khuôn mặt chữ điền rắn như thép của anh, tui quay mặt đi, không dám nhìn, vì sợ. Sợ cái rắn rỏi của anh, điều mà nếu là tôi thì…tôi sẽ khóc òa lên.
Con anh đứa nào cũng tài hoa, thành đạt, lại khiêm tốn, thương cha thương mạ, quý trọng đồng môn của cha. Nhớ lời phát biểu của con anh năm ngoái, ngày sinh nhật anh, dù chỉ để khôi hài. Nhưng qua đó, mới thấy con anh hiểu cha mạ thể nào. Ấy là phần thưởng tạo hóa dành cho anh, một người có tấm lòng vị tha, nhân hậu.

Hôm mình và Trị qua thăm anh, đã hơn 10 giờ đêm, anh cười rất tươi khi nói về bệnh tình của mình. “có chi mô…chắc cũng qua thôi”. Xoa cái chân cụt của anh, mình định nói câu …chúc sức khỏe, mong anh chóng lành bệnh, mà nói không được, cứ nghẹn lại. Với anh Xiển, chỉ cần nhìn trong mắt là thông cảm nhau rồi, đừng đãi bôi. Anh là nhà tướng số mà. Anh thương quý ai thì không nhầm.
____________________________________________________________________________



NHỮNG TẤM LÒNG LẶNG LẼ


    Tháng Bảy, mùa Vu lan, mùa của tình mẫu tử, của yêu thương. Trên hai mươi năm CHS NHSG gắn bó, nhiều người đã ra đi vĩnh viễn. Những người ở lại như níu vào nhau, chia sẻ tâm tình, giúp đỡ nhau những lúc khốn khó. Thời gian không còn nhiều cho chúng ta, lớp nhỏ nhất cũng cận kề sáu mươi.

    Tháng này có 3 người, chị Thủy An, anh Nguyễn Xiển và anh Nguyễn Ngọc Cư bị bệnh , ốm nặng phải nhập bệnh viện. Các anh chị là biểu tượng cho những tấm lòng nhân ái, đẹp đẽ, không ồn ào hình thức, rất cụ thể. Xin kể vài kỷ niệm về các anh chị.


    Chị Thủy An
    Chị Thủy An (bên phải) và chị Vân

    Chị An thì bà con CHS Nguyễn Hoàng ai cũng biết, về việc làm của chị trong công tác từ thiện, về “bếp núc” cho NH để có những nhóm họp tình thân, nhưng có điều ít người để ý, là Chị An làm những điều đó không vì tên tuổi, không vì mục đích gì cả, ấy chỉ là một tấm lòng, hồn nhiên như trẻ thơ, cho bạn cây kẹo vì thương bạn, thương đồng môn, thế thôi.

    Nhớ lần đi khánh thành nhà Lê Đăng Châm ở Long Xuyên cùng với Nghĩa (em ruột Chị), Lê Bá Tâm, Mừng, Trị và Ngọc Chung. Chị mang theo Cái TV đã dùng của nhà Chị, vẫn còn tốt. Sau khi tặng quà và cắt băng khánh thành, bạn bè tặng hoa, quà chúc mừng vợ chồng Châm. Chị dặn, không được nói về cái TV, vì nó là hàng cũ, sợ vợ chồng Châm buồn.

    Của cho phải có ý nghĩa của nó, không phải ỷ có của rồi muốn cho cách gì cũng được. Chị tế nhị trong từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói, hòa nhã vui vẽ mà rất sâu lắng. Chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm. Ăn lẩu trâu, hát karaoke, và cười vui suốt đường dài. Về gần đến nhà, còn bao nhiêu kẹo bánh, trái cây, chị chia đều cho các em về làm quà cho con cháu.

    Hôm vợ chồng mình lên thăm ở bệnh viện Hồng Đức, Chị không nói nhiều về bệnh tình mình mà cứ hỏi thăm thằng Giồng, Thằng Tự chừ khỏe không. Chị hẹn lành bệnh thế nào cũng đi thăm Giồng, tội lắm. Vợ chồng mình mang biếu lon sữa bị chị la, nói vợ chồng còn khó khăn, tới thăm là chị vui rồi.

    Chị khoe cái ipad mới được con tặng, rồi mở máy nghe nhạc. (Chị rất mê nhạc, nhất là nhạc tiền chiến. Hồi đi Long Xuyên chị hát hay không ngờ). Đến khi muốn tắt không biết tắt chỗ mô. Chị kể, có ông bác sĩ tới khám, chị cứ để máy hát, ông bác sĩ bảo tắt đi để trao đổi về bệnh tình. Chị thưa bác sĩ, tôi không biết tắt chỗ mô. Thiệt thà như đếm, cái chi không biết thì nói không biết, là biết vậy, ấy là tính cách Chị Thủy An.

    Vợ chồng mình chào về, chị bảo ở lại ăn cơm chay với chị, chị đã cho cháu đi mua rồi. Chị nhìn theo dặn, nhớ nghe Mừng, khi mô Chị lành thì lại đi thăm Lê Giồng nghe, tội lắm.


    Anh Ngọc Cư


    Thầy Nguyễn Ngọc Cư (thứ 2 từ trái sang)
    “Mi cứ kêu tau bằng anh, đừng thầy bà chi hết. Tau có dạy mi ngày mô, mô”. Rứa là mình phải kêu Thầy bằng anh. Anh chị thường qua quán mình, bao giờ cũng phải có món bánh ướt thịt luộc, và phải có nước mắm “nhức răng”. Chị người Nam mà cũng thích “nhức răng” như chồng. Chị nói anh thích chi thì vợ thích nấy.

    Mỗi lần bọn mình qua nhà, anh Cư bảo, nhà tau thoải mái, rượu bia, thức ăn trong tủ lạnh, cứ kéo ra mà lai rai. Xong, rủ đánh bài xẹp, tài bàn. Chị ở nhà thì cứ loay hoay phục vụ, bạn chồng cũng như học trò, ai chị cũng kêu bằng anh.

    Mình gặp anh Cư khoảng năm 1994, cùng anh Ngô Bá Cương đến chơi nhà anh trên đường Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận. Hồi đó anh chị còn bận rộn …làm giàu. Mà làm được, bằng trí tuệ của cả hai vợ chồng, chị là kỷ sư cùng ngành Nông nghiệp với anh.

    Một thời gian dài không gặp, đến lúc anh chị về gần mình, ở đường Chu Văn An mình mới có dịp gặp lại.

    Anh nói với mình và Trị, Hiện tau có lương hưu, cũng còn vài hợp đồng với các trường đại học, lúc mô tau còn thu nhập thì xin ủng hộ quỷ điều hành tháng một triệu. Và hàng tháng anh gửi tiền ủng hộ BLL.
    Năm ngoái chị Cư bị tai biến nằm ở bệnh viện Gia Định, mình và Trị đến thăm . Mình hỏi, răng anh không cho em biết để thông báo với bạn bè và học trò anh, anh bảo, sợ phiền anh chị em.

    Tháng 5 vừa rồi, anh chị qua quán mình, nói là anh sắp về quê lo mồ mả. Anh nói mi đi với tau, một mình buồn lắm. Tau cho mi vé máy bay, còn lại mi lo. Dù bận, lại vừa ra quê vào, thấy vui nên OK ngay. Vậy là anh em cùng đi. Chị đưa chúng tôi ra sân bay, dặn dò anh giữ sức khỏe. Chuyến đi vui và nhiều kỷ niệm, nhất là buổi uống cà phê với các đàn anh dân Hải Lăng như BS Khàn, Lê Văn Thái… và anh Trương Công.

    Hôm qua mình chở anh Tạ Thái đến thăm anh, có Nguyễn Văn Trị và Lê Bá Tâm. Chuyên trò hơn tiếng, anh khoe bạn anh ở Mỹ cho miếng nấm linh chi quý, học trò anh ở Cam Lộ gần 70 tuổi, xách vào cho anh…5 ký đậu huyết để Thầy rang rang nấu nước uống cho mát. Những tình cảm nồng thắm đó là niềm vui, nó ngời lên trong mắt anh một nụ cười mãn nguyện.

    Hôm nay anh bị bệnh nặng. Ngày mai nhập bệnh viện chợ Rẩy. Mong mọi sự an lành đến với anh, gia đình anh, một gia đình tử tế.
    _______________________________________________________________



    TÂM SỰ ĐÊM GIAO THỪA
                                                                                                                     Tưởng nhớ thi sĩ Hoàng Cầm

      Gia đình có bốn thế hệ. Những ngày sữa bị nhiễm hóa chất độc hại melamine, đề tài về sữa được cả nhà bàn luận rôm rả.
      Tôi đang hoang mang không biết mua sữa gì cho con, bà nội chồng động viên: “Thời bà chẳng có sữa ngoại sữa nội gì sất, chỉ cho con bú bằng sữa mẹ. Ba bốn tháng thì cho ăn dặm thêm cháo, nước cơm  hoặc nhai cơm rồi mớm cho bé, vậy mà ba tụi bay cũng cao tới một mét bảy, cũng học hành thành đạt như ai”. Cô cháu dâu là tôi tròn xoe mắt nghe như bà kể chuyện cổ tích. Làm sao nuôi con mạnh khỏe mà không có sữa. Bao nhiêu sách vở tôi nghiên cứu, bao nhiêu loại sữa tôi đã chọn cho hai đứa con cưng nằm im trong tủ. Mẹ chồng nghiêm mặt bảo: “Con không được đụng đến cái thứ giết người này”. Rồi bà thu gom toàn bộ sữa trong tủ đem cho mấy bà mua ve chai, tôi nhìn theo tiếc của, thương con khóc tấm tức.

      Tôi về làm dâu một gia đình còn cả ba mẹ chồng và bà nội rất đông vui hạnh phúc, ngặt nỗi chuyện gì ba mẹ và bà nội cũng góp vào, có những điều không khoa học chút nào, uất ức cùng cực cũng phải nhịn. Sinh ở bệnh viện Đại học Y Dược được năm ngày về nhà là mẹ chồng bắt xông phây, nhiều khi nóng quá khóc tấm tức, chồng tôi an ủi: “Chịu khó đi em, mẹ thương em mới thế. Trông mẹ ngồi quạt than, nấu nước lá cho em xông anh thương mẹ lắm. Cũng chỉ vì mẹ thương tụi mình, thương cháu nội thôi mà. Mình cũng phải trọng cái tình của mẹ chứ. Em gắng lên nhé”. Vậy là tôi thấy nhẹ cả lòng, những nồi nước xông, lữa than hồng không còn nóng nữa mà ấm tình mẹ con.

      Nhưng hôm nay làm sao mà chịu nổi, khi đứa lớn bốn mươi tháng tuổi ngày nào cũng khóc đòi sữa, mẹ chỉ cho uống sữa đậu nành. Thằng bé   gầy nhom đi, mẹ vẫn chưa hết cấm vận sữa. Tôi đưa cho mẹ chồng xem thông tin những loại sữa không có nguy cơ nhiểm độc, mẹ lắc đầu nguầy nguậy phán: "Không có thông tin nào thiệt đâu con. Cả nước Trung Quốc không phải vì niềm tin mà mấy chục ngàn trẻ em phải nhập viện, hàng trăm tử vong đó sao. Chúng ta tự bảo vệ mình trước khi chờ người khác bảo vệ. Chúng ta không dùng sữa là một cách đánh vào các hãng sữa vô nhân đạo, thức tỉnh những ai còn thờ ơ với sức khỏe cộng đồng. Con cháu của chúng ta có thể gầy đi một chút nhưng thế hệ sau tâm hồn sẽ sáng hơn. Cái gầy gò đáng sợ là tâm hồn của con người xơ cứng đi con ạ. Thế hệ sau của những con người vô cảm sẽ trả giá với cha mẹ họ”.

      Ngày nào mẹ chồng tôi cũng đọc báo, nhất là những thông tin về sức khỏe, đặt biệt là về sữa. Mẹ biết vanh vách những thực phẩm nhiễm độc. Bà còn bảo dân Đài Loan cũng đang tẩy chay trái thanh long Việt Nam vì có chất độc trong thuốc diệt sâu rầy. Bà thở dài, “Thế giới loạn tới nơi, cũng do con người không được xây dựng trên một nền tảng đạo lý truyền thống”. Có lần mẹ kể hồi còn nhỏ mỗi lần đong gạo bán bà ngoại dặn: “Ngón tay gạt gạo phải thẳng như chính tâm mình, vì ngón tay cong là lon gạo bị khuyết xuống, vậy là mình ăn bớt phần của người khác". Mỗi lần vo gạo bà ngoại cũng dặn: “Đừng để gạo lọt xuống cống vì hạt gạo là hạt ngọc của trời…”. Ban đầu tôi rất khó chịu vì những kiểu giáo dục như thế. Mấy năm qua, không biết tự lúc nào mỗi lần vo gạo là tôi nghĩ đến câu chuyện của mẹ, của bà.

      Con bé sáu tháng tuổi bữa nào mẹ cũng nấu cháo dinh dưởng cho ăn dặm, con bé gầy teo. Nhiều đêm cho con bú với bộ ngực lép kẹp, đứa bé khóc ngằn ngặt nghe quặn cả lòng. Mẹ chồng tìm mua những món bổ dưỡng mà theo bà là để có nhiều sữa  tẩm bổ cho con dâu. Mẹ chồng trong đêm mò mẫm phụ ru cháu để dâu có sức khỏe.

      Một đêm con bé khóc suốt, cả nhà không ai ngủ được. Tôi mệt lả thiếp đi, hai ngực rã rời. Mẹ chồng tôi thức trắng ru cháu. Nửa tỉnh nửa mê tôi nghe giọng hò của mẹ:

      À ời… à ơi…
      Đêm ba mươi gió thổi
      Tôi lại nhớ con tôi
      Vợ đói con cũng đói
      Khóc lả lặng từng hồi
      Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa
      Ngực lép con nhay đã rã rời
      Một ngày bốn năm bữa
      Con khóc chừng đứt hơi
      Sục tìm vú mẹ không còn sữa
      Há miệng uống no dòng lệ rơi.
                                   (Đêm Giao Thừa - Hoàng Cầm)

      Tôi bật dậy ôm chầm mẹ hỏi, bài hò của ai hay vậy mẹ. Đuôi mắt hình rẽ quạt của mẹ nhiễu nước, bà chớp mắt kể:
      Thời còn trung học trong chương trình không có thơ Hoàng Cầm, một hôm thầy giáo dạy văn đọc cho cả lớp nghe bài Đêm Giao Thừa, cả lớp xin thầy chép lại, không biết vì lý do gì thầy chỉ đọc lại một lần rồi bảo: “Trò nào nhớ thì tự ghi lại”, vậy mà chỉ hai lần thầy đọc mẹ nhớ đoạn thơ này đến bây giờ. Bài thơ như vận vào đời mẹ. Năm sinh chồng con mẹ còn ở ngoài quê, thời cả nước ăn bo bo thay gạo. Suốt cả thời gian mang thai mẹ chỉ ăn khoai lang mà không hiểu sao chồng con lúc sinh ra tới 3,5 kg. Mỗi lần khắt sữa mẹ lại nhớ đoạn thơ trên, nghĩ rằng trên đời còn nhiều người khổ hơn mình. Có thể nhờ vào tinh thần bài thơ mà mẹ đủ nghị lực vượt qua những ngày tháng đó. Ba con có làm bài thơ dài tặng mẹ, mỗi lần đọc đến đoạn thơ này ba mẹ cùng khóc:

      Ơi những lần ái ân em vẫn nhớ
      Củ khoai sâu chấm dĩa muối vừng
      Thương những lần con lim dim mắt bú
      Em xót xa từng giọt sữa có chừng
      Anh hiểu vì sao em phải dửng dưng
      Trong những lần ái ân nồng ấm.
                                                          (NĐM)
      ……

      Con bé ngủ say trong lời ru của bà nội như thông cảm với mẹ. Hai ngực tôi sữa căng tràn, ứa ra từ lời ru, từ những lời thơ đắng cay, ngọt ngào hương sữa.

       “Đêm giao thừa” trong thơ Hoàng Cầm đã biến thành lời ru con tự khi nào. Tôi sẽ dạy con gái tôi thuộc lời ru này để mai sau có giàu có sang trọng đến đâu cũng đừng quên một thời đau thương mà hào hùng của cha ông. Bài thơ như dòng sữa bất tận của tình yêu, từ quá khứ chảy về tràn bờ bến tương lai.
      _______________________________________________________________________


      NHƯ VỒNG KHOAI QUÊ MÌNH


        Lê Giồng tại BV Ung Bướu
        TPHCM (28-5-2013)
        Tôi về thăm Giồng ở làng Xuân An năm 1978. Ngôi nhà tranh bên sông Thạch Hãn, Giồng đang chống nạng đứng nắn nót từng chữ lên bảng đen’, là miếng ván ép được đóng lên vách... ván, những chữ a, b, c thật đẹp. Khoảng chục đứa trẻ đang ê a đọc theo thầy.

        Thấy tôi, Giồng lặng đi một chặp, nhìn tôi rồi nhìn xuống cái chân cụt của mình. Giồng nói lớn, Bữa ni thầy có khách, cho các em về sớm. Đám trẻ reo hò chạy về nhà hết. Còn lại hai đứa. Không khí lạnh ngắt của mùa đông làng quê áo não làm sao. Tôi ôm bạn mà khóc, hai đứa cứ hưng hức một ngôn ngữ thầm thì, kỳ lạ, nuốt nỗi đau uất nghẹn vào lòng.

        Giồng bị thương tháng 3 năm 1975 ở Quảng Trị, được đưa vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Huế, cưa mất một chân ngang đầu gối. Đang điều trị lại phải chuyển vào bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng. Rồi bệnh viện cũng bị giải tán, tất cả thương bệnh binh đều phải về quê “tiếp tục điều trị” với… gia đình. Giồng được em gái đưa về quê, gần sáu tháng vết thương mới lành hn. Ơn trời, không bị nhim trùng.

        Giồng cụt chân không ra đồng được, đành mở lớp dạy con cháu trong làng. Gia đình học trò cũng nghèo như thầy, nên ai cho chi lấy nấy, khi thúng lúa, thúng khoai, khi mớ cá, mớ rau. Đang dạy mà có người cần qua sông thì Giồng chèo đò, kiếm vài hào mua gạo phụ giúp gia đình.

        Mấy mươi năm sau bạn bè cùng lớp lại gặp nhau ở Sài Gòn. Giồng kể, hiện là giáo viên, đang dạy học ở Sông Bé. Đã lập gia đình, có 5 con, 4 trai, một gái đã lấy chồng. Tụi mình mừng cho bạn đã vượt qua được số phận, còn đem “cái chữ” dù ít ỏi, nhưng đẹp, đến với con em nông thôn. “Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”. Tui đùa, bài hát chi, Giồng hè, hay là “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”. Như Lê Giồng ngày xưa, vai u thịt bắp, rất nông dân và ưa hát nhạc Thanh Sơn.

        Xin trích đoạn về lớp tui, trong “Ngày thơ xa xôi”. Thầy C. dạy tiếng Anh, còn trẻ mà mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. Thầy đang ưu thời mẫn thế. Lớp tôi gần một sân bay trực thăng dã chiến. Mỗi lần máy bay hạ cánh là hai mươi phút thầy trò ngồi yên nghe tiếng động cơ ầm ào, có lúc bụi khói còn bay cả vào lớp học. Sân bay mấy tuần nay ngày nào cũng thế, có khi cả buổi sáng chẳng học hành gì. Mỗi lần dứt tiếng động cơ là thầy X lại một phen chửi Mỹ, chửi chính quyền miền Nam. Học trò tụi tôi, dù nhỏ đã có chính kiến. Một số thích kiểu phản chiến, là mode thời đó bằng những bản nhạc do một nữ sinh tập như bài Tuổi trẻ Việt Nam”.
        Tôi nhớ một đoạn như sau: Tuổi trẻ Việt Nam là hầm hố chông gai. Mắt đăm đăm nhìn những xóm thôn lửa vùi. Sáng mai nào nhìn đoàn quân qua đầu núi. Nghe trong lòng một nỗi ngậm ngùi.

        Tôi, THN, TV, QT lại thích nhạc Phạm Duy. Văn nghệ trường tập hợp ca Mẹ Trùng Dương, hát ba bè, xúc động lắm. Chúng tôi yêu nước một phần từ những bản nhạc như thế.
        Riêng Lê Giồng lại “chuyên trị” nhạc Thanh Sơn, “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”.

        Có lần tui và Nguyễn Văn Dũng, đêm trăng, mùa hè 1971, qua Xuân An, ni hứng, nói Lê Giồng chèo đò về xóm Hà, thăm QT.
        Thuyền ra sông, Dũng và tôi khề khà ngâm thơ… Đường, "Nhật mộ hương quan hà xứ thị /
        Yên ba giang thượng sử nhân sầu”... Giồng bảo, cứ tự nhiên, tui là thằng chèo đò, có biết văn chương chi, chỉ biết bolero. Giồng thay vì ngâm thơ, lại hát, “Ve kêu gọi hè sang, phượng về khơi niềm nhớ…”. Và mùa hè 72, Lê Giồng vào trung tâm huấn luyện Quang Trung…

        Người ta có thể gọi Giồng là giáo viên, nhưng không gọi là “thương binh” hay thậm chí là “người tàn tật”, để Ging được hưởng một chính sách nào đó dù ít ỏi ở đất nước mình đang sống và đóng góp, để hát với con cháu, bằng tiếng “Ve kêu gọi hè sang…”.

        Cách đây mấy ngày, vợ chồng tôi đi thăm chị Thủy An, chị bảo, tội thằng Giồng lắm, khi mô chị khỏe, cùng NH đi thăm Giồng, nghe Mừng. Chị An đã cùng chúng tôi đã đi thăm những đứa em bất hạnh, Lê Tự, Lê Đăng Châm... và giờ đây chị nhắc nhở chúng tôi, rằng phải đi thăm Giồng trước khi quá muộn.

        Giồng, là “vồng”, vồng khoai quê mình, thiệt thà và nhân bản.
        Hy vọng trước khi Giồng đi xa, anh chị em mình sẽ thăm Lê Giồng một lần.

        Saigon, đêm 05/8/2013.
        ____________________________________________________________________________


        QUÊ HƯƠNG


          Có một thời tôi trốn bỏ quê hương
          Nửa đêm cùng em băng đồng chạy trốn
          Làng xóm buồn hiu không tiếng chó sủa
          Nguyễn Man Nhiên
          Đom đóm ma trơi chập chờn sau lưng

          Người chết người sống trốn tìm
          Đồng Quá Giang lúa thì con gái
          Quắt queo như nhánh nhang tàn
          Cong hình chữ S

          Tháng Giêng mưa bấc, bụng thì đói
          Tay em lạnh ngắt
          Cầm củ khoai lang bẻ đôi
          anh nghẹn họng nuốt
          Em nhìn anh trợn tròng

          Mưa lay phay và trăng non
          con nh ương hát bài chi rất buồn
          nh ương ơi thông cảm
          ta chẳng còn quê hương.



          ________________________________________________________________________________








          BÓNG CHIỀU HÔM


          “Bóng chiều hôm”, tập truyện đầu tay của Nguyễn Đặng Mừng có thể nói là một cái nhìn quay về quá khứ, một quá khứ chưa xa mà ai cũng nhớ nhưng lại chưa được phản ánh trong văn chương Việt. Mười bốn truyện ngắn, trong đó là mười bốn câu chuyện đời, mười bốn số phận, đa số là những số phận của thời hậu chiến, của những người thuộc bên này hay bên kia. Cũng như những con người  ngoài đời thật, nhân vật của Đặng Mừng rất khó có thể liệt vào bên kia hay bên này… Những nhân vật của Nguyễn Đặng Mừng rất thật, cuộc đời của họ trải qua nhiều thăng trầm, vui ít buồn nhiều, có những lúc trầm luân cơ cực, đời họ là hình chiếu của cuộc sống trong suốt một thời kỳ ba mươi năm sau ngày thống nhất… Thông thường một tác phẩm có hai con đường đ gây hiệu ứng nơi người đọc, một là gây sự xúc động, hai là gây cười. Ở tác phẩm của Đặng Mừng có cả hai hiệu ứng trên. Đọc nhiều truyện ta không khỏi bật cười, nhưng đó là những chuyện cười ra nước mắt.

          _____________________________



          Những câu chuyện ở làng quê nào đó...

                                         (Đọc Bóng chiều hôm, tập truyện của Nguyễn Đặng Mừng, NXB Hội Nhà Văn)

          • Trần Thùy Mai

          Mặc dù không ồn ào và không được lăng xê như một số khuôn mặt thời thượng, nhưng sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Đặng Mừng trong năm vừa qua thực sự có thể nói  là một hiện tượng.
          Truyện ngắn của Đặng Mừng xuất hiện đầu tiên trên Sông Hương, rồi sau đó trên Văn Nghệ, Tia Sáng, Người Đại biểu Nhân dân... Ngay từ lần đầu xuất hiện, tác phẩm của anh đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng mạnh mẽ. Dù  không mang một dấu ấn thời thượng nào, nhưng văn chương Nguyễn Đặng Mừng cho ta cảm giác về một cái gì đó thực sự mới: Nó báo hiệu rằng thời ta sống đã khác, tâm thức thẩm mỹ đã khác và đã có thể nói với nhau nhiều chuyện hơn trong văn chương cũng như cuộc sống.

          Trong bầu không khí văn chương hiện nay, có thể nhận thấy rất rõ hai xu hướng đang chi  phối những người cầm bút. Một là xu hướng cách tân về hình thức nghệ thuật, tìm những biện pháp thẩm mỹ mới, như nhiều cây bút trẻ đang làm với tất cả sự háo hức và táo bạo, nhiều khi táo tợn: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đỗ Thế Hoàng Linh, Vi Thùy Linh... Xu hướng thứ hai là xu hướng nhìn lại quá khứ, bổ sung vào văn học  những điều chưa nói để làm rõ diện mạo một thời đại. Tiêu biểu cho xu hướng này, có thể kể Bùi Ngọc Tấn, Võ Văn  Trực, Tô Hoài... và nhiều tác giả khác nữa. Những nhà văn này thường đã lớn tuổi, trải nghiệm nhiều, chứng kiến nhiều, luôn bị thôi thúc bởi quá khứ và kỷ niệm.

          Nguyễn Đặng Mừng mới viết, nhưng không còn trẻ. Sinh năm 1953, lẽ ra anh đã có thể viết từ lâu. Nhưng những năm tháng trong trại cải tạo, rồi về làng quê Quảng Trị làm nông dân trồng lúa cắt cỏ, lại di cư vào Nam buôn bán làm ăn... những đoạn đời lăn lộn truân chuyên ấy dường như là quãng thời gian tích lũy vốn sống, kinh nghiệm để bây giờ khi cầm bút viết ra thì tất cả đều đã chín muồi, đủ độ chín của hồi tưởng, suy ngẫm và cảm xúc.

          “Bóng chiều hôm”, tập truyện đầu tay của Nguyễn Đặng Mừng có thể nói là một cái nhìn quay về quá khứ, một quá khứ chưa xa mà ai cũng nhớ nhưng lại chưa được phản ánh trong văn chương Việt. Mười bốn truyện ngắn, trong đó là mười bốn câu chuyện đời, mười bốn số phận, đa số là những số phận của thời hậu chiến, của những người thuộc bên này hay bên kia. Cũng như những con người  ngoài đời thật, nhân vật của Đặng Mừng rất khó có thể liệt vào bên kia hay bên này: Như chị Mịn, con gái một ông lý trưởng, đi theo du kích lên rừng, hết chiến tranh về làng làm cán bộ phụ nữ xã rồi lại bỏ làng trốn vào Nam. Như Bình, sĩ quan chế độ cũ, đi học tập xong về hợp tác xã làm thư ký đội (Buồn vui mấy lần); Anh Nợ tù binh chiến tranh được tha, sung vào đoàn vận tải, về làng với nón cối áo bộ đội hẳn hoi (Tím cả chiều hoang); Bà Thắm người nữ thanh niên xung phong có giọng hát say người, cuối đời đến khi lãng trí vẫn còn hát những bài hát thời con gái... (Bóng chiều hôm). Những nhân vật của Nguyễn Đặng Mừng rất thật, cuộc đời của họ trải qua nhiều thăng trầm, vui ít buồn nhiều, có những lúc trầm luân cơ cực, đời họ là hình chiếu của cuộc sống trong suốt một thời kỳ ba mươi năm sau ngày thống nhất.

          Thông thường một tác phẩm có hai con đường đề gây hiệu ứng nơi người đọc, một là gây sự xúc động, hai là gây cười. Ở tác phẩm của Đặng Mừng có cả hai hiệu ứng trên. Đọc nhiều truyện ta không khỏi bật cười, nhưng đó là những chuyện cười ra nước mắt. Sở dĩ vậy là vì cái tài của tác giả biết lẫy ra từ cuộc đời những tố chất bi hài lẫn lộn, làm người đọc thấy buồn cười thì rất buồn cười mà xót xa cũng thật xót xa. Như câu chuyện phiên họp kết án đôi nam nữ đồi trụy vì đã dám "Hun chắc bằng mui", chuyện chị Nần chung thủy cự tuyệt bao nhiêu người đến ve vãn để rồi chửa hoang vì tưởng vong hồn người chồng nhập vào xác lão thầy bói, chuyện cửa hàng mậu dịch phân phối quần đen cho con trai, quần xà lỏn cho con gái, chuyện nông dân ngồi họp bên đống lúa trong sân hợp tác, sáng ra thấy đống lúa nhỏ lại còn phân nửa...

          Nói những chuyện không phải không lớn, những chuyện can hệ đến phận người, đến vận mệnh của cá nhân, cộng đồng, dân tộc nhưng tác giả không hề đao to búa lớn mà lại rất dí dỏm, như cười cợt nỗi đau của chính mình. Đọc truyện Đặng Mừng tôi liên tưởng đến cảm giác khi xem phim "Phải Sống" của Trương Nghệ Mưu: cả một thời kỳ trải qua những ấu trĩ, lầm lạc, có cả thành công và thất bại, hạnh phúc và đau đớn, có lúc trả giá bằng cả sinh mạng, nhưng cuối cùng đọng lại vẫn là niềm hy vọng, lòng nhân ái, sự tha thứ, những gì tốt đẹp giúp người ta đi tới để tiếp tục cuộc sống.

          Nhân vật của Đặng Mừng đa số là nông dân. Các nhà văn viết về nông dân khá nhiều, nhưng thú thực, đọng lại trong lòng tôi cho đến nay chỉ có hình ảnh người nông dân của Tô Hoài trong Quê người, Trăng thề, Chớp bể mưa nguồn... những con người hiền lành, chân chất có số phận nhỏ nhoi luôn làm ta xót xa. Đấy là những người nông dân thời Pháp thuộc. Người nông dân trong truyện Đặng Mừng thời nay đã khác, trong truyện của Mừng, người nông dân có cuộc sống chất phác mà mãnh liệt, khép mình trong nề nếp của đạo nghĩa mà vẫn phóng túng hồn nhiên đôi khi có phần hoang dã. Đấy là người nông dân trong cuộc sống thực của họ, được miêu tả sinh động dưới ngòi bút của một tác giả có thời thơ ấu gắn bó với làng quê Việt Nam, cho đến nay vẫn luôn gắn ngòi bút của mình với tấm lòng "Nhớ ruộng nhớ đồng".

          Nhà phê bình Đặng Tiến, khi nhận xét về tác phẩm Nguyễn Đặng Mừng, có nhận định rằng tâm thức sáng tạo của nhà văn là một nguồn sáng vô minh, có khi chính nhà văn ấy cũng không ý thức hết được. Có lẽ tâm thức cảm thụ của người đọc cũng vậy, sự biết hay biết dở khi đọc một tác phẩm cũng là một trực giác bẩm sinh, vì vậy những người đọc bình thường không phải là nhà phê bình cũng có thể nhận ra cái hay cái dở của tác phẩm văn học. Bằng trực giác, khi khen một tác phẩm, người Huế thường dùng hai chữ "Có hồn". Truyện của Đặng Mừng rất có hồn, vì anh viết từ chính xương tủy cuộc đời mình. Cách viết của anh giản dị, hầu như chẳng hề sử dụng kỹ xảo truyện ngắn. Khi người ta đã có một vốn sống phong phú, khi sự thật được nói bằng lời lẽ chứng nhân, thì hình như chẳng cần đến một thủ pháp nào cả. Nguyễn Đặng Mừng đã viết như vậy, chẳng hề quan tâm chạy đôn chạy đáo kiếm cho mình một tấm áo thời trang, anh xuất hiện bằng thể cách tự nhiên, cứ tưng tửng, thật thà với cái giọng nông dân của anh, kể những câu chuyện ở làng quê nào đó mà ngẫm kỹ lại, ta mới nhận ra cái làng ấy chính là đất nước của mình....

          Không có nhận xét nào:

          Đăng nhận xét