Lê Bá Lư


KÝ ỨC TRIỆU PHONG

Ai qua trường Triệu Phong
còn nghe thấy trong lòng
mình vang bao kỷ niệm
có thấy buồn mênh mông
?

...

50 năm trước (1964) tôi thi đậu vào Trường Triệu Phong, trường trung học công lập duy nhất của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Qua 4 năm theo học, ngôi trường đã để lại trong tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm thân thương của một thời mới lớn…

Thời gian đã qua nửa thế kỷ, bao chuyện cũ đã lờ mờ trong ký ức, nhưng tôi còn nhớ rất rõ cái ngày tôi đi thi “công cua” (thi lấy chỗ vào lớp đệ thất, nay là lớp 6 trường công lập). Hôm đó là một ngày trọng đại của gia đình tôi- lần đầu tiên có con đi thi trường huyện. Dù làng cách huyện khoảng 3 cây số, nhưng mới gà gáy tan bà nội tôi đã thức tôi dậy cho ăn uống đàng hoàng và dặn dò kỹ lưỡng thêm một lần nữa, trước khi được ba tôi chở đi bằng chiếc xe đạp đòn dông. Đến địa điểm thi, tôi nhớ là một ngôi trường ở Cổ Thành, trời vừa mới sáng, các thí sinh đã có mặt đông đủ, nhiều đứa có cha mẹ hoặc ông bà đi theo. Kỳ thi diễn ra trong một ngày, buổi sáng thi toán, chiều thi tập làm văn. Trong lúc chúng tôi ở phòng thi thì các phụ huynh thấp thỏm đứng chờ bên ngoài. Tôi nhớ buổi sáng đề toán có câu hỏi: “Vậy diện tích đám ruộng là bao nhiêu?”. Vừa ra khỏi phòng thi, phụ huynh nào cũng hỏi con mình câu đầu tiên là: “có làm đúng 2.500m2 không?” (đáp số của bài toán), ba tôi cũng vậy. Tôi nhớ lúc ba tôi hỏi, tôi lơ ngơ không nhớ đáp số mình làm là mấy nên ấm ớ trả lời, ông nóng nảy xáng cho tôi một tát tai kèm theo lời mắng “ đồ con bò!”. Thằng Vinh con bà cô tôi, học kém môn toán hơn tôi nhưng khôn lanh, không biết đáp số nó làm bao nhiêu nhưng ai hỏi là nó trả lời rành mạch đúng 2.500m2 và còn nói thêm là thầy cô giám thị coi thi nhìn bài của nó đã gật gật đầu có vẻ khen ngợi, ba nó khoái chí rút túi thưởng nóng cho nó 5 đồng. Tôi buồn thúi ruột, trong bữa ăn trưa tại chợ Sải, phụ huynh nào có con làm đáp số 2.500m2 đều phấn khởi, còn cha con tôi thì khỏi nói, tôi không dám ngồi gần vì sợ được ông cho thêm một bạt tai. Thằng Vinh thì rất hớn hở, cầm 5 đồng đi mua kẹo và chia cho tôi mấy cái, ăn kẹo mà tôi chẳng thấy ngon chút nào… Buổi chiều môn tập làm văn thì đỡ hơn, vì văn không có đáp số nên khỏi bị phụ huynh hỏi han, chất vấn.
Trong những ngày chờ kết quả, tôi rất buồn và mặc cảm, cứ thui thủi ra bờ sông câu cá một mình. Trong khi đó, mẹ tôi thương con, trách ba tôi nóng tính và an ủi tôi “học tài thi phận con ơi!”. Bà nội thì bình tĩnh hơn, cũng la ba tôi quá nóng và đêm nào cũng thắp nhang cầu nguyện ông bà phù hộ cho con cháu, tôi được an ủi phần nào nhưng không ngớt buồn…
Đến ngày treo bảng, tôi cũng không bận tâm lắm vì nghĩ “đã rớt trong tay”, nên chẳng hy vọng gì, đến lúc bà nội giục đến 3 lần tôi mới thất thểu đi. Trong tâm trạng buồn chán, tôi bước đi rất chậm, đến giữa cánh đồng làng Nại Cửu thì gặp con bò cái đang đẻ con. Trời ơi, “họa vô đơn chí”, đi coi thi mà gặp bò đẻ thì còn nước non gì nữa, thế là tuyệt vọng dồn lên tuyệt vọng, tôi chán nãn định quay về nhà. Lúc đó nhiều đứa đi coi bảng sớm đã quay về, thấy tôi nó la lên “mầy đậu rồi Cu Lư ơi!”, tôi không tin vì nghĩ đã gặp bò đẻ thì làm sao mà thi đậu được, tuy vậy, trong lòng cũng hồi hộp lắm, đi thêm một đoạn gặp thằng Vinh, thấy mặt nó buồn xo, hỏi gì cũng không nói, đi một lúc nữa gặp đám bạn về ngược chiều, không hỏi nó cũng nói “mầy đậu rồi!”. Lúc đó tôi vẫn chưa tin hẵn, nhưng như có động lực mạnh mẽ, cước lực gia tăng nhanh chóng, tôi chạy như bay. Đến chỗ treo bảng người vẫn còn đông, tôi lấn vào xem, rõ ràng 100% có tên tôi trên bảng ở số thứ tự 9 trên tổng số 110. Trời ơi sướng quá! tôi như bay bổng lên mây. Cả đời tôi chưa bao giờ có những phút giây thần tiên như lúc đó!...
Tôi chạy qua chỗ ba tôi làm việc báo cho ông biết, mới gặp ông tôi la lên “Con đậu rồi!”. Tôi thấy mặt ba tôi vui lắm, té ra ông đã coi bảng trước đó. Ba tôi không nói gì, chỉ cười cười và có chút ngượng ngùng vì đã “thưởng” oan cho thằng con. Ba tôi móc bóp rút 20 đồng cho tôi và bảo lấy xe đạp về làng báo tin cho trong nhà biết. Tôi mừng quá, đạp xe như bay, chiếc xe đạp đòn dông tôi còn nhỏ không thể ngồi lên yên, phải vẹo người dưới cái sườn ngang mới đạp được. Khi chạy gần đến gần làng Bích La Nam phải quẹo cua, tôi không giữ được tay lái, thế là người và xe bay xuống ruộng, xe đè lên người, ruộng thì nước ngập gần nửa đầu gối, may có mấy người làm ruộng gần đó đến đỡ dậy mới thoát thân. Bàn chân phải của tôi bị đâm vào cái chấn sên xe đạp khá sâu, máu chảy đầm đìa nhưng tôi không thấy đau đớn gì cả, tiếp tục lên xe phóng về nhà… Khỏi phải nói, bà nội tôi và mẹ tôi vui biết chừng nào!. Bà tôi bảo giết cặp gà và mua mấy cân thịt heo làm mâm cơm cho tươm tất để cúng tạ ơn ông bà, chắc bà nghĩ rằng tôi thi đậu chỉ là nhờ có tổ tiên ông bà linh thiêng phù hộ. Mẹ tôi thì hứa chắc chắn như đinh đóng cột là lần tới đi chợ tỉnh sẽ cho tôi đi theo giữ triêng (gánh) và mua vải may cho một bộ áo quần mới. Hôm cúng tổ tiên, ông ngoại tôi khăn đóng áo dài đến dự và mang theo một bức liễn có 2 hàng chữ Hán mừng cháu thi đậu, bảo ba tôi treo ngay lên vách để cho bà con xóm làng biết thành tích xuất sắc của thằng cháu ngoại…
Lê Bá Lư và thầy Nguyễn Thiện Lữ

Trường trung học Triệu Phong lúc bấy giờ là trường cấp 2, có 8 lớp (4 lớp Anh văn và 4 lớp Pháp văn). Mỗi năm thi tuyển vào khoảng hơn 100 học sinh cho 2 lớp đệ thất. Cả huyện chỉ có một trường công nên học sinh nào thi vào được là rất hãnh diện. Năm đó làng tôi đi thi gần 20 đứa và đậu được 5. Các học sinh thi rớt thì một số vào học các trường tư thục như Bồ Đề, Bố Liêu, hoặc học lại sang năm thi tiếp. Vào trường tôi được xếp học lớp Anh văn (đệ thất 2) cùng với 2 người cùng làng là Lê Bá Ấm và Lê Văn Chất. Lớp tôi có hơn 50 học sinh, trong đó gần 20 nữ. Mới vào lớp 6 nhưng có nhiều bạn đã 17, 18 tuổi như Lê Thị Thừa, Trương Thị Lan, Lê Thị Cháu, Lê Bá Ấm, Lê Văn Chất… Nhiều bạn cũng hơn tôi vài tuổi như Sử Hạp, Lưu Chữ, Trần Thị Xuân, Hồ Thị Thể Tần, Cao Thị Dẫm, Võ Kham, Võ Ổi, Tạ Thị Lan, Nguyễn Thị Toán… Bây giờ, qua bao lớp trầm tích thời gian, tôi không thể nhớ hết tên các bạn trong lớp, nhưng vẫn nhớ mãi những bạn học giỏi hoặc có nhiều kỷ niệm đùa nghịch với tôi, như Võ Kham là lớp trưởng, luôn cầm sổ điểm danh; Võ Ổi, người luôn đứng đầu lớp tất cả các môn học; Lê Quang Sinh, Trịnh Đình Chính, Nguyễn Xâm, Lưu Chữ, Sử Hạp, Hồ Văn Bôi, Trịnh Đình Dẫn, Hồ Ngọc Túy, Hồ Ngọc Dũng, Hồ Công Đạo, Cao Hữu Quý, Hồ Văn Ký, Võ Sĩ Hoài, Nguyễn Kim Kỳ…

Những thầy cô dạy chúng tôi, lúc đó gọi là giáo sư, đến nay tôi còn nhớ rõ thầy Trần Sĩ Tiêu dạy quốc văn, cô Nguyễn Thị Gái dạy sử địa, cô Phạm Thị Như Hoàn dạy lý hóa, thầy Văn Phong dạy Anh Văn lớp 8-9, thầy Tôn Thất Phú dạy âm nhạc và Anh văn lớp 6 -7; thầy Nguyễn Thiện Lữ dạy quốc văn; thầy hiệu trưởng Phan Thanh Thiên dạy toán; cô Diệu Thanh (phu nhân thầy hiệu trưởng) dạy môn vạn vật…Có 3 giáo sư tôi có ấn tượng nhất là thầy Trần Sĩ Tiêu, dáng thầy thấp lùn, râu rậm, nhiều khi thầy rất vui vẻ, tỏ ra dễ dãi với học sinh, nhưng có lúc không hiểu sao thầy nổi cáu, học sinh dễ bị thầy la mắng và cho điểm zê rô, khi vào lớp nếu thấy mặt thầy nghiêm nghiêm là cả lớp đều lo lăng, ngồi im re, sợ thầy gọi lên trả bài. Thầy Văn Phong người thấp đậm, da đen, đeo kính cận, thầy nghiêm nhưng rất hiền, hầu như chưa hề phạt em nào, thầy thường bắt học sinh học thuộc lòng những đoạn trong cuốn English For Today… Ấn tượng nhất là thầy hiệu trưởng Phan Thanh Thiên dạy toán, thầy dạy tận tâm và dễ hiểu, dạy đến lúc nào học sinh đã hiểu mới thôi chứ không theo giờ, nên tiết học của thầy thường ra trể. Tôi còn nhớ câu thầy nói “học toán là học định nghĩa”. Thầy Thiên có dáng đi lúc nào cũng hối hả, tất bật, đi mà như chạy, mỗi lần nói chuyện thầy thường lấy tay che miệng. Năm lớp đệ tứ, được thầy Thiên dạy toán, tôi đã mau chóng lấy lại được căn bản và học khá môn này để khi vào trường cấp 3 Nguyễn Hoàng chọn ban B (ban Toán). Thầy Phan Thanh Thiên và cô Thanh hiện nay ở Sài Gòn, hàng năm vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhóm học sinh Triệu Phong cũ ở gần, gồm: Võ Kham, Ngô Hướng, Ngô Hào, Nguyễn Trình, Lê Bá Lư, Nguyễn Xâm, Trần Thị Xuân, Lê Bá Tâm, Lê Anh Duy, Đặng Duy Định, Lê Thị Huệ… thường tổ chức họp mặt chúc mừng thầy cô tại nhà thầy ở đường Nguyễn Trãi, quận 5... Ngoài những thầy cô dạy học, tôi còn nhớ thầy giám thị Hồ Bính, thầy thường đi chiếc xe Gobel, đầu tóc lúc nào cũng láng mượt. Bác phu trường Hồ Thơm, nhà ở phía sau, có mấy người con bàn chân 6 ngón là Hồ Văn Thừa, Hồ Văn Dư, Hồ Văn Ký, giờ ra chơi học sinh thường xuống xin nước uống…
Lê Bá Lư và bạn Võ Ổi
Nhà tôi xa trường, buổi trưa tôi thường vào nhà các bạn gần trường như Võ Kham, Võ Ổi, Nguyễn Xâm, Lê Quang Sinh, Vỗ Đức Bá nghĩ lại và đùa giỡn với nhau rất vui. Hồi đó Kham và Ổi rất chăm học và có vẻ chửng chạc; nguyễn Xâm thì vui tính, lúc nào cũng nhe hai hàm răng hô cười hì hì; Lê Quang Sinh nhìn hơi nghiêm nhưng tốt bụng và rất chìu bạn, bạn bè xúi chơi món gì cũng tham gia…Sau này tôi mới biết, hồi đó Võ Ổi học giỏi nhất lớp và còn biết yêu đương sớm nhất. Trong lần gặp 2 đứa lại nhau ở Đà Nẳng sau hơn 40 năm xa cách, ngồi nhắc lại kỷ niệm xa xưa, Võ Ổi (bây giờ đã đổi tên là Võ Ngọc Tuấn) đã kể cho tôi nghe câu chuyện tình học trò ngày xưa thật trong sáng, hồn nhiên và đẹp như thơ với cô bạn cùng trường VTL, hoa khôi một thời của trường Triệu Phong…
Vật đổi sao dời, biển xanh hóa thành ruộng dâu, ngôi trường cũ Triệu Phong thân yêu với bao nhiêu kỷ niệm của một thời thơ dại ngày nay không còn nữa. Mỗi lần về thăm quê, đi ngang chốn cũ, ngôi trường chẳng còn chút dấu vết…Những bạn bè ngày xưa giờ cũng đã răng long đầu bạc, có đứa cuộc đời công thành danh toại, có đứa ngậm ngùi số phận không may, có đứa ở đất khách quê người hay lưu lạc tận bên kia bờ đại dương, có đứa đã về cõi vĩnh hằng…, lòng tôi không khỏi bùi ngùi. Trường xưa, bạn cũ tất cả giờ đây chỉ còn trong ký ức!


__________________________________________________________________________



VÔ ĐỀ


Trần gian, trần giản, trần giàn...
Vô biên nỗi khổ, vô vàn niềm vui
Mắc chi mà cứ ngậm ngùi
Hãy nâng chén cạn buồn vui với đời
Trăm năm một kiếp con người
Thoảng như giấc mộng khóc cười cũng hay!
_______________________________________________________________________




ĐẾN "ĐỘNG HOA VÀNG" GẶP "GÃ TỪ QUAN"


Quán cà phê Hoa Vàng nằm ở một góc khuất trong cư xá Bắc Hải, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Đến đây, khách thường thấy một người đàn ông tầm thước, dáng vẻ nông dân, da ngâm ngâm, mũi lân, trán cao, miệng rộng, tai dài, răng to, khi thì ngồi một mình cặm cụi viết trên cuốn sổ nhỏ bằng nửa bàn tay, khi thì ung dung chuyện trò với khách, đó là nhà thơ Phạm Thiên Thư, tác giả thi phẩm “Động Hoa Vàng”, đã được nhạc sĩ tài danh Phạm Duy phổ thành ca khúc nổi tiếng “Đưa em tìm động hoa vàng” được rất nhiều người yêu thích.

Bạn bè thân hữu thường gọi quán Hoa Vàng là "động Hoa Vàng" và nhà thơ Phạm Thiên Thư là: “gã từ quan”, bởi “Động hoa vàng- Rằng xưa có gã từ quan” đã gắn liền với tên tuổi Phạm Thiên Thư, và nhà thơ cũng đã từng rủ bỏ cuộc đời trần tục, lên chùa tu hành kinh kệ gần 10 năm.

Trong những lần tiếp xúc với nhà thơ Phạm Thiên Thư, tôi cảm thấy ông là một con người đặc biệt, bao hàm nhiều tính cách, mênh mang nửa đạo nửa đời. Trông ông vừa như một thiền sư sâu lắng, một triết gia uyên thâm, một thi sĩ lãng mạn, vừa là gã lãng tử thích rong chơi cõi đời…, coi mọi chuyện trần gian đều là phù du, hư ảo. Phạm Thiên Thư luôn có vẻ ung dung tự tại, nhưng nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của nhà thơ, chúng ta có thể hiểu ông, trước hết là một nghệ sĩ tài năng với năng lực sáng tạo và sức làm việc thật phi thường. Sự nghiệp 50 năm sáng tác của ông đã đóng góp vào kho tàng văn học nước nhà vài chục vạn câu thơ độc đáo, với nhiều tác phẩm trong nhiều lãnh vực.

Phạm Thiên Thư luôn tìm tòi sáng tạo, mở cho mình con đường sáng tác riêng. Nhiều tác phẩm kinh điển đã được ông chuyển thành thơ. Phạm Thiên Thư đã thi hóa 7 bộ kinh của Phật giáo, như kinh Kim Cương (kinh Ngọc), kinh Pháp Cú (kinh Thơ), kinh Hiền Ngu (kinh Hiếu, kinh Hiền)…

Với lòng kính trọng thi hào Nguyễn Du và yêu mến truyện Kiều, Phạm Thiên Thư đã “cả gan” viết “Hậu Kiều- Đoạn Trường Vô Thanh” tiếp nối “Truyện Kiều- Đoạn trường Tân Thanh” dài 3.296 câu lục bát, với tinh thần đề cao tính dân tộc, xóa bỏ mọi điển tích, từ chương Hán ngữ, thay vào đó bằng lịch sử, điển tích, ngôn ngữ, đất nước, con người Việt Nam…“Đoạn Trường Vô Thanh” đã đoạt giải nhất văn chương toàn quốc năm 1973 dưới chế độ cũ Sài Gòn.
Phạm Thiên Thư đã sáng tác từ điển cười bằng thơ, đây là một tác phẩm độc đáo với 24.000 câu tứ tuyệt. Theo châm ngôn “nụ cười bằng mười thang thuốc”, “cười vui đẩy lùi bệnh khổ”, cười để chữa bệnh (tiếu liệu pháp), nhà thơ đã nghĩ ra đủ mọi thứ trên đời cười; sử dụng sự hài hước, dí dỏm để chữa tâm bệnh. Trong lời giới thiệu “Từ điển cười” của Phạm Thiên Thư, bác sĩ Trương Thìn - Chủ tịch Hội Đông y TP. Hồ Chí Minh đã viết: “Phạm Thiên Thư làm y thơ, tiếu liệu pháp, ai cũng cười, cười phá được khổ đau, cười òa trong giác ngộ,…”. Nhà thơ đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Là người Việt Nam đầu tiên sáng tác từ điển cười bằng thơ”.

Cuộc hạnh ngộ của hai bậc nghệ sĩ tài hoa họ Phạm- nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Phạm Thiên Thư, đã để lại nhiều giai thoại một thời trong giới văn chương. Khoảng thời gian 1970, nhạc sĩ Phạm Duy sau khi qua quảng đường dài sáng tác, từ dân ca, tình ca, tâm ca, hoan ca, tục ca, vĩa hè ca,…. sáng tác của Phạm Duy đã đí vào bế tắc, chán chường.

Lúc đó cơ duyên Phạm Duy đã bắt gặp những vần thơ nhẹ nhàng, thanh khiết, mênh mang, thâm trầm, nửa đạo nửa đời, thiền ý sâu xa của thi sĩ kiêm tu sĩ Thích Tuệ Không (pháp danh của Phạm Thiên Thư), Phạm Duy đã tìm ra lối thoát cho hồn nhạc, thấy được con đường đi vào Đạo ca, hay đúng hơn là đi vào Đạo sống. Ngoài một số nhạc phẩm Phạm Duy sáng tác từ những vần thơ của Phạm Thiên Thư đã đi vào lòng công chúng, như “Đưa em tìm động hoa vàng”, “Ngày xưa Hoàng thị”, “Em lễ chùa này”… Phạm Duy còn hợp tác với Phạm Thiên Thư để cho ra đời 10 bài Đạo ca nổi tiếng. Có thể nói cuộc hạnh ngộ của Phạm Duy và Phạm Thiên Thư là duyên may, "như mây gặp núi", đã làm danh tiếng hai nghệ sĩ tài danh họ Phạm thêm lừng lẫy và còn để lại cho đời những tác phẩm bất hủ. Trong kỷ niệm 50 năm sáng tác của nhà thơ Phạm Thiên Thư được tổ chức tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh đêm 21/12/2011, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói: "Nếu không có Phạm Thiên Thư thì không có Phạm Duy". Câu nói có thể phần nào xả giao, nhưng cho thấy Phạm Duy đã tôn trọng và đánh giá rất cao thơ của Phạm Thiên Thư.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng long Hà Nội, Phạm Thiên Thư cho ra đời tác phẩm “Hát ru Việt sử thi”, mà theo nhà thơ, đó là tình cảm và trí tuệ, anh hùng khí phách, âm thanh và sự sống con người Việt Nam muôn đời qua siêu thức hát ru …” Với 3.325 câu lục bát, “Việt sử thi” đã kể chuyện lịch sử bằng thơ từ thời vua Hùng dựng nước đến triều đại Tây Sơn….

Thơ của Phạm Thiên Thư đủ sắc màu, giai điệu, “sang trọng” lẫn “bình dân”. Có những vần thơ lung linh huyền ảo, bay bổng, nhẹ nhàng thoát tục, dễ đưa tâm hồn người lâng lâng vào cõi thiên thai, mơ hồ.

Thức giấc ta nhìn em
Long lanh ngoài cửa sổ
Hạt lệ xanh thiên cổ
Sáng giữa vầng đêm đen
Ngôi sao hình như quen
Ướp trong lòng thơ cũ
Dường có chi ấp ủ
Đậu thơm nhành hoa sen

(Sao khuya)

Những câu thơ tha thiết, nồng nàn:
Thôi thì em mặc áo xanh
Cho hồn ta ẩn bên nhành kết thơ
Thôi thì em rủ tóc tơ
Cho ta tựa gốc sương mờ tịnh tâm
Thôi thì em nguyện lâm râm
Cho ta ngửi nẫu môi trầm như lai
Lỡ không cái gã địa tài
Đắp chăn gã ngủ giấc dài trong tôi
Một mai ta có luân hồi
Tái sinh lại giữa khóe môi em hồng

(Khúc tự tình phù du)


Có những câu ngang tàng khí phách:


….Vó ngựa qua cầu còn mây mù
Khói phù hư dong nốt phù du
Xốc xếch đeo túi thơ bầu rượu
Cùng cỏ hoa vẫy chào xuân thu.

Khua mái chèo cuốn cả thiên thanh
Thuyền chở xuân gỗ cùng đơm nhành
Vỗ bầu rượu hát câu chuốc rượu
Gạc chân mây nổi giữa dòng xanh

(Ngày xưa Từ Thức)


Phiêu diêu thoát tục
…. Ðất Nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông
Lại đem bầu ngọc ra trồng
Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân.


Người vui ngựa chợ xe thành
Ta leo cầu trúc bên ghềnh thác rơi
Theo chân chim gặp mây trời
Lại qua khói động hỏi người tu non
….
(Động hoa vàng)

Cùng với những thi phẩm tuyệt tác, nhà thơ Phạm Thiên Thư còn có không ít tác phẩm “bình dân”, nôm na, hóm hỉnh, chọc cười, như 10 bài thơ răn vệ sinh:

Đi cầu (tập hỷ xả)

Cái xấu cho đi chẳng tiếc chi
Thải luôn hờn giận- chớ nên ghi
Coi như mơ ngủ- như chưa gặp
Để trướng trong tâm – có ích gì?


Rửa mặt (tập chu toàn)

Vò cho khăn sạch mới đem dùng
Lỡ dán đêm qua tới “ị” cùng
Chớ tưởng của mình là sạch cả
Biết đâu kẻ xấu lén xài chung
.

Soi gương (tập tự trọng)

Ra phố nên soi kỹ mặt mày
Đẹp mình trước đã để người hay
Đẹp hơn tất cả là nhân cách
Chẳng hỗ trời cao thẹn đất dày.


Mặc đồ (tập cảnh giác)

Trước giũ rồi sau mới xỏ vào
Biết đâu rết, nhện ẩn trong “bào”
Cứ nên cảnh giác là hơn cả
Những chỗ không ngờ - bị mới đau…

Đã quá tuổi "cổ lai hy", Phạm Thiên Thư vẫn miệt mài sáng tác, nhà thơ tiết lộ đã hoàn thành và sẽ “trình làng” một số tác phẩm: “Hồi ký 1”, với 10.000 câu thơ nói về cuộc đời của mình từ thuở ấu thơ đến năm 1975 ; “Nhật ký quán Hoa Vàng”, nhật ký thể thơ, ghi lại những gặp gỡ giao lưu với bạn bè, thân hữu thường ngày tại quán Hoa Vàng, khoảng 8.000 bài thơ 4 câu; “Xanh ngôn huyền”, chuyển từ tác phẩm “Huyền ngôn xanh” (ý tưởng khắp thế giới- google) và có thêm một chương; “Dưỡng sinh huyền”, gồm 6.000 câu thơ về phương pháp dưỡng sinh Phathata (Pháp- Thân- Tâm). Nhà thơ còn sắp cho ra đời một công trình đồ sộ, là bộ “Từ điển Tâm Phật” khoảng 10.000 trang thơ, gồm 4 phần: Tâm Phật 1, Tâm Phật 2, Tâm Phật 3 và Tâm ngôn Thiền.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư cho biết, hiện nay ông vừa hiệu đính các tác phẩm sắp xuất bản, vừa tiếp tục viết “Hồi ký 2” về cuộc đời từ sau năm 1975 đến hiện tại; đồng thời bắt đầu viết “Kinh Trang”, chuyển từ tác phẩm "Trang Kinh" của Trung Quốc sang thể loại thơ 4 câu, theo tinh thần ngôn ngữ Việt Nam.

Có thể nói sáng tạo của nhà thơ Phạm Thiên Thư thật độc đáo và phi thường. Đến nay ông đã viết hơn 15 vạn câu thơ thuộc nhiều lãnh vực. Chỉ tính trong 10 năm qua, ông đã cho ra đời hơn 30 tác phẩm trường thi. Dường như ông viết từ siêu thức, thơ đã có sẵn trong đầu cứ thế mà trào ra. Nhà thơ bộc bạch: “Có lẽ là nhờ vào nguồn lực thiền, mỗi lần cảm xúc tôi khẽ nhắm mắt lại là thi tứ dâng lên”.Phạm Thiên Thư thường thức làm thơ đến 1- 2 giờ sáng và mỗi đêm ông ngồi thiền ít nhất là 1 tiếng đồng hồ, mà theo ông là để "phục hồi và nạp thêm năng lượng".

Với phong thái ung dung, hòa nhã của một thiền sư, Phạm Thiên Thư lúc nào cũng khiêm cung và sẵn sàng chia sẻ với tha nhân. Thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên thơ ông dù ở lãnh vực nào cũng chứa đựng tư tưởng thiền. Theo ông, không cần phải vô chùa tu hay sống biệt lập, ai ai cũng có thể tìm chân lý thiền trong cõi trần tục này. Phạm Thiên Thư thường khuyên mình cũng như khuyên người: “Luôn biết mình dốt-Để gột tính kiêu-Để yêu như mới-Để cởi mối hiềm-Để thêm tinh tiến…”.

Ngoài là một nhà thơ nổi tiếng, Phạm Thiên Thư còn là một nhà ngoại cảm, một thầy thuốc chữa bệnh khá nổi tiếng theo phương pháp dưỡng sinh Phathata do ông sáng lập. Theo ông, Phathata là một phương pháp chữa trị bệnh tật và rèn luyện sức khỏe bằng cách đánh thức tiềm năng con người, tự điều chỉnh bế tắc, rối loạn cơ thể và tâm lý thông qua khả năng siêu ý thức và những cách tham thiền, vận nội công và yoga. Phương pháp này được chính quyền địa phương công nhận đã điều trị hiệu quả cho những người cai nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư.

Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh năm 1940 tại Hải Phòng, vào Nam năm 1954, ông đã từng đi tu gần 10 năm ở chùa Vạn Thọ - thành phố Hồ Chí Minh (1964-1973). Sau khi hoàn tục ông lập gia đình, có 3 người con trai. Cuộc đời nhà thơ cũng trải qua nhiều thăng trầm, ông đã từng làm nhiều nghề vất vả để kiếm sống. Quán Hoa vàng của gia đình ông được mở từ 10 năm nay. Đây là cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới văn nghệ sĩ và những người mến mộ “gã từ quan- Phạm Thiên Thư".

Vốn là một người am hiểu sâu sắc Phật pháp và giáo lý nhà Phật, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã hiểu lẽ vô thường của tạo hóa. Ông thường nói đời người là phù vân nhưng cũng nhiều thú vị, đừng âu lo, không trụ, không chấp mới được an lạc. Ông thường khuyên bạn bè hãy cười nhiều hơn để thêm sức khỏe cho mình và mang niềm vui đến cho mọi người. Phạm Thiên Thư thường hay dí dỏm: cười nhiều vui nhiều thế giới sẽ hòa bình.... Nhà thơ đã nâng giá trị nụ cười lên tầm cao nhân văn.
________________________________________________________________________




BẤT CHỢT


Dường như anh đang yêu em
Dường như chưa đã khát thèm
Dường như Nguyệt đã nhìn xem rõ ràng

Dường như em đang lang thang
Dường như anh đang sang ngang
Dường như tình ngập mênh mang đất trời

Dường như em ngoan tuyệt vời
Dường như anh đã ngỏ lời
Dường như môi mắt tóc thời mười lăm

Dường như tình đã lặng câm
Dường như mộng đã xa xăm
Dường như Chức Nữ nhớ thầm Ngưu Lang!


_____________________________________________________________



KÝ SỰ TÂY BẮC


Hòa Bình và Sơn La

Trung tuần tháng 3/2013, được Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạo điều kiện, chúng tôi đã có dịp đến thăm một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
Chúng tôi đã đến các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang... đã thăm hai nhà máy thủy điện lớn nhất nước và khu vực Đông Nam Á là Hòa Bình và Sơn La; thăm các di tích lịch sử tại Điện Biên Phủ, như đồi A1, hầm tướng Pháp De Castries, nhà tù Sơn La, cột cờ Lũng Cú ở Đồng Văn (Hà Giang), cây đa Tân Trào, Đình Bảng (Tuyên Quang)...; thăm Dinh "Vua Mèo" ở Hà Giang; "mục sở thị" chợ tình Sapa (Lào Cai); tìm hiểu những phong tục, tập quán và những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Điểm đến đầu tiên là Hòa Bình. Tại đây chúng tôi đã đến tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình (hay còn gọi thủy điện Sông Đà), được xây dựng trên giòng sông Đà. Thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng từ ngày 6/11/1979 và sau 15 năm xây dựng, nhà máy đã khánh thành đi vào hoạt động ngày 20/12/1994. Nhà máy do Liên Xô trước đây giúp đỡ xây dựng, có công suất thiết kế 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy phát điện. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ KWh. Đặc biệt, các tổ máy phát điện của nhà máy đều được đặt trong đường hầm đào sâu vào dưới chân núi.

Ngoài nhiệm vụ phát điện, là nguồn cung cấp điện chủ lực cho toàn hệ thống điện Việt Nam, công trình thủy điện Hòa Bình còn có các nhiệm vụ chống lũ cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng; tưới tiêu, chống hạn cho sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Đà và đồng bằng sông Hồng; điều tiết mực nước sông, đồng thời đẩy nước mặn ra khỏi các cửa sông. Thủy điện Hòa Bình còn giúp cải thiện việc đi lại bằng đường thủy kể cả hạ lưu và thượng lưu sông Đà.

Thủy điện Hòa Bình là một công trình vĩ đại của thế kỷ 20 của Việt Nam. Trước khi có thủy điện Sơn La, Hòa Bình là thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Trong quá trình xây dựng đã có 186 cán bộ, công nhân hy sinh, trong đó có 10 chuyên gia Liên Xô. Tại nhà Truyền thống thủy điện Hòa Bình có lưu giữ một bức thư của "Những người xây dựng thủy điện Hòa Bình gởi thế hệ mai sau - Thư sẽ được mở vào ngày 01-01-2100". Bức thư được lưu giữ trong một khối đá hình thang cạnh đáy 2 mét, cạnh trên 0,8 mét, cao 1,8 mét và nặng gần 10 tấn. Lá thư là một công trình tập thể được viết bằng mực tàu, gồm hai bản tiếng Việt và tiếng Nga.

Thủy điện Sơn La

Từ Hòa Bình đi qua Sơn La khoảng hơn 250 km, xe chạy trên quốc lộ 6, đường ngoằn nghoèo, khúc khuỷu, quanh co lên đèo xuống dốc theo các sườn núi; nhiều đoạn sương mù che phủ, tầm nhìn ô tô chỉ khoảng 50 mét, ban ngày cũng phải pha đèn. Phong cảnh núi rừng thật hùng vĩ, núi non trùng điệp. Lúc này mùa xuân, thời tiết dễ chịu, nhiệt độ bên ngoài khoảng 20 độ C, nhiều bông hoa đua nở, có những vạt rừng hoa ban nở trắng xóa; những đồi chè, nương sắn, ô ruộng bậc thang lần lượt trôi qua trong tầm mắt. Phong cảnh thật ngoạn mục, chúng tôi cứ mong cho đường dài thêm... Sau gần 7 giờ di chuyển, đến 13 giờ chúng tôi đã đến thành phố Sơn La, ăn trưa vội vàng và chỉ nghỉ ngơi nửa tiếng, tiếp tục đi lên thủy điện Sơn La, nằm ở huyện Mường La, cách thành phố Sơn La khoảng 60 km.

Thủy điện Sơn La hiện nay là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, có công suất lắp đặt 2.400 MW, gồm 6 tổ máy phát điện. Nhà máy được khởi công xây dựng từ ngày 02/12/2005. Ngày 27/12/2010, tổ máy đầu tiên đã phát điện và đến ngày 23/12/2012, nhà máy đã được khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động. Sản lượng điện nhà máy cung cấp hàng năm hơn 10 tỷ KWh, gần bằng 1/10 sản lượng điện của cả nước năm 2012. Ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, sau hơn 2 năm đưa các tổ máy đi vào hoạt động, đến nay thủy điện Sơn La đã cung cấp cho quốc gia hơn 15 ty KWh điện.

Hiện nay, hai công trình thủy điện Hòa Bình và Sơn La đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tạo nguồn thu đáng kể cho hai tỉnh.

Một kỷ niệm khó quên trong hành trình, khi đoàn chúng tôi từ nhà máy thủy điện Sơn La về thành phố Sơn La trên tỉnh lộ 106, đến đoạn cách thành phố hơn 20 km thì gặp sự cố, một cây cổ thụ khoảng hai người ôm, dài hơn 40 mét từ trên núi bất ngờ đổ xuống chắn ngang đường. Chúng tôi hoảng hồn, ai nấy tự hỏi nếu xe đi nhanh hơn khoảng 5 phút thì có khi gặp tai nạn thảm khốc. Vụ cây đổ đã gây ách tắc giao thông hơn một tiếng đồng hồ.

Về đến thành phố Sơn La trời đã gần tối, chúng tôi được mời đến giao lưu với đồng bào dân tộc Thái ở bản Tông, được các cô gái Thái hồn nhiên, dịu dàng, xinh đẹp, đặc biệt là rất mến khách, mời uống rượu và thưởng thức các món ăn mới lạ của đồng bào Thái, như cá khe nướng, lợn cắp nách quay, gà đồi luộc, canh lá vén váy... xem các điệu múa xòe, múa quạt, múa nón, múa thổ cẩm... cùng thưởng thức rượu cần và giao lưu các điệu múa lâm thôn...

Gần 11 giờ đêm cuộc vui mới tàn. Trưởng đoàn Phạm Đình Lâm hát khúc dân ca Người ơi, người ở đừng về và mọi người cùng ngậm ngùi hát theo. Ai cũng bùi ngùi trước lúc chia tay và trong tôi vẫn mãi còn ngây ngất men rượu cần cùng các điệu múa hồn nhiên...

Thăm dinh vua Mèo ở Hà Giang

Khởi hành từ thành phố Hà Giang lúc 5 giờ sáng, xe chạy dọc quốc lộ 4C, qua các cung đường khúc khuỷu, quanh co theo các sườn núi đầy sương mù. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm đầy mạo hiểm, nhưng sự khát khao khám phá đã làm chúng tôi không còn âu lo.

Đến 6g20, đoàn chúng tôi dừng lại ở thị trấn Quản Bạ, thỏa thích ngắm cổng trời Quản Bạ lúc bình minh, ăn điểm tâm và tiếp tục lên đường đến dinh vua Mèo Vương Chính Đức, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - một di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo, được xây dựng cách đây tròn 1 thế kỷ, là một điểm du lịch nổi tiếng vùng Tây bắc mà hầu như ai cũng ước ao được một lần đến thăm.
Cổng vào dinh vua Mèo
Đến 10 giờ 20, đoàn chúng tôi đã đến cổng dinh. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi mới tiếp cận là cái thế phong thủy rất đắc địa và hấp dẫn của dinh vua Mèo. Tọa lạc giữa một thung lũng, bao bọc chung quanh là những dãy núi cao trùng điệp như những bức trường thành thiên nhiên vững chãi muôn đời, dinh nằm trên một khu đất có hình khum khum như mu rùa, lưng dựa vào vách núi, trước mặt là khoảng đất rộng như quảng trường, tạo cho dinh một dáng oai phong, bền vững, dễ khiến người xem liên tưởng đến quyền lực hùng mạnh một thời của các vua Mèo.

Bước lên khoảng trăm bậc thang bằng đá giữa hai hàng cây sa mộc xanh tươi cao vút là lên đến cửa chính của dinh. Hai bên cửa có hai câu đối bằng chữ Hán:
Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập
Môn phong lưu quý khách vãng lai.
(tạm dịch: Nhà tích thiện người hiền vô ra / Cửa phong lưu khách quý lui tới).

Dinh được xây theo lối kiến trúc của vua chúa, quan quyền ngày xưa, gồm 3 phần: tiền dinh, trung dinh, hậu dinh, cao dần từ tiền đến hậu, là những dãy nhà hai tầng, liền kề, làm bằng các loại gỗ tốt nhất, mái lợp ngói âm dương. Tất cả gồm ba dãy nhà ngang và hai dãy nhà dọc. Khoảng cách giữa các dãy nhà ngang, dọc là các khoảng sân vuông lát đá rộng chừng 100 m2. Những hoa văn chạm trổ ở các khung cửa, chân cột, đuôi kèo… có hình quả anh túc (thuốc phiện). Toàn bộ dinh có 64 phòng lớn nhỏ, là những chỗ làm việc, tiếp khách của “vua”; nơi ở và sinh hoạt của các thành viên trong gia đình; một số phòng là kho chứa của cải, vũ khí, thuốc phiện… Trong khu dinh thự còn có một hồ chứa nước mưa khá lớn và hồ bơi, bể tắm sữa dê...
Tường đá bao quanh dinh
“Nội thành” dinh có diện tích gần 1.500 m2, bao bọc 4 phía là các vách tường kiên cố xây bằng đá xanh, cao khoảng 2,5mét và dày gần 1 mét, có các tháp canh bảo vệ.

Nằm hai bên cổng chính ở phía ngoài là một số lăng mộ của gia tộc họ Vương; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm vùng Tây Bắc và các nét văn hóa, đời sống lao động sản xuất đặc trưng của đồng bào người H’Mông.

Cách dinh chừng 80 mét là khu chợ phiên Tả Phìn. Chợ này mỗi tuần họp một ngày và cứ lùi dần. Nếu tuần này chợ họp ngày thứ bảy thì tuần sau họp thứ sáu và tuần sau nữa họp ngày thứ năm, nên còn gọi là chợ Lùi.

Dinh vua Mèo ngày nay có tên gọi là “Khu nhà Vương”, đã được Nhà nước công nhận là "Di tích Quốc gia” từ năm 1993 và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, không thể thiếu cho du khách khi đến thăm Hà Giang và Tây Bắc nói chung.

Lê Bá Lư
Vua Mèo cùng các con và lính cận vệ
Vua Mèo cùng bà vợ thứ ba và con trai

Bồn tắm sữa dê của các bà vợ vua Mèo
Bếp lửa sưởi ấm cho cả nhà quây quần
Phòng ngủ của và Cả
Giường ngủ của bà ba.
Bếp cũng là nơi đặt khung cửi dệt vải
______________________________________________________________________________



CÔN ĐẢO - DI TÍCH CỦA ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
  • Lê Bá Lư

Côn Đảo ngày nay là điểm đến hấp dẫn trong hệ thống du lịch biển đảo của Việt Nam. Nhưng Côn Đảo trước đây được biết đến bởi hệ thống nhà tù khét tiếng dã man kéo dài trong 113 năm (từ tháng 3-1862 đến tháng 4-1975). Trong dòng người đến Côn Đảo hôm nay, có nhiều du khách đến đây để nhìn lại một phần quá khứ bi hùng của dân tộc.


Bảo tàng lịch sử Côn Đảo nằm đối diện với di tích lịch sử Cầu Tàu 914. Trước ngày Côn Đảo được giải phóng, ngôi biệt thự tọa lạc trên khu vườn rộng khoảng 2 héc ta này chính là nơi ở và làm việc của 53 đời chúa ngục.



Bắt đầu vào tháng 3-1862, hệ thống các trại giam giữ tù nhân ở Côn Đảo do người Pháp xây dựng dần dần đến 1945 gồm 4 trại giam và 15 nhà tù. Trong ảnh là cổng trại giam Phú Tường xây dựng vào năm 1941.


Từ năm 1955 đến năm 1975, chính quyền Saigon đã xây thêm số trại giam lên 8 trại, mỗi trại rộng khoảng 10.000m², có tường đá bao quanh, 6 dãy chuồng cọp và 45 xà lim. Ngoài khu vực các trại, còn có hàng chục sở tù như sở đập đá, sở lò vôi, sở rẫy là nơi người tù phải lao động khổ sai. 









Ngày nay, mô hình các tù nhân chính trị trong xà lim đã được dựng lại để du khách có thể hiểu rõ hơn sự khủng khiếp của nơi đã từng một thời được coi là “địa ngục trần gian”.

























Đài tưởng niệm liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Đây là nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975. Nghĩa trang được khởi công xây dựng từ tháng 12-1992 và tiếp tục mở rộng, tôn tạo trên diện tích chừng 20 héc ta.




Nghĩa trang Hàng Dương có 1.903 ngôi mộ (trong đó có 25 mộ tập thể); chỉ có 701 phần mộ xác định được danh tính, 1.202 ngôi mộ không có tên. Đây là nơi an nghỉ của liệt sĩ Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và các anh hùng Cao Văn Ngọc, Lê Văn Việt, Võ Thị Sáu.






Phần mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu trong nghĩa trang Hàng Dương.






Cầu tàu trên đảo Côn Sơn khởi công xây dựng từ năm 1873 và thi công kéo dài hàng chục năm; ước tính đã có 914 tù nhân thiệt mạng do đói rét, lao lực trong khi tham gia xây dựng cầu tàu này. Trong ảnh là bia di tích cầu tàu 914.




Ngày 12 tháng 12 năm 1952, cuộc vượt ngục của 198 tù nhân lao động khổ sai làm con đường đi bến Đầm, bất thành do thời tiết không thuận lợi, 81 người mất tích trên biển, 117 bị bắt lại. Gần như khắp nơi trên đảo Côn Sơn, du khách sẽ gặp rất nhiều tấm bia ghi lại những cuộc đấu tranh, những sự kiện nổi bật từng diễn ra trên hòn đảo ngục tù này.
_______________________________________
Bài đã đăng trên The Saigon Times Online.

________________________________________________________________


GIAI THOẠI "THẦY BÓP" VÕ ĐÌNH ĐOAN
  • Lê Bá Lư

"Thầy bóp" Võ Đình Đoan đứng bên trái,
Lê Bá Lư bên phải hình.
Xin kể câu chuyện vui về bạn Võ Đình Đoangiáo viên chủ nhiệm bộ môn Toán lớp 12 trường PTTH Trương Định (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã vinh hạnh được học trò thân yêu của mình đặt cho biệt danh "Thầy bóp".

Chuyện như vầy:
Ngày 30/9/2005, trường PTTH Trương Định (Gò Công Đông, Tiền Giang) tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, tôi được mời về dự lễ. Cùng đi với tôi có giáo sư Lê Tiến Thường, người thầy hướng dẫn cháu Minh Nhật, con của Đoan đang học tại trường ĐHBK TPHCM.

Khoảng 6g chiều 29/9 chúng tôi đã về đến Gò Công. Theo chỉ dẫn của Đoan, tôi tìm đến trường Trương Định, thấy quang cảnh trường thật nhộn nhịp, đông vui, cờ, đèn, hoa rực rỡ. 
Tôi hỏi mấy em học sinh làm nhiệm vụ đón khách ở cổng trường, cho chúng tôi gặp thầy Võ Đình Đoan.
Một em học sinh hỏi lại tôi: - Có phải các anh muốn gặp "Thầy bóp" không?
Một em nữa lại hỏi: - Các anh là khách mời hay bạn bè thân thiết của thầy Đoan?

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng và thú thật là cảm thấy hơi lo ngại khi nghe biệt danh "Thầy bóp" của Võ Đình Đoan. Tự hỏi, không biết Đoan có làm chi bậy bạ, bóp tùm lum tùm la, chỗ nào cũng bóp? Nếu Đoan bóp bậy mà mình nhận là bạn bè thân thiết của Đoan có khi bị vạ lây. Chuyến đi này không biết hung, kiết như thế nào đây?!

Bản năng cảnh giác trước hiện tượng lạ, không bình thường, tôi trả lời nước đôi: 
Ừ, thầy Đoan lâu rồi chúng tôi cũng chưa gặp!
Một em học sinh đưa hai tay lên gần nhau, ngón tay trỏ của bàn tay phải nhấn nhấn, động tác như đang chụp hình và nói: Thầy Đoan bóp rất thiện nghệ, thầy bóp cái nào ra cái đó. Thầy bóp hình đẹp hết chê, trường em nhờ thầy Đoan mà có nhiều hình ảnh quá sá.

Té ra là thầy Đoan chụp hình, quay phim nổi tiếng ở trường Trương Định, thế mà cứ tưởng...

Lúc đó, lòng đầy tự tin, tôi khẳng định mình là bạn bè thân thiết với thầy Đoan và được các em trân trọng mời vào gặp ông "thầy bóp" đáng kính của mình...
_____________________________________________________________



LỜI HẸN ĐẦU NĂM


Cho anh lời hẹn đầu năm
Để anh lên núi xin xăm cầu tình
Trần gian những chuyện hư vinh

Sao bằng sóng mắt xiêu đình của em
Ước gì ngày hóa ra đêm
Lung linh trời đất ta tìm đến nhau
Trăng sao 
         dẫn lối qua cầu
Dại khờ như thuở ban đầu mười lăm
Cho anh lời hẹn đầu năm
Để anh lên núi xin xăm cầu tình.
________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét